K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

Bài viết tham khảo

Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một tư tưởng luôn được đề cao trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sôi động hiện nay, đây lại càng là vấn đề quan trọng. ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thế hệ trẻ, một lực lượng đông đảo và hùng hậu đang là điều được quan tâm đặc biệt của xã hội.

Hơn bất kì ai, thanh niên, thiếu niên là những đối tượng bén nhạy nhất với các yếu tố văn hoá. Nhìn vào thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là thành viên của thế hệ 8X, 9X người ta thấy biểu hiện một ý thức đối với bản sắc văn hoá dân tộc. Thế hệ trẻ bây giờ nhanh nhạy hơn, năng động hơn, hiện đại hơn, đó là dấu hiệu đáng mừng, bởi nó chứng tỏ tuổi trẻ Việt Nam luôn nắm bắt và theo kịp những yêu cầu của thời đại. Thế nhưng, hãy quan sát kĩ một chút, chúng ta sẽ thấy trong cái năng động, hiện đại đó còn có rất nhiều điều đáng suy ngẫm.

Đầu tiên là từ những cái dễ thấy nhất như đi đứng, nói năng, ăn mặc, phục trang. Xu hướng chung của giới trẻ là bắt chước, học theo phim nước ngoài, theo các diễn viên, các ca sĩ nổi tiếng. Những mái tóc nhuộm nhiều màu, những bộ quần áo cộc cỡn, lạ mắt, những cử chỉ đầy kiểu cách, những câu nói lẫn lộn Tiếng Anh, Tiếng Việt… đó là biểu hiện của một thứ văn hoá đua đòi phù phiếm. Sự chân phương, giản dị mà lịch lãm, trang nhã vốn là biểu hiện truyền thống của người Việt Nam đã không được nhiều bạn trẻ quan tâm, để ý. Chạy theo những hình thức như vậy cũng là biểu hiện của việc quay lưng lại với bản sắc văn hoá dân tộc. ở một chiều sâu khó thấy hơn là quan niệm, cách nghĩ, lối sống. Rất nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam không nắm được lịch sử dân tộc dù đã được học rất nhiều, trong khi đó lại thuộc lòng vanh vách tiểu sử, đời tư của các diễn viên, ca sĩ ; không biết, không hiểu và không quan tâm tới các lễ hội dân gian vốn là sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của nhân dân trong khi rất sành về “chát”, về ca nhạc, cà phê. Ngày lễ, tết họ đến nhà thờ hoặc vào chùa hái lộc nhưng không biết bàn thờ gia tiên đã có những gì. Họ coi sự cần cù, chăm chỉ là biểu hiện của sự cũ kĩ, lạc hậu… Tất cả đều là biểu hiện của một sự thiếu ý thức trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Tiếp xúc với nhiều công dân trẻ tuổi, người ta thấy dấu ấn của bản sắc văn hoá Việt Nam là rất mờ nhạt, mà đậm nét lại là một thứ văn hoá ngoại lại hỗn tạp. Đó là một thực trạng đang khá phổ biến hiện nay.

Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên : nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về phía khách quan, đó chính là tác động của môi trường sống, của bối cảnh thời đại. Thời đại đất nước mở cửa giao lưu, hội nhập với thế giới cho nên văn hoá bên ngoài theo đó mà tràn vào Việt Nam. Đâu đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một thứ văn hoá mới, hiện đại và đầy quyến rũ. Trong một không gian chung như vậy, những nét văn hoá cổ truyền của người Việt dường như đang có nguy cơ trở nên yếu thế.

Về chủ quan, thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm để ý đến vấn đề bản sắc văn hoá. Họ thiếu ý thức giữ gìn, bởi thực chất là họ không hiểu được bản sắc văn hoá dân tộc là gì và cũng không cần hiểu.

Những công dân trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam nhưng lại không giống một người dân nước Việt. Họ có bề rộng nhưng thiếu chiều sâu, chiều sâu của một tâm hồn Việt, một tính cách Việt. Văn hoá dân tộc là cội rễ bền vững của tâm hồn mỗi con người, không lớn lên và bám chắc vào cội rễ đó, mỗi con người chỉ còn là một cá nhân lạc loài giữa cộng đồng của mình. Đó là hậu quả đầu tiên dành cho chính mỗi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Và hãy tưởng tượng, nếu thế hệ hôm nay quên đi bản sắc văn hoá dân tộc mình thì trong một tương lai không xa chúng ta sẽ còn lại gì ? và những thế hệ tiếp nối sau này sẽ ra sao ? Bản sắc văn hoá là linh hồn, là gương mặt riêng của mỗi dân tộc, là yếu tố quan trọng để khẳng định vị thế của dân tộc đó ở giữa cộng đồng thế giới. Đánh mất bản sắc riêng trong nền văn hoá của mình là đánh mất quá khứ, mất lịch sử, mất cội nguồn và chúng ta chỉ còn là một con số không ở giữa nhân loại. Thế hệ trẻ là những người nắm giữ tương lai của đất nước, bởi vậy, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một điều vô cùng cần thiết.

Vậy thì cần làm gì để thực hiện được điều đó. Trước hết, là phải từ sự tự giác ý thức của mỗi người. Mỗi thanh niên, thiếu niên phải thực sự thấy được giá trị của văn hoá dân tộc – những giá trị được chắt lọc và đúc kết từ ngàn đời, được gìn giữ, kế thừa qua bao thăng trầm của lịch sử, đã và đang ăn sâu trong máu thịt của mỗi người dân để dù có đi đâu, sống ở nơi nào, con người đó vẫn luôn là người dân nước Việt.

Gia đình, cộng đồng xã hội cũng phải chung sức, chung lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hoá đó trong sự trà trộn phức tạp của những luồng văn hoá khác. Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, giữ gìn ở đây không có nghĩa là khư khư ôm lấy cái đã có. Cần phải kế thừa phát huy nhưng đồng thời cũng phải phát triển nó lên bằng cách kết hợp có lựa chọn với những yếu tố văn hoá mới tích cực. Từ đó hình thành một nền văn hoá Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, đa dạng, vừa thống nhất, đảm bảo được yêu cầu “hoà nhập nhưng không hoà tan” trong một thời đại mới. Thực hiện điều này là trọng trách, là nghĩa vụ của mỗi công dân, của mỗi thanh, thiếu niên hôm nay.

Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là đóng góp có ý nghĩa đầu tiên cho đất nước mà mỗi thanh thiếu niên có thể làm và hãy làm bắt đầu từ việc điều chỉnh, uốn nắn chính những hành vi, ý thức của bản thân mình.

6 tháng 7 2019

Trang phục là một nhu cầu vật chất quan trọng trong đời sống của con người. Với tính chất thực dụng, nó là một sản phẩm; dưới góc độ thẩm mỹ, nó lại là một tác phẩm. Chức năng cơ bản trước nhất của nó là bảo vệ con người. Về mặt này, trang phục dân tộc Việt đã đạt được hiệu quả cao. Thông qua cái nhìn lịch đại kết hợp với đồng đại, ta thấy trang phục người Việt, từ dạng kiểu đơn sơ, giản dị, đẹp như tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cùng với quá trình hòa nhập với thế giới, trang phục ở nước ta có những “biến dạng” theo hướng tiêu cực đáng báo động. Đặc biệt xu hướng này phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ.

Trang phục hay y phục là những đồ để mặc như quần, áo, váy,… để đội như mũ, nón, khăn,… và để đi như giầy, dép, ủng. Ngoài ra, trang phục còn có thể thêm thắt lưng, găng tay, đồ trang sức,… Chức năng cơ bản nhất của trang phục là bảo vệ thân thể. Tiếp đó, trang phục cũng có chức năng thẩm mỹ, làm đẹp cho con người.

Xã hội ngày càng phát triển, vấn đề ăn mặc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng đến đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là giới trẻ. Bên cạnh những kiểu trang phục truyền thống chuẩn mực, ngày nay, cách ăn mặc của các bạn trẻ ngày càng có nhiều xu hướng đi ngược truyền thống gây nên nhiều phản cảm trong xã hội. Điều này đặt ra nhiều vấn đề để chúng ta cần suy ngẫm.

Xưa nay, ăn và mặc luôn là hai nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nếu như ăn là để duy trì sự sống thì mặc là để bảo vệ cơ thể, làm đẹp bản thân. Khi cuộc sống cải thiện thì nhu cầu ăn mặc càng được nâng cao. Trang phục mặc trên người không chỉ làm đẹp cho bản thân, tôn trọng bản thân mà còn tạo thiện cảm với mọi người. Văn hóa ăn mặc thể hiện năng lực thẩm mĩ và bản lĩnh của con người qua mỗi thời đại. Mặc đẹp, sang trọng, đứng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và môi trường là điều cần thiết. Nhưng mặc thế nào để không trở nên lạc lõng với mọi người xung quanh mà vẫn làm đẹp cho cộng đồng, xã hội và dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại là điều quan trọng.

Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề ăn mặc của giới trẻ hiện nay. Nhìn chung, cách ăn mặc của giới trẻ hiện nay vừa gìn giữ được văn hóa ăn mặc truyền thống vừa tiếp nhận xu hướng phát triển của thế giới. Đối với thế hệ trẻ, những đối tượng nhạy bén với thời trang, họ nhanh chóng thích ứng với nhiều xu hướng, trường phái, phong cách khác nhau. Một số bạn trẻ đã tiếp thu và chọn lọc để có phong cách ăn mặc hài hòa, phù hợp với giới tính, độ tuổi, hoàn cảnh giao tiếp. Sự tiếp biến ấy giúp các bạn trẻ có phong cách thời trang thanh lịch, nhã nhặn nhưng vẫn hiện đại, trẻ trung và tạo ra hình mẫu thời trang lý tưởng. Đó là phong cách thời trang được mọi người ưa chuộng, tán đồng và ngưỡng mộ. Có thể thấy, thông qua các bạn trẻ, những kiểu trang phục và phong cách thời trang tiến bộ của thế giới đã được phổ biến khá rộng rãi tại nước ta trong thời gian qua.

Bên cạnh đó các kiểu thời trang truyền thống vẫn còn yêu thích và sử dụng rộng rãi. Ta có thể thấy các kiểu áo dài truyền thống, sơ mi, áo bà ba,…vừa mang tính cổ điển vừa mang một chút cách tân cho phù hợp với sở thích và thời đại mới vẫn còn khá phổ biến.

Tuy nhiên, ngày nay, có một số bạn trẻ bắt chước cách ăn mặc của các thần tượng hoặc đua đòi theo xu hướng thời trang “kì lạ” để gây sự chú ý. Nhưng điều mà người ta chú ý không phải là phong cách đẹp đẽ, phù hợp mà là lập dị, bụi bặm hoặc hở hang.

Quá ngắn, quá mỏng, quá hở hoặc kì quặc là những từ người ta thường dùng để chỉ phong cách ăn mặc này. Tại các thành phố lớn, ta vẫn thường gặp những bạn trẻ có cách ăn mặc táo bạo này. Những chiếc áo quá mỏng, quá hở, quần jean xé gấu, áo thun in hình ảnh đầu lâu phản cảm hoặc những dòng chữ tối nghĩa hoặc tục tĩu,… Một trong những suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là các bạn nữ là lối ăn mặc hở hang, “mặc như không mặc”. Ra đường, không khó để bắt gặp những chiếc quần ngắn cũn cỡn làm người ta đỏ mặt. Hay những chiếc áo xuyên thấu có thể nhìn thấy toàn bộ nội y bên trong. Khoe vẻ đẹp hình thể vốn là một nhu cầu của con người nhưng khoe mẽ một cách quá lố lại đi ngược với đạo đức và chuẩn mực xã hội.

Thật không lạ với những chiếc áo, chiếc váy khoét sâu, mỏng manh chỉ cần một cơn gió là có thể “phản chủ”. Họ quan niệm rằng, “đẹp là khoe” nên chọn cho mình những bộ áo quần ít vải, hở quá đà, nhưng người ta chỉ thấy “nóng mắt”, phản cảm từ những bộ cánh “ấn tượng” ấy. Từ những trang phục, người ta có thể đánh giá nhân cách của cả một con người. Đại đa số đều cho rằng, đó là những con người vô ý thức, bởi nếu có ý thức thì họ đã không chọn những chiếc áo quá mỏng, những chiếc quần quá ngắn lộ cả phần nhạy cảm của cơ thể.

Thậm chí, nhiều người còn sử dụng phong cách ấy ở những nơi công sở, chốn công cộng, hoặc những nơi tôn nghiêm, thành kính khác. … gây sự phản cảm cho mọi người. Ta vẫn thường thấy những kiểu tóc lạ lẫm nhiều màu hay những hình xăm quái dị được các bạn trẻ ưu dùng xuất hiện trên các đường phố. Ta cũng thường thấy những kiểu kết hợp trong ăn mặc rắc rối, xa lạ, thiếu sự thân thiện, thiếu thẩm mĩ mà các bạn trẻ cho là bình thường. Một chiếc váy ngắn, một chiếc áo khoét cổ rộng lại xuất hiện trên sân chùa, viện bảo tàng, khu tưởng niệm, nhà văn hóa thì thật là không có văn hóa.

Vẻ đẹp trong cách ăn mặc truyền thống vốn tồn tại trong đời sống thường ngày dần mất đi bản sắc. Điều này khiến chúng ta lo lắng trước những đổi thay về văn hóa trong quá trình hội nhập. Từ trước đến nay, chưa bao giờ cách ăn mặc của người Việt Nam, nhất là một bộ phận giới trẻ ngày nay lại gây đau đầu cho những cơ quan văn hóa đến vậy. Vì vậy, vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc trong cách ăn mặc cần được chú trọng.

Có nhiều nguyên nhân làm nảy sinh những lối ăn mặc “dị hợm” này. Trước hết là do sự phát triển của nền kinh tế mở ra cơ hội giao lưu của các nền văn hóa cho phép các bạn trẻ tiếp cận và tiếp nhận các kiểu trang phục của các dân tộc trên khắp thế giới. Sự bắt chước khập khiễng được xem là một cơ hội để thể nghiệm và khẳng định bản thân. Thời đại internet mở rộng đẩy mạnh tốc độ trao đổi thông tin không giới hạn khiến cho nhu cầu học hỏi cũng tăng theo.

Nguyên nhân chính là do sự suy đồi đạo đức, lối sống đua đòi của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay. Họ thích làm nổi bậc mình, thích sống khác thường theo kiểu thời thượng kì quặc, lố lăng mà không quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống hay cảm nhận của người khác. Từ đó, làm nảy sinh những lối ăn mặc phản cảm, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Trào lưu “mốt” từ đó cũng ra đời và phát triển dần, đặc biệt người cập nhật xu hướng luôn là các bạn trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những bộ cánh đẹp mắt thì vẫn có những trang phục gây khó chịu với người đi đường. Lối ăn mặc “độc”, “lạ” và “dị” không giống ai của giới trẻ là một trong những vấn đề đáng quan ngại.

Tuổi trẻ luôn tò mò, hào hứng với những cái mới mẻ, cái khác lạ. Điều đó dẫn đến tình trạng lệch chuẩn trong nhận thức và hành vi ứng xử của con người. Những chiếc áo, chiếc quần màu mè, sặc sỡ đi kèm với những phụ kiện kì dị càng gây nên sự mất thiện cảm với người khác. Các bạn trẻ cho rằng đấy là “độc lạ”, là “cá tính”. Thực chất, những bộ trang phục “không giống ai” mà họ mặc trên người chỉ gây sự chú ý khi ra đường theo hướng tiêu cực.

Không chỉ thế, ngày nay, một bộ phận nghệ sĩ, ca sĩ trẻ – những người luôn xuất hiện và gây ảnh hưởng đối với công chúng – lại cổ súy cho phong trào ăn mặc hở hang, phản cảm ấy. Họ thường xuất hiện trước công cúng với những kiểu trang phục gây “sock”, mới và lạ nhằm thu hút sự chú ý của khán giả. Những kiểu ăn mặc phản văn hóa ấy vô tình được ca ngợi, đề cao, trở thành “mốt” được các bạn trẻ hâm mộ, bắt chước và sao chép một cách khập khiễng.

Gia đình chưa có cách giáo dục đúng đắn con em của mình. Xã hội còn thờ ơ, thiếu quan tâm hay điều chỉnh xu hướng sở thích của giới trẻ. Sự khác biệt luôn được đề cao nhưng khác biệt mà vi phạm các giá trị thẩm mĩ truyền thống và đạo đức con người thì cần phải loại bỏ, cần phải đã kích và loại trừ ra khỏi cuộc sống.

Phong cách ăn mặc không chỉ thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người mà còn làm đẹp hơn cho bộ mặt của xã hội. Qua phong cách ăn mặc của giới trẻ ta hiểu đất nước đó phát triển đến độ nào. Do vậy, các bạn trẻ cần chú ý khi lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với vóc dáng, hoàn cảnh và xu thế thời đại nhưng quan trọng hơn cả là không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Nâng cao năng lực thẩm mĩ, xu hướng thời trang tiến bộ là việc cần làm của giới trẻ hiện nay.

Nhà trường, gia đình và xã hội quan tâm hơn nữa việc giáo dục, điều chỉnh phong cách ăn mặc cho giới trẻ. Xác định những kiểu trang phục truyền thống còn phù hợp và phát huy nó trong thời đại mới, đồng thời định hướng cho giới trẻ tiếp nhận những kiểu trang phục phù hợp của các dân tộc trên thế giới để giới trẻ có lụa chọn đúng đắn. Đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực, đề cao đạo đức, tạo bản lĩnh hội nhập cho giới trẻ trong thời đại hiện nay.

Nghiêm cấm các kiểu trang phục phản cảm trong các cuộc trình diễn nghệ thuật. Nghiêm cấm việc dùng trang phục hở hang nhằm lôi kéo đám đông của các ca sĩ, nghệ sĩ.

Việc lựa chọn ăn mặc như thế nào là quyền của mỗi cá nhân, song qua trang phục làm con người đẹp hơn là một điều cần phải quan tâm hơn nữa. Trang phục phù hợp, đứng đắn sẽ giúp các bạn trẻ dễ thành công hơn trong cuộc sống.

Xã hội càng phát triển thì cũng kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như con người. Trong đó, có một thực trang đang là vấn đề báo động, cần lên án - lối sống thực dụng, chạy theo vật chất. Xuất hiện ngày càng nhiều và nó phổ biến nhất không chỉ trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay, mà đang là một gánh nặng, trở nên tiêu cực đối với toàn xã hội.

Thế nào là lối sống thực dụng và tại sao nó ngày càng phát triển rộng rãi? Đó là một câu hỏi đang nhức nhối cả cộng đồng. Đây là một lối sống mà người mắc phải là những người luôn coi nặng giá trị vất chất, luôn chạy theo những nhu cầu trước mắt, đặt cao lợi ích bản thân lên trên tất cả mà quên đi những người xung quanh, những giá trị tinh thần. Họ gần như trở thành một con người ích kỉ, sẵn sàng làm mọi việc để trục lợi. Điều này, đã làm băng hoại đạo đức con người, trở thành một căn bệnh nguy hiểm, khiến cho họ dễ dàng trở nên bị cô lập, dễ dàng bị mọi người tránh xa. Nhưng tại sao nó lại càng trở nên phổ biến khi xã hội hiện đại và phát triển? Đặc biệt là trong giới trẻ?

Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào biểu hiện của lối sống thực dụng. Nó là một cuộc sống buông thả, thờ ơ và có những hành xử thô bạo, làm trái với phạm pháp luật nhà nước. Bên cạnh đó, người có lối sống thực dụng thì đối với họ những giá trị đạo đức, nhân cách, hay tâm hồn chỉ là một màng tơ mỏng manh mà cái được họ coi trọng và chú tâm đó là “lợi ích”, những thứ mà họ có thể đong đếm tính toán được bằng tiền bạc, vật chất nhằm thỏa mãn bản thân. Mà hiện nay, do nhu cầu hội nhập, nên công nghệ phát triển, nên càng ngày càng có nhiều bạn trẻ dễ dàng rơi vào những cạm bẫy, rơi vào những thói hư tật xấu, những phong trào mà có thể coi là “vớ vẩn”. Họ sẵn sàng chọn một công việc theo thị hiếu xã hội, một công việc có thể kiếm ra tiền chứ không phải theo sở thích hay khả năng của bản thân. Không coi trọng pháp luật, không coi trọng đạo đức nên dễ dàng có những hành vi như bạo lực, cướp bóc,…ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hay dễ dàng sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, bỏ bê việc học hành để cắm đầu vào những trò chơi vô bổ như game, đua xe, tụ tập đi bar, đi vũ trường. Đây chính là một lối sống hưởng thụ, hưởng lạc quá mức.

Việc xuất hiện lối sống thực dụng ở giới trẻ hiện nay trước tiên là do ý thức của bản thân sau đó chính là do môi trường giáo dục còn chưa đề cao đến đạo đức, nhân cách hay dạy cho giới trẻ những kĩ năng sống, và một nữa chính là nằm ở nền móng gia đình, bố mẹ quá bận rộn, chỉ lo kiếm tiền mà thiếu đi sự quan tâm, sự lo lắng, sát sao với con cái. Cũng nằm ở một phần ở xã hội chưa tạo ra được một sân chơi lành mạnh, không tổ chức được những hoạt động hữu ích để thu hút được giới trẻ. Hậu quả để lại khiến bao người phải ngao ngán bởi tác hại của nó đã làm tha hóa đi con người, giới trẻ hiện nay là tương lai của đất nước nhưng khi bị tha hóa đi liệu rằng….Sống thực dụng khơi dậy cho con người những ham muốn bản năng, làm họ chỉ mong muốn, có cơ hội để chạy theo lối sống hưởng lạc, chạy theo những lợi ích trước mắt mà quên đi bản thân của mỗi người cần phải phấn đấu, cần phải có mục tiêu, ước mơ và nghị lực. Nếu nhìn vào mối quan hệ giữa người với người của giới trẻ hiện nay nói riêng và những người sống thực dụng nói chung ta sẽ thấy mối quan hệ luôn mang bản chất vụ lợi, coi vật chất là thứ đánh giá chứ không để tình cảm lành mạnh chứng minh. Và ở trong cuộc sống cũng vậy, họ luôn vô trách nhiệm, bàng quang trước mọi việc, vô cảm trước những mảnh đời bất hạnh, không biết đấu tranh chống lại cái sai, cái xấu cũng như không bao giờ họ ủng hộ cái đúng cái tốt.

Vì vậy cần phải lên án và loại trừ đi lối sống thực dụng. Nhưng bằng cách nào, để có một cuộc sống lành mạnh hãy sống biết khát khao, có khát vọng, lí tưởng, có những hoài bão và mục đích sống để mình biết phấn đấu, mình có động lực. Còn các bạn, tuổi còn rất trẻ cho nên hãy cứ sống và biết ước mơ, rồi cố gắng biến ước mơ thành hiện thực từ những hành động cụ thể trở thành một người năng động, dám nghĩ dám làm. Khi đó bạn sẽ cảm thấy từng khắc, từng giờ đáng để trân trọng thì làm sao có thể bị cám dỗ bởi những lối sống ích kỉ, đời thường. Bên cạnh đó, gia đình, cha mẹ, nhà trường và cả xã hội hãy quan tâm hơn, sát sao hơn, giáo dục đào tạo để tạo được động lực phấn đấu cũng như có thể thu hút, hướng giới trẻ đến những việc làm có ích.

Chúng ta hãy tự rút ra cho mình bài học nhận thức và hãy hành động. phải đấu tranh với chính bản thân mình để loại trừ lỗi sống thực dũng. Hãy làm những hành động tích cực, hãy chủ động tìm và nắm bắt cơ hội, hãy hướng tới tương lai tốt đẹp cho chính mình. Và hãy nhớ rằng “việc hội nhập với cuộc sống hiện đại là rất cần thiết nhưng không phải vì thế mà đánh mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp”.

Tôi và bạn đều cần đứng lên để “Lối sống thực dụng cần lên án, cần xóa bỏ như một căn bệnh nguy hiểm của đời sống xã hội”.



Một điều không thể phủ nhận, ngày nay đời sống của các tầng lớp nhân dân đang được nâng cao, đi cùng với nó là sự nâng lên của trình độ tri thức, nhận thức nói chung và nhận thức pháp luật nói riêng. Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến pháp luật, ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật có những tiến bộ rõ rệt. Họ đã tiếp thu khá nhiệt tình, tích cực sự tuyên truyền pháp luật từ phía các cơ quan, ban ngành cũng như hưởng ứng nhiệt tình các cuộc vận động pháp luật. Vì vậy, nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn hành vi của mình để có thể thực hiện tốt hơn những quy định của pháp luật.

Tuy vậy, bên cạnh đó ý thức pháp luật trong nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận không nhỏ nhân dân trình độ nhận thức pháp luật kém. Kiến thức pháp luật của nhân dân, đặc biệt những vùng nông thôn, miền núi còn rất thấp. Rất nhiều người tham gia pháp luật mà không biết những quy định của pháp luật mặc dù nó rất gần gũi, phổ biến trong cuộc sống. Ví dụ hiện nay, trên địa bàn cả nước, số lượng phương tiện giao thông đang tăng nhanh, số người tham gia giao thông đường bộ rất nhiều, nhưng điều đáng buồn là rất nhiều trong số đó không biết luật giao thông đường bộ quy định bao nhiêu tuổi được phép điều khiển xe máy, khi tham gia giao thông bằng xe máy phải cần những giấy tờ gì… Nhiều người vi phạm pháp luật mà không nhận thức được hành vi của mình. Tôi đã từng đọc một bài báo và tác giả đã kể trong một lần tuyên truyền pháp luật ở xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang (một xã miền núi của tỉnh) khi được hỏi: “Cứ về ở với nhau có con là thành gia đình thôi”… Qua một vài ví dụ đơn giản như thế cho thấy rằng nhận thực pháp luật của người dân ở nước ta hiện nay là điều đáng lo ngại.

Điều đáng cảnh báo là số người vi phạm pháp luật ở nước ta ngày càng tăng. Các hành vi vi phạm pháp luật của nhân dân đa dạng: Hình sự, dân sự, hành chính… với các mức độ nặng nhẹ khác nhau, như các vụ tranh chấp đất đai, kiện tụng, buôn lậu, trốn thuế, giết người… Đặc biệt, hàng ngày, hàng giờ xung quanh chúng ta là các vụ vi phạm luật giao thông. Về hình sự xảy ra nhiều vụ phạm tội, có những vụ rất thương tâm và đau lòng. Có người sẵn sàng giết người chỉ vì cần tiền hút trích, ăn chơi hay để trả thù. Hiện nay, ở nước ta một bộ phận thanh thiếu niên trình độ văn hoá nói chung, trình độ nhận thức pháp luật cũng như ý thức pháp luật rất thấp. Số vụ vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng và phức tạp hơn… Ở nhiều địa bàn trên cả nước hiện tượng thanh thiếu niên bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, ăn chơi sa đoạ dẫn đến phạm pháp với các hành vi: Nghiện ngập, giết người, cướp của, trộm cắp… trở thành nỗi lo ngại cho gia đình và xã hội. Tất cả những điều đó đã và đang giáng một tiếng chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay ở nước ta. Những vi phạm đó phải chăng xuất phát rất nhiều từ vấn đề ý thức pháp luật của quần chúng.

Những hạn chế về ý thức pháp luật của nhân dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết đó là do trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nhất là ở những vùng nông thôn miền núi, vì vậy nên trình độ nhận thức pháp luật của nhân dân kém. Công tác tuyên truyền pháp luật trong quần chúng chưa toàn diện, chưa sâu rộng và chưa hiệu quả. Những hành vi vi phạm pháp luật của người dân có thể do không nhận thức được hành động của mình, có thể nhận thức được nhưng vẫn cố tình vi phạm vì mục đích cá nhân. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự tác động của tư tưởng, tâm lý xã hội tiêu cực, lạc hậu…

20 tháng 10 2021

Tham khảo:

 

Sống ở thế chủ động là hành động độc lập với hoàn cảnh xung quanh, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân… Tuổi trẻ nhất định phải luôn sống ở thế chủ động bởi cuộc sống không dễ dàng hay thiên vị đối với bất kì ai, luôn luôn đặt chúng ta vào những tình huống, thử thách phải chủ động tìm cách giải quyết. Sống chủ động giúp tuổi trẻ tự tin, bản lĩnh, linh hoạt ứng xử trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ. Tuổi trẻ chủ động sẽ không ngừng tạo được cơ hội mới khẳng định bản thân, đạt được thành công; Xã hội có nhiều cá nhân sống chủ động sẽ tạo ra một bầu không khí dám nghĩ, dám làm, nâng cao chất lượng công việc. Thật đáng buồn khi một số bạn trẻ đang sống dựa dẫm vào người khác, thiếu tự tin, đặt mình ở thế thụ động. Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.Tuổi trẻ cần tự tin, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo tìm kiếm những cơ hội và xây dựng kế hoạch để chinh phục ước mơ.

7 tháng 11 2021

Em tham khảo nhé:

Tâm trạng nhân vật trữ tình thể hiện trong hai bài thơ " hồi hương ngẫu thư" của Hạ Tri Chương và "Trở lại An Nhơn " của Chế Lan Viên đã gợi ra trong lòng người bao xúc cảm. Trong Hồi hương ngẫu thư, đó là nỗi nhớ của con người xa quê lâu ngày mà nay mới trở về quê hương. Sự xúc động trong lòng tác giả là nỗi hoài vọng của con người xa quê lâu ngày. Và nay, mọi thứ đều đã và đang đổi thay. Lòng người xa quê bao giờ cũng mang vấn vương. Hạ Tri Chương vấn vương, chua xót vô cùng khi ông chỉ còn là người khách lạ trên quê hương dẫu cho giọng quê không đổi. Tác động từ đám trẻ nhỏ khiến lòng nhà thơ càng thêm u sầu khi trở thành khách trên chính quê hương mình. Xúc động nghẹn ngào trong lòng Chế Lan Viên là nỗi xúc động vô cùng vô tận. Khi trở lại quê hương mọi thứ đổi thay, cảnh mất, người mất. Và lòng của con người cao tuổi ấy lại càng thêm những vấn vương thuở xưa.