K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

21 tháng 12 2018

Năm học lớp 4, tôi bị ốm một trận kéo dài 13 ngày. Trước đó một năm, em Trinh yêu thương của tôi đang học lớp 2 bị ốm rồi mất một cách đột ngột. Bà nội bố mẹ tôi và tôi cứ đau buồn mãi. Đêm đêm, bà và mẹ vẫn sờ tay vào trán tôi, lặng lẽ nhìn đứa cháu ốm đau, nước mắt đầm đìa. Bà thở dài và ho rũ rượi.

Dạo ấy, tháng 9 mưa tầm ta kéo dài. Một buổi chiều mưa gió, mẹ đang nấu cháo cho tôi, bất ngờ có một con chim lạ ướt lướt thướt bay vào bếp. "Chim sa, cá nhảy” là điềm gở - mẹ thầm nghĩ thế. Mấy lần bị mẹ đuổi ra, nhưng con chim lạ vẫn kêu thảm thiết, như đứa bé khóc, cứ đi vào. Mẹ nói chuyện đó với bà. Bà vội vàng đi xuống bếp, bắt con chim non đặt lên bàn tay gầy guộc. Con chim sáo mỏ vàng mới ra ràng thì bị gió mưa làm rã cánh. Bà nói với mẹ như tự nói với lòng mình:

- Đây không phải là “chim sa, cá nhảy”. Nó là một em bé mồ côi đang bị tai họa, phải thương nó, phải cứu vớt nó như cứu vớt một con người. Bà nghe nó kêu thê thảm như tiếng gọi của cháu Trinh cơ mà...

Mẹ và bà lấy cơm nguội cho chim ăn và sưởi ấm cho nó. Đói quá, chim ăn một cách ngon lành. Bố đã mượn một chiếc lồng của anh Ca con bác Thuận để nuôi con chim non.

Rất lạ là ngày hôm sau đó, tôi dứt cơn sốt rồi khỏe dần, ăn cháo, ăn cơm, đi lại được từ trong nhà ra sân, ra ngõ. Ba ngày sau, tôi đòi bố mẹ đưa tôi đến lớp. Bà và bố mẹ mừng lắm. Mẹ nói với bà và bố:

- Con chim non này đã mang tin vui, tin tốt lành cho gia đình ta. Ta nên để nuôi và chăm sóc nó...

Mấy ngày sau đó, bố đã mua được một chiếc lồng son tuyệt đẹp ở thị trấn đem về. Con chim non bé bỏng đã trừ thành một người bạn nhỏ quý mến của tôi.

Hôm nào đi học về, tôi cũng bắt cho chú chim non một vài con cào cào, châu chấu. Nó vừa kêu ríu ra ríu rít, vừa ăn một cách ngon lành. Tôi tập cho nó ăn mít chín, ăn chuối, ăn khoai, ăn dường, ăn thịt mỡ... Tôi làm theo đúng điều bà dặn là tập cho chim ăn đủ thứ mặn, ngọt... để nó quen dần, không bay mất.

Chỉ hơn một năm sau, con sáo mỏ vàng đã có một bộ cánh xanh đen biêng biếc, cái đuôi trắng xòe ra như chiếc quạt lụa. Cái mỏ vàng chanh. Cặp mắt tròn óng a óng ánh. Đôi chân bé nhỏ màu nâu, nhảy nhót trông rất ngộ. Sớm sớm, chiểu chiều, con sáo cất tiếng hót véo von.

Sáng sớm nào cũng vậy, tôi mở cửa lồng, chim đã bay một vòng quanh sân, rồi đậu lên bờ tường. Chim cất tiếng hót ríu rít khi bố mẹ dắt xe đi làm, khi tôi khoác cặp sách lên vai đi học. Chim nhảy chân sáo theo bà ra vườn. Trong lúc bà lúi húi hái rau, nhổ cỏ thì chim đi hết luống rau này đến khóm hoa khác bắt sâu bọ. Mỗi lần bắt được một con sâu ngậm vào mỏ, nó liền bay đến trước mặt bà, kêu ríu rít như để khoe, để báo công. Hôm nào cũng vậy, tôi đi học vừa về tới ngõ thì chú ta đã bay ra đón chào. Nó đậu lên vai, nó đậu lên cặp sách, nó hót mừng ríu rít. Hình như nó hỏi tôi: “Hôm nay anh được mấy điểm 10? Bữa nay có con châu chấu, cào cào đặc sản nào không?”.

Ba năm sau, cặp mắt con sáo mỏ vàng đã đỏ rực, tiếng hót khàn khàn. Nó tập nói tiếng người. Tôi trở thành “thầy giáo” dạy nó tập nói. Nó rất sáng dạ. Chỉ một thời gian ngắn nó biết gọi bà: “Bà ơi! Có khách! Có khách!”. Nó đánh thức tôi: “Kỳ ơi! Đi học! Đi học!”. Nó vừa ăn chuối vừa khen: “Ngon! Ngon!”. Bô' mẹ đi làm về, nó vỗ cánh, kêu: “Chào ngài! Chào ngài!”.

Con sáo mỏ vàng thật đáng yêu. Nó là cái đồng hồ báo thức mỗi sáng cho gia đình. Nó đem bao niềm vui cho tất cả mọi người. Nó quyến luyến, nó ân cần, nó quan tâm đến tất cả. Nó quý bà lắm! Bà bị ốm, nó bỏ ăn, suốt ngày đêm quanh quẩn nơi bà nằm. Có bà con nào đến thăm, nó mừng rỡ cất tiếng gọi: “Bà ơi! Có khách! Có khách!”.

Sáng nay, trời nắng đẹp, con sáo mỏ vàng lại theo bà ra vườn. Mẹ thường nói: “Bà là ân nhân của con chim nhỏ”. Bà thì bảo: “Có con sáo mỏ vàng, cháu bà vừa ngoan vừa học giỏi”. Còn tôi thì thầm nghĩ: “Giá em Trinh còn sống thì năm nay em đã lên học lớp 6 rồi; em sẽ vui sướng biết bao khi có con chim sáo mỏ vàng làm bạn”.

Nguyễn Xuân Kỳ - lớp 8A Trường THCS Tĩnh Gia - Thanh Hóa

Bài làm 2: Chú cún của tôi

Chú Cún của tôi giờ đã được bốn tuổi, lông trắng muốt, hơi xù trông rất đáng yêu. Bố tôi mua nó về vừa để nó giữ nhà, vừa để cho tôi có bầu có bạn.

Năm tôi 12 tuổi, nó còn bé nhỏ nên tôi gọi là “Cún Con”. Tôi là một cô bé rất yêu loài vật, nên tôi coi “Cún Con ” như một người bạn nhỏ vô cùng yêu thương, quý mến. Tôi luôn tự cho mình là một cô chủ tốt bụng, phải lo cho người bạn nhỏ một cách tận tình chu đáo. Tôi săn sóc Cún từ việc cho ăn những món ngon, đến tắm rửa, chải lông, nô đùa với Cún. “Cún Con ” rất quấn tôi. Ngày nào cũng vậy, lúc tôi đi học về là nó chạy ra ngõ, mồm rít lên như reo mừng, hai chân trước ôm chặt lấy tôi, dụi đầu vào chân, vào tay tôi. Có lúc, nó giả vờ cắn vào tay tôi; tôi biết là nó cắn yêu nên túm lấy đầu, lấy tai Cún. Lúc tôi ngồi học, nó nằm ở quanh chân, đôi tai vểnh lên nghe ngóng, cặp mắt lim dim theo dõi mọi cử động của tôi. “Cún Con ” vẫn theo tôi đi dạo chơi, đi thăm vườn.

Những buổi chiều chủ nhật, tôi thường dắt “Cún Con” đi dạo chơi trên đường phố. Dây xích buộc vào cổ, tôi đi trước, dắt Cún theo sau. Cún vô cùng vui sướng, lúc chạy lên, lúc vòng trái, lúc vòng phải. Nó nghiêng đầu, ngước mắt khi nhìn những khóm hoa, những bóng người đi lại; dạo chơi trong công viên. Những buổi dạo chơi ấy, tình bạn của tôi với “Cún Con ” càng trở nên đằm thắm, nồng hậu.

Nhưng, một hôm, tôi đưa Cún ra công viên chơi. Vì mải mê xem chuồng thú, tôi đã buộc “Cún Con” vào một gốc cây phượng đang nở hoa. Có nhiều con thú mới lạ, nhiều loài chim đẹp mới được đưa về nuôi trong vườn thú. Tôi cứ say mê ngắm nhìn. Đến lúc quay lại thì “Cún Con” đã mất bóng từ bao giờ! Tôi hoảng lên. Tôi chạy khắp công viên tìm kiếm. Tìm mãi mà chẳng thấy. Tôi buồn như kẻ mất hồn. Đến tối mịt, tôi mới lững thững trở về một mình. Tôi vừa đi vừa khóc thút thít.

Tối hôm ấy, tôi cứ nằm thao thức, thương nhớ “Cún ***** tôi bảo: “Cún Con đã bị kẻ gian bắt mất rồi! Thương con chó tinh khôn và ngoan ngoãn quá!”. Cả ngày hôm sau, tôi cứ ngơ ngẩn cả tâm hồn. Ngồi trong lớp học, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ đến “Cún Con”.

Thật kì lạ, ba ngày hôm sau, một đêm mưa gió não nùng, tôi đang nằm thao thức, chợt nghe tiếng rên ư ử từ ngoài sận vọng vào. Bố tôi gọi: “Nhật ơi! Cún Con đã về”. Người nó ướt như chuột lột. Nó nhảy lên mừng rỡ, ôm chặt lấy tôi. Tôi vô cùng sung sướng chạy xuống bếp lấy cơm cho Cún ăn. Dưới ánh đèn, tôi bồi hồi ngắm nhìn người bạn nhỏ vừa thoát nạn trở về...

Minh Nhật - Lớp 8 THCS



22 tháng 12 2018

c tham khảo nhé Kết quả tìm kiếm | Học trực tuyến

13 tháng 1 2022

hừm cần gấp không?

13 tháng 1 2022

gấp

9 tháng 9 2021

Tham khảo dàn ý về con mèo (Nếu bạn muốn con trâu thì cũng được, sẽ có nhiều cho bạn)

I. MỞ BÀI:

Dẫn dắt, giới thiệu về con mèo (loài vật đáng yêu, thân thuộc,...).

 

II. THÂN BÀI:

1. Khái quát chung về loài mèo:

- Mèo là loài động vật thuộc lớp thú.

- Có nhiều giống mèo khác nhau (có thể dẫn chứng tên một vài giống mèo mà em biết)
- Hiện nay, mèo là một trong những thú cưng phổ biến nhất trên thế giới.
- Mèo nhà quen thuộc, gần gũi với con người từ rất sớm (khoảng 9.500 năm).

 

2. Đặc điểm:

- Tai: có 2 tai, mỗi tai có 32 cơ riêng biệt điều khiển hướng nghe, hai tai mèo có thể vểnh theo 2 hướng khác nhau để nghe ngóng, rất thính,...
- Mắt: có nhiều màu nhưng phổ biến là vàng, cam, xanh dương, xanh lá; có thể nhìn rõ vào ban đêm và nhìn kém hơn vào ban ngày,...
- Mũi: rất nhạy, ngửi được nhiều mùi hương so với con người,...
- Miệng: nhỏ, có ria mép,...
- Chân: 4 chân, bàn chân có đệm thịt, có móng vuốt nhọn có thể thu vào và giương ra tự nhiên,...
- Lông: có nhiều màu tùy theo loại, mềm mại, bao phủ toàn thân,...

 

3. Tập tính loài mèo:

- Thích chạy nhảy, leo trèo, có khả năng bám tốt ở nơi cao bằng móng vuốt.

- Thường đùa giỡn, hoạt động về đêm và ngủ vào ban ngày.
- Có khả năng săn mồi tốt.

 

4. Vai trò:

- Bắt chuột giúp con người bảo vệ nhà cửa, mùa màng.
- Tạo ra niềm vui cho con người.

 

5. Lời khuyên:

- Chăm sóc, yêu quý, bảo vệ loài mèo.
- Có những biện pháp ngăn chặn những hành vi tổn thương, giết hại mèo.

 

III. KẾT BÀI:

Nêu cảm nhận, suy nghĩ của bản thân về con mèo (người bạn nhỏ bé, có ích,...). Đúc kết kinh nghiệm cho bản thân (biết quý trọng, bảo vệ mèo,...).

9 tháng 9 2021

Minh cảm ơn bạn!!!! :3

30 tháng 11 2021

Kiểm tra giữa kì thì bạn phải tự làm

30 tháng 11 2021

Bài giữa kì thì em tự làm đi, không tự làm thì làm sao viết Văn hay lên được

21 tháng 11 2021

 

 

21 tháng 11 2021

tham khảo

 

I. Mở bài:

Giôn - xi giới thiệu về mình: Tôi là Giôn - xi, nhân vật trong truyện ngắn “chiếc lá cuối” cùng của O Hen - ri, là họa sĩ, sống cùng phòng với người bạn tên Xiu, lớn tuổi hơn 1 chút và cũng là họa sĩ nghèo. Mùa đông năm ấy, tôi bị sưng phổi nặng. Bệnh tật và nghèo túng khiến tôi trở nên tuyệt vọng không muốn sống nữa. Tôi đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân, chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì tôi cũng buông xuôi, lìa đời. Tôi được cụ Bơ - men cứu sống nhưng rồi cụ đã qua đời do bệnh viêm phổi. Sau khi khỏi bệnh, tôi mong muốn được ra thăm mộ cụ Bơ - men để tạ ơn.

II. Thân bài:

1. Một buổi sáng mùa xuân (tả vài nét) sau khi tôi đã khỏe hẳn nên cùng Xiu ra thăm mộ cụ Bơ - men

Tả vài nét về quang cảnh nơi yên nghỉ của cụ Bơ - men: Men theo con đường đất đỏ là đến một quả đồi cao ráo nơi cụ Bơ - men yên nghỉ, cỏ mọc xanh tốt, trên tấm bia có khắc ghi rất rõ dòng chữ họa sĩ Bơ - men. Xiu và tôi đã đặt bó hoa tươi lên mộ, kính cẩn nghiêng mình, tưởng niệm người quá cố. Không khí lặng im, quang cảnh trang nghiêm tôi nghe rất rõ tiếng gió thì thào trong lá cây.

2. Giôn - xi hồi tưởng nhớ lại:

a) Nhớ về tình trạng bệnh tật và nỗi tuyệt vọng

 

- Đứng trước mộ cụ Bơ - men, tôi nhớ lại những ngày vật lộn với căn bệnh quái ác và nỗi tuyệt vọng nghĩ đến cái chết. Ngày đó do bị bệnh viêm phổi rất nặng, cuộc sống lại nghèo đói, không có tiền chữa trị nên tôi trở nên tuyệt vọng. Nhìn lá thường xuân cứ rụng dần tôi bỗng nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng kia rụng thì mình cũng sẽ lìa đời cho dù Xiu hết lòng săn sóc, động viên, an ủi nhưng tôi không thoát được nỗi tuyệt vọng đó. Thế rồi sau một đêm mưa to gió lớn khi kéo tấm rèm lên, cứ đinh ninh rằng chiếc lá cuối cùng đã rụng và mình sẽ chết, nhưng kì lạ là chiếc lá vẫn còn bám trên cuống. Tôi thấy mình nghĩ đến cái chết là có tội, sau đó là đòi ăn, uống sữa, soi gương, muốn được đi vẽ ở vịnh Na - Phơ. Bác sĩ đến khám thông báo bệnh của tôi đã đỡ nhiều.

- Điều đáng buồn là cụ Bơ - men không còn nữa bởi vì chính cụ đã đem tính mạng của mình để giành giật lấy sự sống cho tôi.

b) Nhớ hình ảnh và việc làm của cụ Bơ - men

- Giờ đây nhìn dòng chữ họa sĩ Bơ - men trên tấm bia mộ tôi bỗng nhớ lại hình ảnh của cụ khi còn sống. Những hình ảnh ấy vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi, đó là một họa sĩ già, râu xồm thích uống rượu trông khó tính, dữ dằn chỉ hay chê bai những người yếu đuối nhưng tốt bụng, có lòng nhân từ.

- Nhớ nhất là những lời kể của Xiu về việc làm âm thầm vẽ chiếc lá cuối cùng thay cho chiếc lá đã rụng để cứu tôi thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng bởi ý nghĩ vớ vẩn cho dù không được chứng kiến việc làm đó mà chỉ được nghe lại qua lời kể của xiu nhưng tôi hình dung ra rất rõ việc làm của cụ Bơ - men trong đêm mưa to gió lớn chiếc lá ấy đã cứu tôi khỏi tay lưỡi hái của tử thần, đối lại cụ Bơ - men bị viêm phổi do nhiễm lạnh và đã qua đời.

 

3. Suy nghĩ cảm xúc Giôn - xi

- Cụ Bơ - men đã hết lòng cứu mình, việc làm ấy thật cao cả, cụ đã hi sinh thầm lặng vì người khác đây quả thật là 1 con người có trái tim nhân hậu.

- Tôi ân hận và trách mình quá yếu đuối vẩn vơ không chỉ làm hại bản thân mình mà còn khiến cụ Bơ - men phải lo lắng đem tính mạng để dành giật sự sống cho tôi, giá như tôi không sống như thế thì giờ đây cụ Bơ - men không ra nông nỗi này.

- Mọi chuyện cũng đã xảy ra, không làm lại được nữa, tôi thầm mang ơn và tiếc thương cụ biết bao nhiêu

- Suy nghĩ về tác phẩm của cụ: Là kiệt tác

- Suy nghĩ về cuộc đời của cụ: Là 1 họa sĩ chân chính đầy tài năng, tâm huyết rất đáng cảm phục ngưỡng mộ:

- Lời thầm hứa: Giờ đây cụ không còn nữa, thầm hứa với cụ “cụ Bơ - men ơi! cháu hứa với cụ là không bao giờ yếu đuối phải có nghị lực và quý giá sự sống, học tập, phấn đấu theo tấm gương của cụ”.

III. Kết bài:

Khi mặt trời đã đứng bóng thì tôi cùng Xiu ra về, lòng tôi buồn rười rượi tôi cảm thấy tiếc thương cụ Bơ - men và thấy trống vắng vô cùng.Tự nhủ trong lòng, không bao giờ quên cụ Bơ - men thường xuyên ra thăng viếng mộ cụ…
14 tháng 10 2016

1)

Tuổi thơ của ai cũng gắn bó với một loài vật nuôi đáng yêu, đó có thể là chú rùa, chú chim hay chú mèo... Riêng với tôi, tuổi thơ của tôi gắn với chú chó Phi Phi dũng cảm.

Phi Phi là chú chó lai béc-giê mà tôi đã.. nhặt được trong công viên! Chuyện là thế này: cách đây chừng một năm, vào buổi chiều tôi đi tập thể dục trong công viên. Đang chạy bộ, tôi chợt nghe tiếng rên yếu ớt trong lùm cây. Tò mò, tôi rẽ đám lá nhìn vào thì thấy một chú chó nhỏ yếu ớt đang nằm rên trong chiếc hộp giấy. Thương chú quá, tôi mang về nuôi. Tôi không ngờ, lúc mang Phi Phi về bố mẹ không những không trách tôi mà còn giục tôi đi lấy sữa cho chú uống nữa!

Bây giờ thì Phi Phi đã lớn lắm. Lông chú màu đen mượt, bốn chân cao và chắc. Hai tai lúc nào cũng dựng lên lắng nghe mọi âm thanh xung quanh. Cái mũi thì lúc nào cũng có vẻ khịt khịt như đánh hơi mọi thứ. Phi Phi rất ngoan và can đảm. Khi tối trời, chú luôn ra ngoài hiên nằm canh. Có Phi Phi ở ngoài, cả nhà tôi rất yên tâm đi ngủ. Thế rồi, đến một ngày, có chuyện xảy ra, gia đình tôi đã cảm nhận được sâu sắc sự dũng cảm và lòng trung thành của Phi Phi.

Đó là một đêm mùa đông gió rét. Như mọi hôm, Phi Phi vẫn nằm canh ở ngoài hiên. Cả nhà tôi đang ngủ thì chợt nghe tiếng Phi Phi sủa dữ dội, tiếng chú giằng dây xích loảng xoảng. Bố vội vàng bật dậy rồi nnẹ nhàng cầm gậy lách ra ngoài. Cuối góc vườn, một bóng đen khả nghi đang di chuyển. Thấy động, hắn vội vàng trèo tường hòng thoát ra ngoài. Bố vừa hô hoán hàng xóm vừa lao theo tên trộm. Phi Phi cũng lồng lộn chồm lên, dây xích bị giằng co hết mức. Bố đuổi theo tên trộm, bất ngờ, hắn quay lại đạp mạnh vào bố. Bị lỡ đà, bố ngã xuống. Hắn lợi dụng lúc ấy đè lên người bố, tay phải rút mạnh con dao ra rồi vung lên. Chính lúc ấy, Phi Phi từ đâu lao đến ngoạm vào tay cầm dao của hắn rồi mặc cho gã gian phi đẩy, đạp đánh như thế nào cũng kiên quyết không nhả tay hắn ra. Cuộc vật lộn dừng lại khi các cô bác hàng xóm ùa đến trói gô tên trộm lại. Mẹ tôi vừa xuýt xoa dìu bố vào nhà vừa nhắc chị em tôi lấy sữa cho Phi Phi và đưa chú vào nhà.

Sau hôm ấy, Phi Phi nổi tiếng cả khu phố với câu chuyện “cứu chủ”. Kẻ gian bị bắt sau đó đã khai ra rất nhiều vụ trộm mà hắn nhúng tay vào. Gia đinh tôi và Phi Phi còn được tuyên dương nữa!

Phi Phi vẫn sống cùng gia đình tôi cho đến bây giờ. Chú luôn được cả nhà cưng chiều và yêu quý, đặc biệt là tôi. Phi Phi tuy là một chú chó nhưng có nhiều điều đáng để chúng ta học tập đúng không các bạn!

2)

Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kĩ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.

Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nghiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cửa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới.

Ngày trọng đại ấy, ngày tôi không bao giờ quên. Sau buổi lễ khai giảng, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học.

Khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm "lận đận" với học sinh. Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói: "Chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học". Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến.

Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mĩ để viết nên dòng chữ đẹp đó. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn xao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.

Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những rò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ông và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi: "Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẻ với con". Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.

Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điểm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói: "Thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẫu cho các bạn noi theo....". Thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. Tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.

Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn:

"Ngọc không mài không sáng, người không học không tài."

14 tháng 10 2016

"Meo…meo…meo" hôm nào cũng vậy, cứ khi em ngồi vào bàn học là chú mèo lại đến nằm dụi đầu vào chân em. Đó là chú mèo bà ngoại đã tặng em hồi năm ngoái.


Con mèo vừa tròn một tuổi tên là MiMi. Nó là giống mèo cái. MiMi khoác lên mình bộ áo màu vàng điểm thêm vài vết trắng làm cho chiếc áo của cô càng thêm xinh đẹp. Cô rất thích chơi với trái banh ten-nit của em. Cái đầu tròn như trái vú sữa. Đôi mắt long lanh như hai hòn bi ve và sáng như đèn pha. Cái mũi nhỏ xinh màu hồng lúc nào cũng ươn ướt. Miệng cô chúm chím dễ thương. 

Tuy vẻ bề ngoài là vậy nhưng bên trong có hàm răng nhọn hoắt, lúc nhe răng trông thật đáng sợ. Đôi tai hình tam giác luôn vểnh lên để nghe ngóng. Tai cô mới thính làm sao! Chỉ một tiếng động nhỏ cô đều phát hiện được. Hai bên má có bộ ria mép trắng muốt, trông MiMi thật oai phong. Bốn cái chân thon thon giúp cô đi lại nhẹ nhàng như người mẫu đang trình diễn thời trang. Nhưng lúc cần MiMi chạy rất nhanh. Dưới bàn chân là tấm nệm êm nhỏ, trong tấm nệm nhỏ ấy cất giấu một bộ vuốt sắt bén, và đó là vũ khí lợi hại nhất của cô ta. Đã có lần những chiếc vuốt ấy đã để lại dấu vết trên tay em khi em nghịch với cô. Ôi! cái đuôi mới dẻo làm sao! Chiếc đuôi như một dấu ngã chẳng giấu vào đâu được.

Những ngày mùa hè, buổi sáng thức dậy MiMi thường ra ngoài sân tắm nắng. Lấy chiếc lưỡi của mình liếm bộ lông vàng mượt và chơi đùa giởn với bóng của mình. Còn mùa đông MiMi thường nhảy phóc lên bộ sa lông đánh một giấc ngủ no say. Đặt biệt lúc ngủ MiMi luôn nhịp cái đuôi trông ngộ nghĩnh làm sao! 

Xinh đẹp là thế nhưng những lúc rình và bắt chuột trông cô như một chiến binh. Một hôm em thấy MiMi nằm sau thùng gạo để rình bắt chuột. Một con chuột nhắt mon men đến bên nồi cơm đang để hớ hênh. Bất chợt, phóc một cái, MiMi đã vồ chú chuột nhắt nằm cứng ngắt trong đôi móng vuốt sắc của cô. Vậy là MiMi có một bửa ăn ngon lành và đầy tự đắc.

Em rất yêu quý MiMi và xem cô như người bạn thân thiết. Sau những lúc học hành căng thẳng em hay chơi với cô. Em luôn chia sẻ những buồn vui của mình với MiMi. Nó không chỉ là con vật kỉ niệm của bà ngoại tặng cho em mà còn được em phong là "Dũng sĩ diệt chuột" giỏi nhất mà em từng nuôi.

Bạn tham khảo bài viết này nhé!

5 tháng 2 2018

a) Mở bài:

Giới thiệu chung: Trong cuộc sống thường ngày, phích nước là đồ vật quen thuộc mà chúng ta hay sử dụng để đựng nước nóng.

b) Thân bài:

1/ Tên gọi và xuất xứ: Ra đời từ rất lâu. Hiện nay có nhiều mẫu mã và nhiều thương hiệu. (Không biết loại vật dụng quen thuộc này đã ra đời tự bao giờ mà trải qua bao năm tháng tên gọi trang trọng bằng từ Hán Việt “bình thủy” đã trở nên thân thiết với mọi tầng lớp người dân.Bình thủy còn có tên gọi là “phích” theo phiên âm bằng tiếng Pháp. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thương hiệu khác nhau).

Các loại: Hiện nay có rất nhiều loại, nhiều kiểu dáng, không chỉ để giữ nóng mà còn giữ lạnh. Ngày nay trên thị trường có rất nhiều loại phích nước, phong phú về kích cỡ và đa dạng về chủng loại. Có loại to,  loại nhỏ, loại cao, loại thấp. Loại to có thể chứa 2,5 lít nước, loại nhỏ có thể chứa 0,5 lít nước. Ngoài loại giữ nóng thông thường còn có loại giữ lạnh.

2/  Cấu tạo và chất liệu của các bộ phận:

a/ Vỏ: có cấu tạo bằng sắt hoặc bằng nhựa, thường có trang trí nhiều họa tiết trang trí đẹp mắt.

- Thân phích có chiều cao khoảng 50cm.

- Quai phích  thường cùng chất liệu với vỏ.

- Tay cầm: bên hông phích (cũng cùng chất liệu với phích) giúp cho việc sử dụng tiện dụng và an toàn.

- Nút phích (nắp đậy ruột phích): thường làm bằng bấc hay bằng nhựa, nút này giữ rất chặt giúp giữ nhiệt và an toàn trong việc chứa nước sôi.

b/ Ruột phích: bằng thủy tinh có tráng thủy để giữ nhiệt độ trong phích luôn nóng.

3/ Cách chọn:

- Ruột phích là bộ phận quan trọng nhất của phích nước. Để chọn được phích tốt, khi mua phích nên mang phích ra ánh sáng, nhìn từ trên miệng xuống dưới đáy, ta có thể thấy điểm sáng màu tím ở van hút khí, nếu điểm sáng càng nhỏ thì chứng tỏ công nghệ sản xuất van hút khí cao và như vậy sẽ giữ nhiệt độ nước trong phích tốt. Ta cũng có thể áp tai vào miệng phích, nếu nghe thấy tiếng “o...o...” đều đều và quan sát thấy lòng phích có lớp bạc được tráng đều là phích tốt.

- Phích có thể giữ nước 100oC sau 6 giờ còn 70oC .

4/ Cách sử dụng:

- Phích mới mua về ta không nên đổ nước sôi vào ngay vì đang lạnh mà gặp nóng đột ngột như vậy, phích sẽ bị nứt, bể ngay.

- Ta nên cho nước ấm khoảng 500 – 600 vào ½ phích  và để khoảng 30 phút, sau 30 phút ấy hãy đổ nước sôi vào.

5/ Cách bảo quản:“Của bền tại người” – biết cách sử dụng và bảo quản phích sẽ dùng được lâu hơn.

- Sử dụng một thời gian dài, bên trong phích sẽ bị cáu bẩn. Để làm sạch phích, ta có thể đổ vào phích một ít giấm nóng, đậy chặt nắp lại, lắc nhẹ rồi để khoảng 30 phút, sau đó dùng nước lạnh rửa sạch, chất cáu bẩn sẽ được tẩy hết.

- Nếu ta muốn giữ nước trong phích được lâu hơn, khi rót nước sôi vào phích, ta không nên rót đầy. Hãy để một khoảng cách giữa nước sôi và nút vì hệ số truyền nhiệt của nước lớn hơn không khí gấp bốn lần. Cho nên nếu rót nước sôi đầy, nhiệt dễ truyền ra vỏ phích nhờ nước môi giới. Nếu có một khoảng trống, không khí sẽ làm cho nhiệt truyền chậm hơn.

- Nên để phích xa tầm tay trẻ em để tránh gây tai nạn cho trẻ.

- Không làm rơi, để mạnh tay và sẽ làm vỡ ruột phích bằng thủy tinh bên trong.

c) Kết bài:

Chiếc phích nước quả thật rất tiện dụng, có ích và không thể thiếu cho mỗi gia đình.

5 tháng 2 2018

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

Giới thiệu: Một vật dụng nhỏ gọn, tiện ích cho học sinh, sinh viên ngày nay mà -chúng ta thường nhắc đến đó chính là cây bút bi.

II. THÂN BÀI

1.      Nguồn gốc, xuất xứ

-    Người xin cấp bằng sáng chế bút bi đầu tiên trên thế giới là một người thợ thuộc da người Mĩ tên là John Loud vào năm 1888 nhưng không được khai thác thương mại Mãi cho đến năm 1938, một biên tập viên người Hungari tên là László Biro vì quá chán nản với việc sử dụng bút mực nên ông đã sáng chế ra cây bút bi viết bằng mực in báo khô nhanh và ngày 15 tháng 6, ông được cấp bằng sáng chế tại Anh Quốc.

-    Từ năm 1940, ngày sinh nhật của Biro ngày 29 tháng 9 đã trở thành ngày của những nhà phát minh ra bút bi.

2.     Cấu tạo

-     Bên ngoài bút là thân bút với một ống nhựa cứng, trên thân bút thường in hàng sản xuất, trang trí nhiều màu sắc bắt mắt.

-     Hình dạng rất phong phú, đa dạng.

-     Tháo bút ra, chúng ta sẽ thấy bên trong có một ống ruột.

-     Trong ống ruột có đoạn mực đặc. Phần dưới đầu hút có một viên bi rất nhỏ, chỉ từ không phẩy bảy đến một mi-li-mét. Viên bi này chuyển động lăn giúp mực in lên giấy khô và nhanh. Bút bi có rất nhiều loại khác nhau, có loại làm bằng nhựa cứng, có loại làm bằng kim loại màu,... và nhiều nguyên liệu khác.

-     Loại làm bằng nhựa cứng thường được dùng một lần, đến hết mực rồi bỏ.

-     Nắp bút bi cùng rất đa dạng. Có dạng nắp rời ra, khi dùng tháo nắp gắn lên đầu, dùng xong đậy lại. Còn dạng nắp gắn liền với thân, khi dùng bấm nút để đẩy ngòi bút ra, không dùng bấm nút đẩy ngòi ngược vào trong.

3.     Cách sử dụng và bảo quản

-     Khi viết, chúng ta phải để bút hơi nghiêng từ 40° đến 60°, đặc biệt tránh vừa nằm vừa viết.

-     Khi dùng xong, cần phải đậy nắp lại ngay để tránh bút rớt làm hư đâu bi. Vì đầu bút bi là bộ phần quan trọng nhất của bút nên nếu hư đầu bi thì bút sẽ không dùng được. Phải để bút luôn nằm ngang để mực luôn lưu thông trong ống.

4.     Ý nghĩa

Khi để bút lâu không dùng mực trong ống sẽ bị khô, đừng vội bỏ cây bút mà hãy bỏ bút vào một lượng nước nóng vừa phải ngâm từ mười đèn mười lăm phút. Cây bút của bạn sẽ được phục hồi.

-     Chúng ta có thể thấy nó nằm ở trên bàn, trong túi hay trong xe hơi...Những nơi nào cần viết sẽ có sự hiện diện của bút bi.

-     Nó vừa rẻ tiền lại vừa tiện dụng. Tùy theo hãng sản xuất mà có những giá cả khác nhau, trung bình từ khoảng 3.000đ trở lên. Còn các hãng sản xuất nước ngoài như: Waterman, Paker,...thì giá một cây bút bi dao động hàng trăm USD trở lên.

-     Bút bi còn được dùng tặng miễn phí như một dạng quảng cáo.

III. KẾT BÀI

-     Bút bi luôn giữ vai trò quan trong trong cuộc sống mọi người và đặc biệt đối với học sinh như chúng ta thì nó là một người bạn thân thiết trên con đường học vấn.

-     Vì vậy là một học sinh, chúng ta cần phải biết nâng niu và trân trọng bút để xứng đáng là người chủ “tài hoa” của nó.