K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

19 tháng 2 2016

I. Tác giả - Tác phẩm

1. Tác giả

A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799-1837) là nhà thơ vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga” (N.A. Đô-brô-liu-bốp).

Pu-skin thành công trên nhiều thể loại văn chương. Không chỉ là một thi sĩ lừng danh, ông còn là tác giả của tiểu thuyết bằng thơ nổi tiếng Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin – tác phẩm mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực Nga.

Các sáng tác phong phú cả về đề tài lẫn thể loại nêu trên đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và tính cách nhân dân Nga, nhất là sự khao khát tự do và tình yêu.

2. Tác phẩm

Bài thơ “Tôi yêu em” liên quan đến mối tình giữa A.Pu-skin với A.Ô-lê-nhi-na, người mà mùa hè năm 1829, Pu-skin đã cầu hôn nhưng không được nhận lời.

Ra đời trong hoàn cảnh ấy, Tôi yêu em thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu và vị tha.

II. Trả lời câu hỏi

1. Bài thơ dường như là lời từ giã cho một mối tình không thành. Nó thấm đượm một nỗi buồn nhưng không hoàn toàn bi lụy, không hề có suy nghĩ gì mang tính tiêu cực. Bài thơ mở ra ngay lập tức đi thẳng vào điều cốt yếu: “Tôi yêu em”, như lời thú nhận lại như lời tự nhủ, trực tiếp, ngắn gọn và giản dị.

Trong bốn câu thơ đầu, dường như có một “cái tôi” đang tự soi vào tâm hồn mình, ở đó tình yêu vẫn chưa tắt hẳn nhưng lại có một “cái tôi” khác, nghĩ đến người (cô gái), dùng ý chí mà chế định cảm xúc: “hãy để tình yêu không làm phiền em thêm nữa”. Đó là một sự dằn lòng, một sự chế ngự, một sự vươn lên. Cách ứng xử của Pu-skin đúng là một lời từ giã tình yêu thật đặc biệt.

2. Điệp khúc Tôi yêu em là giọng điệu chủ đạo của bài thơ. Trong tiếng Nga, với hai đại từ ya và vư, người ta có thể dịch sang tiếng Việt thành một số cặp quan hệ từ nhau: tôi yêu cô, anh yêu em, tôi yêu em. Có thể nói việc người dịch chọn dịch thành tôi yêu em là khá đạt, bởi cụm từ này đã diễn đạt được một cách chính xác mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa rụt rè lại vừa đằm thắm.

Bốn câu thơ sau mở ra bằng điệp khúc Tôi yêu em để rồi sự chế ngự của lí trí phải nhường lại cho mạch cảm xúc dào dạt tuôn trào:

                                                Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,

                                                Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen.

Nhịp thơ nhanh hơn với những từ lúc, khi, diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: một tình yêu âm thầm, không hi vọng như để tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình đơn phương này. Hai câu thơ khơi mở ra những lớp tình cảm phức tạp mà rất con người dưới đáy sâu tâm hồn, sau lớp vỏ ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vẻ bề ngoài lặng lẽ, rụt rè, qua ý thức cos ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa lụi tắt chứ không phải là đang bùng cháy mãnh liệt.

Trong mạch thơ như vậy, hai câu kết vừa nối tiếp tự nhiên vừa mang đến ấn tượng bất ngờ:

                                    Tôi yêu em chân thành như thế đó, đằm thắm như thế đó,

                                    Cầu trời cho em (lại) được ai khác yêu thương (cũng) như thế.

Điệp khúc  Tôi yêu em lại được láy lại lần thứ ba với một lời khẳng định bản chất của mối tình này: chân thành và đằm thắm. Trong điệp nhữ Tôi yêu em, ở bản tiếng Nga, động từ yêu luôn được để ở thể chưa hoàn thành, điều ấy có nghĩa là ngọn lửa tình yêu trong trái tim nhà thơ sẽ không bao giờ tắt, không bao giờ lụi tàn, nhạt phai.

3. Hai câu thơ cuối của bài thơ quả thật rất bất ngờ và thú vị:

                                    Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

                                    Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Hai câu kết cũng mở đầu bằng điệp khúc Tôi yêu em nhưng không chỉ trở về quá khứ mà còn là sự tiếp nối liên tục hết sức đặc biệt từ quá khứ tới tương lai. Câu 7 khái quát tấm hình được diễn tả trong toàn bộ sáu câu trước đó. Câu thơ thể hiện bản lĩnh và tấm lòng tha thiết với người yêu của nhân vật trữ tình. Câu 7 chuyển ý đến câu 8 băng một so sánh  tương ứng. Nếu ở câu 6 nhân vật trữ tình bì giày vò bởi nỗi ghen tuông, thì đến đây anh đã vượt lên sự ích kỉ thường tình để có thể gửi gắm vào một người khác, một người thứ ba tất cả tình cảm nâng niu mà anh dành cho người anh yêu với ước mong nàng được hạnh phúc.

Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng, chở che như nhà thơ đã viết trong một bài thơ khác:

                                    Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn

                                    Em thầm thì hãy gọi tên lên

                                    Và hãy tin: còn đây một kỉ niệm

                                    Em vẫn còn sống giữa một trái tim.

Chính thái độ trân trọng, tôn thờ, sùng kính, “sự thuần khiết” đối với phụ nữ đã đưa bài thơ của Pu-skin vươn tới những giá trị nhân văn cao cả trong kho tàng thơ tình nhân loại.

4. Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin. Thơ Pu-skin thường không trang sức rực rỡ cầu kì, vẻ ngọc của những bài thơ sáng lên chủ yếu ở xu hướng vươn tới cái cao cả trong tâm hồn và tư tưởng.

Tình yêu vốn là một chủ đề lớn trong thơ trữ tình của Pu-skin. Thơ tình của Pu-skin thường bắt nguồn từ những cảm xúc cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm sâu xa, do đó đã thể hiện được những vẻ đẹp đa dạng, tinh tế của thế giới tâm hồn con người. Tôi yêu em là vẻ đẹp tâm hồn của Pu-skin. Nó đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chuang của loài người.

19 tháng 2 2016

 

 

1. Pu-skin là đại diện xuất sắc của văn học Nga thế kỉ XIX. Ông thành công ở các thể loại như truyện ngắn, trường ca và thơ trữ tình. Thể loại nào của Pu-skin cũng đậm chất trữ tình và đề cao khát vọng tự do của con người. Nhưng với Tôi yêu em, Pu-skin luôn được nhắc đến với tư cách là nhà thơ tình vĩ đại. Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng thế giới, bài thơ đã gắn với tên tuổi Pu-skin trong lòng bạn đọc.

2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ giãi bày tâm trạng theo mạch cảm xúc. Bài thơ được chia làm hai câu, mỗi câu hai vế, mỗi vế hai dòng thơ :

 Hai dòng thơ đầu : khẳng định tình cảm của nhân vật trữ tình “tôi” đối với em : vẫn còn yêu em.

 Hai dòng tiếp theo : tấm lòng hi sinh cao cả của nhân vật “tôi” dành cho người. Một biểu hiện cao thượng của tình yêu. Đây là phần lí trí.

 Hai dòng tiếp theo : cảm xúc và tâm trạng thật của nhân vật trữ tình. Đó là những trạng thái, cung bậc tình cảm rất chân thực của người đang yêu. Chứng tỏ tình yêu vẫn đang rất mãnh liệt và chân thành.

 Hai dòng cuối cùng : vẻ đẹp của tình yêu chân chính. Dù là mối tình đơn phương nhưng tình yêu của nhân vật “tôi” là một tình yêu đẹp thể hiện một tâm hồn cao thượng. Vẻ đẹp của toàn bộ cảm xúc thơ toả sáng ở dòng thơ cuối cùng. Một lời tỏ tình, một cách thổ lộ tình yêu đẹp nhất và tinh tế nhất.

3.Đọc hiểu

“Mỗi chúng ta có một Pu-skin của mình, và chỉ có một Pu-skin với tất cả mà thôi. Ông đã đi vào cuộc sống chúng ta với ngay từ đầu của nó và mãi mãi không từ bỏ chúng ta” (Alếch-xan-đrơ Tra-đốp-xki). Nhận định này không chỉ khẳng định sức sống và khả năng tác động mạnh mẽ của thơ ca Pu-skin đối với đông đảo độc giả mà còn nói đến sự phong phú đa dạng trong sáng tác của ông. Ở Pu-skin, chúng ta có thể gặp một thanh niên quý tộc với tư tưởng chán chường, muốn xa lánh xã hội thượng lưu giả dối để đến với cuộc sống thanh bình, tự do chốn thôn quê. Cũng có thể gặp một chiến sĩ cách mạng với khát vọng tự do, hoặc một nhà cải cách xã hội có tư tưởng tiến bộ, và còn có cả một nhà văn hiện thực trong một nhà thơ tình lãng mạn. Quá trình sáng tác của Pu-skin là một quá trình vận động tư tưởng theo chiều tiến bộ, từ một thanh niên quý tộc có tư tưởng tiến bộ nhưng còn xa rời nhân dân đến một chiến sĩ cách mạng ưu tú luôn vì quyền lợi của nhân dân lao động. Nhưng cao hơn tất cả chúng ta gặp một nhân cách Pu-skin – một Con người đích thực ở mọi phương diện sống. Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc với rất nhiều điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống vinh hoa nhưng là một Con người, nhà thơ đã không chấp nhận, đã nguyện làm một “ca sĩ của tự do”, trở thành kẻ thù của bọn cầm quyền. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho khát vọng về một xã hội tốt đẹp, tự do và bình đẳng. Sáng tác của Puskin là lí tưởng cao cả về những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống, trong đó có tình yêu – tình cảm tuyệt vời nhất của cuộc đời.

Tình yêu là một đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Không có nhà thơ nào lại không nói đến tình yêu trong thi phẩm của mình. Mọi cung bậc tình cảm, mọi biến thái của tinh vi và những rung động tinh tế của tâm hồn con người đều xuất hiện trong thơ ca. Tình yêu là một thứ tình cảm rất phức tạp, có khả năng đưa con người trở thành thiên thần nhưng cũng có thể biến con người trở thành quỷ dữ. Và điều mà thơ ca hướng đến là lí tưởng về những tình yêu đẹp, tình yêu thánh thiện. Pu-skin là một nhà thơ tình yêu như thế. Thơ tình của ông là sự kết hợp của tình yêu nhân loại và tình yêu con người. Ông sáng tác cả thơ trữ tình và văn xuôi, và đều thành công. Ở mảng thơ trữ tình, nhà thơ quan tâm đến hai đề tài lớn : đề cao khát vọng tự do và khám phá đời sống tinh thần, tình cảm của nhân dân lao động (thể hiện ở mảng thơ về tình yêu).

Những trải nghiệm của chính bản thân và sự nhạy cảm của một tâm hồn nhân hậu đã giúp nhà thơ phát hiện và thể hiện vẻ đẹp của tình yêu chân chính. Nhà thơ đã phát hiện và xử lí các tình huống của tình yêu theo chuẩn mực đạo đức của nhân dân lao động. Những tình cảm cao đẹp mà nhà thơ ca ngợi đối lập hoàn toàn với cuộc sống nhơ nhớp bẩn thỉu của xã hội thượng lưu, cái xã hội mà tình yêu chỉ là sự chiếm đoạt, ích kỉ.

Trong các trường ca như Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin, Đoàn người Tsư-gan, Người tù Cáp-ca-dơ, nhân vật chính của Pu-skin đều là những thanh niên quý tộc chán ghét tình yêu chốn thượng lưu đi tìm tình yêu ở nơi khác, nhưng rồi bản tính ích kỉ trong tình yêu của những thanh niên quý tộc mà họ không bỏ được vẫn đưa họ đến những bi kịch. Tình yêu với họ đã từng chỉ là những trò chơi, những cuộc chinh phục, sự ghen tuông có thể dẫn đến những cuộc đấu súng một mất một còn (E. Ô-nhê-ghin và Len-xki trong Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin), họ sẵn sàng giết chết người yêu khi cảm thấy bị phản bội (A-lê-cô trong trường ca Đoàn người Tsư-gan), có lẽ tấn bi kịch cuối đời của Pu-skin cũng xuất phát từ chính những thành kiến kiểu quý tộc ấy mà Pu-skin đã không thể tự vượt qua. Những mối tình thượng lưu kiểu ấy đã khiến nhà thơ suy ngẫm về một tình yêu đích thực. Cảm hứng về một tình yêu cao thượng đã được gửi gắm trong hình tượng nhân vật trữ tình của bài thơ Tôi yêu em. Dưới hình thức một lời tỏ tình là khát vọng về một tình yêu chân chính với tình cảm cao thượng. Bài thơ là sự kết hợp tuyệt vời của một lí trí sáng suốt và một trái tim biết yêu thương thực sự. Mạch cảm xúc của bài thơ tự nó đã chia thành hai phần dưới hình thức hai câu, mỗi câu bốn dòng thơ. Và trong mỗi câu thơ lại có hai vế. Một kết cấu hài hoà cân đối đã làm nên vẻ đẹp của bài thơ nhưng không làm suy giảm sự tinh tế của cảm xúc. Thơ Pu-skin vốn rất giản dị, gần gũi cuộc sống. Những hình ảnh biểu tượng trong thơ ông thường dễ hiểu nhưng rất có chiều sâu. Hiểu ở mức độ nào phụ thuộc vào sự đồng cảm và rung động của trái tim người đọc. Thế nhưng điều mà bất cứ độc giả nào cũng cảm nhận được chính là những giá trị đạo đức trong thơ Pu-skin. Những vần thơ trong sáng và đầy cảm hứng nhân văn của ông có khả năng tác động rất mạnh mẽ đến tâm hồn người đọc. Và tình cảm cao đẹp của nhân vật trữ tình trong Tôi yêu em có thể tạo nên khả năng thanh lọc tâm hồn đối với nhiều thế hệ bạn đọc.

Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình “tôi” được bắt đầu bằng một lời thổ lộ rất chân thành :

Tôi yêu em : đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai ;

Có thể nhận ra một sự không bình thường trong lời bày tỏ của nhân vật trữ tình. Đó không phải là một lời tỏ tình ở một giai đoạn bắt đầu một mối tình. Có vẻ như là một sự xác nhận về một tình cảm đơn phương từ phía “tôi”. Một tình cảm như đã từng bị cố làm cho lụi tàn nhưng nó lại “chưa hẳn đã tàn phai”. Hai dòng thơ, đơn giản là một lời xác nhận sự tồn tại của một tình yêu. Một tình yêu mà dù muốn cũng không thể nguôi quên. Nhưng điều đáng nói là mục đích của lời bày tỏ ấy. Mong muốn được đáp lại tình cảm hay thể hiện một điều gì khác :

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Một mong muốn cao thượng chỉ có thể xuất phát từ một tình cảm chân thành của một trái tim biết yêu thương, biết hi sinh. Câu thơ đã xác nhận một chân lí của tình yêu là đã yêu thì không đòi hỏi, yêu là mong muốn những điều tốt lành đến với người mình yêu thương : “Tôi chẳng muốn em buồn vì bất cứ lẽ gì”.

Quả thực tình yêu đã nâng con người lên cao hơn. Mặc dù nhân vật “em” không xuất hiện trong bài thơ nhưng qua cảm nhận của nhân vật trữ tình thì đó phải là một người con gái rất đáng yêu. Chấp nhận âm thầm chịu đựng tình yêu đơn phương, nhân vật trữ tình đã nâng mình lên cao hơn.
Câu thơ đầu có sự tham gia rất mạnh mẽ của lí trí. Đây là giai đoạn mà lí trí vẫn điều khiển được trái tim. Ý thơ thẳng thắn, minh bạch và rất rõ ràng : còn yêu và rất yêu nhưng không muốn làm em phải suy nghĩ. Câu thơ như lời tự nhủ với chính mình với một quyết tâm rất cao. Nhưng nếu chấp nhận dễ dàng như vậy thì có vẻ lí trí quá và tình yêu của “tôi” đối với em chưa đủ sức thuyết phục, còn kém mãnh liệt. Sự mãnh liệt của tình yêu được thể hiện ở bốn dòng thơ tiếp theo :

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Dường như lí trí đã nhường chỗ cho cảm xúc. Những trạng thái cảm xúc phức tạp và đầy mâu thuẫn của trái tim đang yêu đã được bày tỏ rất chân thành. Sự tăng tiến của tình cảm, cảm xúc khiến câu thơ có khả năng truyền tải tình cảm mãnh liệt của nhân vật trữ tình. Sức nặng của tâm trạng và trung tâm thẩm mĩ của bài thơ nằm ở câu thơ thứ hai này :

Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen,

Một lần nữa, mối tình đơn phương lại được xác nhận. Vì không muốn em phải bận lòng thêm nữa nên phải “âm thầm”. Yêu không hi vọng, yêu đơn phương vẫn là tình yêu, thậm chí còn là một tình yêu rất sâu sắc. Có rụt rè có ghen tuông thì đích thị là tình yêu. Nhưng sự hờn ghen và không hi vọng ấy không làm giảm đi vẻ đẹp của tình cảm mà nhân vật trữ tình dành cho “em". Đó là một lời bày tỏ chân thành. Nhịp thơ dồn dập, liên tiếp xuất hiện các tính từ chỉ trạng thái cảm xúc, đã bộc lộ mức độ mãnh liệt của tình yêu. Trong bài thơ có tới ba cụm từ tôi yêu em thì hai cụm tập trung ở câu thứ hai và được gắn với những tính từ cảm xúc (âm thầm, không hi vọng, chân thành, đằm thắm).

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

“Chân thành”, “đằm thắm” là hai phẩm chất mà mọi tình yêu đều muốn đạt tới, đó là tiêu chuẩn lí tưởng của mọi mối tình. Nếu thiếu hai “tiêu chuẩn” thì không còn là tình yêu nữa. Và mức độ chân thành, đằm thắm được xác nhận và cụ thể hoá một cách khéo léo và đầy thuyết phục ở dòng thơ cuối cùng :

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Tư tưởng và giá trị của bài thơ được cô đọng ở câu thơ này. Chỉ một lời cầu chúc thôi nhưng nói được bao điều. Nó khẳng định tấm tình chân thành của “tôi”, đồng thời thể hiện “tôi yêu em” là tình yêu mãnh liệt và chân chính. Câu thơ hội tụ vẻ đẹp của cảm xúc và cảm hứng của nhân vật trữ tình.

Nhìn lại mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ thì đây là bài thơ về một mối tình đơn phương nhưng qua đó lại thể hiện một quan niệm rất nhân văn về tình yêu. Và mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển theo lôgíc tâm trạng nhưng có sự kết hợp rất khéo với lí trí. Sự hài hoà giữa cảm xúc và lí trí đã tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn cho bài thơ. Tâm trạng được thể hiện không quá bản năng nhưng cũng không quá nặng nề khô cứng. Cảm xúc có khi mâu thuẫn với lí trí nhưng lại được giải quyết một cách rất hợp lí, hợp với sự phát triển của mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Một tình yêu chân thành của một trái tim biết yêu thương thực sự đã thể hiện một tư tưởng nhân văn cao đẹp. Một vấn đề thuộc về đạo đức và nhân cách con người đã được nhà thơ thể hiện dưới một hình thức giản dị và giàu khả năng gợi cảm. Đây cũng chính là một trong những thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Pu-skin.

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Lời cầu chúc giản dị mà thể hiện được cả một nhân cách. Đó là lời cầu chúc tuyệt vời nhất của nhân loại. Thói thường tình yêu thường kèm theo sự ích kỉ, ai đã yêu mà không từng “hậm hực lòng ghen”. Nhân vật “tôi” cũng như vậy. Nhưng sự ích kỉ không thể chiến thắng được sự cao thượng của một trái tim biết yêu thương. Nếu chỉ là lời cầu mong cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất thì đơn giản quá và không có khả năng thể hiện tình yêu như “cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Bài thơ là lời bày tỏ tình cảm, vì vậy cái ẩn ý đằng sau câu thơ, làm cho cảm xúc thơ chân thực hơn chính là ở lời cầu mong này. Lời cầu chúc cũng chính là lời khẳng định tình yêu chân thành và đằm thắm của mình, đó là tình yêu thực sự, tình yêu xứng đáng nhất với em. Đây không chỉ là một lời cầu chúc tuyệt vời nhất, thể hiện hay nhất tình cảm của “tôi” mà còn là một lời thổ lộ thật thông minh. Chấp nhận yêu đơn phương, chấp nhận sự thực là em sẽ có người khác nhưng lại nhấn mạnh và xác nhận tình yêu mãnh liệt của mình, liệu có mâu thuẫn không ? Liệu có cô gái nào yên lòng trước lời cầu chúc chân thành và đáng yêu như thế. Quả thực bài thơ thật đẹp, thật trong sáng. Với một tình yêu như thế dù được đáp lại hay không thì vẫn là một tình yêu lí tưởng, những trái tim yêu như thế sẽ giúp con người ngày càng người hơn.

Thơ trữ tình Pu-skin là kết quả của một tâm hồn được nuôi dưỡng bởi bầu sữa của văn hoá dân gian Nga nên luôn trong sáng, ngọt ngào và giàu giá trị nhân văn. Tôi yêu em là kết tinh xuất sắc nhất. Pu-skin cũng từng viết về những tình yêu không được đáp lại như thế nhưng với một trạng thái cảm xúc khác. Tình cảm cũng rất chân thành, mãnh liệt nhưng trái tim không được đáp lại thì không cao thượng, không sẵn sàng hi sinh như thế mà cay đắng và khắc nghiệt hơn :

Giữa vườn xuân và bóng đêm tĩnh mịch
Chim hoạ mi thánh thót bên nhành hồng
Nhưng đoá hồng kia chẳng chút động lòng
Mà lặng lẽ đong đưa rồi thiếp giấc
Bản tình ca vẫn du dương và réo rắt.

Tình cảm của chim hoạ mi  nhân vật trữ tình  cũng mãnh liệt và da diết, thậm chí rất kiên nhẫn mặc dù thái độ của “nhành hồng” rất lạnh lùng, lạnh lùng đến vô tâm. Có lẽ vì thế mà sự kiên nhẫn không được đáp lại ấy đã biến thành một tâm sự cay đắng, lời yêu ngọt ngào trở thành một lời chì chiết :

Vì sắc đẹp lạnh lùng người hót làm chi ?
Hỡi thi nhân hãy mau tỉnh dậy đi
Uổng công thôi người nhìn thấy đấy
Nó mơn mởn sắc hương lộng lẫy
Nhưng chẳng có gì xúc động cảm rung
Nó làm ngơ chẳng đáp lại tiếng lòng.
(Pu-skin, Con chim hoạ mi và nhành hồng)

Tất nhiên đây không đơn giản là một bài thơ thuần tuý nói chuyện tình yêu, mà còn là tâm sự của nhà thơ về cuộc đời. Dù sao trước hết nó vẫn là một bài thơ tình với hai hình ảnh thơ rất lộng lẫy “con chim hoạ mi” và “nhành hồng”. Hai nhân vật trữ tình ở hai bài thơ đều có chung một điều là đều yêu đơn phương nhưng lại có hai thái độ ứng xử hoàn toàn khác nhau. Một đòi hỏi được đáp lại ; một cao thượng và giàu đức hi sinh. Tôi yêu em là một định nghĩa chuẩn mực về tình yêu. Dù đơn phương hay song phương thì tình yêu cũng cần đức hi sinh và sự cao thượng. Sự ích kỉ sẽ biến lòng ghen tuông thành thứ thuốc độc giết chết mọi tình yêu. Trong trường ca Đoàn người Tsư-gan, mối tình giữa A-lê-cô và cô gái Tsư-gan là một mối tình ích kỉ. A-lê-cô từ chối và chạy trốn khỏi cuộc sống vương giả của xã hội thượng lưu, nơi mà theo chàng là :

Cảnh giam hãm phố phường ngột ngạt
Một đống người nhung nhúc giữa đường
(Puskin, Đoàn người Tsư-gan)

để đến với cuộc sống tự do giữa thảo nguyên. Nơi đó chàng đã có một mối tình đẹp và đã từng “Chỉ mơ ước được yêu em mãi mãi”. Nhưng đến khi cô gái Tsư-gan quen với cuộc sống tự do đi tìm tình yêu khác cho mình, lòng ghen tuông đã biến chàng thành thú dữ :

Con không thể : con không chịu mất
Để cho người mà không giành giật
Ít ra con hưởng khoái trả thù.

Và chàng đã nhẫn tâm giết chết hai người trẻ tuổi. Có thể thấy tình yêu của A-lê-cô điển hình cho kiểu tình yêu ích kỉ của lớp thanh niên thượng lưu. Đoàn người Tsư-gan quen sống tự do và cao thượng không thể chấp nhận anh, như lời lão trượng nói khi đuổi A-lê-cô khỏi đoàn :

Chúng ta sống man di không luật lệ
Chẳng nhục hình chẳng giết hại một ai
Chẳng đòi người có tội phải đền bồi
Chẳng đòi máu, chẳng đòi rên xiết.

Đó là phẩm chất của nhân dân. Họ yêu cuộc sống tự do và luôn cư xử rất cao thượng. Vì thế họ mới “sinh ra” thiên tài Pu-skin, họ mới có được tình cảm đẹp như Tôi yêu em. Họ chất phác và hồn hậu trong mọi mối quan hệ, vì thế những kẻ còn mang thói ích kỉ của quý tộc, tư sản không hợp với cuộc sống tự do của họ. A-lê-cô chán ghét xã hội thượng lưu nhưng chỉ biết đi tìm tự do cho riêng mình thì “Sinh ra không phải cho cuộc sống ngàn hoa nội cỏ”. Dù sáng tác ở thể tài nào, sáng tác của Pu-skin luôn thể hiện một tình cảm trong sáng và rất nhân văn. Thơ văn của ông vẫn luôn hướng đến những tình cảm đẹp đẽ và nhân đạo nhất.

Với thủ pháp nghệ thuật tạo sự tương phản giữa các vế của câu thơ, giữa hai câu thơ và ngôn ngữ thơ giản dị, giàu cảm xúc, Pu-skin đã thể hiện một quan niệm hoàn chỉnh về tình yêu. Đó là một tình yêu con người nhất. Đã có rất nhiều thi nhân viết về tình yêu và họ đều viết rất hay nhưng có lẽ Tôi yêu em là bài thơ giản dị, đời thường và chứa đựng nhiều nhất giá trị nhân văn. Với một trái tim biết yêu thương và một khả năng sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời, Pu-skin xứng đáng là "niềm tự hào không phải chỉ của văn học Nga mà của toàn bộ nền văn học thế giới”. Thơ tình của Pu-skin không chỉ chiếm được cảm tình của bạn đọc trẻ tuổi mà còn có sức tác động rất mạnh đến tâm hồn bạn đọc. Và một điều chắc chắn rằng Tôi yêu em là lí tưởng về một tình yêu đích thực, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà thơ tình xuất hiện sau ông. Một trong những luồng ánh sáng phát ra từ “mặt trời thi ca Nga” chính là thứ ánh sáng lung linh huyền ảo của một trái tim luôn yêu thương tất cả bằng một tình yêu cao thượng, kết quả và kết tinh của văn hoá Nga.