K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

16 tháng 5 2019

Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi quốc gia. Để khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch bền vững, đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy được giá trị di sản cho thế hệ tương lai là bài toán không hề đơn giản đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Chưa được quan tâm đúng mức

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Từ góc độ này, kho tàng di sản đồ sộ ở cả loại hình vật thể, phi vật thể cùng hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa phong phú, dày đặc của Việt Nam chính là nguồn tài nguyên du lịch lớn, góp phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch giữa các vùng miền, địa phương trong nước và giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Ở chiều ngược lại, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Việt Nam tới công chúng cả nước, nhất là bạn bè quốc tế. Đơn cử, năm 2017, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón hơn 3,6 triệu lượt khách, trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế, thu khoảng 1.100 tỷ đồng từ bán vé; quần thể di tích Cố đô Huế đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, thu hơn 320 tỷ đồng từ bán vé; Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đón 1,96 triệu lượt khách, thu về 219 tỷ đồng từ bán vé… Như vậy, có thể thấy giữa hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch có mối quan hệ tương hỗ mật thiết. Nếu biết quản lý, sử dụng đúng hướng, di sản sẽ là nguồn lực lớn mang đến lợi nhuận lâu dài, bền vững cho du lịch nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động du lịch dựa trên khai thác di sản thời gian qua, dễ nhận thấy để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phần thua thiệt thường thuộc về di sản khi công tác bảo tồn “nguồn vốn tự nhiên” này chưa được coi trọng đúng mức. Bằng chứng là để đánh đổi cho những công trình hoành tráng như các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống cáp treo…; hàng trăm nghìn héc-ta rừng đã biến mất, nhiều bãi biển đẹp bị biến dạng, nhiều dãy núi bị tàn phá; và cùng với đó là sự biến đổi hệ sinh thái tự nhiên cũng như môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Ở châu Á, UNESCO từng lên tiếng cảnh báo đối với In-đô-nê-xi-a khi văn hóa bản địa ở Ba-li gần như biến mất do phát triển du lịch “nóng”. Cố đô Ayutthaya, di sản văn hóa thế giới nổi tiếng của Thái-lan cũng từng làm chính phủ nước này đau đầu khi hoạt động du lịch có khả năng làm biến đổi các giá trị căn bản của di tích đã được Công ước Bảo tồn Di sản văn hóa thiên nhiên ghi nhận. Đáng chú ý, thung lũng Elbe ở Đức đã phải rút khỏi danh sách di sản thế giới do mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Còn ở Việt Nam, Vịnh Hạ Long không dưới một lần lọt vào tầm ngắm báo động của UNESCO bởi các hạng mục kinh tế, du lịch phát triển ồ ạt làm thay đổi cảnh quan, môi trường nơi đây. Báo giới từng tốn không ít giấy mực khi phải “kêu cứu” cho nhiều di sản của Việt Nam trước làn sóng du lịch. Ấy là khi các hang động ở Vịnh Hạ Long trở thành địa điểm tổ chức những dạ tiệc xa hoa cho du khách; bên trong động Thiên Đường (Quảng Bình) có nguy cơ trở thành nơi tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Thế giới 2017; những dự án đầu tư du lịch ở bán đảo Sơn Trà gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan, hệ sinh thái của nơi được ví là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng; hay khi dự án xây dựng cáp treo và khai thác con đường thám hiểm xuyên động Sơn Đoòng (Quảng Bình) gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận… Mới đây những chuyên gia di sản và công chúng lại tiếp tục ngỡ ngàng, đau xót khi một “công trình du lịch đồ sộ” bỗng mọc lên ngay giữa vùng lõi Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) mà không hề được cấp phép; tượng Bà Chúa Xứ thứ hai cũng được doanh nghiệp lén lút thi công trên núi Sam (An Giang). Dù các công trình này đã buộc phải tháo dỡ, nhưng những tổn thương mà chúng gây ra đối với cảnh quan, hệ sinh thái di sản khó có thể khắc phục. Rõ ràng, nếu mối quan hệ biện chứng giữa phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản không được nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ, có định hướng thì sự phát triển du lịch theo kiểu đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu sẽ chỉ mang đến những lợi ích ngắn hạn trước mắt và để lại hậu quả dài lâu.

Bảo tồn tích cực để phát triển bền vững

Khi du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước thì yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…”. Muốn thế, mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản phải được xử lý hài hòa, hợp lý trên cơ sở ứng xử có trách nhiệm của những bên liên quan mà đi đầu là những cơ quan quản lý du lịch và di sản. Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng, về mặt vĩ mô, mô hình phát triển du lịch quốc gia cần được hoạch định dài hơi, trong đó không chỉ lấy yếu tố lợi nhuận làm mục tiêu mà còn cần tính đến những lợi ích cho tương lai thông qua sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả và nhân văn nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa mà cha ông để lại. Bên cạnh tính khả thi của các đề án kinh tế, cần phê duyệt cả những mục tiêu văn hóa bảo đảm tính bền vững cho những nguồn tài nguyên không có khả năng tái tạo. Ngoài ra, nên học tập các nước về thể chế hóa các tiêu chí kinh tế-văn hóa dành cho các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế để có thể đưa ra các giới hạn trong quản lý, theo dõi các dự án, bảo đảm cân bằng lợi ích kinh tế trước mắt và mục tiêu văn hóa lâu dài.

Di sản là tài nguyên du lịch không thể thay thế, cho nên giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc cái mới, cái xây dựng sau nhất thiết phải tôn trọng di sản gốc. Thời gian qua, do không tuân thủ nguyên tắc này cho nên nhiều di sản đã bị phục chế, làm mới dẫn đến biến dạng, méo mó các giá trị ban đầu. Hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm “bảo tồn tích cực”, tức đưa các giá trị vốn có của di sản vào phục vụ cuộc sống, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị đó. Nhưng muốn thế, cần có sự bắt tay chặt chẽ giữa những người làm du lịch và những người làm di sản. Những dự án phát triển du lịch gắn với khai thác di sản muốn triển khai, nhất định phải có sự tính toán, tham vấn kỹ lưỡng từ những chuyên gia di sản thông qua các hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá chi tiết những tác động đến di sản, từ đó bảo đảm khống chế các tác động ở mức độ cho phép. Trong quy hoạch tổ chức không gian du lịch, cần quản lý được sức chứa phù hợp khả năng chịu tải của tài nguyên, môi trường du lịch tại di sản.

Theo Tiến sĩ Mai Hà Phương, Trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, ngoài vấn đề quan trọng là đào tạo đội ngũ cán bộ từ quản lý di sản đến những người làm du lịch am hiểu về văn hóa và kinh doanh du lịch, cần lưu ý quan điểm gắn di sản với phát triển du lịch không có nghĩa là tất cả các di sản đều được phép khai thác du lịch. Có những di sản chưa, hoặc không được khai thác du lịch mà phải bảo tồn. Trong phát triển du lịch tại các khu di sản, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ và quyền lợi của các bên tham gia, nhất là cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để tạo thêm nguồn kinh phí cho trùng tu, bảo tồn di sản.