Anh em nhớ like cho mik khi nghe xong mik kể hen^^
ừ khi lập gia đình, chị là người đàn bà khổ. Chồng chị là một kẻ vũ phu, lười biếng lại thích chè chén. Chị vật lộn với số phận, làm lụng nuôi cả gia đình bốn miệng ăn, và hứng chịu những cơn lôi đình của chồng, do ma men gây ra.
***
📷
Tay lái trâu phát đến đét một cái vào mông con trâu:
- Chà, đít lồng bàn.
Rồi hắn đi một vòng quanh, mắt chăm chăm vào từng chi tiết trên mình con trâu cái, chẳng nói thêm gì. Đến đoạn hông, hắn ghé sát mắt vào, dùng ngón tay di di cái xoái rồi lại tiến về phía đầu con trâu. Hắn túm hai cái sừng cong của con trâu lắc lắc mạnh. Con trâu lừ mắt, thở phì phì ghì đầu về phía hắn, nhưng sợi dây thừng căng đã kéo nó lại. Hắn giật mình lùi xa về phía sau:
- Nhưng "vênh sừng, lạc khoái", ngữ này rất hay đem vận đen đến cho gia chủ, nên khó bán.
Hắn tiếp câu nói lúc nãy. Sự ngắt quẵng giữa hai câu nói trong một khoảnh khắc im lặng dài của hắn thể hiện hành động tập trung soi xét "món hàng" khá kỹ lưỡng. Hắn cũng là một tay lái trâu cừ.
Chị Hạnh đứng ngay bên cạnh vuốt vuốt cái lưng con trâu:
- Chú nói thế có phần chủ quan. Tôi nuôi nó mấy năm nay, nó có đem đến điềm gở nào đâu. Cái nghiệp mua của các chú là hay chê, tôi biết, nhưng tôi sẽ không bán nó với giá khác đâu!
Sự quả quyết của chị Hạnh khiến tay lái trâu không còn kì nèo thêm được gì nữa, hắn quyết định dắt cặp trâu của nhà chị với giá thỏa thuận của đôi bên.
Bán được cặp trâu ngót nghét hai mươi nhăm triệu đồng, cộng với số tiền mười triệu ki cóp của hai mẹ con trong cả năm nay, chị đã có thể tạm yên lòng chờ đón cháu ngoại ra đời. Số còn lại, chị sẽ cố gắng đưa con trai đi bệnh viện trị bệnh. Ước mơ bấy lâu của chị đang dần thành hiện thực. Thực tế này cho chị một niềm an ủi. Thì ra cuộc đời đâu đến nỗi như tâm trạng của kẻ sầu não. Lúc trong cơn bỉ cực, chị bi quan chán nản đến cùng cực, luôn nghĩ đến sự kết thúc cuộc đời để giải thoát, nhưng chị không thể, chỉ bởi các con.
Từ khi lập gia đình, chị là người đàn bà khổ. Chồng chị là một kẻ vũ phu, lười biếng lại thích chè chén. Chị vật lộn với số phận, làm lụng nuôi cả gia đình bốn miệng ăn, và hứng chịu những cơn lôi đình của chồng, do ma men gây ra.
Khi đứa con đầu chưa tròn mười tuổi, chồng chị bỏ đi biệt tích. Chị cất công tìm chồng nhiều năm ròng, nhưng thất vọng. Năm con trai chị tròn mười lăm tuổi, đột nhiên đổ chứng tâm thần. Bệnh ngày càng them nặng, đến việc vệ sinh cá nhân cũng không ý thức nổi. Chưa dừng lại ở đó, đến đầu năm nay, khi con gái chị chuẩn bị cưới chồng thì nhà trai tuyên bố hủy đám cưới, mặc cho cái thai trong bụng con chị đang lớn dần.
Chị đau từ những cái đau hạnh phúc, đến cái đau ruột già máu mủ. Chị như kẻ đang chới với trong nước lũ, rồi mỗi niềm đau kia là mỗi tảng đá lần lượt chồng lên lưng chị, to dần, to dần. Cái gì có thể cho chị động lực để vượt lên trên cơn khốn khó này ngoài tình mẫu tử.
Và thời gian, sự tảo tần đã vơi đi nỗi đau trong chị.
Những ngày gần đây chị được nhiều niềm vui lắm. Con trai chị bỗng nhiên gọi mẹ, cái tiếng gọi mẹ trở lại mà chị đã mong ngóng năm năm nay rồi, cháu ngoại xấp sửa ra đời, kinh tế lại có phần khấm khá đôi chút. Chị mừng phát khóc. Trong tâm trạng đó, bỗng nhiên chị được thư chồng hẹn ngày về. Tin này làm cho chị khóc thật, khóc thành tiếng. Tay chị dụi nước mắt, chân tất tưởi bước đi khoe láng giềng.
Đấy, chỉ cần sự cố gắng thì cuộc đời chị đâu đến ngõ cụt. Trước đây người trong làng ai cũng cho rằng chị có số khổ.
Ngày chồng chị trở về, căn nhà ngói ba gian chan hòa tiếng cười nói, tấp nập người ra vào. Khác hẳn trước đó. Dân làng đến mừng cho chị, mừng cho anh trở về an lành. Họ không quan tâm những ngày qua anh sống ở đâu và làm gì... họ chỉ quan tâm rằng lần này về anh có còn đi xa gia đình nữa không, và họ vui khi nhận được cái lắc đầu từ anh.
Trở về lần này, tính nết chồng chị đã đổi thay hoàn toàn. anh chăm lo cho gia đình và chăm chỉ làm lụng. Nhìn chồng lưng trần sửa lại mái nhà, rào lại hàng dậu... mà chị Hạnh trộm rơi nước mắt.
Không khóc sao được. Đời chị còn gì mong mỏi hơn một người chồng biết thương yêu vợ con và xây dựng kinh tế. Với chị đây chẳng phải là một sự hồi sinh hay sao?
Một hôm người chồng bàn với chị:
- Mình này, cái vận của mình cũng thật là không may, vụ này vườn vải nhà anh Năng được mùa lắm, lại chuẩn bị cho thu hoạch. Bạn tôi trên thành phố cứ giục gom vải lên cho anh ta bán. Cầm chắc lời to. Ngặt nỗi mình đâu có vốn!
Anh chồng thở dài.
- Mình ạ! - Chị Hạnh nhẹ nhàng an ủi chồng - Không có thì mình cứ làm vườn, làm đồng theo truyền thống, chăm chỉ thì vẫn có ăn thôi.
- Đúng là như vậy. Tôi đâu có bảo mình bỏ công bỏ việc. Chỉ cần bỏ ra khoảng ba mơi triệu trong vài ngày ta thu về vốn, lại cầm chắc món lời năm sáu triệu đồng. Số tiền ấy bằng cả nhà mình lao động vất vả cả năm rồi còn gì. Nếu thắng chuyến này tôi định mua cho con Hải chiếc xe máy nó đi. Tội nghiệp, cứ tòng tọc cái xe đạp...
- Nhưng mà có chắc vậy không mình?
- Thì tôi đã tìm hiểu kỹ lắm rồi, bạn bè trên thành phố đều tư vấn cặn kẽ. Chắc thắng mình ạ!
Chị Hạnh ngần ngừ suy tính, chồng chị thở dài. Chị phân bua.
- Mấy năm qua mẹ con tôi cũng đã tích góp được món tiền nhỏ chờ ngày chạy chữa cho anh cả và cháu ngoại ra đời. Nhưng mà tôi tính, cái Hải có sinh sớm thì cũng phải ngót một tháng nữa, Còn thằng Hậu thì dù sao bệnh cũng đã lâu rồi, bệnh này chậm chữa thêm một tháng nữa cũng chẳng sao. Như vậy tiền vẫn chưa cần dùng đến. Nếu chắc chắn thì mình cứ lấy mà làm, tôi thấy mình tính như thế cũng phải lắm.
Việc đã được vợ chồng chị quyết. Tuần sau, chồng chị cầm tiền đi gom vải. Nhưng không biết vì sao mà hai ngày anh không tin tức cho gia đình. Chị Hạnh lo lắm. Chị lo chồng chị có chuyện gì rồi. Ba, bốn ngày sau vẫn bặt vô âm tín. Chị tìm đến nhà ông Năng theo địa chỉ chồng nói. Chị chết lặng khi nơi đó chỉ là một bãi đất mênh mông hoang lạnh. Chị ngồi bệt xuống gốc cây bên đường than khóc.
Trời đổ mưa. Cơn mưa mùa hè giăng kín không gian, lộp độp trên tàu lá chuối. Người chị ướt sũng, và run lên bần bật. Chị nấc thành từng tiếng đưa cặp mắt đỏ ngầu nhìn xa về phía bãi đất. Một sự hoang lạnh đến tàn tệ bao phủ nơi chị ngồi...
****
Hải thèm thuồng nhìn vào phòng mổ, mặt mày nhăn nhúm, rên lên từng tiếng ư ử. Những giọt máu hồng thấm ướt lằn váy màu xanh lam của sản phụ, lấm chấm trên nền gạch hoa.
- Cha... áu... đ...au lắm bác sĩ ơi!
- Đau gì mà đau, như thế đã là gì... - vị bác sĩ trong khuôn mặt phúc hậu, nhưng giọng điệu có vẻ gắt gỏng – Cứ đi lại đi, rồi sẽ sinh thôi.
- Bác ơi, cháu nó ra nhiều máu tươi quá – Chị Hạnh đang dìu còn gái, tỏ vẻ đau sót vô cùng – Xin bác sĩ khám lại cho cháu nó!
- À khám! Bác quý hóa ạ, trước tiên nhà bác hãy học cách nghe lời bác sĩ đi cái đã. Tôi không nghĩ là tôi cần phải nhắc lại cho nhà bác nghe nữa. Khi nào đến lượt, nghĩa là vấn đề của con bác sẽ ổn.
- Vấn đề của con tôi... thưa bác sĩ?
- Chính vậy...!
Chị Hạnh ngơ ngác trong câu nói "nghề nghiệp" của vị bác sĩ trong khi Hải với cái bụng bầu vẫn liên tục oằn oại kêu đau, chỉ chực xông vào phòng mổ...
Đã hai ngày nay rồi, chị Hạnh không một lần chợp mắt khi Hải trong tình trạng sắp sinh. Cứ hễ chị đặt lưng xuống giường là Hải lại kêu, rên khiến chị phải ngồi dậy dìu con đi lại cho đỡ đau.
Kết quả siêu âm thai nhi trong bụng Hải làm chị Hạnh lo lắng vô cùng. Nước ối đã sắp cạn, chỉ còn khoảng mười phần trăm, nhau thai lại bị vôi hóa độ hai. Nhiều lần chị đề nghị bác sĩ cho con được mổ nhưng không hiểu sao các bác sĩ đều nói phải chờ.
Chị càng xót ruột hơn khi nhìn thấy những bệnh nhân cùng tình trạng giống con mình nhưng đều đã được phẫu thuật, ai nấy mẹ tròn con vuông. Còn con chị đã hai ngày nay oằn oại kêu đau, nhưng vẫn không đẻ được.
Chị biết, lúc này đây, chỉ cần chị có mấy trăm ngàn trong tay chắc chắn cháu ngoại của chị đã ra đời như những đứa trẻ kia. Nhưng kiếm đâu ra ngần ấy tiền lúc này.
Sáng qua, khi làm thủ tục nhập viện chị đã phải tạm đóng tám trăm ngàn đồng cho bệnh viện. Như vậy khoản tiền một triệu đồng đem con gái lên bệnh viện sinh nở chỉ còn lại vẻn vẹn hai trăm ngàn. Hai hôm nay, chị ăn cơm nắm, còn Hải thỉnh thoảng chỉ ăn được chút cháo.
Những tưởng rằng, trời phật độ trì cho con gái thuận sinh mà không phải mổ, thì khoản tiền một triệu đồng kia có thể tạm đủ. Nhưng thật không may, lại rơi vào tình cảnh này.
Chị Hạnh vừa phải chăm con gái ở viện vừa phải đạp xe về nhà nuôi chon trai bệnh tật.
Nhà cửa chẳng còn gì khi phải thuốc thang cho con trai. Có bao tiền tích góp thì người chồng bội bạc kia đã âm mưu lừa lọc đi hết.
Để có một triệu đem con gái lên bệnh viện, chị phải bán con lợn nái và mười lợn con vừa đẻ chưa được hai mươi ngày. Đó là tất cả những gì còn lại của gia đình chị.
Chị không còn cách nào, chị lên phòng năn nỉ bác sĩ nhưng không được, trong khi con gái đau đớn đứng ngồi không yên.
- Mẹ ơi, con đau chết mất.
Hải càng ngày càng kêu đau giữ hơn. Những người chung phòng chờ sinh khuyên chị rất nhiều, nhưng tất cả chung một ý là "quan tâm" đến bác sĩ nhiều hơn.
- Này bác - người phụ nữ chừng ba mươi tư tổi thì thầm - Hôm qua con gái tôi cũng trong tình trạng như con bác, lẽ ra phải mổ ngay, nhưng mà chúng tôi không biết ý của bác sỹ. Cứ ngồi chờ theo "lời khuyên" của các bác sĩ ấy, may mà nhà bác Hằng nằm giường bên mách nước kịp. Tôi lập tức lên phòng trưởng khoa làm thủ tục "bất thành văn", thế là con tôi được mổ ngay. Rất may là kíp mổ còn kịp, cháu chỉ hơi ngạt một chút. Bây giờ thì đã ổn.
- Ôi trời ơi! Cháu ơi... - Chị Hạnh khóc vổng lên.
- Ơ cái bác này sao lại khóc lúc này, không đi lo cho nhanh đi con chờ gì nữa.
- Các bác ơi... nhà cháu chỉ còn có hai trăm nghìn thôi, gia cảnh cháu thật không còn có thể xoay sở vào đâu được nữa. Cháu biết làm thế nào bây giờ.
- Con đau q...úa... mẹ ơi...
- Úi giời ơi, vỡ ối rồi chứ còn gì, mau đưa cháu nó ra phòng mổ đi.
Mọi người trong phòng cùng nhau dìu Hạnh sang phòng mổ.
- Đi đâu thế này, mấy bà.
Vị bác sĩ nhăn nhú.
- Bác ơi! Xin bác khám lại cho cháu nó đi. Tình hình này là quá thời điểm sinh nở rồi đấy bác.
- Này các bà đang làm gì vậy, có cần phải khoắc thêm bộ quần áo blu này vào người các bà nữa không. Tôi nói rồi, chưa đến lúc đâu, đưa cô ta về phòng để chúng tôi còn làm việc.
Vị bác sĩ gạt phăng đám người ra ngoài cửa và đóng sầm cửa lại.
Mọi người lại dìu Hải về phòng chờ sinh. Ở đó người ta gom góp mãi cũng được ba trăm nghìn.
- Ba trăm nghìn thì bỏ bèn gì – một người lắc đầu.
Chị Hạnh dấm dứt khóc, rồi chạy nhanh lên phòng trưởng khoa sản:
- Xin bác, tôi cầu xin bác hãy làm thủ tục mổ cho con gái tôi. Tôi sẽ đội ơn bác sĩ suốt đời. Tôi hứa sẽ làm bất cứ gì bác sĩ yêu cầu, bất kể mạng sống của tôi. Chỉ cần cứu được con gái và cháu ngoại tôi.
- Ơ, cái chị này! Sao lại phải cứu. Đã làm sao nào, chưa đến lúc sinh hiểu chưa. Đi ra để tôi làm việc.
Cũng như ở phòng mổ, chị Hạnh bị gạt ra ngoài trong tiếng đóng "sầm" của cánh cửa.
Chị Hạnh hoảng loạn chạy đi chạy lại khắp nơi. Chị đã cuống lại càng cuống hơn. Va vào hết người này đến người kia mà không hề biết.
Hải quằn quạy trên giường, chị Hạnh ngồi ôm mặt khóc. Một lát, chị lau nước mắt rồi lại gần an ủi con.
- Thôi gắng lên con, cố giữ tư thế thoải mái, con sẽ đỡ đau hơn. Mẹ có một cách này, con cứ chờ mẹ ở đây.
Nói rồi chị chạy ù ra ngoài. Đến cổng bệnh viện chị chọn một góc của lối vào, rải mảnh áo mưa ra, quỳ gối. Chị đính mảnh giấy lên ngực, ngửa lòng hai bàn tay về phía trước. Trên mảnh giấy ghi dòng chữ "Xin làm nô lệ suốt đời cho ai cứu con và cháu tôi".
Ngay lập tức việc làm của chị thu hút sự chú ý của nhiều người. Người ta tụ tập quanh chị, có kẻ vì tò mò nhưng hầu hết đều vì xót thương cho hoàn cảnh của chị. Họ khuyên chị không nên làm thế, mỗi người bỏ vào nón của chị một tờ giấy bạc. Có người còn thay chị chạy đến các quầy hàng chung quanh quyên tiền.
Từ khi vào viện, nước mắt chị luôn ướt đẫm gò má. Trước sự đùm bọc của mọi người chị đã khóc to thành tiếng. Thế rồi có một người đàn ông giàu có xin được tự nguyện giúp chị không điều kiện. Chị xúc động đến lặng im không biết nói gì. Chị quay một vòng vái dài mọi người rồi đứng dậy. Người đàn ông kia cùng chị vào viện. Đám đông giải tán.
Chợt có một cháu bé từ trong ngõ khu nhà bốn tầng đối diện cổng bệnh viện chạy phăng ra đường. Đúng lúc đó, một chiếc xe máy do một thanh niên điều khiển lao nhanh tới. Chị Hạnh quang vội chiếc nón đang cầm trên tay lao tới ôm trầm lấy đứa bé. Vừa lúc đó, chiếc xe máy lao đến tông trực diện vào chị đẩy chị văng vào góc đường. Chị vẫn ôm trọn đứa bé trong lòng. Những đồng tiền mọi người quyên góp cho chị bay tứ tung trên phố. Còn chị, mắt nhắm nghiền, máu hồng túa ra từ hai tai và miệng. Người ta lập tức chạy đến, đứa bé khóc thét lên trong vòng tay chị. Trong bệnh viện các bác sĩ lập tức chay ra phía đường. Một vị bác sĩ gào lên:
- Ôi cháu nội tôi...
Đó chính là bác sĩ trưởng khoa sản.
Mọi người nhìn chị Hành mằn bất động trên vũng máu lắc đầu.
Chị Hạnh được đưa và bệnh viện cấp cứu, nhưng chị không thể qua khỏi vì chấn thương quá nặng. Cũng giờ đó, người đàn ông giàu có lúc nãy đã làm thủ tục để mổ cho Hải. Ba mươi phút sau, kiếp mổ đã xong. Người ta không nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc như thường lệ sau khi ra đời. Lát sau một chiếc băng ca phủ vải trắng trên cơ thể hai người, một lớn một bé được đẩy ra ngoài trong vẻ mặt buồn rầu của các bác sĩ trong kíp mổ.
Ngoài trời mưa lất phất bay, thỉnh loảng lóa lên một tia chớp ngắn ngủi. Sáng nay chị Hạnh chưa kịp về nấu cơm cho con trai bệnh tật đang chờ mẹ ở nhà...
Ngọc Vũ
📷Ngày đăng: 23/07/2018Người đăng: En Vi EnViĐăng bài
Sao dài dữ z trời......
uk