I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1. (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. (1.0 điểm) Tìm câu chủ đề của đoạn trích.
Câu 3. (1.0 điểm) Theo em, khi được dế mẹ dẫn đi ở riêng, tại sao anh em Dế Mèn lại “nửa vui nửa lo”?
Câu 4. (0.5 điểm) Tìm các từ láy trong câu văn sau:
Tới hôm thứ ba, mẹ đi trước, ba đứa tôi tấp tểnh, khấp khởi, nửa lo nửa vui theo sau.
Bài đọc:Tôi sống độc lập từ thuở bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: "Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu.". Bởi thế, lứa sinh nào cũng vậy, đẻ xong là bố mẹ thu xếp cho con cái ra ở riêng. Lứa sinh ấy, chúng tôi có cả thảy ba anh em. Ba anh em chúng tôi chỉ ở với mẹ ba hôm. Tới hôm thứ ba, mẹ đi trước, ba đứa tôi tấp tểnh, khấp khởi, nửa lo nửa vui theo sau. Mẹ dẫn chúng tôi đi và mẹ đem đặt mỗi đứa vào một cái hang đất ở bờ ruộng phía bên kia, chỗ trông ra đầm nước mà không biết mẹ đã chịu khó đào bới, be đắp tinh tươm thành hang, thành nhà cho chúng tôi từ bao giờ. Tôi là em út, bé nhất nên được mẹ tôi sau khi dắt vào hang, lại bỏ theo một ít ngọn cỏ non trước cửa, để tôi nếu có bỡ ngỡ, thì đã có ít thức ăn sẵn trong vài ngày. Rồi mẹ tôi trở về.
(Tô Hoài - Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh, quyển II, NXB Văn học, Hà Nội, 2005)
Câu 1: Đi ngược lại với câu thành ngữ “Tự lực cánh sinh”, xã hội ngày nay nổi lên lối sống tiêu cực, thụ động, được gọi là lối sống ăn bám. “Ăn bám” ở đây là cách nói chỉ hành động, lối sống thích phụ thuộc, dựa dẫm, sống nhờ gần như hoàn toàn vào người khác mà không chịu làm việc, hoạt động. Lối sống ăn bám được biểu hiện ở việc không chịu làm việc kiếm tiền, chỉ biết ngửa tay ra xin tiền, không có chính kiến và quan điểm riêng mà chỉ phụ thuộc vào sự sắp xếp của người khác. Lối sống này chủ yếu có trong gia đình bởi đó là nơi mà những người thân đùm bọc, che chở nhau hết mực. Lợi dụng tình thân đó, nhiều người đã tự cho mình cái quyền “được người khác nuôi” và ỷ lại, không chịu học tập, làm việc. Những người sống ăn bám, lười biếng chắc chắn sẽ không nhận được sự kính trọng, kiêng nể, tin tưởng từ những người xung quanh. Vậy nguyên nhân bùng phát lối sống tiêu cực này là gì? Theo tôi, nguyên nhân không chỉ đến từ bản thân người có lối sống ăn bám mà còn xuất phát từ sự chiều chuộng, nâng niu quá mức từ người thân mà chủ yếu là bố mẹ, ông bà. Lối sống ăn bám là lối sống tiêu cực, gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người và sự văn minh, giàu đẹp của xã hội, bởi lối sống đó sẽ là mầm mống cho nhiều tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp,… Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cần tránh xa lối sống ăn bám bằng cách tự nhận thức giá trị của bản thân, luôn cố gắng và nỗ lực không ngừng để xây dựng cuộc sống riêng của mình.
Câu 2: Thời thơ ấu là quãng thời gian có biết bao kỉ niệm đáng nhớ, nhiều khi nhớ lại chỉ biết tự bật cười vì sự ngây ngô của mình. Sau mỗi kỉ niệm em thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Câu chuyện trong lần bố mẹ em đi công tác chính là kỉ niệm em nhớ mãi không thể nào quên.
Từ nhỏ em chưa bao giờ phải ở nhà một mình, lúc nào bố mẹ luôn ở bên quan tâm, lo lắng cho em từng li từng từng tí. Thế nhưng, có một lần em phải tự chăm sóc cho mình và cô em gái năm tuổi. Đó là vào năm ngoái, cơ quan bố mẹ em có việc bận đột xuất, nên cả hai người phải đi công tác xa một chuyến. Buổi tối hôm trước vừa nhận thông báo mà sáng hôm sau bố mẹ em đã phải lên đường ra sân bay rồi. Mẹ em vừa chuẩn bị đồ đạc vừa cuống quýt gọi điện cho ông bà ở dưới quê lên trông hai anh em trong mấy ngày hôm đó. Lúc ấy em và em gái chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai đứa tự trông nhau.
Sau khi thu xếp hành lí xong, bố mẹ gọi cả hai đứa xuống dưới bếp để dặn dò. Em thắc mắc: “Sao bố mẹ không dặn luôn ở đây mà phải xuống tận dưới bếp làm gì nhỉ?”. Hai anh em vừa bước vào, mẹ liền nói:
- Vì bố mẹ gọi gấp quá nên sáng mai ông bà mới bắt xe từ quê lên đây, có thể đến trưa mai ông bà mới đến nơi. Thế nên, sáng mai hai đứa phải tự chăm sóc nhau, tự nấu ăn cho đến khi ông bà lên. Các con đã nhớ chưa?
Nói xong, mẹ dẫn em đến gần tủ lạnh để chỉ cho em vị trí từng loại đồ ăn đã nấu sẵn mẹ đã chuẩn bị. Mẹ còn chỉ cho em cách bật, tắt bếp như thế nào để hâm nóng lại đồ ăn trong tủ. Khi ấy, em cảm thấy rất lo lắng vì chưa bao giờ tự nấu cơm, cũng chưa bao giờ ở nhà một mình, không những thế còn trông cả em gái nữa.
Sáng hôm sau, bố mẹ em xuất phát sớm ra sân bay. Chắc mẹ cũng không an tâm nên dặn đi dặn lại hai anh em ở nhà phải cẩn thận. Hai anh em phải tự ngồi ăn sáng, sau đó em phải tự dọn bàn, rửa bát. Đến gần trưa, ông bà em lại gọi điện nói rằng ông bà bị lỡ chuyến xe sáng nên chiều mới đến nơi. Thế là đến buổi trưa hai đứa phải tự vào bếp nấu ăn. Chẳng hiểu sao lúc bật em không thấy nó lên. Em đã thử bật đi bật lại đúng như cách mẹ dạy nhưng không có tác dụng. Lúc ấy, em chợt hoảng hốt:
- Hay là bếp hỏng rồi, có khi nào sẽ dẫn đến cháy nổ không em nhỉ?
Em gái em đột nhiên khóc ầm lên, nó cứ luôn miệng nói:
- Anh ơi em sợ lắm, em sợ lắm! Sắp cháy rồi!
Đã thế em lại càng cuống hơn, em chỉ biết kéo tay em chạy thật nhanh xuống phòng bác bảo vệ khu chung cư để kêu cứu. Bác cũng vội vã lên xem tình hình ra sao. Sau một hồi kiểm tra bác nói:
- Không sao đâu nhé, chỉ là hết gas thôi, hai đứa yên tâm!
Lúc đó em mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đến trưa cả hai anh em đều đói meo, biết làm cách nào để hâm lại thức ăn bây giờ. Em đành sang nhấn chuông nhà hàng xóm và nhờ cô hàng xóm nấu hộ, hai đứa còn ăn cơm luôn cùng gia đình cô. Đến chiều ông bà mới lên đến nơi, em kể hết mọi chuyện cho ông bà nghe. Ông bà khen em ngoan, nhanh trí khi biết nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, không những tự chăm sóc mình mà còn chăm sóc cả em gái nữa.
Sau lần ấy, em đã cố gắng tự học, tự làm những công việc đơn giản trong nhà để bố mẹ không phải lo lắng mỗi khi đi vắng. Em thấy kỉ niệm lần đó là một trải nghiệm đáng nhớ đối với em, nó giúp em trưởng thành hơn.