I. PHẦN ĐỌC – HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
(…) Trên cái tinh thần lâu dài mãi mãi, văn bia này có tác dụng như một tấm gương soi cho kẻ sĩ xa gần trong cả nước “trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua”. Học cái tốt mà loại trừ cái xấu, ý nghĩa của nó còn có tính chất dẫn dụ, răn đe, nhìn thấy bia thì “lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn chặn”. Và thống nhất quan điểm về mối liên hệ máu thịt giữa hiền tài với sự còn mất của non sông. Nơi dựng bia chính là nơi “vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa củng cố mệnh mạch cho nhà nước”.
Về tinh thần của văn bia, ta nhận ra niềm tự hào, tự tin vào sức mạnh và tương lai dân tộc. Phải đứng trên một mảnh đất vững bền mới có được cái tầm nhìn xa rộng (ở đây ý văn giống ý thơ Trần Quang Khải “Thái bình nên gắng sức- Non nước ấy nghìn thu”).
( Trích Tinh thần tự cường dân tộc, Lê Bảo)
1/ Nêu phương thức biểu đạt của văn bản?
2/ Câu văn Trên cái tinh thần lâu dài mãi mãi, văn bia này có tác dụng như một tấm gương soi cho kẻ sĩ xa gần trong cả nước “trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua”sử dụng biện pháp tu từ ( về từ) gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ đó.
3/Văn bia là gì?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về niềm tự hào, tự tin vào sức mạnh và tương lai dân tộc của tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.
II. PHẦN LÀM VĂN
Phân tích ý nghĩa của việc khắc bia tiến sĩ