K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

11 tháng 3 2016

Làng (Kim Lân) thuộc loại truyện có cốt truyện tâm lí, không xây dựng trên diễn biến sự việc mà chú trọng miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật, từ đó làm nổi rõ tình yêu làng thống nhất trong tình yêu nước và tinh thần kháng chiến ở nhân vật ông Hai.

Là một người nông dân suốt cuộc đời sống ở quê, gắn bó máu thịt với từng nếp nhà, thửa ruộng..., vì giặc ngoại xâm ông Hai phải đi tản cư nhưng lòng vẫn không thôi đau đáu về quê. Ông bày tỏ nỗi nhớ, tình yêu quê của mình trong những câu chuyện hằng ngày.

Cũng vì quá yêu làng, tự hào về làng, ông lại càng chua xót, tủi hổ hơn khi nghe cái tin làng ông làm Việt gian theo Tây mà chính ông nghe được từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên. Tin đó quá đột ngột khiến ông Hai sững sờ “ cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được...”. Trong điều kiện, hoàn cảnh lúc này ông không thể biết tin này thực hư ảo ra sao. Nhưng những người tản cư đã kể quá rành rọt, họ còn khẳng định “vừa ở dưới ấy lên”, làm ông không thể không tin, nên càng khiến ông đau buồn khổ sở. Tin ấy không chỉ làm ông đau về thể xác mà còn xâm chiếm, ám ảnh, day dứt tinh thần. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn cứ dõi theo “ Cha mẹ tiên sư chúng nó!... Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi một nhát!” khiến ông đau đớn xấu hổ “cúi gằm mặt xuống mà đi”.

Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, nhìn lũ con, cảm thấy tủi thân, nước mắt cứ giàn ra. “Chúng nó cũng là lũ trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi ư?”... “Tin hay không tin? Ông ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm? Nhưng rồi nghĩ rằng người ta hơi đâu bịa ra chuyện ấy”. Suốt cả ngày sau, ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp, lắng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. “Một đám đông tụm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy...”. Tác giả đã diễn tả rất cụ thể cái ám ảnh nặng nề, biến động dữ dội trong nội tâm nhân vật, sự sợ hãi ám ảnh tâm trạng ông Hai.

Càng yêu làng, tự hào về làng, thì khi làng theo Tây, ông Hai càng thấy đau, thấy nhục. Cái đau, cái nhục ấy cũng chính là biểu hiện của lòng yêu làng, yêu nước. Bao nhiêu ý nghĩ ghê rợn nối tiếp bời bời trong đầu óc ông, đẩy ông Hai vào tình huống phải lựa chọn “hay là quay về làng?”, “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Tình yêu quê và tình yêu Tổ quốc xung đột dữ dội trong lòng ông. Cuối cùng ông đã lựa chọn “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Đối với người nông dân thuần phát ấy, tình yêu nước rộng lớn, hướng về kháng chiến, cụ Hồ đã bao trùm lên tình yêu làng.

Nỗi lòng đó của ông được trút vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con nhỏ: “Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?”; “Thế con ủng hộ ai?”... Phải chăng, cũng chính là lời ông Hai tự nhủ với mình, tự giãi bày nỗi lòng. Ông Hai bày tỏ nỗi lòng sâu xa, chân thành của người nông dân với quê, với Tổ quốc, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ.

Tình yêu làng, lòng tin ở làng, cùng với nỗi dau dứt, đau khổ, lo lắng được giải tỏa ở tình huống cuối cùng của câu chuyện. Đó là việc ông Chủ tịch làng Dầu lên cải chính cái tin làng Dầu đi làm Việt gian. Bao sung sướng, hạnh phúc, tự hào về làng trở về với ông Hai. Trên khuôn mặt buồn thiu mọi ngày bỗng rạng rỡ lên. Mặc dù biết Tây nó đốt cả nhà mình mà ông không xót xa. Cái dáng vẻ “lật đật” đi đâu cũng múa tay lên mà khoe tin ấy, tưởng như không bình thường nhưng hoàn toàn chân thật. Ông Hai đã quên sự mất mát riêng để tự hào sung sướng trong vẻ đẹp, sức mạnh chung của quê hương đất nước. Tình yêu làng của ông đã mở rộng, hòa quyện trong tình yêu nước.

Thành công của Kim Lân là diễn tả diễn biến tâm lí cụ thể ở một con người – ông Hai, mang tình cảm chung của người nông dân Việt Nam đối với làng, với nước. Bên cạnh đó, truyện để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi chính cảm xúc, khát khao, vui buồn của nhà văn, tạo dư âm cho tác phẩm.

 

11 tháng 12 2018

Kim Lân là một nhà văn có sở trường về truyện ngắn. Các tác phẩm của ông thường viết về cảnh ngộ của người nông dân và cuộc sống sinh hoạt của làng quê. "Làng" là một tác phẩm tiêu biểu của ông viết về đề tài đó. Truyện được sáng tác năm 1948 thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong truyện ngắn "Làng", nhà văn Kim Lân đã thể hiện một cách sinh động và tinh tế diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi tin đó được cải chính.

Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông Hai đau đớn tủi hổ vô cùng. Tác giả đã diễn tả rất cụ thể diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trước cái tin dữ đó. Thoạt đầu, nghe được tin đột ngột từ người đàn bà tản cư nói ra, ông Hai bàng hoàng đến sững sờ. "Cổ họng ông nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được". "Ông sinh ra nghi ngờ, cố chưa tin vào cái tin ấy. Nhưng những người tản cư đã kể rành rọt quá làm ông không thể không tin". Từ lúc ấy, tâm trạng ông Hai bị ám ảnh, ray rứt với mặc cảm là kẻ phản bội. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông cúi gằm mặt xuống mà đi.

Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, tủi thân khi nhìn đàn con. "Nước mắt ông lão cứ giàn ra". "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?" Ông giận lây và trách cứ những người trong làng phản bội. Tủi thân, ông Hai thương con, thương dân làng chợ Dầu, thương thân mình phải mang tiếng là dân làng Việt gian.

Suốt mấy ngày hôm sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở xó nhà, nghe ngóng tình tình bên ngoài. Ông sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, xấu hổ và nhục nhã. Cứ thoáng nghe thấy Tây, Việt gian, cam-nhông là ông lại "lủi ra một góc nhà nín thít".

Ông Hai tiếp tục bị đẩy vào một tình huống thử thách căng thẳng, quyết liệt khi nghe tin mụ chủ nhà sẽ đuổi hết người làng chợ Dầu ở nơi tản cư. Ông cảm nhận được hết nỗi nhục nhã, lo sợ vì tuyệt đường sinh sống: "Biết đi đâu bây giờ". Bị đẩy vào đường cùng, tâm trạng ông Hai vô cùng bế tắc, mâu thuẫn nội tâm được đẩy đến đỉnh điểm. Ông nghĩ hay là quay về làng nhưng lại hiểu rõ thế là phản bội cách mạng, phản bội Cụ Hồ. Thế rồi ông đã dứt khoát theo cách của ông: "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Rõ ràng, tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ được tình cảm với làng. Vì thế mà ông càng đau xót, tủi hổ.

Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời tâm sự với đứa con út. Qua lời tâm sự với con, chúng ta thấy rõ một tình cảm sâu nặng và bền chặt với cái làng chợ Dầu, một tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng của con người ông Hai. Tình cảm đó là sâu nặng và thiêng liêng.

Khi nghe tin làng chợ Dầu không theo giặc, ông Hai sung sướng vô cùng. Cái nét mặt buồn thiu hàng ngày bỗng vui tươi, rạng rỡ hẳn lên. Ông còn thay đổi thái độ với các con: Mua bánh rán về chia cho các con. Sau đó ông chạy đi báo cho mọi người biết cái tin Tây nó đốt nhà mình rồi. Nhà bị giặc đốt mà ông không buồn không tiếc, lại lấy đó là niềm tự hào bởi đây là bằng chứng duy nhất chứng minh lòng trung thành của gia đình ông, của làng ông với kháng chiến. Tình yêu làng của ông Hai luôn gắn chặt với lòng yêu nước. Ông biết đặt tình yêu nước lên trên tình cảm cá nhân của mình. Phải chăng đó là nét đẹp trong con người ông Hai nói riêng và những người nông dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhân vật ông Hai được khắc họa nhờ những yếu tố nghệ thuật đặc sắc. Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi tin đó được cải chính được miêu tả một cách cụ thể, gợi cảm qua ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ. Ngôn ngữ nhân vật ông Hai mang đậm tính khởi ngữ, là lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân, bộc lộ rõ tâm trạng và thái độ của nhân vật. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, sinh động.

Tóm lại, truyện ngắn "Làng" của nhà văm Kim Lân đã diễn tả rất cụ thể diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi tin đó được cải chính. Qua diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai, ta thấy được một tình yêu làng yêu nước tha thiết gắn với tinh thần kháng chiến của nhân vật ông Hai. Ông Hai chính là hình ảnh tiêu biểu cho người nông dân VN trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

8 tháng 6 2016

Ở đây có nhiều bài này Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông thôn nghèo khổ này.? - Tìm với Google

8 tháng 6 2016

I.Mở bài:

 - Giới thiệu tác giả, tác phẩm

 - Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ

II. Thân bài:

1.     Tâm trạng bà cụ Tứ

    - Bà ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ mặt trong nhà mình lại gọi mình bằng U.

    - Khi biết con trai mình có vợ, bà vô cùng ngạc nhiên, đặt ra nhiều câu hỏi:

+ Tâm trạng ngổn ngang, phức tạp, đầy mâu thuẫn: mừng, lo, buồn, tủi

+ Bà khóc vì thương con trai và con dâu. Tủi cho con của bà, tủi cho phận mình.

    - Buổi sáng hôm sau:

+ Hạnh phúc của con trai bà làm bà tươi tỉnh, nhẹ nhõm “cái mặt bủng beo u ám bỗng rạng rỡ hắn lên”

+ Bà cố tạo niềm vui cho con trai và con dâu, cho dù niềm vui thật mong manh và tội nghiệp.

    - Bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này. Động viên con bằng triết lí dân gian “ai giàu ba họ ai khó ba đời”

    - Bữa cơm đón nàng dâu mới bằng nồi chè khoán thực ra là nồi cháo cám đắng chát.

2. Qua diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật này:

    - Người mẹ nghèo khổ rất mực thương con

    - Một người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha

    - Bà cụ Tứ là người rất lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng. Hình ảnh bà cụ Tứ cũng là hình ảnh tiêu biểu cho người mẹ nghèo Việt Nam.

      3. Đánh giá

    - Phân tích tâm lí nhân vật sâu sắc

    - Ngôn ngữ mộc mạc giản dị nhưng chắt lọc và giàu sức gợi, cách dựng đoạn đối thoại ấn tượng, hấp dẫn, nhà văn khắc hoạ thành công tâm trạng bà cụ Tứ một cách chân thực, tinh tế.

    - Qua nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn muốn thể hiện tư tưởng: dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống.

 

8 tháng 6 2016

I . Mở bài
Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê , lam lũ hồn hậu , chất phác mà giàu tình yêu thương . Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông . Tác phẩm đã khắc hoạ thành công nhân vật Tràng , một người lao động nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương , luôn khao khát hạnh phúc gia đình giản dị , biết hướng tới tương lai tươi đẹp .

II . Thân bài
Kim Lân rất am hiểu nông thôn và đời sống của nhân dân nên ông có những trang viết sâu sắc, cảm động. Truyện Vợ nhặt rút từ tập Con chó xấu xí) được coi là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Thiên truyện có một quá trình sáng tác khá dài. Nó vốn được rút ra từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư (cuốn tiểu thuyết viết dang dở ở thời kì trước Cách mạng). Hoà bình lập lại, Kim Lân viết lại. Vợ nhặt mang dấu ấn của cả một quá trình nghiền ngẫm lâu dài về nội dung và chiêm nghiệm kĩ lưỡng về nghệ thuật.
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hi vọng vào ngày mai. Tiêu biểu cho những con người đó là nhân vật Tràng .
Tràng được khắc hoạ nổi bật trong bối cảnh ngày đói vô cùng thê thảm ở nông thôn Việt Nam do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra năm 1945 . Những người năm đói được miêu tả với “khuôn mặt hốc hác u tối”, “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma”, và “bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”. Trong không gian của thế giới ngổn ngang người sống kẻ chết ấy, tiếng quạ “gào lên từng hồi thê thiết” cùng với “mùi gây của xác người” càng tô đậm cảm giác tang tóc thê lương. Cái đói huỷ diệt cuộc sống tới mức khủng khiếp. Trong một bối cảnh như thế Kim Lân đặt vào đó một mối tình thật là táo bạo , dở khóc , dở cười giữa Tràng và Thị , một mối duyên bắt nguồn từ bốn bát bánh đúc giữa ngày đói .
Kim Lân đã tạo nên một tình huống độc đáo : Tràng nhặt được vợ để từ đó làm nổi bật khao khát hạnh phúc , tình yêu thương , cưu mang đùm bọc lẫn nhau của những con người đói . Ngay cái nhan đề Vợ nhặt đã bao chứa một tình huống như thế : nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói năm 1945, người dân lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết, giá trị một con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo, chỉ nhờ có mấy bát bánh đúc ngoài chợ .Như vậy thì cái thiêng liêng (vợ) đã trở thành rẻ rúng (nhặt). Nhưng tình huống truyện còn có một mạch khác: chủ thể của cái hành động “nhặt” kia là Tràng, một gã trai nghèo, xấu xí, dân ngụ cư, đang thời đói khát mà đột nhiên lấy được vợ, thậm chí được vợ theo thì quả là điều lạ. Lạ tới mức nó tạo nên hàng loạt những kinh ngạc cho hàng xóm, bà cụ Tứ – mẹ Tràng và chính bản thân Tràng nữa.

Tình huống truyện trên đã khơi ra mạch chảy tâm lí cực kì tinh tế ở mỗi nhân vật , đặc biệt là Tràng.

Anh cu Tràng cục mịch, khù khờ, bỗng nhiên trở thành người thực sự hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc lớn quá, đột ngột quá, khiến Tràng rất đỗi ngỡ ngàng “đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?”. Rồi cái ngỡ ngàng trước hạnh phúc kia cũng nhanh chóng đẩy thành niềm vui hữu hình cụ thể. Đó là niềm vui về hạnh phúc gia đình – một niềm vui giản dị nhưng lớn lao không gì sánh nổi.. Chàng thanh niên nghèo khó “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng.

Mặc dù người vợ được hắn nhặt về , nhưng Tràng không hề rẻ rúng , khinh miệt thị . Trái lại , Tràng vô cùng trân trọng , coi chuyện lấy thi là một điều nghiêm túc . Khát vọng mái ấm gia đình đã khiến Tràng vượt qua lo lắng về cái đói “ đến thân còn chẳng lo nổi , lại còn đèo bòng” . Tràng chậc lưỡi “ kệ” cái đói , mua cho thị cái thúng con , vài xu dầu và dẫn thị về căn nhà lụp xụp rách nát của mẹ con mình . Tràng hồi hộp chờ câu đồng ý chấp thuận của bà cụ Tứ .

 

Buổi sáng hôm sau , Tràng thấy khoan khoái như người từ trong giấc mơ đi ra . Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là một điều thật bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời Tràng . Hắn thấy hắn nên người . Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Một niềm vui thật cảm động, lẫn cả hiện thực lẫn giấc mơ.

Chi tiết: “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà” là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ ngây dại sang ý thức. Tràng đã có một ý thức bổn phận sâu sắc: “hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này”. Tràng thật sự “phục sinh tâm hồn” đó là giá trị lớn lao của hạnh phúc.

Câu kết truyện “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phớichứa đựng bao sức nặng về nghệ thuật và nội dung cho thiên truyện. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng là tín hiệu thật mới mẻ về một sự đổi thay xã hội rất lớn lao, có ý nghĩa quyết định với sự đổi thay của mỗi số phận con người. Đây là điều mà các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 không nhìn thấy được. Nền văn học mới sau Cách mạng tháng tám đã đặt vấn đề và giải quyết vấn đề số phận con người theo một cách khác, lạc quan hơn, nhiều hi vọng hơn.

III . Kết bài .
Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân , là tác phẩm giàu giá trị hiện thực , nhân đạo ; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ , ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người . Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng , một người lao động nghèo khổ mà ấm áp tình thương , niềm hi vọng , lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.

8 tháng 6 2016

I. Mở bài:

    -  Giới thiệu tác giả, tác phẩm

    - Giới thiệu nhân vật Tràng, nhân vật chính của tác phẩm thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng.

II. Thân bài

1.     Tràng là người hiền lành, cởi mở. Bề ngoài thô kệch vụng về… Tràng là dân ngụ cư, nhưng bản chất tốt đẹp. Xóm ngụ cư dành nhiều tình cảm cho Tràng.

2.      Tràng là người nhân hậu, luôn yêu thương người cùng cảnh ngộ

 - Tình huống bộc lộ bản chất nhân hậu của Tràng (nhặt được vợ ngay giữa nạn đói)

 - Giữa lúc nạn đói hoành hành, vì đói người ta có thể làm những điều ti tiện để có được miếng ăn, nhưng anh sắn sàng đãi người bà xa lạ một bữa bốn bát bánh đúc.

 - Tràng làm điều đó không phải để trả ơn, càng không phải để lợi dụng mà là tình thương.

3.     Tràng là người khao khát hạnh phúc, có ý thức xây dựng hạnh phúc

 - Câu nói nửa đừa nửa thật ẩn giấu niềm khao khát hạnh phúc gia đình

 - Trên đường dẫn người đàn bà về, Tràng “tự đắc”, quên hết cái đói, chỉ có tình cảm với người đàn bà đi bên.

 - Cử chỉ vụng về, nhưng tình cảm chân thực (Tràng mua hai hào dầu thắp sáng). Tràng thắp lên ánh sáng hạnh phúc

 - Tràng luôn hy vọng có sự đổi đời gắn chặt với niềm tin khi đón nhận hạnh phúc (khi có vợ: sung sướng, cảm động trước hạnh phúc bất ngờ, gắn bó yêu thương với căn nhà, ý thức về bổn phận, tự thấy nên người)

 -Tràng dự cảm về sự đói giữa cảnh tối sầm của đói khát, thể hiện niềm tin luôn hướng về tương lai của người lao động.

4.     Gía trị nhân đạo của Tp được thê rhiện qua nhân vật Tràng

5.      Đóng góp về xây dựng nhân vật của nhà văn.

III. Kết bài: Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của Tràng

11 tháng 11 2021

Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình thương yêu. “Vợ nhặt” là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc họa thành công vẻ đẹp phẩm hạnh của nhân vật người vợ nhặt, một người phụ nữ nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc gia đình giản dị, biết hướng tới tương lai tươi đẹp.

26 tháng 8 2018

Đáp án cần chọn là: B

18 tháng 3 2016

Gợi ý :

1. Giới thiệu hoàn cảnh nạn đói và sự kiện Tràng có vợ:

            - Giữa cảnh tối sầm lại vì nạn đói ( người chết như ngã rạ, những đám người đói như những bóng ma,... ) thì Tràng lại nhặt được người đàn bà về làm vợ. Sự việc này này gây ngạc nhiên cho nhiều người dân xóm ngụ cư và trong đó có cả bà cụ Tứ - mẹ Tràng.

2. Khi chưa biết người đàn bà là con dâu:

            - Bà cụ Rất ngạc nhiên, bà không hiểu vì sao lại có người dàn bà ngồi ngay ở giường con mình, không phải là cái Đục, mà lại chào mình bằng u...

3. Khi biết thị là con dâu:

            - Sau khi Tràng giới thiệu với bà, bà hiểu ra bao nhiêu cơ sự, hàng loạt tâm trạng ngổn ngang xuất hiện:

            + Bà mừng: vì con bà ( xấu trai, nhà nghèo ) mà cũng có được vợ.

            + Cảm thông cho người đàn bà: “Người ta có gặp bước đói khổ này mới lấy đến con nình...”

            + Tủi thân: Vì bà không làm tròn bổn phận dựng vợ gả chồng cho con.

            + Xót xa cho số kiếp của đứa con: lấy vợ ngay khi khốn khó bởi cái đói , cái chết.

            + Lo: Không biết chúng nó có qua khỏi được tao đoạn này không.

4. Từ tâm trạng của bà, ta nhận ra tình cảm sâu sắc của người mẹ: Điều đó lại càng được tô đậm thêm qua những cử chỉ, lời nói của bà:

            - Bữa cơm ngày đói bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau.

            - Bà vun đắp hạnh phức cho đôi vợi chồng trẻ: “Khi nào rảnh, kiếm ít nứa, dan cái phên mà ngăn ra mày ạ”

            - Bày biểu con cách làm ăn: chuyện nuôi gà

            - Đặt vào lòng con một niềm tin vào cuộc sống, tương lai: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. May ra ông trời cho khá...

            - Khi khóc, bà vội quay ,mặt đi, bà không để con dâu nhìn thấy bà khóc...

5. Thông qua những biểu hiện về tâm trạng, nhà văn thể hiện vẻ đẹp trong tấm lòng của người mẹ. Đó là tình thương con rất mực, tinh thần cưu mang đùm bọc. Đó chính là nét đẹp thuần hậu nguyên thủy của người mẹ Việt Nam.

 

8 tháng 1 2019

1. Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc:

- Khẳng định về việc xây dựng nhân vật là điều quan trọng trong tác phẩm:

+ Tác phẩm văn xuôi là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: cốt truyện, tình huống, nhân vật…

+ Nhân vật là “linh hồn” của tác phẩm -> xây dựng nhân vật là điều rất quan trọng. Có nhiều kiểu nhân vật khác nhau: có nhân vật thiên về hành động ( nhân vật cổ tích), có nhân vật thiên về diễn biến nội tâm.

+ Để xây dựng nhân vật ông Hai, Kim Lân đã đi theo mạch diễn biến nội tâm của nhân vật.

a. Giới thiệu khái quát về nhân vật ông Hai trước khi nghe tin làng theo giặc (tóm lược ngắn gọn ý chính để thấy rõ sự thay đổi trong diễn biến ở phần sau)

- Ông tha thiết yêu làng Chợ Dầu và rất tự hào về làng mình.

- Khoe làng:

+ Trước cách mạng: Ông khoe con đường làng đi chẳng lấm chân, khoe cái sinh phần của một vị quan lớn trong làng.

+ Sau cách mạng: Ông khoe về một àng Chợ Dầu cách mạng, làng Chợ Dầu chiến đấu.

- Nhớ làng:

- Ở nơi tản cư:

+ Luôn nhớ về làng và muốn về lại làng Chợ Dầu.

+ Thói quen sang bác Thứ để kể chuyện làng -> kể để nguôi đi nỗi nhớ làng.

+ Tự hào vì làng Chợ Dầu tham gia chiến đấu ủng hộ cách mạng (chòi gác, đường hầm bí mật…)

b. Tâm Trạng ông Hai khi nghe làng chợ Dầu theo giặc

* Lúc mới nghe tin, ông ngạc nhiên đến bàng hoàng, sững sờ:

- Đúng lúc ông Hai đang phấn khởi trước những tin tức thời sự thì nghe những người tản cư bàn về làng Chợ Dầu. Ông quay phắt lại hỏi: “ta giết được bao nhiêu thằng?” -> Câu hỏi cho thấy niềm tin vững chắc vào tinh thần cách mạng của làng mình.

- Vì thế, tin làng theo giặc khiến ông chết lặng vì đau đớn, tủi thẹn:

+ Cổ nghẹn đắng.

+ Da mặt tê rân rân.

+ Giọng lạc hẳn đi.

+ Lặng đi như không thở được…

-> Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.

* Từ giây phút đó, ông chìm vào tâm trạng hoang mang, đau khổ, sợ hãi:

- Ông lảng ra chỗ khác rồi về thẳng nhà, nằm vật ra giường chứ không chạy sang hàng xóm khoe làng như thường lệ.

- Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm:

+ Cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian;

+ Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư.

+ Cho tương lai cả gia đình.

- Ông sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh:

+ Không dám bước chân ra khỏi nhà.

+ Không dám nói chuyện với vợ.

+ Mỗi một tiếng động bên ngoài cũng khiến ông hoang mang.

+ Lúc nào cũng nín thở nghe ngóng và chột dạ, nơm nớp.

* Ý nghĩa của đoạn diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Dầu theo giặc:

- Đây là đoạn nội dung quan trong trong tác phẩm, có ý nghĩa vừa khắc họa chân dung nhân vật, vừa mở ra những tình huống truyện tiếp theo.

- Đoạn văn miêu tả đã đẩy mạch truyện lên cao trào, thắt nút đòi hỏi phải mở ra một cách giải quyết vấn đề.

- Đặt trong tác phẩm ta càng thấy rõ tình yêu nước sâu sắc bao trùm lên tình yêu làng xóm của nhân vật nói riêng và của mỗi người dân Việt Nam nói chung.

- Đoạn văn cho ta thấy tài năng, ngòi bút tài hoa của Kim Lân trong việc khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật. (Sự hóa thân vào nhân vật rất tự nhiên, chân thực)

2. Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu được cải chính:

- Nhận được tin cải chính về làng, ông Hai như được sống lại, mọi đau khổ, tủi nhục như biến mất.

- Tin cải chính đến cùng tin làng bị đốt, nhà ông Hai cũng bị đốt sạch: “Tây nó đốt nhà tôi rồi… Đốt nhẵn!”.

+ Với người nông dân, ngôi nhà là cả cơ nghiệp của họ, suốt đời họ xây đắp, gìn giữ nó.

+ Vậy mà ông Hai không hề buồn tiếc về ngôi nhà của mình, vì nó là minh chứng hùng hồn khẳng định làng ông không theo giặc và trên hết, nó như sự “đóng góp” của gia đình ông với kháng chiến. Trong sự cháy rụi của nhà ông có sự hồi sinh của làng Chợ Dầu, cái làng anh dũng kháng chiến, có sự vẻ vang của gia đình ông. Trong niềm vui lớn lao ấy, sự mất mát kia chẳng thấm vào đâu.

=> Tấm lòng của người dân Việt Nam trong kháng chiến chống xâm lược, họ sẵn sàng hi sinh tất cả vì đất nước.

- Ông vô cùng sung sướng, hạnh phúc:

+ Chạy khắp nới để khoe chuyện Tây đốt làng, đốt nhà mình, khoe cái tin làng theo giặc là sai.

+ Phấn khởi mua quà về chia cho các con.

+ Định nuôi lợn để ăn mừng.

+ Ông như được hồi sinh: lại nhanh nhẹn, sôi nổi, thích nói chuyện với mọi người xung quanh.

-> Cội nguồn của sự thay đổi tâm trạng của ông vẫn là tình yêu làng, yêu nước. Tin cải chính đã trả lại cho ông niềm tự hào về làng Chợ Dầu và niềm tự tin vào bản thân mình. Hai tình cảm lớn lại hòa nhaaph làm một trong tâm hồn người nông dân chất phác và trọng danh dự này.

8 tháng 6 2016

I. Mở bài Truyện ngắn giai đoạn 1945 – 1985 đã đạt được  những thành tựu xuất sắc, trong đó Kim Lân là gương mặt tiêu biểu, dù nhà văn sáng tác không nhiều. Theo nhà văn Bôn-đa-rép thì nghệ thuật sinh ra từ những thái cực và xung đột. Ý kiến này có thể chưa đúng trong mọi trường hợp nhưng truyện Vợ nhặt ra đời từ một thái cực của đời sống. Vợ nhặt đã ghi lại chân thực cảnh nạn đói mùa xuân năm 1945, một tai họa thảm khốc trong lịch sử của dân tộc ta. Trên cái nền tăm tối ấy, Kim Lân đã làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam. Do đó truyện vừa có giá trị hiện thực vừa có giá trị nhân đạo cao quý. II. Thân bài. 1. Giá trị hiện thực. a. Giá trị hiện thực về bức tranh nạn đói Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã hắt vào truyện thứ ánh sáng của hoàng hôn xám xịt. Theo bước chân Tràng từ phố chợ đến miền quê, người chết rải rác nằm cong queo bên lề đường, người sống thì đi lại dật dờ, mặt mày xanh xám như những bóng ma, những đứa trẻ của xóm ngụ cư ngồi ủ rũ ở những xó đường không buồn nhúc nhích, không khí vấy lên mùi ẩm thối, trên cây gạo đầu làng tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết. Cả một vùng như biến thành bãi tha ma trong không gian đầy mùi tử thi. Mội cõi dương có hơi ám cõi âm. Thời gian và không gian nghệ thuật là một tín hiệu thẩm mĩ, nó báo rằng đó là thời điểm con người đang đứng ở ranh giới giữa ánh sáng với bóng tối, giữa trần gian với địa ngục. Cả dân tộc đang đứng trước hoàng hôn của cuộc đời, đứng mấp mé bên bờ vực thẳm. Điều đó cho thấy sự tàn phá ghê gớm của nạn đói, một hiện thực thê thảm. b. Hiện thực về thân phận người lao động - Trong hoàn cảnh ấy, thân phận con người thật là bèo bọt. Người đàn bà Tràng gặp ngoài kho thóc quần áo rách tả tơi, thân hình gầy sọp vì đói. Người đàn bà này theo không Tràng mà chẳng còn chút sĩ diện, danh dự. Đó là một sự thật, một hiện thực mỉa mai, cay đắng mà cũng đầy xót xa. Thân phận con người chẳng khác gì cỏ rác. - Mẹ con Tràng chỉ chòn cháo cám cầm hơi, nhà cửa chẳng khác gì gia cảnh của chị Dậu (Tắt đèn – Ngô Tất Tố). Họ đứng trước tương lai mờ mịt, nạn đói đang đe dọa đến sinh mạng. Đó là hiện thực về thân phận bọt bèo, hẩm hiu của người lao động trước CMT8. = > Theo bước chân Tràng, truyện mở ra một hiện thực thê thảm, một thế giới điêu tàn xác xơ vì sự phá hoại của nạn đói. Số phận cả dân tộc thật hắt hiu, buồn não. Nguyên nhân là do bọn thực dân, phát xít gây nên truyện không đề cập trực tiếp đến tội ác của chúng nhưng sức tố cáo vẫn mạnh mẽ. 2. Giá trị nhân đạo Trong cảnh bần cùng đói rách, người ta có thể sống lạnh lùng, ích kỉ thậm chí tàn nhẫn, nhưng người lao động Việt Nam vẫn sống nhân hậu, chan hòa yêu thương, vẫn ngời sáng tấm lòng nhân đạo. Từ trong tăm tối, đói nghèo vút lên ánh sáng của lương tri, của tinh thần tương thân tương ái. Đó là phần đẹp nhất, là giá trị tư tưởng chính của tác phẩm. a. Kim Lân đã hết lời ca ngợi tấm lòng tốt đẹp của mẹ con Tràng. - Nhìn bề ngoài có vẻ xấu xí nhưng Tràng có cách ứng xử rất đẹp. Khi đẩy thuê xe thóc ra kho, thấy người đàn bà đói thì Tràng cho ăn, dù anh ta chẳng có dư giả gì. Hành động có vẻ ngẫu hứng nhưng cũng thể hiện sự nhườm cơm sẻ áo. Trong nạn đói miếng ăn là cả vấn đề sinh mạng nên hành động kia là một nghĩa cử cao đẹp. Sau đó người đàn bà theo về làm vợ Tràng cũng chấp nhận, mặc dù anh ta cũng hơi sợ. Tấm lòng cưu mang này còn có một nguyên cớ thật đẹp ở bên trong: niềm khao khát tình yêu và hạnh phúc gia đình. Tâm tư, tình cảm của Tràng đặt trong tình cảnh này thật đáng quý, đáng trân trọng. Dù nghèo nhưng sống nhân ái nên Tràng đã được bù đắp. Sáng hôm sau, Tràng cảm thấy hạnh phúc thực sự. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, sự chuyển biến ý thức này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì cái đói không làm người ta trở thành quay quắt mà làm thức dậy những phẩm giá tốt đẹp. - Bà cụ Tứ là người mẹ có tấm lòng thật cao cả. Việc Tràng lấy vợ làm bà ngạc nhiên đến sững sờ, nhưng nghĩ lại bà đã hiểu ra. Khi hiểu ra sự tình, lòng người mẹ nghèo cảm thấy xót xa, nghẹn ngào nước mắt. Bà thường cho số kiếp nghèo, bèo bọt, thua thiệt của con trai nên mới đi nhặt vợ… Bà tủi thân già không lo được cho con, hận mình không tròn bổn phận làm cha, làm mẹ nên con trai mới đến nông nỗi này. Thương con bao nhiêu, bà thương người bấy nhiêu. Bà nhìn người đàn bà xa lạ kia với ánh mắt ái ngại, cảm thông và ý nghĩ xuất phát từ tấm lòng bao dung, nhân hậu: Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thế nên cụ sẵn sàng cưu mang, chấp nhận nàng dâu mới. Nghĩ đến cảnh sống hiện tại, cụ vừa mừng vừa lo cho hạnh phúc của hai con, nhưng cụ lại tin tưởng: ai giàu ba họ, ai khó ba đời, rồi ra con cái chúng mày về sau… - Còn người vợ nhặt,bị nạn đói đập cho tơi tả, nhưng cô ta cũng cố bám víu, cố gắng vươn lên tìm lấy sự sống, khát khao được sống, được hạnh phúc. Khi trở thành người thân trong gia đình Tràng, cô ta toát ra vẻ đẹp của người vợ hiền, nàng dâu thảo. Như vậy, qua nhân vật Tràng, cụ Tứ và người vợ nhặt, Kim Lân đã ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam. Họ luôn sống nhân ái, giàu tình cảm, trong hoạn nạn đã nhường cơm sẻ áo, cưu mang đùm bọc nhau, trong đói nghèo vẫn luôn khao khát tình thương, mái ấm gia đình; vẫn tinh tưởng vào tương lai cuộc đời sẽ tốt đẹp. b. Khi cuộc đời của gia đình nông dân này chưa tìm được lối thoát thì Cách mạng đã đến với họ. Hình ảnh đoàn người đi trên đê Sộp với lá cờ đỏ phấp phới hiện lên trong sự tiếc rẻ của Tràng, thì chắc chắn lần sau anh sẽ đi cùng với họ. Anh sẽ hòa chung với dòng người đói khổ để mang về ánh sáng hạnh phúc nó ấm và cả một tương lai tươi đẹp. Cách kết thúc có hậu đã ngầm ca ngợi tư tưởng nhân đạo của một cách mạng. Trong tác phẩm, Kim Lân còn kín đáo bộc lộ niềm đồng cảm của mình đối với nhân vật qua cách kể chuyện, cách xây dựng hình tượng nhân vật. - Giọng kể chậm rãi, từ tốn, nhẹ nhàng, cái nhìn của người kể gần gũi, cảm thông, cách miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc; chứng tỏ nhà văn đã nhập thân vào nhân vật nên mới hiểu được những ngóc ngách trong tâm tư thầm kín của họ, mới lắng nghe được khát vọng cùng bao nỗi buồn vui của mẹ con Tràng. - Tác giả xây dựng nhân vật Tràng có vẻ hoang sơ nhưng chưa phải là hoang dã, thô kệch nhưng không thô lỗ, hồn nhiên, vô tâm nhưng chưa phải ngờ nghệch. Còn người vợ nhặt có chút điêu ngoa nhưng chưa phải đanh đá, nanh nọc; có chút lẳng lơ nhưng chưa hư hỏng. Ranh giới giữa hai khái niệm trên rất mỏng, nếu ngòi bút thiếu bản lĩnh, rơi vào sa đà thì nhân vật sẽ không chiếm được cảm tình nơi người đọc. Giữ được điều ấy chứng tỏ tác giả đã có một lập trường vững vàng và xây dựng nhân vật của mình bằng cả một tấm lòng. = > Truyện lên án chế độ thực dân phát xít đã gieo rắc đau thương cho nhân dân ta; đồng cảm với cảnh đói nghèo, thân phận đáng thương; ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, tin tưởng vào phẩm giá và khả năng vươn dậy của con người… là những biểu hiện cảm động của chủ nghĩa nhân đạo. III. Kết bài Bằng tình huống truyện độc đáo, Kim Lân đã mở ra bức tranh nạn đói mùa xuân năm 1945 với cái nghèo khó, tàn tạ của một gia đình nông dân, những thân phận thấp hèn, tủi buồn, chẳng có được bao nhiêu niềm vui trong ngày cưới. Thế nhưng tác giả đã nhìn vào hiện thực ấy bằng cái nhìn yêu thương, tin tưởng nên đã thấy được vẻ đẹp tấm lòng của những mảnh đời khốn khó, thấy được sử vận động đi lên khỏe khoắn của hiện thực sẽ làm thay đổi những kiếp người trong cuộc đời cũ.
Nguồn : http://hoctotnguvan.net/gia-tri-hien-thuc-va-nhan-dao-trong-truyen-ngan-vo-nhat-cua-kim-lan-21-868.html

8 tháng 6 2016

Năm 1945 đã trở thành dấu ấn lịch sử  không thể phai mờ đối với mỗi con người Việt Nam, thời điểm đó không chỉ đánh dấu sự huy hoàng  của thắng lợi Việt Nam đánh đổ phát xít, thực dân và lật đổ chế độ phong kiến 1000 năm. Đưa nước ta trở thành một nước tự do dân chủ. Đó còn là giai đoạn ghi nhận những đau thương mất mát của dân tộc ta dưới họa xâm lăng. Sự bóc lột dã man tàn bạo của bọn phát xít thực dân và bọn phong kiến tay sai đã đẩy hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Trong hoàn cảnh ấy nhà văn Kim Lân đã dựng lên một tình huống nhặt được vợ. Tình huống ấy vừa để tố cáo tội ác của bọn bóc lột, vừa thể hiện niềm cảm thông với nỗi đau khổ của con người, vừa bày tỏ niềm tin vào con người:” dù cuộc sống có đau khổ đến đâu, nhưng con người vẫn thể hiện niềm yêu thương đùm bọc lẫn nhau vẫn không nguôi về khát vọng hạnh phúc, vẫn hướng đến một tương lai tươi sáng”. Đó chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm.
   

Trước hết ta phải hiểu giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản trong tác phẩm văn học trân chính, nó được tạo nên bởi tình yêu thương của con người, niềm cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của con người, sự nâng niu trân trọng những nét đẹp của con người hơn thế còn là lòng tin khả năng vươn dậy của nó.
   

Tác phẩm “ vợ nhặt” đã bộ lộ được niềm xót xa thương cảm đối với cuộc sống bi đát cú người dân nghèo trong nạn đói. Nạn đói được vi như một trận đại hồng thủy có sức tàn phá dữ dội. Những dãy phố úp sụp tối om :” những người đói dật dờ đi lại như những bóng ma”, “ không khí vẩn lên mùi ẩm mốc thối của rác rưởi và mùi gây gây của xác người” và đặc biệt hơn là âm thanh của tiếng quạ gào thê thiết. Bằng những hình ảnh đau thương của nạn đói, tác giả đã tố cáo được tội ác của bọn thực dân phát xít cùng bọn phong khiến tay sai. Chúng đã dồn người dân đến mức đường cùng của cuộc sống, làm cho bao người chết trong cảnh đói rách..
     

Tác phẩm còn đi sâu khám phá nâng niu trân trọng khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc của con người. Tràng luôn khao khát hanh phúc, ẩn sau hình ảnh người đàn ông thô kệch chỉ biết làm lụng kia là con người cũng khao khát yêu thương. Trong hoàn cảnh kéo xe thóc mà anh vẫn buông lời trêu đùa để làm cho cuộc sống thêm tươi vui, anh đùa có ai đẩy xe cùng thì mời bữa cơm xôi giò. Tưởng chỉ là lời trêu đùa vui vơ mà có cô ra đẩy cùng, sau một hồi ăn 2 chập bánh đúc thì người đàn bà ấy theo về làm vợ. Anh cũng nghĩ đến cái đói đang khủng khiếp kia liệu mình có vượt qua được không mà còn thêm cô vợ, nhưng anh “chậc kệ”. Niềm khao khát hạnh phúc khiến anh vượt qua cái đói cái chết sắp tới. Trên đường về nhà khuôn mặt anh vui lạ thường.Thậm chí Kim Lân còn đẩy tình huống truyện đến đỉnh điểm khi miêu tả sự ngạc nhiên của Tràng. Bản thân anh cũng không ngờ rằng việc lên vợ lên chồng của mình lại dễ dàng đến thế, chỉ có bốn bát bánh đúc mà thành vợ thành chồng. Cho nên khi dẫn vợ về nhà, nhìn thất vợ giữa nhà Tràng vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Đến bây giờ hắn còn ngờ ngợ không phải” ra hắn đã có vợ rồi đấy ư…”. Đến sáng hôm sau nhìn thấy ngôi nhà đã lâu nay đã được thu dọn sạch sẽ bởi bàn tay người vợ. Hắn không hết bàng hoàng ngạc nhiên việc hắn đã có vợ đến hôm nay hắn vẫn ngỡ ngàng như không phải. Điều đó còn được thể hiện ở ý thức bám lấy sự sống rất mạnh mẽ thể hiện ngay ở nhân vật người vợ nhặt. Chỉ có một câu tầm phơ tầm phào mà cô chấp nhận theo không người đàn ông xa lạ ấy để làm vợ, cô bỏ qua cả ý thức về danh dự và nhân phẩm của bản thân mình.
   

Không chỉ vậy mà Kim Lân còn đi sâu vào ý thức vun đắp cho cuộc sống gia đình của từng nhân vật. Với Tràng thì anh đã nhận ra được trách nhiệm và bổn phận của mình với hai người phụ nữ trong gia đình. Còn nhân vật thị thì thì hôm sau đã hoàn toàn thay đổi trở nên hiền hậu, đúng mực “ nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu gọ sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ địa vẫn vắt khươm, mươi niên ở góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”. Đó là sự thay đổi ngỡ ngàng của thị và quang cảnh nhà sáng hôm sau. Còn bà cụ Tứ thì tạo thêm niềm tin cho các con về những dự định trong tương lai, việc nuôi gà, khuyên dăn con ai giàu ba họ ai khó ba đời, có ăn lên làm ra thì con cái sau này mới sung sướng. Và cuối cùng có lẽ tình thương bà dành cho đứ con trai và con dâu được thể hiện rõ nhất ở hình ảnh bát cháo cám. Người mẹ già không có gì trong hoàn cảnh này, bà lật đật chạy xuống bếp với khuôn mặt vui tươi bê nồi cháp cám lên ăn.
   

Kim Lân đã thắp lên cho gia đình bà cụ Tứ niềm tin hy vọng vào sự đổi mới.Trong bóng tối đau thương tấm lòng cao đẹp của người mẹ vẫn tỏa sáng. Dẫu biết rằng việc lấy vợ lấy chồng là việc không nên diễn ra vào lúc đói khát như lúc này nhưng bà cụ Tứ vẫn vui vẻ chấp nhận “ thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Kim Lân đã khéo tìm cho người mẹ già đau khổ ấy một câu nói ẩn chứa sự từng trải của người già, sự bao dung của người mẹ và quan niệm đẹp đẽ của người Việt Nam :”dù có đắng cay cực khổ như thế nào vẫn mừng lòng đón nhận con người, luôn luôn trân trọng con người”. Vì vậy lúc nhìn lại người vợ nhặt bà không thấy cô ta xa lạ nữa mà đã trở thành người thân thuộc:” bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương  xót nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”. Trái tim người mẹ mở rộng đón nhận người phụ nữ xa lạ, đón nhận người ấy là con, là người thân, là con dâu. Bà còn nuôi dưỡng niềm tin hy vọng cho những đứa con :” biết thế nào hả con? Ai giàu ba họ , ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau…”. Bà an ủi con dâu :”kể có ra làm dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo cũng chả ai người ta chấp chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Câu nói tân tình và bao dung của người mẹ đã làm vơi đi bao tủi cực bẽ bàng của người vợ nhặt. Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ làm cho người phụ nữ Tràng nhặt về có thể ngẩng cao đầu bước vào ngôi nhà này với tư cách là một người vợ, một người con dâu. Kim Lân không đã thắp lên niềm tin bằng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong suy nghĩ của Tràng và hình ảnh người dân đi phá kho thóc của Nhật.
   

Nếu như trong tác phẩm “Chí phèo”,” Lão hạc” nhân vật chính muốn giữ được nhân phẩm thì phải chết, cái chết đau đớn nhưng làm lòng họ cảm thấy thanh thản hơn. Hay chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố cùng quẫn bởi sưu cao thuế nặng phải bán sữa mình cho ông cụ già 80 tuổi và cái kết là chị chạy ra ngoài trời tối không biết sẽ ra sao…những tác phẩm viết trước cách mạng tháng 8 thường chưa tìm thấy lối thoát cho nhân vật của mình.

Không những vật Kim Lân đã thể hiện được niềm tin sâu sắc vào phẩm giá, lòng nhân hậu của con người. Nhân vật Tràng chỉ là một thanh niên làm thuê nuôi mẹ,nhưng sẵn sàng bỏ tiền cho người đàn bà xa lạ bốn bát bánh đúc. Anh độ lượng, bao dung hào phóng và rất chu đáo với mẹ già. Anh sống luôn có tình nghĩa có trách nhiệm. Niềm tin ấy còn được thể hiện ở người vợ nhặt, sự biến đổi từ khi bước vào nhà. Nếu lúc trước người đàn bà này chua chát, chỏm lỏm thì giờ lại hiền hậu cư xử đúng mực lễ phép. Lúc mới gặp bà cụ Tứ thì chào hỏi, e thẹn. Sáng hôm sau thì đảm đang dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt trong bữa cơm sáng, mặc dù là bát cháo cám nhưng cô vẫn và vào miệng mặc dù mắt hơi nheo, bởi cô không lỡ làm mất đi niềm vui của người mẹ già khốn khổ kia. Có lẽ thể hiện sâu sắc niềm tin vào cuộc sống phải được thông qua bà cụ Tứ. Bà hết lòng yêu thương con cháu, hết mực cảm thông với nàng dâu trong hoàn cảnh này. Không những thế bà còn trăn trở những tháng ngày tiếp theo đứa con trai và con dâu bà sẽ sống ra sao. Những vượt lên hoàn cảnh ở trước mắt bà vẫn luôn tạo niềm vui trong gia đình bằng những lời khuyên dăn.

Bằng cái nhìn mới mẻ về cuộc sống của người dân sau cách mạng tháng Tám, Kim Lân đã vẽ lên một bức tranh hiện thực về nạn đói và cái chết đầy bi thương của những năm tháng này. Qua đó thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc góp phần tạo nên thành công trong tác phẩm. Từ đó ta thấy được chiều sâu so với các tác phẩm văn học hiện thực trước đó

14 tháng 9 2018

Tâm trạng của các nhân vật ông Bằng, chị Hoài:

- Tâm trạng xúc động mạnh mẽ:

    + Ông Bằng khi nhìn thấy Hoài, “môi ông bật không thành tiếng, có cảm giác như ông sắp khóc òa”

    + Nỗi vui mừng, xúc động dâng trào khi ông được gặp lại người con dâu trưởng mà ông quý mến

    + Chị Hoài: gần như không chủ động được lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản…, chị nghẹn ngào trong tiếng nấc “ông”

→ Sự xúc động của hai người thể hiện chân thành trong gia đình, dự cảm những điều tốt đẹp trong truyền thống gia đình

- Trước sự có mặt của chị Hoài, ông Bằng như có thêm niềm tin trong cuộc đấu tranh âm thầm giành những điều tốt đẹp cho truyền thống gia đình giờ đây trước bao tác động của cuộc đời, có nguy cơ bị băng hoại

12 tháng 5 2017

Nghệ thuật viết truyện ngắn của Kim Lân rất hấp dẫn và cuốn hút, được thể hiện qua:

Các kể chuyện tài tình, cách dựng cảnh gây ấn tượng với nhiều chi tiết đặc sắc. Cụ thể khi dựng lên tình huống “nhặt” vợ của nhân vật anh cu Tràng, tác giả đã kể bằng ngôn từ vừa hài hước, vừa chân thực, vừa gây cười lại vừa khiến lòng người xúc động.

Kim Lân cũng không quên nhấn mạnh cái nghèo thê lương của xóm làng bằng những chi tiết, những hình ảnh đắt giá: bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết. Tiếng quạ khiến ta liên tưởng đến những cái xác chết vất vưởng không người chôn cất. Tất cả những tình tiết ấy đã vẽ lên một bức tranh chân thực về xóm nghèo, nghèo một cách thảm hại.

Kim Lân đã dựng lên những tình huống, những cảnh gây ấn tượng với nhiều chi tiết đặc sắc, đối thoại sinh động, miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế và sử dụng ngôn ngữ nông thôn rất nhuần nhị, tự nhiên.

30 tháng 5 2018

Nghệ thuật viết truyện ngắn của Kim Lân rất hấp dẫn và cuốn hút, được thể hiện qua:

Các kể chuyện tài tình, cách dựng cảnh gây ấn tượng với nhiều chi tiết đặc sắc. Cụ thể khi dựng lên tình huống “nhặt” vợ của nhân vật anh cu Tràng, tác giả đã kể bằng ngôn từ vừa hài hước, vừa chân thực, vừa gây cười lại vừa khiến lòng người xúc động.

Kim Lân cũng không quên nhấn mạnh cái nghèo thê lương của xóm làng bằng những chi tiết, những hình ảnh đắt giá: bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết. Tiếng quạ khiến ta liên tưởng đến những cái xác chết vất vưởng không người chôn cất. Tất cả những tình tiết ấy đã vẽ lên một bức tranh chân thực về xóm nghèo, nghèo một cách thảm hại.

Kim Lân đã dựng lên những tình huống, những cảnh gây ấn tượng với nhiều chi tiết đặc sắc, đối thoại sinh động, miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế và sử dụng ngôn ngữ nông thôn rất nhuần nhị, tự nhiên.