Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và cũng là đại thi hào dân tộc của nước nhà Việt Nam. Có thể nói, Nguyễn Du Là một trong những người làm nền tạo ra bước ngoặt lớn của nền văn học Việt Nam. Và một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông đó chính là "Truyện Kiều". Đây là tác phẩm rất có giá trị, đầy tính nhân văn, độc đáo, nó làm say đắm lòng người. Tuy "Truyện Kiều" của Nguyễn Du được sáng tác dựa trên cuốn "Kim Vân Kiều Truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc nhưng thơ ca của Nguyễn Du rất độc đáo và mới mẻ, nội dung lời nói rất sinh động. Và nó được thể hiện rất rõ qua đoạn trích: "Chị em Thúy Kiều" làm nổi bật chân dung và tài năng của nhân vật Thúy Kiều, một nhân vật đầy tài năng, phẩm chất tốt đẹp.
Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" nằm ở phần đầu của tác phẩm đó là "gặp gỡ và định ước" nói về hoàn cảnh gia đình Kiều và diễn tả bức chân dung hai chị em Thúy Kiều. Đầu tiên là miêu tả nhan sắc của Thúy Kiều. Nhà thơ đã miêu tả sắc đẹp của Thúy Vân trước để làm nền cho chân dung của Thúy Kiều ngày càng nổi bật hơn làm cho câu thơ sinh động ở những câu thơ sau:
" Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn"
Vẻ đẹp của Thúy Vân đạt tới sắc đẹp lí tưởng của biết bao cô gái. Thế nhưng vẻ đẹp của Thúy Kiều lại còn vượt lên trên cả sắc đẹp chuẩn mực lý tưởng của người phụ nữ. Tác giả nhấn mạnh từ "càng" và "phần lớn" đã nói lên rằng: cô chị không chỉ đẹp hơn em mà còn tài giỏi hơn em. Và sử dụng 2 từ láy liên tiếp nhau, đó là: "sắc sảo" và "mặn mà" làm nên một vẻ đẹp hoàn mỹ, sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn. Với ngòi bút điêu luyện và nghệ thuật ước lệ cổ điển, tác giả Nguyễn Du đã khiến cho người đọc chìm đắm vào đôi mắt của Kiều:
"Làn thu thủy nét xuân sơn"
Sử dụng biện pháp ẩn dụ, ý nói là cặp mắt của Kiều rất trong trẻo, long lanh và có hồn giống như làn nước mùa thu. Vẻ đẹp của đôi mắt Kiều kết tinh tinh hoa của trời đất, của núi thẳm sông dài êm ả, dịu dàng của mùa thu và trong sáng của mùa xuân, là cửa sổ của tâm hồn. Lông mày thì thanh nhẹ, tươi mát, thanh thoát như dãy núi mùa xuân.
"Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh"
Trong câu thơ tả vẻ đẹp của Thúy Vân khiến thiên nhiên phải chịu "thua", "nhường" thì vẻ đẹp của Thúy Kiều khiến cho tạo hóa phải ghen ghét, đố kị trước vẻ đẹp hoàn mỹ ấy. Tuy hoa và liễu là một loài thực vật vô tri vô giác nhưng cũng phải ghen ghét vì không thể đẹp giống như sắc thắm của nàng. Các từ "hờn", "ghen" được sử dụng nghệ thuật nhân hóa để nói lên thái độ đố kỵ của thiên nhiên với nhan sắc tuyệt đẹp như vậy.
"Một hai nghiêng nước nghiêng thành"
Vừa có tác dụng gợi tả vẻ đẹp, vừa có tác dụng dự đoán về số phận, cuộc đời của nàng. Vì vẻ đẹp đó gợi lên mâu thuẫn, không hài hòa nên chắc chắn cuộc đời nàng sẽ gặp nhiều giông tố, bất hạnh.
Và tiếp đến là tài năng của Kiều:
"Sắc đành đòi một tài đành họa hai"
Trong một câu thơ mà đã nêu ra được cả sắc lẫn tài. Về sắc đẹp thì nàng đứng thứ nhất. Còn về tài năng thì không ai dám đứng thứ hai vì không 1 ai có thể hoàn hảo như Kiều.
" Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân"
Vì được trời phú cho tính trí thông minh nên ở lĩnh vực nào thì Kiều cũng đứng thứ nhất. Ở xã hội phong kiến xưa thì hiếm có ai nắm chắc được hết tài năng, cầm - kì - thi - hoạ. Cho nên ai có thể giỏi các tài như vậy được gọi là tuyệt thế giai nhân, tài năng đạt mức lý tưởng. Kiều là phụ nữ mà còn có thể hội tụ tất cả các tài năng và còn thuộc lòng các cung bậc, đặc biệt là đánh đàn rất thanh thạo. Tài giỏi nhất của Kiều có lẽ đó chính là đánh đàn. Nhưng mỗi khi Kiều cất lên tiếng đàn "bạc mệnh" lại làm cho người nghe sầu não, buồn bã. Qua bài hát có thể hiểu ra được nỗi sầu và tâm tư của Kiều rất sâu nặng. Tuy là một người tài hoa tuyệt thế giai nhân nhưng lại là biểu hiện một trái tim đa sầu đa cảm, nói lên một cuộc đời éo le và bất hạnh.
Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng cổ điển, lấy thiên nhiên để miêu tả hình ảnh của con người, tác giả đã khắc họa nên một vẻ đẹp diệu kỳ. Tất nhiên cũng không thể thiếu một số nghệ thuật đặc sắc như: nghệ thuật đòn bẩy (lấy vẻ đẹp của Thúy Vân tả trước làm nền để nêu lên vẻ đẹp nổi bật của Thúy Kiều), biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ miêu tả... tất cả đã tạo nên những hình ảnh vô cùng sắc sảo để tả vẻ đẹp và tài năng của Kiều. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ độc đáo có giá trị gợi tả cao.
Tóm lại, Thúy Kiều là một nhân vật tuyệt thế giai nhân về cả sắc lẫn tài, một nhân vật duyên dáng, trong trắng và có một phẩm chất tốt đẹp. Bằng ngòi bút sinh động của Nguyễn Du, Thúy Kiều được xuất hiện với những những phẩm chất tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Kết hợp với nghệ thuật ước lệ tượng trưng và các biện pháp tu từ (nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, miêu tả...) đã thể hiện ra từng nét chữ điêu luyện, gợi hình gợi cảm để rồi bức chân dung của Thúy Kiều vô cùng hoàn hảo. Đoạn trích nói về tài năng và sắc đẹp của Kiều chỉ 12 câu, nhưng đã có những nét độc đáo, đầy tính nhân văn trong đó.
A
B