Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
HƯỚNG DẪN KỂ
Trong quang cảnh nhộn nhịp của giờ ra chơi, xuất hiện giữa sân trường một chú bộ đội. Đó là bố của Dũng. Chú tìm đến lớp con trai mình để chào thầy giáo cũ.
Gặp thầy giáo, chú bỏ mũ ra, kính cẩn chào thầy. Thầy ngạc nhiên, chưa kịp nhận ra thì chú nói:
- Thưa thầy, em là Khánh, đứa học trò năm xưa trèo cửa sổ bị thầy phạt đây ạ.
- À, Khánh… Thầy nhớ ra rồi. Nhưng hôm ấy thầy có phạt em đâu.
- Vâng. Thầy không phạt nhưng thầy buồn. Thầy nói: “Trước khi làm việc gì cần phải nghĩ chứ ! Em về đi, thầy không phạt em đâu”.
Vào lớp, Dũng theo dáng bố và nghĩ: Bố cũng có lần mắc lỗi, thầy không phạt nhưng bố vẫn nhận ra đó là hình phạt và nhớ mãi. Nhớ để không bao giờ mắc lại nữa.
Vào một ngày đầu năm, bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông gặp nhau ở vườn hoa. Các chị em ai cũng phấn khởi vì được gặp lại nhau, họ nói cười vô cùng vui vẻ.
Nàng Đông cầm tay nàng Xuân và nói rằng :
– Chị Xuân là người sung sướng nhất ở đây. Vì mùa Xuân đến cây cối xanh tốt mơn mởn, ai cũng yêu quý chị cả.
Thế rồi nàng Xuân khe khẽ nói với nàng Hạ rằng:
– Nếu không có những tia nắng ấm áp của em Hạ thì cây trong vườn không có nhiều hoa thơm và cây trái trĩu nặng.
Nàng Hạ tinh nghịch nói rằng:
– Các bé thiếu nhi lại thích nàng Thu nhất. Vì có nàng Thu các bé được phá cỗ đêm trăng rằm, được rước đèn ông sao.
Thu đặt tay lên vai Đông :
- Có em thì mới có bếp lửa đêm đông, có giấc ngủ ấm trong chăn.
Bà Đất vui vẻ góp chuyện:
- Các cháu mỗi người một vẻ. Xuân làm cho cây lá tươi tốt. Hạ cho trái ngọt, hoa thơm. Thu làm cho trời xanh cao, cho học sinh nhớ ngày tựu trường. Còn Đông, cháu có công ấp ủ mầm sống để xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. Các cháu đều có ích, đều đáng yêu.
Một hôm, bé Hà băn khoăn với bố: Tại sao mọi người đều có ngày lễ riêng, còn ông bà thì không?
Từ sáng kiến đó, hai bố con bàn nhau và quyết định lấy ngày lập đông làm “ngày ông bà”, vì khi trời bắt đầu rét, mọi người bắt đầu chăm lo sức khỏe cho các cụ già.
Ngày lập đông đã đến gần, Hà băn khoăn vì không biết sẽ tặng ông món quà gì. Bố bí mật nói cho Hà điều gì đó. Em hứa sẽ cố gắng thực hiện.
Đến ngày lập đông, các cô, các chú về chúc thọ ông bà rất nhiều. Ông bà cảm động lắm. Bà nói:
- Con cháu đông vui, hiếu thảo thế này, ông bà sẽ sống lâu trăm tuổi.
Ông ôm Hà vào lòng:
- Món quà ông thích nhất hôm nay chính là chùm điểm mười của cháu đấy.
Ngày xưa có ba bà cháu tuy cuộc sống nghèo khổ nhưng cuộc sống lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc. Một hôm, có một cô tiên đi ngang qua và cho hai người cháu một hạt đào và dặn : “Khi nào bà mất, gieo hạt đào này bên mộ, các cháu sẽ được giàu sang, sung sướng”.
Bà mất, hai anh em mang hạt đào của nàng tiên trồng bên mộ, cây đào lớn nhanh và kết thành bao nhiêu trái vàng, trái bạc.
Tuy được sống trong cảnh đầy đủ, giàu sang nhưng hai anh em lúc nào cũng buồn bã vì nhớ về bà. Cô tiên hiện lên, hai anh em khóc lóc xin cô cho bà sống lại cho dù cuộc sống có cực khổ như xưa.
Cô tiên phất chiếc quạt màu nhiệm, lâu đài, ruộng vườn bỗng chốc biến mất. Người bà sống lại, móm mém, hiền từ, dang tay ôm hai đứa cháu hiếu thảo vào lòng.
Tuy Gà Rừng và Chồn là bạn nhưng bấy lâu nay Chồn vẫn coi thường bạn. Một hôm Chồn hỏi bạn xem có bao nhiêu trí khôn. Gà Rừng đáp :
- Mình chỉ có một thôi.
- Ít thế thôi sao ? Mình thì có hàng trăm.
Hai người bạn trong một buổi dạo chơi bỗng gặp người thợ săn. Chúng nấp vào trong một cái hang. Người thợ săn đã kịp thấy và thọc gậy vào trong : "Có mà trốn đằng trời !”. Gà Rừng nói :- Cậu có trăm trí khôn, nghĩ kế gì đi !
- Lúc này trong đầu mình chẳng còn một trí khôn nào cả- Chồn đáp.
Gà Rừng bèn nghĩ ra một mẹo : nó giả vờ chết, người thợ săn quẳng Gà xuống đám cỏ, nó thình lình vùng chạy đi. Người thợ săn đuổi theo Gà Rừng, Chồn thấy vậy chạy biến vào rừng.
Khi đôi bạn gặp lại nhau, Chồn hiểu rằng một trí khôn của bạn còn hơn cả trăm trí khôn của mình và trở nên khiêm tốn hơn.
HƯỚNG DẪN KỂ
Cả lớp đã được viết bút mực, duy chỉ có Mai và Lan vẫn phải viết bút chì.
Sáng hôm ấy, cô giáo gọi Lan lên bàn lấy mực. Mai hồi hộp lắm, nhưng em rất buồn khi cô không nói gì. Lan về bàn rồi bỗng gục mặt khóc. Hóa ra anh trai Lan mượn bút mà quên không bỏ vào cặp cho cô bé. Mai loay hoay mãi với chiếc hộp bút của mình. Cuối cùng, em lấy cây bút ra và đưa cho Lan mượn. Cô khen:
- Mai ngoan lắm. Nhưng hôm nay cô cũng định cho em viết bút mực.
Mai tiếc nuối nhưng em vẫn đáp:
- Thôi cô ạ, cứ để bạn Lan viết trước.
Cô mỉm cười và lấy ra chiếc bút mới tinh cho Mai mượn vì em thật đáng khen.
HƯỚNG DẪN KỂ
Người bạn thân thiết của Bé khi ở nhà là Cún. Bé và Cún thường hay nhảy nhót tung tăng khắp vườn. Một hôm, vì mải chạy theo Cún mà Bé bị vấp phải khúc gỗ khiến mắt cá chân sưng to. Thấy vậy, Cún đã chạy đi tìm người giúp.
Bạn bè thay nhau tới thăm, kể chuyện, mang quà cho Bé. Nhưng bạn vẫn buồn vì lâu rồi chưa được gặp Cún. Bác hàng xóm đưa Cún sang chơi. Cún mang giúp bé tờ báo, bút chì hay búp bê, ... Bé và Cún lại càng thân thiết
Chân của Bé khỏi rất nhanh. Bác sĩ hài lòng và hiểu rằng chính Cún đã giúp cho Bé mau lành.
Giặc Nguyên sai sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Trần Quốc Toản vô cùng căm giận khi thấy quân giặc ngang ngược đủ điều.
Khi biết vua đang bàn việc dưới thuyền cùng các vương hầu, Trần Quốc Toản giằng co với lính canh vì chờ mãi không gặp được Vua để nói hai chữ “xin đánh”.
Quốc Toản chạy xuống thuyền rồng xin Vua cho đánh, rồi đặt thanh gươm lên gáy chịu tội. Vua không những tha tội mà còn ban cho Quốc Toản cam quý vì Vua thấy cậu còn trẻ mà đã biết lo việc nước.
Vì bị Vua xem là trẻ con và căm giận khi nghĩ tới quân giặc đang lăm le đè đầu cưỡi cổ dân mình, Quốc Toản vô tình bóp nát quả cam.
Có hai anh em cày chung một đám ruộng. Sau khi gặt xong, họ chất lúa thành hai đống bằng nhau ở ngoài đồng. Người em nghĩ : Anh mình phải nuôi vợ con nên lẽ ra anh phải được phần nhiều hơn. Nghĩ vậy, người em ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của anh. Người anh cũng nghĩ giống như em mình, em sống một mình vất vả, cần được chia phần nhiều hơn thì mới công bằng. Người anh cũng ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của em.
Hai anh em ngạc nhiên vì sau một đêm hai đống lúa vẫn bằng nhau. Cuối cùng, khi bắt gặp mỗi người đang ôm trong tay những bó lúa định bỏ cho người kia, hai anh em đã ôm chầm lấy nhau vì xúc động.
Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Đến cầu hôn có hai vị thần tài giỏi ngang nhau, đều xứng làm rể Vua Hùng
Một người là Sơn Tinh - chúa vùng non cao. Một người là Thuỷ Tinh - vua vùng nước thẳm. Để lựa chọn, Vua Hùng ra điều kiện: "Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến trước thi ta sẽ gả con gái cho”. Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến truớc, cưới được Mị Nương. Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nồi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa gọi gió, dâng nước ngập ruộng đồng, nhà cửa. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, ngăn chặn dòng lũ. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Cuối cùng Thuỷ Tinh đuối sức phải chịu thua. Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng năm nào cũng mang thất bại trở về.