(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Thị Phương: (Hát tiếp) - Người chồng tôi tên gọi Trương Viên
Vua sai dẹp giặc nước Xiêm khơi chừng
Bởi vì đâu chếch nón ả Hằng
Thờ chồng chực tiết khăng khăng chẳng rời
Bởi vì đâu binh lửa bời bời
Xa miền quê quán, ngụ nơi lâm tuyền
Một mình tôi nuôi mẹ truân chuyên
Quyết liều phận bạc chẳng dám quên ngãi chàng
Gặp những loài ác thú hổ lang
Người rắp làm hại, khấn kêu vang lại lành
Trở ra về qua miếu thần linh
Thần đòi khoét mắt lòng thành tôi kính dâng
Vậy nên mù mịt tối tăm
Nàng tiên dạy hát, kiếm ăn qua tháng ngày.
Sự tình này trời đất có thấu hay
Chàng Trương Viên có biết nông nỗi này cho chăng?
Trương Viên: - Nghe tiếng đàn cùng tiếng hát
Chuyển động tâm thần
Đường từ mẫu có biết chăng, hỡi mẹ?
Thị Phương: (Nói sử) - Tiền ông thưởng tôi còn để đó
Tôi chẳng hề tiêu đụng một phân
Xin ông dùng nói chuyện tần ngần
Mà tôi mang tiếng không thanh danh tiết
Trương Viên: - Tưởng là nhận vợ, vợ lại chẳng nhìn
Đường từ mẫu có biết chăng, hỡi mẹ ? (Nói sử)
Mụ: - Ới con ơi,
Con đừng nói nữa, trước tủi chồng, sau tủi mẹ.
Thị Phương: (Nói sử) - Thực chồng con đã tỏ
Hình dạng như in
Nào trước khi phu phụ hợp hôn
Những của ấy đưa ra nhận tích.
Mụ: - Ơi này con, vợ con nói: ngày xưa quan Thừa tướng có cho cái gì làm ghi tích không, con đưa cho vợ nó xem để nó nhận.
Trương Viên: - Anh khá khen em mười tám năm nay chẳng có đơn sai
Lòng thương em nhớ mẹ ngậm ngùi.
Đây, ngọc kim quyết giao em nhận tích
(Thị Phương cầm ngọc, ngọc nhẩy lên mắt, mắt sáng trở lại.)
Thị Phương: - Quả lòng trời lại đưa lại
Ngọc nhảy vào, mắt được phong quang
Mẹ ơi giờ con trông được rõ ràng
Chồng con đây đã tỏ.
Mụ: - Mẹ mừng con đã yên lành như cũ
Lại thêm mẫu tử đoàn viên
Trời có đâu nỡ phụ người hiền
Thế mới biết bĩ rồi lại thái.
(Trích Trương Viên, in trong Tuyển tập chèo cổ, Hà Văn Cầu, NXB Sân khấu, 1999)
Câu 1. Chỉ ra lối nói xuất hiện trong văn bản.
Câu 2. Chỉ ra một chi tiết kì ảo trong văn bản trên.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của các chỉ dẫn sân khấu trong tác phẩm.
Câu 4. Trong lời hát của Thị Phương, nàng đã nhắc đến những sự việc nào trong suốt 18 năm lưu lạc?
Câu 5. Ý nghĩa và thông điệp của văn bản trên là gì?