K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

Tham khảo :

Đó là những người có cuộc đời may mắn, mọi mong muốn đều được toại nguyện, mọi mong muốn đều được đáp ứng, dù rằng trong cuộc đời cũng có lúc gặp rủi ro. Người phụ nữ Phương Đông cũng như người phụ nữ Việt Nam đều có một mong muốn hết sức giản dị đó là có một mái ấm gia đình thật sự hạnh phúc.

Cùng nhau một giấc hoành môn​ Lau nhau ríu rít cò con cũng tình​ (cung oán ngâm khúc)

Trong “Truyền kỳ mạn lục” có nàng Tuý Tiêu và nàng Dương Thị là những người hạnh phúc.
Tuý Tiêu là một cô gái xinh đẹp làm nghề ca hát tại nhà quan Trần Soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngan. Nàng tự kể về mình:

Thiếp xưa con gái nhà nghèo​ Lớn lên ca xướng học theo bạn bầy.


Ở đây nàng đã gặp Dư Nhuận Chi, Dư Sinh may mắn được Trung Ngan tặng nàng cho. Hai con người tài sắc gặp nhau trong cuộc sống của họ không còn gì hạnh phúc bằng. Nhưng lần đó Tuý Tiêu đi dâng lễ phật tại chùa Báo Thiên và nàng đã bị Trị quốc họ Thân để mắt và đã bắt nàng về. Dư Sinh kiện lên triều đình, “nhưng vì họ Thân uy thế rất lớn các toà các sở đều tránh kẻ quyền hào, gác bút không giám xét xử”. Nhưng rồi tình yêu đã làm sức mạnh cho hai người, cùng với sự giúp đỡ của đôi chim yểng và người đầy tớ già nên họ đã thoát khỏi nhà họ Thân. Và hạnh phúc cuối cùng đã đến với nàng.

Dương Thị (chuyên đối tụng ở Long cung), cũng là người phụ nữ xinh đẹp và đang có cuộc sống hạnh phúc cùng quan Thái thú họ Trịnh. Thần Thuồng Luồng thấy sắc đẹp của nàng đã tìm cách chiếm đoạt và đã được nàng trong một đêm “bầu trời quang mây, bốn bề trong vắt, sông Ngân vằng vặc, trăng sao sáng tỏ như ban ngày”. Nhưng cuối cùng Trịnh thái thú cũng được Bạch Long Hầu giúp đỡ, hai vợ chồng đoàn viên sau bao ngày xa cách.
Tuý Tiêu và Dương Thị đều có đoạn kết cuộc đời khá may mắn, dù phải trải qua bao khó khăn cuối cùng họ vẫn được trở về bên nhau.

Qua việc tìm hiểu cuộc đời của Tuý Tiêu và nàng Dưong Thị ta thấy họ đều có cuộc đời khá may mắn và chọn vẹn.Mặc dù phải trải qua một đời sóng gió, nhưng cuối cùng họ cũng được đoàn tụ với người chồng yêu quý của mình trong một gia đình hạnh phúc.

Dù vậy cuộc đời của họ không phải là không trải qua những đoạn trường. Cuộc sống hạnh phúc và yên ổn bên người chồng thì bỗng chốc trở thành nạn nhân cử những kẻ hám sắc. Hạnh phúc của họ lúc đầu bị gián đoạn, nhưng sau đó đã được đoàn viên đó là hạnh phúc của một cuộc chia tay nay đã được tái ngộ.

Qua đó tác giả muốn người đọc thấy rằng, những số phận được coi là may mắn, về thực chất khó có thể tồn tại trong xã hội thời bấy giờ

26 tháng 7 2019

Phẩm chất của Vũ Nương:

– Thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Vẻ đẹp hoàn hảo của người phụ nữ không chỉ vẻ bề ngoài mà cả phẩm chất bên trong.

– Khi Lấy chồng: Là người con gái khéo léo, tế nhị

– Khi người chồng đi lính: Là người phụ nữ yêu thương chồng, thủy chung. Trước khi đi hết lòng :" trích trong sách"

– Khi chồng xa nhà: Là người phụ nữ đảm đang, lo toan cho gia đình

=> Khao khát bình dị một gia đình hạnh phúc không ham vinh hoa phú quý

Số phận của Vũ Nương

Nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ: Nàng Vũ Nương là nạn nhân của chế độ phong kiến nam quyền đầy bất công đối với số phận người phụ nữ.

  • Cuộc hôn nhân của Vũ Nương với Trương Sinh không bình đẳng (Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng cưới Vũ Nương về làm vợ) - sự cách biệt giàu nghèo khiến Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm "thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu" và cũng là cái thế để Trương Sinh đối xử với vợ một cách vũ phu, thô bạo và gia trưởng.
  • Chỉ vì lời nói con trẻ ngây thơ mà Trương Sinh tin nên đã hồ đồ độc đoán mắng nhiếc đánh đuổi vợ đi, không cho nàng thanh minh, Vũ Nương buộc phải tìm đến cái chết oan khuất để tự minh oan cho mình.
  • Cái chết đầy oan ức của Vũ Nương cũng không hề làm cho lương tâm Trương Sinh day dứt. Anh ta cũng không hề bị xã hội lên án. Ngay cả khi biết Vũ Nương bị nghi oan, Trương Sinh cũng coi nhẹ vì việc đã qua rồi. Kẻ bức tử Vũ Nương coi mình hoàn toàn vô can.

Vũ trụ có nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm, huyền bí nhất có lẽ là phụ nữ. Trong xã hội ngày nay, vai trò và hình ảnh của người phụ nữ được tôn vinh hơn hẳn những thời kì lịch sử trước, những thời kì nước ta đang đắm chìm trong đêm đen loạn lạc của chế độ phong kiến. Thương thay, số phận của người phụ nữ phong kiến thật chua xót bất hạnh. Bằng sự đồng cảm và cảm thông ấy các nhà thơ nhà văn cùng thời đã tạc vào lịch sử văn học Việt Nam hình ảnh người phụ nữ phong kiến, đại diện cho cái đẹp hoàn mĩ. Đó là hai tác phẩm tiêu biểu Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Mặc dù hai nàng Kiều, Vũ Nương tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời hai nàng lại chất chứa những trang buồn đầy nước mắt, bi kịch.
"Chuyện người con gái Nam Xương" xoay quanh về cuộc đời và số phận bi thảm của Vũ Nương - người con gái nhan sắc, đức hạnh. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, con nhà hào phú nhưng ít học, có tính đa nghi và hay ghen. Cuộc sống gia đình đang êm ấm thì Trương Sinh phải đầu quân đi lính. Chàng đi đầy tuần, Vũ Nương sinh con trai, hết lòng nuôi dạy con, chăm sóc, lo ma chay cho mẹ già chu đáo và thủy chung đợi chồng. Đêm đêm, nàng thường trỏ bóng mình trên vách và nói với con đó là cha của bé. Giặc tan, Trương Sinh trở về, tin lời con nhỏ, nghi ngờ vợ thất tiết, nhục mạ, đánh đuổi nàng đi. Phẫn uất, Vũ Nương nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Sau một thời gian, chàng Trương Sinh mới biết được nỗi oan của vợ và lập đàng giải oan cho nàng. Vũ Nương hiện về giữa bến Hoàng Giang lúc ẩn, lúc hiện rồi biến mất.
Truyện Kiều nói về nàng Kiều là người con gái đầu lòng trong một gia đình trung lưu lương thiện, sống cùng cha mẹ và hai em, là người tài sắc vẹn toàn. Trong buổi du xuân Kiều gặp Kim Trọng 2 người nảy sinh tình cảm, hai người tự do đính ước với nhau. Kim Trọng về quê chịu tang chú. Gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều phải bán mình chuộc cha. Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt đẩy vào lầu xanh. Nàng được Thúc Sinh cứu vớt nhưng lại bị vợ cả là Hoạn Thư ghen tuông đầy đọa. Kiều đến nương nhờ cửa phật, sư Giác Duyên gửi nàng cho Bạc Bà vô tình đẩy nàng vào lầu xanh lần hai. Ở đây Kiều gặp Từ Hải, Từ Hải lấy Kiều giúp Kiều báo ân báo oán. Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến hãm hại, Kiều bị ép gả cho viên thổ quan. Kiều đau đớn tủi nhục, Kiều trẫm mình ở sông Tiền Đường và được sư Giác Duyên cứu lần hai Kiều nương nhờ cửa phật. Sau khi chịu tang chú xong chàng Kim trở lại tìm Kiều thì mới biết gia đình Kiều bị tai biến và nàng phải bán mình chuộc cha. Kim Trọng kết hôn với Thúy Vân nhưng chẳng nguôi được mối tình say đắm chàng đi tìm Kiều. Nhờ gặp sư Giác Duyên Kim Kiều gặp nhau gia đình đoàn tụ.
Nguyễn Du có viết:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".
Đó là những lời xót xa của Nguyễn Du khi viết về cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội mà ông đang sống. Dường như ông thấu hiểu sự đau khổ và bất lực của những người phụ nữ trong xã thời phong kiến, cái xã hội thối nát, đầy rẫy những sự bất công và trọng nam khinh nữ. Tất cả những người phụ nữ ở thời đại đó đều thùy mị, đảm đang nhưng chỉ vì những thế lực phong kiến, những cách nghĩ ngu muội mà cuộc đời họ đã chịu nhiều khổ cực. Mỗi người họ đều có một cuộc đời riêng, một nỗi đau khổ riêng, nhưng họ đều có đặc điểm chung là "bạc mệnh". Ta có thể thấy điều đó qua nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ và Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du
Người phụ nữ trong thời phong kiến xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ xinh đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách. Đều là đẹp nhưng mỗi người lại mang một vẻ đẹp khác nhau, mỗi thân phận có một đặc điểm ngoại hình riêng biệt. Ở Vũ Nương, nàng "thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Khi lấy Trương Sinh, biết chàng có tính hay ghen nên nàng "cũng giữ gìn khuôn phép, chưa từng lúc nào để vợ chồng xảy ra thất hòa". Nàng luôn một lòng, một dạ quý chồng thương con nên khi chàng Trương đi lính, nàng "không mong được đeo ấn phong hầu, chỉ cần ngày về được mang theo hai chữ bình yên". Có thể thấy, nàng là người con gái hiền lành, chất phác, cưới chàng Trương, nàng không hề mong danh lợi hay vinh hoa, phú quý mà chỉ vì một mong ước rất bình thường mà người phụ nữ nào cũng muốn "thú vui nghi gia, nghi thất". Khi chàng Trương đi lính, Vũ Nương một mình nuôi con, hết lòng chăm lo cho mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Lúc mẹ chồng bị bệnh, nàng đã hết mực chăm sóc, rồi khi bà mất, nàng làm ma chay, tế lễ chu đáo, nuôi con khôn lớn chờ đợi ngày Trương Sinh trở về. Đó là những nét đẹp về ngoại hình và cả trong tâm hồn của người phụ nữ xưa. Và đặc biệt phải kể đến cả Thúy kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn. Khi cha bị nghi oan, không có tiền để cứu cha, nàng đã bán mình chuộc cha dù đã có lời thề non hẹn biển với Kim Trọng. Từ đó, nàng đã không biết bao nhiêu lần rơi vào tay của những tên bán người như Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh...lừa gạt. Ở nơi đất khách quê người, bị đẩy vào những chốn lầu xanh, nàng vẫn lo nghĩ cho Kim Trọng, cho cha mẹ mình hơn cả bản thân. Nàng nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến những ngày thánh cùng chàng nguyện ước. Nàng lo không biết ai sẽ chăm lo cho cha mẹ, ai sẽ quạt cho cha mẹ mỗi khi hạ đến, ai sẽ ủ chăn cho cha mẹ mỗi khi sang thu. Một tâm hồn thủy chung và cao thượng. Họ, những người phụ nữ phong kiến đều là những con người đẹp người đẹp nết. Họ một lòng chung thủy, hiếu thảo với cha mẹ, luôn hết lòng chăm sóc gia đình thật tốt và chu đáo.
Những người phụ nữ đẹp là thế, tâm hồn thanh cao là vậy, nhưng đáng tiếc thay họ lại sống trong một xã hội phong kiến thối nát với bộ máy quan lại mục rỗng, chế độ trọng nam khinh nữ vùi dập số phận họ. Càng xinh đẹp họ lại càng đau khổ, lại càng phải chịu nhiều sự chèn ép, bất công. Như một quy luật khắc nghiệt của thời bấy giờ, hồng nhan thì bạc phận. Với Vũ Nương, sau khi chồng về, tưởng rằng gia đình sẽ sum vầy trong hạnh phúc nhưng không ngờ số phận bạc bẽo đã xảy ra với nàng. Trương Sinh đi lính trở về và đứa con của chàng lúc đó đã biết nói. Tin lời của 1 đứa trẻ ngây ngô mà Trương Sinh đã đem lòng nghi oan cho Vũ Nương. Chàng bảo thủ, khăng khăng, nhiếc mắng và đánh đuổi Vũ Nương 1 cách thậm tệ. Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của dân làng, không thèm nghe những lời giải thích của Vũ Nương, Trương sinh với cái tính ích kỉ, sự ghen tuông quá đỗi đã đẩy Vũ Nương đến ngõ cụt. Nàng phải lấy cái chết để giữ trong trắng cho bản thân mình. Nhưng cái chết đó không hề làm lương tâm Trương Sinh day dứt. Thật quá bất công. Cái chết của nàng không chỉ tố cáo tính cách của chàng Trương, mà còn tố cáo cả xã hội phong kiến thời bấy giờ. Với chế độ nam quyền thối nát, độc đoán, nó đã làm cho phụ nữ lúc bấy giờ phải chịu rất nhiều những oan trái, tủi nhục không đáng có. Chỉ vì cái xã hội trọng nam khinh nữ, cái xã hội người phụ nữ luôn ở mức thấp hèn mà nàng đã phải ôm nỗi đau không được giải oan mà tự vẫn.
Không những Vũ Nương mà còn có rất nhiều người phụ nữ phải chịu những đau đớn đó. "Phận đàn bà" trong xã hội ấy là "đau đớn", là "bạc mệnh", là tủi nhục không kể xiết. Như là Vương Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" - tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng của đại thi hào dân tộc "Nguyễn Du". Số phận của nàng còn lênh đênh hơn Vũ Nương rất nhiều. Lần này, dưới chế độ đồng tiền hôi tanh đen bạc. Nó đã tạo ra 15 năm đau đớn phiêu bạt của nàng Kiều xinh đẹp. Chỉ vì tiền mà bọn sai nha đã gây nên cảnh tan tác, chia lìa của gia đình Kiều. Để có tiền cứu cha và em trai của mình, nàng đã quết định bán thân cho Mã Giám Sinh – một tên gian ác buôn thịt bán người. Và Kiều bỗng trở thành một món hàng để cho hắn cân đong, đo đếm, cò ke, ngã giá... Và từ tay Mã Giám Sinh đểu cáng thì Kiều đã rơi vào tay Tú Bà, mụ chủ nổi tiếng của thanh lâu. Là một người con gái xinh đẹp, tài năng, và đã sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, lương thiện gia giáo, dòng dõi cao quý, nên Thúy Kiều không thể chấp nhận trở thành gái lầu xanh. Nàng cay đắng chịu đựng những trận đòn tàn khốc của Tú Bà, nàng đã đi tìm cái chết nhưng không được vì bị Tú bà bắt gặp. Tú Bà đã bày muốn thuê Sở Khanh lừa nàng, buộc nàng trở thành một cô gái lầu xanh thực thụ. Thế là nàng đau đớn, cay đắng cam chịu số phận dấn thân vào cuộc sống ô nhục. Đau đớn thay! Từ một cô gái trong trắng, đức hạnh, nàng đã trở thành một món đồ chơi thú vị cho bọn khách chơi. Số phận trái ngang của Kiều không chỉ dừng lại ở đây mà số phận của nàng còn lênh đênh, bèo dạt, mây trôi và lưu lạc 15 năm trời, đã chịu bao nhiêu tai họa giáng xuống đầu
Vũ Nương và Thúy Kiều thật đáng thương! Họ dường như đại diện cho tầng lớp phụ nữ ngày xưa. Họ không được hưởng bất cứ một thứ quyền lợi, không được hưởng một chút tự do. Thật bất công! Những hủ tục phong kiến thối nát đã tạo nên khổ đau cho người phụ nữ. Số phận của họ không thoát khỏi nanh vuốt của xã hội vô lí đó. Nhưng tất cả những vẻ đẹp từ hình thức đến tâm hồn của họ thì luôn luôn đáng ca ngợi, đáng trân trọng và nâng niu.
Trong xã hội phong kiến xưa, quyền sống còn của con người mà nhất là quyền sống của người phụ nữ như là chỉ mãnh treo chuông, không có gì đảm bảo để tồn tại. Cuộc sống của họ cũng có thể được ví như "chim trong lồng, cá trong chậu". Họ không thể làm chủ được bản thân, làm chủ được cuộc sống của chính bản thân mình dẫu cho họ chỉ khát khao một điều giản đơn ấy thôi. Tại sao lại như thế? Khi cái mơ ước, niềm mong mỏi của những người phụ nữ quá đỗi tầm thường, bình dị: "làm chủ được cuộc sống, có một gia đình hạnh phúc" nhưng chẳng thể nào thực hiện được. Vâng, xin thưa rằng đó chình là tạo hóa trớ trêu mà thôi, thích đùa giỡn với số phận người phụ nữ.

26 tháng 7 2019

Nguyễn Dữ, một học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thành tài, đỗ đạt, ông ra làm quan. Một năm sau, vì chán cảnh triều đình thối nát, ông đã lấy cớ phải nuôi mẹ già mà xin từ quan. Trong những ngày sống "cảnh điền viên vui tuế nguyệt", ông viết "Truyền kỳ mạn lục", một tác phẩm văn xuôi đầu tiên của văn học cổ Việt Nam gồm những truyện có những chi tiết li kì. Phần lớn ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam phải sống trong khuôn mẫu "tam tòng, tứ đức" của đạo đức phong kiến, mà "Chuyện người con gái Nam Xương" là một.

Truyện kể lại Vũ Thị Thiết vâng lời cha mẹ làm vợ Trương Sinh, một người kém học, đất nước gặp cảnh đao binh nên Trương Sinh phải ra trận. Một tuần sau, Vũ Nương sinh con đầu lòng. Một mình chị chăm lo mẹ chồng, lo tang ma khi mẹ chồng chết, nuôi dạy con và lo công việc đồng áng. Giặc tan, Trương Sinh về, nghe lời con mà nghi ngờ lòng chung thuỷ của vợ. Vũ Nương không minh oan được nên đành trẫm mình xuống sông. Nàng được hoàng hậu ở động Rùa giúp đỡ. Sau đó, nàng gặp Phan Lang, người hàng xóm đã cứu hoàng hậu ở động Rùa. Phan Lang về kể lại cho Trương Sinh nghe. Trương Sinh hối cải lập đàn cầu xin theo lời của nàng. Nàng hiện lên gặp chồng con nhưng lại quay về sống ở động Rùa vì hai người ở hai thế giới khác biệt.

Cũng như truyện cổ, những kho truyện của Trung Hoa có ảnh hưởng nhiều đến nhà Nho đương thời (thế kỉ XVI). "Thiếu phụ Nam Xương" cũng có hai tuyến nhân vật, có những hoàn cảnh điển hình, có người giàu kẻ nghèo ở trong xã hội đang thời loạn lạc, nhiễu nhương. Nhưng dù sống trong hoàn cảnh nào thì người tốt vẫn không hề thay đổi bản chất của mình, mà Vũ Thị Thiết là nhân vật tiêu biểu. Vũ Nương nhà nghèo nhưng "tư dung tốt đẹp", "thuỳ mị, nết na". Thời phong kiến, con gái "tại gia tòng phụ" để có "công, dung, ngôn, hạnh", Vũ Nương được như thế chứng tỏ nàng có sắc đẹp (dung) trời cho nhưng "thuỳ mị, nết na" thì ắt là do sự giáo dục của gia đình.

Nàng nghèo nhưng không mất nề nếp gia phong. Trái lại "Trương Sinh tuy con nhà hào phú nhưng không có học". Một loạt các nhân vật tốt xuất thân từ những hoàn cảnh sống khác nhau như mẹ chồng, người láng giềng Phan Lang, hoàng hậu động Rùa Linh Phi ... đủ chứng tỏ giàu nghèo tuy có ảnh hưởng đến hình thức sống nhưng khó thay đổi được bản chất của họ.

"Nam Xương tử nữ truyện" không chỉ giới thiệu những nhân vật tốt, xấu ấy mà còn thông qua họ Nguyễn Dữ muốn đề cao sự chung thuỷ và lòng bao dung luôn được nhân vật này thể hiện trong từng lời nói đến từng sự việc. Vâng lời cha mẹ chịu lấy Trương Sinh làm chồng, nàng đã trước sau như một làm người con hiếu thảo. Không chỉ hiếu thảo với cha mẹ ruột. Vũ Nương còn hiếu thảo với mẹ chồng. Nàng một mình đã lo toan đỡ đần mẹ chồng lúc ốm đau, rồi mẹ chồng chết lại lo chôn cất. Người phụ nữ có con mọn như nàng mà vẫn chu toàn những công việc nặng nhọc ấy thay chồng mà không tiếng kêu than thì quả thật là hiếm có. Mẹ chết, một mình ở vậy nuôi con chờ ngày chồng trở về thì bảo nàng không chung thuỷ sao cho được?! Chồng với vợ như bóng với hình, nàng đã mượn chiếc bóng của mình để an ủi con, muốn đứa con nhỏ dại luôn nghĩ rằng mình cũng là đứa trẻ có cha. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng đã bao lần hỏi rõ dù bị dằn vặt, chửi mắng, đánh đập. Nàng đã từng tâm sự với chồng: "Thiếp vốn con nhà khó, được nương tựa nhà giàu ... Đâu có hư thân như lời chàng nói. Khi nhận thấy không thể nào xoá tan được mối nghi ngờ nhục nhã, hạ thấp phẩm giá một cách oan khuất, nàng đã quyết định tự trẫm mình, mượn dòng nước trong để rửa sạch những oan khiên. Xét cho cùng, kiên quyết bảo toàn danh dự của con người cũng là lòng chung thuỷ sắt son! Lại nữa khi gặp được Phan Lang, người hàng xóm tốt bụng ở động Rùa, Vũ Nương vẫn không quên chồng khi nàng tâm sự cùng Phan Lang và nhờ Phan Lang về nói lại với Trương Sinh yêu cầu của nàng, điều đó vừa thể hiện sự chung thuỷ, vừa tỏ ra bao dung đối với Trương Sinh.

Cả đến Phan Lang, hoàng hậu Linh Phi cũng đều là những người có lòng bao dung, chung thuỷ. Chỉ riêng có Trương Sinh là có lòng ích kỉ, hẹp hòi, tối dạ vì thuở nhỏ không lo chuyện sách đèn. Chỉ cần nghĩ đến công lao của vợ lúc chàng đang ở ngoài mặt trận, chỉ cần sống gần gũi với láng giềng, chỉ cần có lòng tin vào lòng chung thuỷ của vợ thì nghi vấn xuất phát từ lời nói của con nít "Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng..." đã được giãi bày để rồi vợ chồng lại sống trong cảnh đầm ấm, thương yêu.

Một nội dung khác thật rõ ràng trong chuyện là ân oán phân minh. Vũ Nương là người phụ nữ, có lẽ mang đặc tính ấy trong cuộc sống. Vì lẽ đó, khi nàng không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi chồng biểu lộ ấy thì nàng tự biểu lộ. Cái chết của nàng hàm chứa ý nghĩa ấy, làm cho Trương Sinh phải nhận ra ân tình nàng đã mang đến cho chàng và nỗi oan khiên mà nàng phải chịu. Trường hợp giữa hoàng hậu Linh Phi và Phan Lang cũng vậy. Hoàng hậu đã được Phan Lang cứu nên khi Phan Lang gặp nạn khi lên thuyền ra biển tránh sự truy đuổi của quân giặc thì đã được Linh Phi hết lòng cứu chữa, lại thếp tiệc đãi, tặng thêm ngọc ngà ... trước khi tiễn chân chàng trở về làng quê.

Như thế, ngay truyện ngắn thuộc văn viết, dù là chữ Hán trong buổi sơ khai cũng đang mang hoàn cảnh điển hình, con người điển hình của đời thường vào tác phẩm; cũng có đầy đủ người giàu, kẻ nghèo, hỉ - nộ - ái - ố với kết thúc có hậu ở nội dung là ở hiền gặp lành.

Truyện có rất nhiều chi tiết nhưng được liên kết bởi quan hệ nhân quả nên có kết cấu khá chặt chẽ. Mở đầu truyện, Nguyễn Dữ đã khéo léo giới thiệu Vũ Thị Thiết và Trương Sinh, hai nhân vật chính có hoàn cảnh, tính cách trái ngược nhau để làm cơ sở cho việc khai thác nhân vật sau này. Tính tình, hoàn cảnh sống trái ngược nhau nhưng lại nên vợ nên chồng chỉ vì vâng lời cha mẹ. Quan hệ nhân quả thể hiện từ đầu. Từ đó, quan hệ nhân quả của hai nhân vật diễn ra một cách tự nhiên, hợp lý. Vì nước có loạn binh đao nên chàng mới ra trận. Vì chàng vào nơi gió cát nên nàng phải nặng gánh giang san nhà chồng. Vì con thơ nói đến cha nên mẹ đã mượn cái bóng của mình thay thế; cho con đỡ hổ thẹn với bạn bè. Vì nghe lời con trẻ nên Trương Sinh mới nghi ngờ vợ ... Chuỗi nguyên nhân và kết quả đầy kịch tính ấy đã dần đến đỉnh điểm là Vũ Nương quyết định trầm mình. Nếu chuyện kết thúc ở đây thì quả là bi đát, không có hậu. Có lẽ vì thế mà những chi tiết thần kỳ được thêm vào. Ấy là Phan Lang nằm mơ thấy con rùa xanh kêu cứu. Rồi Phan Lang nhớ lại và thả rùa để rồi sau đó là được rùa cứu mạng trả ân và gặp Vũ Nương ở động Rùa. Những chi tiết thần kỳ ấy ở vào thời buổi mà vua quan, thần dân đều tin vào sự hiện hữu của Trời, Thần, Quỷ, Ma... giống như trong những truyện cổ thì cũng là điều không mấy ngạc nhiên. Có những chi tiết đó, Vũ Nương mới gặp được chồng để giải mối oan khiên, nhục nhã nhất của đời làm vợ. Và dù ra đời sau ''Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn ba thế kỷ, "Nam Xương tử nữ truyện" vẫn còn những câu văn biền ngẫu cổ xưa.

Dù có những hạn chế ấy nhưng truyện Người con gái Nam Xương không những có giá trị đạo lý, lịch sử (phản ánh sự rối ren của xã hội phong kiến) mà cũng có giá trị nghệ thuật xây dựng truyện.

Cho tới nay, "Người con gái Nam Xương" vẫn còn lôi cuốn người đọc. Giữa xã hội nam nữ bình quyền thì nó là cột mốc để so sánh vai trò của người phụ nữ trong văn học xưa và nay. Giữa xã hội suy đồi về đạo đức, nhất là với nữ giới thì nội dung truyện là một bài học đạo đức truyền thống tốt.

26 tháng 10 2021

Tham khảo:

Tôi tên là Vũ Thị Thiết, tên thường gọi là Vũ Nương. Mọi người nhận xét nhan sắc tôi cũng thuộc hàng mỹ nhân. Tôi vốn được cha mẹ dạy dỗ đàng hoàng. Đến tuổi lấy chồng, tôi được Trương Sinh cưới về làm vợ. Cưới nhau chưa được bao lâu thì chồng tôi phải đi lính. Ngày tiễn chồng tôi dặn dò đủ thứ, tôi không mong chức quan hầu mà chỉ mong hai chữ bình yên.

Chồng đi tôi ở nhà chăm mẹ chồng và con thơ, quán xuyến gia đình. Tôi cũng biết chồng đa nghi hay ghen với vợ phòng ngừa quá sức nên hết sức giữ gìn khuôn phép. Thời gian trôi qua mẹ tôi đã không qua nổi vì tuổi già cũng như thương nhớ con. Từ đấy chỉ còn có tôi cùng bé Đản. Nhớ thương chồng và muốn bù đắp cho con. Tôi thường chỉ lên bóng của mình trên tường mỗi tối rồi bảo con “Cha Đảm lại đến kia kìa!”. Bé Đản ngây thơ tin là thật thường đùa vui cùng chiếc bóng.

 

Thời gian thấm thoát trôi qua chồng tôi an lành trở về. Biết tin mẹ mất chồng tôi rất buồn và bế con ra thăm mộ mẹ khi chàng. Những tưởng được hạnh phúc nào ngờ tai họa ập đến xuống đầu tôi. Chàng nghi cho tôi thất tiết, không giữ gìn khuôn phép. Tôi đã cố gắng giải thích và phân giải nhưng chồng tôi nhất quyết không nghe và đuổi tôi ra khỏi nhà. Danh dự bị bôi nhọ tôi chỉ biết tìm đến cái chết dưới bến Trường Giang. Nhưng rồi chắc trời thương nên đã để Linh Phi cứu giúp tôi, đưa tôi ở lại thủy cung. Không ngờ thời gian sau tôi gặp Phan Lang – người cùng làng và cũng là ân nhân của Lương Phi. Nghe Phan Lang kể tôi mới biết Trương Sinh bế con ngồi bên ngọn đèn con chỉ bóng nhận cha, chàng mới thấu hiểu nỗi oan của tôi. Tôi đã nhờ Phan Lang nhắn nhủ đến chồng tôi. Chàng làm theo lời tôi, lập đàn giải oan ở bến sông Trường Giang, tôi hiện về chỉ biết cảm tạ tình chàng và biến mất. Xã hội phong kiến bất bình đẳng này không thể có chỗ dung thân cho những người như tôi.

 

Tôi hy vọng đây sẽ là bài học lớn cho tất cả mọi người cần tin yêu tôn trọng lẫn nhau vì hạnh phúc gia đình.

GN
GV Ngữ Văn
Giáo viên
15 tháng 8 2018

a. Truyền kì mạn lục: là ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ vốn được lưu truyền trong dân gian.

b. Các yếu tố kì ảo trong truyện:

- Vũ Nương chết được xuống Thủy Cung.

- Vũ Nương gặp Linh Phi (người cùng làng, nhân nằm mộng và cứu rùa xanh mà được cứu khỏi chết đuối)

- Vũ Nương trở về trong cờ hoa võng lọng, gặp Trương Sinh chốc lát rồi biến mất.

c. Chi tiết kì ảo cuối truyện tưởng như khiến chuyện có kết thúc có hậu nhưng vẫn nhấn mạnh tính bi kịch của truyện:

- Vũ Nương được Trương Sinh lập đàn giải oan, gặp chàng để nói lời tạ từ, nhưng mãi chẳng thể trở về chốn dương gian.

- Bởi chế độ phong kiến hà khắc còn tồn tại, những người độc đoán gia trưởng như Trương Sinh còn đó thì Vũ Nương có sống lại thì cuộc sống gia đình cũng không được hạnh phúc, trọn vẹn.

=> Bởi vậy, mà người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, có công dung ngôn hạnh như Vũ Nương, vốn chỉ mong cuộc sống gia đình êm đềm, hạnh phúc trước sau vẫn chịu kết cục bi thương. Tính bi kịch của câu chuyện không vì những chi tiết cuối truyện mà bị giảm đi. Đó chỉ là chút xót thương, bênh vực của tác giả, thể hiện mong muốn của nhân dân: có oan thì sẽ được giải oan, ngay trong cuộc sống thực, không phải ở cõi khác.

22 tháng 8 2018

Truyền kì mạn lục - ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền.

Yếu tố kì ảo: Vũ Nương trầm mình tự vẫn, gặp Linh Lang, linh hồn trở về dương thế gặp Trương Sinh

Việc tác giả đưa vào cuối truyện yếu tố kì ảo nói về sự trở về chốc lát của Vũ Nương không làm cho bi kịch tác phẩm mất đi vì người con gái tư dung tốt đẹp, phẩm chất cao đẹp vẫn không được hưởng hạnh phúc thật sự nơi trần thế, tính chất tố cáo xã hội, tố cáo chiến tranh phi nghĩa vẫn đậm nét trong tác phẩm này

  Nguyễn Dữ - Cây bút văn xuôi xuất sắc sống ở thời kì chế độ phong kiến bắt đầu bước vào giai đoạn suy vong,vốn không đồng tình với chế độ phong kiến bất công, thối nát, ông đã thể hiện kín đáo tình cảm ấy của mình qua tác phẩm Truyền kì mạn lục gồm hai mươi truyện ngắn, trong đó tiêu biểu là Chuyện người con gái Nam Xương và nhân vật Vũ Nương.     Vũ Nương trong "Chuyện...
Đọc tiếp

  Nguyễn Dữ - Cây bút văn xuôi xuất sắc sống ở thời kì chế độ phong kiến bắt đầu bước vào giai đoạn suy vong,vốn không đồng tình với chế độ phong kiến bất công, thối nát, ông đã thể hiện kín đáo tình cảm ấy của mình qua tác phẩm Truyền kì mạn lục gồm hai mươi truyện ngắn, trong đó tiêu biểu là Chuyện người con gái Nam Xương và nhân vật Vũ Nương.
     Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" là một người phụ nữ hội tụ tất cả phẩm chất quý báu của phụ nữ truyền thống Việt Nam. Trước hết, Vũ Nương là một người vợ yêu thương chồng hết mực. Khi Trương Sinh đi lính, nàng chỉ mong chồng trở về bình an lành lặn chứ không hè mong tước phong hầu trở về. Khi chồng đi lính, mẹ chồng ở nhà ốm nặng, nàng cũng chăm sóc vô cùng chu đáo. Đến khi mẹ chồng mất nàng lo ma chay tế lễ cẩn thận như đối với chính cha mẹ đẻ mình. Không chỉ là một người vợ yêu chồng, một người con dâu hiếu thảo mà Vũ Nương còn là một người mẹ yêu thương con hết mực. Vì sợ bé Đản không cảm nhận được tình thương của cha mà Vũ Nương đã trỏ bóng mình trên vách và nói đó là cha Đản. Đồng thời, Vũ Nương còn là một người phụ nữ có lòng tự trọng. Khi bị Trương Sinh nghi oan, nàng giải thích hết lời mà chàng không tin, Vũ Nương đã nhảy xuống sông tự vẫn để chúng minh sự trong sạch của mình. Nàng thà chết để được chứng minh trong sạch còn hơn là sống một cuộc đời bị mọi người sỉ vả. Không những thế, Vũ Nương còn là một người phụ nữ giàu lòng vị tha. Khi ở dưới thủy cung nàng vẫn một lòng nhớ về chồng và con mặc dù chính chồng nàng là nguyên nhân gây ra cái chết cho nàng. Khi được Trương Sinh lập đàn giải oan, nàng còn cảm ơn chồng vì đã nghĩ đến nghĩa vợ chồng mà giải oan cho nàng. Qua đây ta thấy được Vũ Nương là một người phụ nữ đẹp người đẹp nết nhưng lại chịu số phận đầy bất hạnh.

TÌM MỘT CÂU GHÉP

0
18 tháng 7 2020

Em tham khảo câu trả lời dưới đây nhé:

* Dàn ý:

1. MB:

- Giới thiệu khái quát tác giả tác phẩm

- Đoạn trích đã cho ta thấy diễn biến tâm trạng xót xa đau đớn của Thúy Kiều.

2. TB:

- ThúyThúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. 

+ Kiều nhờ cậy Vân, lời nhờ cậy có sắc thái khác thường (cậy, chịu lời, lạy, thưa). Lời xưng hô của Kiều vừa như trông cậy, vừa như nài ép, phù hợp để nói về vấn đề tế nhị “tình chị duyên em”.

+ Nhắc nhở mối tình của mình với chàng Kim: thắm thiết nhưng mong manh, nhanh tan vỡ. 
Cách nói của Kiều thể hiện sự thông minh khôn khéo, qua đó thể hiện tài năng bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du. 

+ Kiều trao duyên cho em. Chú ý cách trao duyên – trao lời tha thiết, tâm huyết; trao kỉ vật lại dùng dằng nửa trao, nửa níu – để thấy tâm trạng của Kiều trong thời khắc đoạn trường này: Kiều đang mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lí trí và tình cảm. Kiều trao duyên chứ không muốn trao tình.

- Tâm trạng của Kiều sau khi trao duyên

+ Dự cảm về cái chết cứ trở đi, trở lại trong tâm hồn Kiều ; trong lời độc thoại nội tâm đầy đau đớn,Kiều hướng về người yêu với tất cả tình yêu thương và mong nhớ.

+ Từ chỗ nói với em Kiều chuyển sang nói với mình, nói với người yêu ; từ giọng đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ vừa mới chớm nở đã tan vỡ.

=> Với nghệ thuật miêu tả tinh tế diễn biến nội tâm nhân vật và ngôn ngữ độc thoại sinh động, đoạn trích Trao duyên đã ánh lên vẻ đẹp nhân cách Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ và sự hy sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân.

3. KB:

- Bi kịch tình yêu bất hạnh của Thúy Kiều

* Bài làm:

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Sinh thời ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng nổi bật nhất vẫn là "Truyện Kiều". Đoạn trích "Trao Duyên" trích trong "Truyện Kiều" đã thể hiện rõ nét diễn biến tâm trạng Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân
Nỗi oan khiên bỗng đâu ập xuống gia đình, giáng họa lên đầu mọi người, không trừ một ai. Nhưng dường như Kiều muốn một mình hứng chịu tất cả. Tự nguyện bán mình chuộc cha, đêm trước nàng đã trải qua một cuộc giằng xé âm thầm giữa một bên là mối tình đầu biết bao hứa hẹn và một bên là bổn phận làm con đối với ơn sinh thành. Cuối cùng những dằn vặt day dứt đã hết sau khi đã quyết chọn một con đường. Nào ngờ, đó mới chỉ là khởi đầu, dạo đầu. Hôm trước, là chữ Tình và chữ Hiếu, nó có phần chóng vánh. Còn hôm nay, là giằng xé giữa chữ Tình và chữ Duyên, nó mới thực sự bi kịch, vĩnh viễn đau thương. Nỗi đau đớn đứt ruột trong tâm trạng Kiều hôm nay là sự tiếp tục của đêm trước. Bởi, đã xác định vì chữ Hiếu thì phải làm nốt phần việc còn lại là trao duyên cho người khác. 

Hôm qua là sự chọn lựa trong nhận thức, hôm nay mới chính thức mất mát trong tình cảm. Giá Kiều không phải là người tận tình, tận tâm; giá nàng hời hợt đơn giản hơn một chút thôi, chắc nàng không lâm vào bi kịch, không rơi vào đau đớn đến thế. Đằng này duyên thì đã trao mà Tình càng thêm nặng! Thậm chí, chính lúc mất Kim Trọng này lại thấy yêu, thấy gắn bó với chàng Kim hơn bao giờ hết. Vì thế, mỗi lời nàng nói, mỗi việc nàng làm trong cái lúc trao duyên này đều như đứt từng khúc ruột. Chẳng biết Nguyễn Du đã hoá thành người trong cuộc sâu sắc như thế nào mà thấu được mọi lẽ nhường ấy. Thi hào mới thấy tường tận Tình và Hiếu chỉ là đầu mối, là cái phần bên trên, còn ở bề sâu, cái phần nhức buốt chính là Tình và Duyên. Cảnh trao duyên. Là giằng xé của bi kịch ấy.

Trao duyên được mở đầu bằng hai câu thơ mà khi nói về vẻ đẹp của ngôn ngữ Truyện Kiều ít ai không nói đến. Nó giản đơn như những lời nói thông thường mà chân xác như mọi câu thơ hàm xúc nhất.

Đúng là trọng lượng của câu thơ rời vào bốn chữ cậy, chịu, lạy, thưa. Người ta không thể thay các chữ kia bằng bất cứ chữ nào khác. Tôi muốn nói thêm rằng: 4 chữ ấy mang đậm cái bi kịch của nàng Kiều. Với bốn chữ kia, vị thế của hai chị em Thuý Kiều đã thay đổi, đảo lộn. vẫn xưng hô là chị em, mà thực tình trong đó là quan hệ giữa một ân nhân và một kẻ chịu ơn. Bốn chữ ấy đều là lời của kẻ dưới đang nói khó với người trên. Chị thành kẻ lép vế phải cậy cục luỵ phiền, em thành người ban ơn. Để báo đáp ân tình trong muôn một cho chàng Kim, Kiều đã phải nhún mình hạ minh, đến thế! Nhưng trong cái cử chỉ tội nghiệp kia, ta thấy tất cả sự cao khiết của một tấm lòng, một phẩm cách. Rồi nàng kể, nàng giãi bày thật nhanh, thật rõ ràng ngành ngọn cho Vân hiểu vi sao mình phải lựa chọn cách này. Trong lời lẽ có phần khôn ngoan của Thuý Kiều cứ thấy lộ ra cái vẻ lo âu. Dường như Kiều phải cố gắng thuyết phục hết lời, tận tình để cho em vì mình mà không thể thoái thác. Nàng đã viện đến cả cái chết để lời cậy nhờ nặng như lời uỷ thác.

Nhưng ngẫm mà xem, Kiều đâu phải dùng cái chết như một nghệ thuật thuyết phục! Trong suốt đoạn trao duyên này và cả trước đó nữa, nàng luôn nghĩ đến cái chết như một kế cục u ám. Trong hoàn cảnh này, đời đã đến thế này, có còn gì để tha thiết nữa đâu, vô nghĩa hết cả rồi, người ra đâu còn muốn sống nữa! Càng yêu đời lại càng không muốn sống.

Đoạn Trao duyên phải là một cuộc chuyện trò, nhưng rồi lại diễn ra như một màn dộc thoại. Thuý Vân hầu như không lên tiếng. Nàng im lặng chịu lời. Và thế là Kiều phải làm nốt cái phần việc cuối cùng và khó khăn nhất: trao lại kỷ vật cho Vân. Hôm qua nghĩ đến việc hi sinh mối tình, Kiều đã nghĩ đến việc mất Kim Trọng. Và vừa rồi trong lúc lựa lời thuyết phục em gái, cảm giác mất mát ấy có đến gần hơn. Nhưng có lẽ phải lúc này đây nó mới thực sự choáng ngợp tâm hồn nàng. Còn giữ kỉ vật, ít nhiều người ta vẫn có cái ảo giác người yêu vẫn còn là của mình, vẫn trong mình. Chỉ đến khi tự tay cầm kỉ vật trao đi, người ta mới thật rơi vào hẫng hụt. Bắt đầu từ giây phút này đây, cùng với kỉ vật này đây, chàng Kim sẽ vĩnh viễn thuộc về người khác! Câu thơ như một nỗi nghẹn ngào.

Quả là, hai chữ của chung chất chứa bao đau xót. Kỉ vật tình yêu chỉ thiêng liêng khi nó là tín vật, là nhân chứng thầm kín của riêng hai người thôi. Còn bây giờ, từ bây giờ, nó đã thành của chung! Nhưng câu thơ còn giấu trong nhịp điệu của nó một nỗi đau sâu kín của nàng Kiều. Hai chữ này như dằn lòng, như dang dở. Lý trí đã quyết định trao duyên, trao kỷ vật. Song tình cảm vẫn cố trì hoãn, níu giữ. Vì thế mà cái động thái trao kia cứ dùng dằng. Kỷ vật lìa khỏi tay người như cũng vật vã không yên. Cố dằn lòng mà không thể cầm lòng!

Người giản đơn có thế nghĩ trung đại không phức tạp đến thê. Nhưng cho dù thời nào thì bản chất tình yêu vẫn không thế chia sẻ! Trái tim yêu thời nào có lẽ cũng đau như vậy thôi. Trao kỉ vật cho Thuý Vân và dặn dò em, nhưng có lẽ qua Thuý Vân, Kiều muốn dặn dò Kim Trọng. Lời nàng lâm li, tức tưởi. Nỗi đau trong lòng cứ quặn lên mãi. Kiều nhìn khắp lượt những đồ vật thân yêu, những chứng nhân lặng lẽ trong những giây phút nồng nàn hạnh phúc của mình với Kim Trọng: Chiếc thoa với bức tờ mây, phím đàn với mảnh hương nguyền, lò hương ấy, tơ phím này… Và hình dung, chỉ ngày mai thôi chúng sẽ lại chứng kiến những phút giây nồng nàn như thế của Kim Trọng với một người khác, cho dù người ấy có là em gái mình đi chăng nữa… cũng không thể chịu nổi. Nguyễn Du có lẽ đã hiểu thấu những tâm tư khuất lấp mà chân thực vô cùng ấy, cho nên đã viết những câu thật lắng đọng.

Có lẽ nhà thơ Vũ Cao đã có lý khi cho rằng cái câu Mai sau… nghe thật không đâu mà lại chính là câu thơ khó viết. Đã đành Kiều đang hình dung về mai sau, một cái mai sau rồi sẽ đến. Nhưng sao lại có hai cái tiếng dù có như một giả định về một việc khi xảy ra như vậy? Hai chữ dù có như bỗng nhói lên trong cái âm điệu xuôi chiều của câu thơ. Nó cho thấy lòng nàng không dễ nuôi yên, nàng không muốn có cái cảnh bao giờ trớ trêu ấy xảy ra. Tấm tình ấy đâu đã chịu tắt lửa lòng! Kiều hình dung mình sẽ chết rõ quá và tội quá! (chứ không còn chung chung ngậm cười chín suối như ở phần trên!) Mối tình sâu nặng với Kim Trọng nàng vẫn cứ mang theo như khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan. Vì sự thiết tha ấy oan hồn của nàng còn trở về dương thế! Thậm chí nàng còn hình dung rõ mồn một mình sẽ về trong gió trong cây cỏ thế nào. Hai chữ hiu hiu nghe mà gai người. Người ta như thấy trong đó cả sự hiển linh. Hai tiếng hiu hiu chấp chới giữa hai thế giới thực tại và hư vô, chập chờn giữa hai cõi thế: cõi âm và cõi dương! Kiều hi sinh tất cả, cho tất cả. về dương thế, nàng chỉ xin cho mình có một chén nước thôi. Một chút nhớ thương của người sống? Một chút tình cũ? Hay một chút duyên thừa? Chi một chén nước thôi, một chút thế thôi mà nàng đã thấy được an ủi, cảm thông nhiều lắm.Khi hình dung mình chết. Và Kiều còn thấy rõ là minh thác oan! Hai chữ thác oan có biết bao là tình là hận!

Những việc cần làm thì đã làm rồi. Sợi dây níu buộc đã cắt lìa rồi. Nhìn vào lòng mình, đời mình, bấy giờ Kiều mới thấy rõ mất mát để lại trong lòng cả một nỗi trống hoang, hụt hẫng. Nàng quên đi em Vân trước mặt, quay vào với nỗi đau trong lòng. Giờ đây với nàng, chỉ còn nỗi đau kia là hiện hữu, nỗi đau đang choáng ngập cả lòng nàng. Quên mất thực tại để chỉ chìm sâu vào trong lòng, đấy là lúc bi kịch đang dâng lên trầm trọng. Kiều như phân trần, thanh minh, tạ lỗỉ với chàng Kim. Mong muốn ở chàng một sự cảm thông, thấu hiểu.

Nghĩ về quá khứ muôn vàn ái ân mà đau. Nghĩ đến bây giờ một thực tại quá phũ phàng trâm gãy bình tan mà đau. Nghĩ đến mai sau…dạ đài khuất mặt khuất lời mà càng bội phần đau đớn. Tâm tư Kiều bị vây khốn, bị dim ngập giữa bao đau thương. Muôn vàn ái ân đã hoá thành muôn vàn đớn đau! Ngán ngẩm cho số kiếp đen bạc của mình, nàng cất lên cái tiếng than thân thăm thẳm cửa người đàn bà. Nàng sa vào mặc cảm phũ phàng. Mở đầu thì lạy em gái, bây giờ thì phải lạy cả người yêu. Nàng cứ thấy mình là kẻ bội tình và những mong được lượng thứ. Ta nghe trong đó tiếng vọng của những câu thơ mà Nguyễn Du đã bao lần kêu lên đầy thống khổ cho những thân phận đàn bà tài sắc:

Đau đớn thay phận đàn bà – Chém cha cái số hoa đào.

Và cuối cùng như oà lên, câu thơ không nói gì đến nước mắt, nhưng chúng ta biết lời Kiều đang vỡ ra trong nước mắt, nức nở cay cực. Hình như cái tố chất đặc thù của người nghệ sĩ chính là sự cảm thông. Khả năng cảm thông sâu sắc khiến cho người nghệ sĩ đã hoá thân thành người trong cuộc, nhập thân thành người trong cuộc đến từng thoáng gợn mơ hồ nhất của xúc cảm để nói lên những tiếng nói sâu xa kín khuất nhất của cỗi lòng. Nguyễn Du đã làm được điều đó. Nguyễn Du đã hoá thành Thuý Kiều. Đến nỗi Thuý Kiều trao duyên mà ngỡ như chính Nguyễn Du đang đứt ruột trao duyên.