K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

Viết bài văn phân tích truyện ngắn “Bố tôi” của Nguyễn Ngọc Thuần Viết bài văn phân tích truyện ngắn “Bố tôi” của Nguyễn Ngọc Thuần. Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ một vùng núi cao xa xôi, luôn dõi theo tôi.   Cuối mỗi tuần, bao giờ ông cũng mặc chiếc áo phẳng phiu nhất, đi chân đất xuống núi, rẽ vào bưu điện để nhận lá thư tôi gửi. Lặng lẽ vụng về, ông mở lá thư, xem từng con...
Đọc tiếp
Viết bài văn phân tích truyện ngắn “Bố tôi” của Nguyễn Ngọc Thuần Viết bài văn phân tích truyện ngắn “Bố tôi” của Nguyễn Ngọc Thuần.
Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ một vùng núi cao xa xôi, luôn dõi theo tôi.
  Cuối mỗi tuần, bao giờ ông cũng mặc chiếc áo phẳng phiu nhất, đi chân đất xuống núi, rẽ vào bưu điện để nhận lá thư tôi gửi. Lặng lẽ vụng về, ông mở lá thư, xem từng con chữ, chạm tay vào nó, ép nó vào khuôn mặt đầy râu. Rồi cũng lặng lẽ như lúc mở ra, ông gấp nó lại, nhét vào bao thư, mỉm cười rồi đi về núi.
Về đến nhà, ông nói với mẹ tôi: “Con vừa gửi thư về.”. Mẹ tôi hỏi: “Thư đâu?”. Ông trao thư cho bà. Bà cẩn thận mở nó ra, khen: “Con mình viết chữ đẹp quá! Chữ thật tròn, những cái móc rất bén. Chỉ tiếc là không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm?”. Như mọi lần, bố tôi luôn bảo: “Chuyện bố con tôi chẳng lẽ để cho người ta đọc vanh vách lên? Nó là con tôi, nó viết gì tôi biết cả.”. Rồi ông lấy lại lá thư, xếp vào trong tủ cùng những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm vào mặt rồi cất đi, không thiếu một lá, ngay cả những lá thư đầu tiên nét chữ còn non nớt. [...]
Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đại học - ngày khai trường đầu tiên không có bố. Bố tôi đã mất. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả cuộc đời. giúp vs ạ!
1
29 tháng 7
Trong truyện ngắn "Bố tôi" của Nguyễn Ngọc Thuần, tác giả đã tài tình khắc họa một hình ảnh đầy cảm động về tình cảm gia đình, tình yêu thương của bố dành cho con và sự hiểu biết, tôn trọng của con dành cho bố.

Bố của nhân vật chính trong truyện luôn dõi theo con từ xa, luôn quan tâm và chăm sóc con mặc dù họ đang ở hai nơi khác nhau. Bố luôn đi nhận lá thư mà con gửi về, mặc dù không biết đọc chữ nhưng bố vẫn cẩn thận giữ gìn những lá thư đó như những kho báu quý giá. Bố không muốn ai khác đọc lá thư của con, bởi vì bố tin tưởng và hiểu rõ con hơn bất kỳ ai khác.

Sự mất mát của bố khiến nhân vật chính trong truyện cảm thấy đau lòng, nhưng cũng từ đó mà nhận ra tình yêu thương và sự hiểu biết sâu sắc mà bố dành cho con suốt cuộc đời. Dù bố đã ra đi nhưng tình cảm và ký ức về bố sẽ mãi mãi ở trong trái tim con, và bố sẽ luôn đi cùng con trên những con đường mới mà con sẽ bước vào.

Truyện ngắn "Bố tôi" đã gợi lên trong độc giả những cảm xúc sâu lắng về tình cảm gia đình, về sự quan trọng của việc hiểu biết, tôn trọng và yêu thương nhau trong gia đình. Đồng thời, truyện cũng nhấn mạnh về sự gắn kết, sự đồng cảm và sự hy sinh của bố mẹ dành cho con, tạo nên một bức tranh đẹp về tình yêu thương và sự hiểu biết trong gia đình.                                                  ~Tôi cóp sách~
8 tháng 1 2023

Nguyễn Ngọc Thuần là một cây bút chuyên sáng tác cho trẻ em. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ. Nổi bật trong truyện là nhân vật người bố được khắc họa vô cùng chân thực, sinh động. Qua những câu văn đầu tiên, người bố hiện lên với tình yêu thiên nhiên. Nhà của “tôi” có một khu vườn rất rộng. Người bố đã trồng rất nhiều hoa. Buổi chiều ra đồng về, bố thường dắt tôi ra vườn tưới nước cho cây. Tình yêu của người bố dành cho khu vườn cũng giống như dành cho đứa con.Bên cạnh đó, nhân vật này còn là một một người tinh tế, kiên nhẫn. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người bố vẫn dành thời gian để trò chuyện và chia sẻ với đứa con của mình. Bố đã nghĩ ra những trò chơi thú vị để dạy con cách cảm nhận thiên nhiên. Ông đã bảo con nhắm mắt lại, sau đó dẫn cậu đi đến để chạm từng bông hoa một rồi đoán xem đó là hoa gì. Từ trải nghiệm đó, đứa con đã nhận ra được bài học ý nghĩa về sự yêu thương và biết ơn trong cuộc sống. Sau đó, người bố lại nghĩ ra một trò chơi khác, thay vì chạm thì bây giờ con sẽ chỉ được ngửi rồi gọi tên. Khi đã thuần thục, bố khen cậu là người có chiếc mũi tuyệt nhất thế giới. Lúc đó, nhân vật tôi cũng nhận ra rằng chính những bông hoa là người đưa đường, dẫn lối cho cậu trong khu vườn.Không chỉ vậy, người bố còn rất nhân hậu, giàu tình yêu thương. Chính bố đã cứu thằng Tí thoát chết. Với những món quà của Tí, bố đã đón nhận bằng một niềm trân trọng và nâng niu. Mặc dù rất ít khi ăn ổi nhưng vì đó là món quà của Tý nên bố đã vui vẻ thưởng thức nó. Khi nhận được câu hỏi thắc mắc của “tôi”, bố đã giải thích cho tôi hiểu về ý nghĩa của những món quà: “Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó…”.Có thể thấy, nhân vật người bố trong “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một người cha tuyệt vời, một tấm gương đáng để học theo.

21 tháng 12 2018

Ý nghĩa tư tưởng đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

- Được sống là đáng quý, nhưng sống đúng là mình, sống trọn vẹn nhưng giá trị mình muốn và theo đuổi còn quý giá hơn

- Con người phải luôn luôn biết đấu tranh nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý

- Con người phải luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách, vươn tới giá trị tinh thần cao

31 tháng 8 2019

Tình huống truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”

- Xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lý của Phùng –nghệ sĩ săn tìm cái đẹp bên bờ biển, ở tòa án huyện

- Người nghệ sĩ phát hiện ra hiện thực trớ trêu, nghịch cảnh, chiếc thuyền đẹp như ngư phủ lại bước ra một người đàn bà xấu xí, cam chịu, lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như cách giải tỏa

- Nghịch lý người đàn bà hàng chài van xin được sống với người chồng vũ phu. Câu chuyện về cuộc đời đã giúp cho nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu “ngộ” ra những chân lí, sâu sắc về cuộc sống

Ý nghĩa:

- Tư tưởng nghệ thuật: bên ngoài và bản chất đôi khi đối lập. Không phải lúc nào cái đẹp cũng thống nhất với cái Thiện, cần nhìn đa chiều

    + Người nghệ sĩ cần gần gũi với cuộc đời, cần rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật

    + Nghệ sĩ không nhìn về cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, biết trăn trở về con người

- Giá trị hiện thực: cuộc sống nghèo đói, tăm tối dẫn tới nạn bạo lực gia đình. Cần bảo vệ quyền sống của con người.

    + Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của người lao động nghèo trong xã hội. Lên án, đấu tranh cái xấu, cái ác.

1 tháng 2 2016

     Vi hành được sáng tác vào dịp vua bù nhìn Khải Định của triều đình nhà Nguyễn xin thực dân Pháp cho sang Pháp để dự cuộc triển lãm thuộc địa tổ chức ở Mác-xây (Marseille). Trong thời gian này, dư luận cho rằng Khải Định có một số việc làm ám muội. Bất bình trước thái độ và hành động làm tổn thương tới quốc thể ấy, Nguyễn Ái Quốc viết truyện này nhằm mục đích lột trần chân tướng của một tên vua bán nước.

          Cái độc đáo của truyện thể hiện ngay ở cách đặt tên với hàm ý giễu cợt, đả kích nhẹ nhàng mà thâm thuý, sâu cay. Vi hành vốn dĩ là cách gọi những cuộc đi kín đáo của các bậc vua chúa ngày xưa, mục đích là được tai nghe mắt thấy hiện thực đời sống dân chúng, từ đó có chính sách cai trị đúng đắn hơn, hợp lí hơn. Nhưng ở đây tác giả đã lồng cho Vi hành một ý nghĩa hoàn toàn ngược lại: để ám chi những cuộc đi lén lút, bất chính, cốt thỏa mãn những lạc thú cá nhân của Khải Định.

          Tác giả khôn khéo trình bày truyện dưới hình thức một bức thư gửi cho cô em gái. Thực ra đây là truyện hư cấu một trăm phần trăm. Nhưng cái tài của tác giả là bịa mà như thật, còn hơn cả sự thật. Toàn bộ câu chuyện là một xâu chuỗi những sự hiểu lầm ngày càng tăng. Đôi trai gái người Pháp lầm người thanh niên da vàng ngồi cạnh là Khải Định. Dân chúng Pháp lầm tất cả những người da vàng, mũi tẹt, mắt xếch trên đất Pháp là vua xứ An Nam. Đến ngay chính quyền Pháp cũng lẫn lộn không phân biệt đâu là Khải Định, đâu là kẻ đang bị theo dõi (Nguyễn Ái Quốc) nên lầm tưởng mà đối xử như với vua xứ An Nam. (Nguyễn Ái Quốc đi đâu chúng cũng cho tay sai đi theo đến đó).

          Sự thật thì không bao giờ có chuyện nhầm lẫn buồn cười như vậy. Tác giả đã khéo bịa ra các tình huống như thật dưới hình thức như đùa. Nguyên nhân của xâu chuỗi nhầm lẫn tai hại trên là do các cuộc vi hành của Khải Định.

          Qua lời trò chuyện của đôi trai gái người Pháp, người đọc có thể hình dung ra Khải Định với những nét lố bịch: mặt mũi ngây ngô, điệu bộ lúng ta lúng túng, quần áo, mũ mãng lố lăng… Thái độ của dân chúng Pháp là khinh bỉ, coi thường hắn.

          Để cho câu chuyện đạt được hiệu quả châm biếm, đả kích cao nhất, tác giả đã xen kẽ những đoạn đối thoại của đôi thanh niên Pháp với những đoạn kể chuyện cho cô em họ nghe. Nhân vật cô em họ cũng là sản phẩm của hư cấu, là phương tiện để Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tố cáo tội lỗi của tên vua bù nhìn Khải Định đã thừa lệnh thực dân Pháp đầu độc nhân dân ta bằng rượu và thuốc phiện, đẩy họ vào tình trạng sống khốn cùng, bế tắc.

          Sự độc đáo còn thể hiện ở cách dẫn chuyện dí dỏm của tác giả. Ngòi bút biến hóa linh hoạt, hấp dẫn, văn ngắn gọn và súc tích, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Chất hài hước trong truyện vừa mang tính sôi nổi của phương Tây vừa mang tính thâm trầm, sâu sắc của phương Đông.

          Truyện ngắn Vi hành chứng minh cho sức tung hoành của ngòi bút đầy sáng tạo Nguyễn Ái Quốc. Truyện được viết nhằm mục đích chính trị rõ ràng nhưng vẫn là một tác phẩm văn chương đích thực. Nó xứng đáng tiêu biểu cho phong cách văn xuôi Nguyễn Ái Quốc.

1 tháng 2 2016

 

          Trong sáng tạo văn học của Nguyễn Ái Quốc nghệ thuật trào phúng chiếm một vị trí đặc biệt. Với nghệ thuật trào phúng Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày bản chất tàn bạo, giả dối của chế độ thực dân Pháp. Cũng với nghệ thuật ấy, Người bày tỏ thái độ khinh bỉ đối với bọn vua quan bù nhìn bán nước cầu vinh, chỉ riêng đối với sự kiện Khải Định sang Pháp dự cuộc Đấu xảo thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc và vở kịch Con rồng tre lên án và chế giễu sâu cay ông vua bù nhìn. Nhân kỉ niệm một năm chuyến đi ô nhục ấy, Nguyễn Ái Quốc lại viết truyện ngắn Vi Hành, biến Khải Định thành đối tượng của những cuộc đàm tiếu khinh bỉ…

          Vấn đề đặt ra cho tác giả là phải sáng tạo một hình thức nghệ thuật mới để không lập lại chính mình. Sự thành công của tác phẩm Vi hành đã chứng tỏ tài năng nghệ thuật dồi dào, sắc bén của nhà văn Nguyễn Ái Quốc.

          Thật vậy, nếu trong hai tác phẩm Lời than vãn của bà Trưng Trắc và Con rồng tre, Khải Định trực tiếp xuất hiện, thì ở đây, trong tác phẩm Vi hành, vua Khải Định vắng mặt. Vậy làm thế nào để cho Khải Định xuất hiện,đặng nhận lấy lời đàm tiếu nhục nhã và lời tố cáo sắc bén? Nguyễn Ái Quốc đã dùng biện pháp hóa không thành có- biện pháp hiểu lầm, nhận lầm một người An Nam là nhà vua đi “vi hành”, để tố cáo, chế giễu một cách cay độc. Ai là người có thể nhận lầm như vậy?

          Đó không thể là người An Nam, thần dân của ngài. Đó chỉ có thể là người dân Pháp hiếu kì và từ lâu đã không xem vua chúa như một đấng bề trên. Nguyễn Ái Quốc đã sáng tạo nên một đôi nam nữ người Pháp nhận lầm vua An Nam trên xe điện, và truyện ngắn mở đầu bằng cuộc tranh luận của họ. Chàng trai quả quyết đó chính là nhà vua, còn cô gái, người đã thấy nhà vua ở trường đua thì quả quyết là không phải, vì thấy thiếu mũmăng, nhẫn vàng, hạt cườm. Từ hai cách hiểu ấy mở ra hai hướng đàm tiếu: đàm tiếu về trang phục nhà vua và đàm tiếu về việc “vi hành” của ông.

          Việc đàm tiếu về trang phục nhà vua do đôi thanh niên nam nữ người Pháp thực hiện. Lợi dụng cách cảm nhận ngộ nghĩnh của họ đối với cách ăn mặc xa lạ. Nguyễn Ái Quốc đã biến ông vua thành một trò cười rẻ tiền: đầuđội chụp đèn, quấn khăn, tay đeo đầy nhẫn, mũi tẹt, mắt xếch, mặt bủng như quả chanh, không một chút uy nghi, đường bệ. Hơn thế, người bạn gái đã trông thấy nhà vua, hình dung vua là người “đeo lên người hắn đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm“, y như một mụ đàn bà.

          Còn người thanh niên thì xem vua như một trò vui mắt không phải mất tiền như xem “vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên”, hoặc “trò leo trèo, nhào lộn của sư thánh xứ Công Gô”. Thậm chí còn tung tin Nhà hát Múa rối định ký hợp đồng thuê nhà vua biểu diễn! Thật không còn lời báng bổ, khinh miệt nào hơn đối với một đức Hoàng Thượng! Nhưng đó là sựthật: Khải Định chỉ đóng được một vai hề rẻ tiền trong lịch sử!

          Việc đàm tiếu về truyện “vi hành” do kẻ bị nhận lầm – tác giả bức thư gửi cho cô em họ – thực hiện qua lời tâm sự trong thư. Đây là lời của một người An Nam, am hiểu nội tình nước Nam. Ở đây Nguyễn Ái Quốc dùng biện pháp “quá mù ra mưa” – nhân có người nói nhà vua “vi hành”, thế là người anh họ trong thư liền liên hệ với các cuộc “vi hành” của các vị vua vĩ đại như vua Thuấn, vua Pie, và bình luận nhạo báng về cuộc “vi hành” tưởng tượng của vua Nam. Đây là một đoạn văn nữa mỉa mai sắc bén, từ nào cũng nhằm phơi trần thân phận và nhân cách hèn hạ của tên vua.

          Biện pháp “quá mù ra mưa” lại được sử dụng thêm một lần: nhân việc người Pháp nhận lầm vua Nam, tác giả đẩy xa hơn: phổ quát hóa sự nhận lầm để châm biếm việc cảnh sát Pháp theo dõi người yêu nước Việt Nam trên đất Pháp: “… tất cả những ai ở Đông Dương có màu da trắng đều là những bậc khai hóa thì bây giờ đến lượt tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành Hoàng đế ở Pháp”. Trở thành Hoàng đế thì được sự chăm sóc, theo dõi của cảnh sát và đó là nỗi phiền hà cho những ai da vàng.

          Đến đây ta thấy “Vi hành” rõ ràng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo lạ lùng. Ai cũng thấy là tác giả bịa, nhưng là một sự bịa đặt khéo léo, tài tình, hợp lí, có khả năng tố cáo sâu sắc và do đó mà gây thú vị cho người đọc. Có thể nói là tác giả đã dùng phép “đà đao”, nhân sự hiểu lầm của mấy người Pháp mà đưa ngòi bút sắc bén đánh trúng vào chỗ trí mạng của tên vua. Ở đây người ta thấy sức mạnh nghệ thuật được sửdụng một cách nhẹ nhàng, dí dỏm, đắc địa.

          Ngoài việc xây dựng cốt truyện khéo léo, việc không có mà như có thật, bút pháp mỉa mai, châm biếm của tác giả thể hiện ở các pháp ví von dí dỏm rất “Tây“: mũ miện của vua thì ví với chụp đèn, ngọc quý thì ví với hạt cườm, nhìn vua thành con rối, so hắn với hề Saclô, đặc biệt, ngòi bút mỉa mai của tác giả chỉa thẳng một lúc vào hai đối tượng: thực dân và phong kiến.

          Ta hãy xem tác giả viết trong thư: “Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là Alêchxăng đệ Nhất, (…) có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không?(…). Hay là, chán cảnh làm một ông vua to, giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời các cậu công tử bé?”. Những nghi vấn thật là mỉa mai! Và đây là lời mỉa mai cảnh sát Pháp: “Các vị chẳng nề hà chút công sức nào để bảo vệ bọn tôi, và giá có được trông thấy các vị ân cần theo dõi tôi chẳng khác bà mẹ hiền rình con thơ chập chững bước đi thứ nhất, thì hẳn cô phải phát ghen lên được về nỗi niềm âu yếm của các vị đối với tôi. Có thể nói là các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng…”

          Biết bao chua chát, cay đắng trong nụ cười ở đây! Đó là nghệ thuật mỉa mai, châm biếm có tính chất chính luận hết sức già dặn. Tất cả các chữ dùng đều được sử dụng rất đắt và phát huy tác dụng châm biếm tối đa. Chẳng hạn gọi vua Pháp là “bạn” của vua Nam hoặc nói cảnh sát Pháp theo dõi như ”mẹ hiền rình con thơ” v.v… và v.v…

          Tóm lại, nghệ thuật độc đáo và bút pháp mỉa mai châm biếm bậc thầy của thiên truyện đã chứng tỏ tài nghệsiêu việt, phong phú của Nguyễn Ái Quốc, chứng tỏ một thành tựu sắc sảo của nghệ thuật cách mạng giàu tính chiến đấu.

30 tháng 1 2016

Bến quê là truyện ngắn được lấy làm tên chung cho tập truyện của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989), xuất bản năm 1985. Ở tác phẩm này, ngòi bút của nhà văn hướng vào những sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt, tầm thường, để thông qua đó phát hiện ra chiều sâu của đời sống tinh thần với bao nhiêu quy luật và nghịch lí, vượt ra khỏi tầm nhìn, tầm suy nghĩ hạn hẹp trước đây của tác giả nói riêng và mọi người nói chung.

Truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng vẻ đẹp và giá trị của những điều bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương. Triết lí trong Bến quê sâu sắc, mang tính trải nghiệm, có ý nghĩa tổng kết của một con người sắp giá từ cuộc sống.

Cốt truyện được xây dựng trên một tình huống chứa đựng mâu thuẫn. Nhân vật chính là anh Nhĩ, người đã từng đi khắp nơi trên thế giới, nhưng cuối đời lại bị cột chặt vào giường bởi một căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng cũng chính vào thời điểm ấy, Nhĩ đã phát hiện ra vùng đất bên kia sông, nơi bến quê quen thuộc một vẻ đẹp mộc mạc mà vô cùng quyến rũ. Cũng như mãi cho đến lúc nằm liệt giường, nhận sự săn sóc từng miếng ăn, ngụm nước của vợ con, Nhĩ mới cảm nhận được nỗi vất vả, sự tần tảo, tình yêu và đức hi sinh thầm lặng của người vợ hiền. Nhĩ khao khát được một lần đặt chân lên bờ bãi bên kia sông, cái miền đất gần gũi nhưng đã trở nên xa vời đối với anh. Anh đã suy ngẫm và chiêm nghiệm ra cái quy luật đầy nghịch lí của đời người: Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình.

Muôn nắm được nội dung tác phẩm, trước hết, chúng ta phải tìm hiểu sơ qua về tình huống của truyện.

Nhân vật Nhĩ rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt là bị liệt toàn thân. Căn bệnh hiểm nghèo ấy khiến anh hầu như không thể tự di chuyển, dù chỉ là nhúc nhích đôi chút trên giường. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, mà chủ yếu là chị Liên, vợ anh. Trong nhiều tác phẩm, các nhà văn hay đặt nhân vật vào hoàn cảnh giáp ranh giữa sự sống và cái chết và khai thác tình huống ấy để nói về khát vọng sống và sức sống mạnh mẽ của con người, về lòng nhân ái, sự hi sinh cao thượng… Nhưng ở truyện này, nhà văn Nguyễn Minh Châu không khai thác theo hướng đó mà lại chiêm nghiệm, suy ngẫm để rút ra triết lí về đời người.

Kịch tính của truyện nằm ở cái điều trớ trêu là suốt mấy chục năm công tác, Nhĩ đã có điều kiện đặt chân đến hầu như khắp mọi nơi trên thế giới. Ấy thế mà những năm cuối đời, căn bệnh bại liệt quái ác lại buộc chặt anh vào giường và hành hạ anh suốt mấy năm trời.

Vào một buổi sáng, Nhĩ muốn nhích người đến gần bên cửa sổ. Anh phải nhờ đám trẻ hàng xóm giúp đỡ. Tình huống nghịch lí ấy lại dẫn đến một tình huống thứ hai trong truyện cũng không kém phần nghịch lí: Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông ngay phía trước cửa sổ nhưng anh biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể được đặt chân lên mảnh đất ấy, dù nó ở rất gần. Nhĩ đã nhờ cậu con trai thực hiện giúp mình điều khao khát đó, nhưng rồi cậu ta lại sa vào một đám chơi phá cờ thế trên hè phố và có thể sẽ để lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày.

Tạo ra một chuỗi những tình huống nghịch lí như trên, tác giả muốn người đọc lưu ý đến một vấn đề của cuộc đời: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài dự định, ước muốn và cả những tính toán cố sẵn. Nhưng ý nghĩa của tình huống trong truyện Bến quê không dừng ở đó mà nó còn mở ra một nội dung triết lí mang tính tổng kết những trải nghiệm của cả đời người, qua suy ngẫm của nhân vật Nhĩ: Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình… Cũng như sự giàu có lẫn vẻ đẹp gần gũi của bãi bồi bên kia sông hay phẩm chất của người vợ tần tảo, giàu tình yêu và đức hi sinh thì phải đến lúc này, khi sắp giã biệt cuộc đời, Nhĩ mới thấu hiểu và cảm nhận thấm thía.

Vẻ đẹp của thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu được miêu tả qua cái nhìn và cảm xúc tinh tế của nhân vật Nhĩ. Cảnh vật được miêu tả theo tầm nhìn của Nhĩ từ gần đến xa, tạo thành một không gian có chiều sâu, chiều rộng. Đầu tiên, anh nhìn thấy những bông bằng lăng tím ngay phía ngoài cửa sổ, rồi đến con sông Hồng với màu nước đỏ nhạt và sau cùng là bãi bồi bên kia sông.

Vẻ đẹp của thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu được miêu tả qua cái nhìn và cảm xúc tinh tế của nhân vật Nhĩ. Cảnh vật được miêu tả theo tầm nhìn của Nhĩ từ gần đến xa, tạo thành một không gian có chiều sâu, chiều rộng. Đầu tiên, anh nhìn thấy những bông bằng lăng tím ngay phía ngoài cửa sổ, rồi đến con sông Hồng với màu nước đỏ nhạt và sau cùng là bãi bồi bên kia sông.

Cảnh vật thiên nhiên hiện ra với vẻ đẹp vô cùng quyến rũ: Bên kia những cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bèn kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ…

Không gian và những cảnh sắc ấy vốn quen thuộc, gần gũi, nhưng hầu như rất mới mẻ đối với Nhĩ. Tưởng chừng như lần đầu tiên trong đời, anh cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của nó. Từ hoàn cảnh cụ thể của mình, Nhĩ đã quan sát, suy ngẫm để rút ra quy luật giống như một nghịch lí của đời người.

Nhĩ bị bệnh đã lâu ngày. Mọi sự, anh đều phải trông cậy vào vợ con. Trong buổi sáng hôm đó, Nhĩ đã linh cảm rằng thời gian của đời mình không còn bao lâu nữa: Nhĩ khó nhọc nâng một cánh tay lên khẽ ẩy cái bát miến trên tay Liên ra. Anh ngửa mặt như một đứa trẻ để cho thằng Tuấn cầm chiếc khăn bồng tẩm nước ấm khẽ lau miệng, cằm và hai bên má cho mình. Rồi anh hỏi vợ : Đêm qua lúc gần sáng em cô nghe thấy tiếng gì không?…

Hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ? Chị Liên dường như cũng đã cảm nhận được tình cảnh và tâm trạng của chồng nên lảng tránh trả lời những câu hỏi của anh.

Anh Nhĩ nghĩ về chị Liên thật cảm động. Lần đầu tiên, anh để ý thấy vợ mình mặc tấm áo vá. Những ngón tay gầy guộc của chị âu yếm vuốt ve vai anh và Nhĩ nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo và đức hi sinh thầm lặng của vợ. Nhĩ nói với vợ: Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm… mà em vân nín thinh. Chị Liên trả lời: Có hề gì đâu… Miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian nhà này. Chính trong những ngày cuối đời, Nhĩ mới thực sự thấu hiểu và biết ơn sâu sắc người vợ hiền thục, đảm đang:…, cũng như cảnh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liến vẫn giữ nguyền vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm… Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này.

Vào buổi sáng hôm ấy, khi nhận ra vẻ đẹp bình dị, gần gũi của cảnh vật qua ô cửa sổ, đồng thời cũng hiểu rằng mình sắp phải giã biệt cõi đời, trong tâm thức Nhĩ bừng dậy một khát khao vô vọng là được đặt chân một lần lên cái bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững của những điều bình thường và sâu sắc của cuộc sống thường bị người ta bỏ qua hoặc lãng quên, nhất là thời còn trẻ, khi những ham muốn xa vời, hão huyền đang lôi cuốn con người tìm đến. Sự thức tỉnh này chỉ đến với người ta ở cái tuổi đã từng trải, với Nhĩ thì đó là thời gian cuối đời, lại phải nằm liệt trên giường bệnh. Bởi thế sự thức tỉnh của anh xen lẫn niềm ân hận, xót xa: Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia.

Nhĩ đã nhờ con trai thay mình đi sang bên kia sông, đặt chân lên bãi phù sa màu mỡ ấy. Nhưng anh lại gặp thêm một nghịch lí nữa là đứa con không hiểu được ước muốn tha thiết của cha nên làm theo một cách miễn cưỡng và rồi lại bị cuốn hút vào trò chơi phá cờ thể rất hấp dẫn mà nó gặp trên đường đi, để rồi cố thể sẽ lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Anh Nhĩ không trách con, bởi vì nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu. Nó cũng giông hệt như anh mấy mươi năm về trước.

Cuối truyện, tác giả tả khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này, Nhĩ đã thu hết tàn lực dồn vào một cử chỉ có vẻ kì quặc: Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó. Hành động này của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau mau xuống bến kẻo lỡ đò, nhưng hình ảnh này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là ý muôn thức tỉnh mọi người về những cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời, hãy cố gắng dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực, bền vững vốn rất giản dị, gần gũi của cuộc đời xung quanh ta.

Nhân vật Nhĩ là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật này nhiều điều mà ông quan sát, suy ngẫm, triết lí về cuộc đời và con người. Nhưng nhân vật không bị biến thành cái loa phát ngôn cho tác giả. Những chiêm nghiệm, triết lí của ông đã được chuyển hóa nhuần nhuyễn vào đời sống nội tâm của nhân vật, với diễn biến tâm trạng tinh tế dưới sự tác động của hoàn cảnh bất thường.

Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật của truyện là nhà văn đã sáng tạo ra những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Vậy hình ảnh biểu tượng là gì?

Trong truyện Bến quê, hầu như mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất, khiến cho các hình ảnh không bị tước đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm để chỉ đơn thuần là hình ảnh ước lệ. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực, nhưng phải đặt nó vào trong cả hệ thống hình ảnh và nó chỉ có thể toát lên ý nghĩa khi đối chiếu với chủ đề của tác phẩm.

Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được miêu tả trong truyện cũng mang ý nghĩa khái quát, tượng trưng. Đó là vẻ đẹp dung dị, tự nhiên của đời sông thể hiện qua những sự vật gần gũi, thân thuộc như một bến đò, một dòng sông, một bãi bồi,… nói rộng ra là quê hương, xứ sở.

Nhiều hình ảnh và chi tiết khác trong truyện cũng chứa đựng ý nghĩa biểu tượng khá rõ: Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn; tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đã đổ ụp vào cả trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng. Hai chi tiết này gợi cho người đọc ý nghĩ là sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

Đứa con trai của Nhĩ sa vào một đám chơi phá cờ thế trên lề đường là chi tiết giống như điều mà Nhĩ gọi là sự chùng chình, vòng vèo mà trên đường đời, người ta khó lòng tránh khỏi..

Hành động và cử chỉ của Nhĩ ở cuối truyện cũng mang ý nghĩa biểu tượng. Bằng việc đặt nhân vật vào tình huống có tính nghịch lí, truyện Bến quê phát hiện một điều có tính quy luật: trong cuộc đời, con người thường khó tránh khỏi những diều vòng vèo, chùng chình, đồng thời thức tỉnh về những giá trị và vẻ đẹp đích thực của đời sống ở những điều quen thuộc, bình thường mà bền vững muôn đời.

Qua cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, chúng ta cảm nhận dược ý nghĩa triết lí về cuộc đời con người mà nhà văn dặt ra trong tác phẩm: Hãy cố gắng tìm hiểu và cảm nhận những vẻ đẹp bình dị mà quý giá ẩn chứa trong những gì quen thuộc, gần gũi nhất của gia đình và quê hương.

Truyện được kể theo cái nhìn và tâm trạng của nhân vật Nhĩ, trong một cảnh ngộ đặc biệt. Giọng trầm tư, suy ngẫm của một người từng trải, cùng với giọng xúc động, đượm buồn, có cả sự ân hận và xót xa của một người nhìn vào hiện tại và quá khứ của mình ở cái thời điểm biết mình sắp phải từ giã cuộc đời. Những đoạn tả hàng cây bằng lăng, con sông, bờ bãi bên kia sông là những đoạn vãn rất hay. Tác giả đã miêu tả những sắc thái khác nhau của vẻ đẹp thiên nhiên bằng tính từ chỉ màu sắc và những đường nét tạo hình rất gợi cảm.

Bến quê là một truyện ngắn xuất sắc, chứa đựng những chiêm nghiệm, triết lí sâu sắc về đời người. Những cảm xúc tinh nhạy đã được tác giả thể hiện bằng lời vãn hàm súc, giản dị và những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng nhưng dễ hiểu.

30 tháng 1 2016

Không hiểu sao, đã từ lâu, khi đọc Bến quê, tôi cứ đinh ninh đây là bản di chúc nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu gửi lại cho đời, được ông viết ngay từ hơn bốn năm trước lúc ra đi, và hơn hai năm khi biết mình bị trọng bệnh - bệnh ung thư máu. Trong một dung lượng cho rất kiệm, chỉ khoảng sáu trang sách (Bến quê có lẽ thuộc trong số những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu), nhà văn đã gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc, minh triết về cuộc đời con người, chỉ có thể có được khi một người đã đi gần trọn đời mình, nhìn lại và vượt qua mọi ham hố, danh vọng, ảo tưởng, để thấu đạt tới những giá trị đích thực, giản dị và bền vững của cuộc sống.

Cũng như ở nhiều truyện ngắn thành công khác của mình, Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo một tình huống đặc biệt trong Bến quê để đặt nhân vật vào đó mà soi rọi vào thế giới bên trong của họ, làm bật lên vấn đề tư tưởng của truyện. Tình thế (theo cách gọi của Nguyễn Minh Châu) hay tình huống trong Bến quê là một hoàn cảnh đầy vẻ nghịch lí. Nhân vật chính của truyện - anh Nhĩ - từng đi khắp mọi nơi trên Trái đất, về cuối đời lại bị cột chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh hiểm nghèo đến nỗi không thể tự mình dịch chuyển lấy vài mươi phần trên chiếc phản hẹp kê bên cửa sổ.

Nhưng cũng chính vào một buổi sáng trong những ngày cuối đời mình, từ cửa sổ căn gác, Nhĩ đã nhận ra được ở vùng đất bãi bồi bên kia sông, nơi bến quê quen thuộc, một vẻ đẹp binh dị mà hết sức quyến rũ.

Vào cái buổi sáng đầu thu ấy, từ trên chiếc phản hẹp kê bên cửa sổ căn gác nhà mình, Nhĩ đã gặp nơi không gian ngoài kia những vật quen thuộc lại được hiện ra trong những màu sắc và vẻ đẹp lần đầu anh được thấy. Những bông hoa bằng lăng thưa thớt cuối mùa như tím thêm hơn. Tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn vào màu xanh non những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Cảnh bãi bồi bên kia sông, một không gian gần gũi và quen thuộc vẫn hiện ra phía trước cửa sổ nhà Nhĩ, nhưng anh lại chưa một lần đặt chân đến, dù suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xính nào trên Trái đất. Bởi thế, cái bờ bên kia sông Hồng đối với Nhĩ là một chân trời gần gũi mà xa lắc.

Cũng trong những ngày này, khi nằm liệt giường, nhận sự chăm sóc đến từng miếng ăn, ngụm nước của người vợ, Nhĩ mới cảm thấy hết nỗi vất vả của vợ, sự tần tảo, tình vêu và đức hi sinh thầm lặng của vợ mình. Cũng như nhiều nhân vật phụ nữ khác của Nguyễn Minh Châu, Liên - người vợ của Nhĩ - là hiện thân của vẻ đẹp tâm hồn, lòng vị tha và đức hi sinh thầm lặng, khiêm nhường. Những cử chỉ dịu dàng chăm sóc tỉ mỉ, ân cần, những lời động viên và sự thấu hiểu tâm trạng của chồng, rồi tấm áo vá và những bước chân đi rất nhẹ trên bậc cầu thang gỗ đã mòn lõm - bấy nhiêu chi tiết ấy đã đủ nói lên nhân vật Liên, dù chỉ hiện ra chốc lát ở phần đầu của truyện, cũng để lại cho người đọc về một hình tượng đẹp, giản dị mà sâu xa. Sau bao năm tháng bôn tẩu, mà cuộc đời dành cho những chuyến đi khắp chân trời, đến lúc này, ở những ngày cuối đời mình, Nhĩ mới thấy và hiểu được nơi bến đậu bình yên, điểm tựa cho cuộc đời anh chính là gia đình, là người vợ suốt đời láo tần, thầm lặng. Nhĩ nói với Liên bằng cả lòng biết ơn xen lẫn niềm ân hận: Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm... mà em vẫn nín thinh. Và Liên đã trả lời: có hề sao đâu... miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian nhà này...

Trong cái buổi sáng có lẽ cuối cùng cua cuộc đời mình, Nhĩ vô cùng khao khát được một lần đặt chân lên bờ bãi bên kia sông, cái miền đất thật gần gũi nhưng đã trở nên rất xa lạ với anh. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống — những giá trị thường bị người ta bỏ quên, nhất là lúc còn trẻ, khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn con người tìm đến. Sự thức nhận này chỉ đến khi người ta đến độ đã từng trải, với Nhĩ là cuối đời, khi phải nằm liệt trên giường bệnh. Đấy lại là một nghịch lí trớ trêu của cuộc đời: Khi nhận ra được những giá trị đích thực và giản dị của đời sống, thì người ta lại không còn thời gian và khả năng có thể đạt tới được. Bởi thế, ở Nhĩ sự thức tỉnh có xen với niềm ân hận và nỗi xót xa. Không thể nào làm được cái điều mình khao khát, Nhĩ đã nhờ đứa con trai thay mình đi sang bên kia sông, đặt chân lên bãi phù sa màu mỡ. Nhưng ở đây anh đã gặp một nghịch lí nữa: đứa con không hiểu được ước muốn của cha, nên làm một cách miễn cưỡng và bị cuốn hút vào những trò chơi hấp dẫn nó gặp trên đường đi, để rồi cứ thế lỡ chuyến đò sang ngang duy nhất trong ngày. Từ sự việc ấy, Nhĩ đã nghiệm ra được cái quy luật phổ biến của đời người: Con người ta đi trên đường đời thật khó tránh khỏi những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình. Anh không trách đứa con trai bởi vì: Nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ sẽ không bao giờ giải thích hết.

Ở đoạn kết, khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã làm một cử chỉ có vẻ kì quặc, nhưng với anh là điều vô cùng hệ trọng và khẩn cấp: Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát, y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó. Hành động cuối cùng này của Nhĩ có thể hiểu anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Những hình ảnh này còn gợi ra một ý nghĩa khái quát hơn. Đó là ý thức muốn thức tỉnh mọi người về cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.

Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 đều là những quan sát, chiêm nghiệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Ngòi bút của Nguyễn Minh Châu hướng vào đời sống thế sự, nhân sinh thường ngày, để phát hiện những chiều sâu của đời sống với bao nhiêu quy luật và những nghịch lí, vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp trong những cách nhìn, cách nghĩ quen thuộc của xã hội và của chính tác giả. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu là những cuộc đối chứng với quan niệm và nhận thức cũ để nhận và thấu hiểu cái điều mà tác giả gọi là cuộc đời vốn đa sự, con người thì đa đoan. Điều đặc sắc trong Bến quê là ở chỗ triết lí của truyện có những chiêm nghiệm thâm trầm mà giản dị, mang ý nghĩa tổng kết của một đời người, chỉ có thể có được dưới ngòi bút của một nhà văn thực sự thấu hiểu lẽ đời, tình đời, không chỉ sống nhiều mà còn có năng lực nghiệm sinh sâu sắc.

Tạo nên thành công đặc sắc của truyện không phải chỉ có những triết lí thâm trầm đã phân tích ở trên, mà còn bởi một nghệ thuật viết truyện già dặn của tác giả: từ ngòi bút miêu tả thiên nhiên để miêu tả và phân tích tâm lí đều hết sức tinh tế, sáng tạo tình huống chứa nhiều ý nghĩa, sử dụng nhiều hình ảnh và chi tiết nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng. Sáng tạo hình ảnh biểu tượng vốn là một sở trường của ngòi bút Nguyễn Minh Châu. đặc biệt trong truyện ngắn, ở Bến quê hầu như mọi chi tiết hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất, khiến cho các hình ảnh không bị tước đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm để chỉ còn lại hình ảnh ước lệ. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực, nhưng phải xem xét trong cả hệ thống hình ảnh và chỉ có thế toát lên khi đặt vào sự quy chiếu của chủ đề tác phẩm.

Những bông hoa bằng lăng cuối mùa mang màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở bên sông này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp xuống vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng, hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống của nhản vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng. Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện thực ra cũng mang ý nghĩa khái quát, biểu tượng. Đó là vẻ đẹp của đời sống trong những cái gần gũi, bình dị thân thuộc như một bến sông quê, một bãi bồi... rộng ra là quê hương, xứ sở.

Chi tiết đứa con trai của Nhĩ sa vào đám chơi phá cờ thế bên đường và hình ảnh Nhĩ với những động tác, cử chỉ khác thường ở cuối truyện đều mang ý nghĩa biểu tượng rất rõ. Việc sử dụng đậm đặc các hình ảnh và chi tiết biểu tượng làm cho tác phẩm của Nguyễn Minh Châu chứa đựng nhiều tư tưởng và ý nghĩa sâu rộng hơn ý nghĩa thực của cái được miêu tả, lại có khả năng gợi mở nhiều liên tưởng, suy ngẫm ở người đọc.

Hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Châu đã đột ngột dừng lại lúc tài năng và tư tưởng nhà văn đạt tới độ chín, cũng là khi công cuộc đổi mới văn học nước ta bước vào chặng đầu. Trong cuộc Hội thảo tưởng niệm Nguyễn Minh Châu nhân ngày giỗ đầu của ông, nhà văn Nguyên Ngọc đã tôn vinh Nguyễn Minh Châu thuộc số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay. Trong con người và mỗi trang sách của Nguyễn Minh Châu, dưới cái vẻ khiêm nhường, thâm trầm, giản dị luôn cháy sáng một ngọn lửa nồng đượm - ngọn lửa được thắp lên từ khát vọng tìm kiếm sự thật và tinh thần nhân bản bền vững, tình yêu thương con người đến khắc khoải như một mối quan hoài. Ngọn lửa ấy vẫn tiếp tục được tỏa ánh sáng và truyền sức nóng của nó đến các thế hệ người đọc.



28 tháng 9 2017

Đặc sắc kết cấu truyện:

- Sự giống và khác nhau giữa những việc trong truyện, tác giả

- Tìm ra mâu thuẫn, tính trào phúng, mỉa mai của truyện

- Đặc điểm ngôn ngữ của truyện ( ngôn ngữ người kể, ngôn ngữ nhân vật)

- Mục đích viết truyện của Nguyễn Công Hoan, từ đó nêu khái quát giá trị hiện thực

- Giá trị hiện thực và ý nghĩa phê phán

Dàn bài

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về nhà văn Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn Tinh thần thể dục

Thân bài:

Phân tích, chỉ ra điểm chung và nét riêng của các cảnh bắt người đi xem bóng đá:

    + Cảnh anh Mịch nhăn nhó với ông Lí

    + Cảnh bác Phô gái phân trần với ông Lí

    + Cảnh cụ phó Bính xin ông Lí cho thằng Sang đi thay con

    + Cảnh thằng Cò cùng đứa con trốn vào đống rơm bị phát hiện

- Ông Lí áp giải được 94 người lên huyện. Phân tích mâu thuẫn hình thức và bản chất của “tinh thần thể dục”

- Nêu tính trào phúng, châm biếm của truyện

Kết bài: Nêu giá trị về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn

16 tháng 6 2019

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Thanh Tịnh: Nhà văn với những sáng tác toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo.

- Vài nét về văn bản “Tôi đi học”: in trong tập “Quê mẹ”, xuất bản 1941, kể lại những kỉ niệm và cảm xúc của nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên

II. Thân bài

1. Cơ sở để nhân vật tôi có những liên tưởng về ngày đầu tiên đi học của mình

- Biến chuyển của cảnh vật sang thu: Cuối thu, thời điểm tựu trường, cảnh thiên nhiên với lá rụng nhiều, mây bàng bạc khiến lòng người nhẹ nhàng mà bồi hồi nhớ lại

- Hình ảnh những em bé núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường,…

⇒ gợi nhớ, cơ sở liên tưởng tương đồng tự nhiên

2. Những hồi tưởng của nhân vật tôi

a. Tâm trạng khi cùng mẹ đi trên đường đến trường

- Cảnh vật, con đường vốn rất quen nhưng lần này cảm thấy lạ.

- Tự cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng mình, cảm thấy trang trọng, đứng đắn hơn.

- Bỡ ngỡ, lúng túng

⇒ Từ ngữ gợi tả, nghệ thuật so sánh, chọn lọc chi tiết tiêu biểu, cụ thể: tâm trạng bỡ ngỡ của “tôi” trong bổi tựu trường đầu tiên

b. Khi đứng giữa sân trường và nghe gọi tên vào lớp học

- Không khí của ngày hội tựu trường: náo nức, vui vẻ nhưng cũng rất trang trọng.

- Cảm thấy nhỏ bé so với trường, lo sợ vẩn vơ.

- Hồi hộp, lo sợ chờ nghe gọi tên mình.

- Khi sắp vào lớp học thì lo sợ, bật khóc

⇒ Diễn tả sinh động tâm trạng của nhân vật “tôi” với từng cung bậc, cảm xúc, có nhiều trạng thái cảm xúc đối lập, tâm trạng phức tạp

c. Khi ngồi trong lớp học

- Cảm thấy vừa xa lạ, vừa gần gũi với mọi vật, với nguời bạn ngồi bên …

+ Làm quen, tìm hiểu phòng học, bàn ghế, … ⇒ thấy quyến luyến.

⇒ Tâm trạng, cảm giác của nv “tôi” khi ngồi trong lớp học, đón nhận giờ học đầu tiên hợp tự nhiên, sinh động, hấp dẫn.

3. Hình ảnh những người lớn

- Ông đốc: hình ảnh một người thầy, một người lãnh đạo rất hiểu tâm lý trẻ, hiền từ, bao dung …

- Thầy giáo trẻ vui vẻ, giàu lòng yêu thương

⇒ Thể hiện rõ trách nhiệm, tấm lòng của gia đình, nhà trường đối với thế hệ trẻ, đồng thời yạo môi trường giáo dục thân thiện, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các em.

⇒ Truyện kết thúc tự nhiên, khép lại bài văn nhưng mở ra một bầu trời mới, một khoảng không gian mới, tình cảm mới.

III. Kết bài

- Khẳng định lại những nét tiêu biểu về nghệ thuật làm nên thành công của đoạn trích: Miêu tả tinh tế, chân thật diễn biến tâm trạng, ngôn ngữ giàu yếu tố biểu cảm, hình ảnh so sánh độc đáo và giọng điệu trữ tình, trong sáng.

- Đoạn trích ngắn gọn nhưng để lại trong lòng người bao niềm bồi hồi, xúc động khi nhớ về ngày đầu tiên đi học của mình

30 tháng 1 2016

            Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 11/12/1911, mất ngày 17/7/1988, quê xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ông học Tiểu học và Trung học ở Huế. Vốn có năng khiếu văn chương nên đến năm 1933, ông bắt đầu sáng tác.

            Thanh Tịnh viết được nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả là truyện ngắn và thơ. Các truyện ngắn của ông đều thấm đượm cảm xúc êm dịu, trong trẻo, vừa man mác buồn thương, vừa ngọt ngào sâu lắng. Giọng văn nhẹ nhàng thủ thỉ mà thấm thìa khó quên.

            Truyện ngắn Tôi đi học in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941 là một tác phẩm như vậy. Đây là thiên hồi ức rất xúc động về những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường ba mươi năm về trước.

             Trong kí ức mỗi con người thì những kỉ niệm vui buồn của tuổi học trò thường được lưu giữ bền lâu hơn cả, nhất là ấn tượng về ngày đầu tiên đi học. Thanh Tịnh bồi hồi nhớ về ngày ấy và tâm hồn ông vẫn rung động thiết tha như thuở nào. Bằng ngòi bút giàu chất thơ, tác giả đã gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng khó tả.

             Bố cục bài văn được sắp xếp theo trình tự thời gian. Tâm trạng nhân vật phát triển song song cùng với các sự kiện đáng nhớ của ngày đầu tiên đi học. Từ cảnh cậu bé được mẹ âu yếm dắt tay dẫn đi trên con đường tới trường, đến cảnh cậu say mê nhìn ngắm ngôi trường; cảnh hồi hộp nghe thầy gọi tên, lo lắng khỉ phải rời tay mẹ để cùng các bạn vào lớp nhận chỗ của mình và học giờ học đầu tiên.

             Sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp tự sự, miêu tả và bộc lộ cảm xúc đã tạo nên tính trữ tình đậm đà của bài văn.

             Mở đầu, tác giả tả khung cảnh thiên nhiên là yếu tố khơi gợi dòng hồi tưởng. Mùa thu thường đẹp và buồn. Những chuyển biến của đất trời làm cho tác giả nhớ về dĩ vãng xa xôi:

            Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kĩ niệm mơn man của buổi tựu trưởng.

            Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

             Mạch cảm xúc được mồ ra hết sức tự nhiên. Nghệ thuật so sánh được tác giả sử dụng khéo léo, kết hợp với những hình ảnh giàu sức gợi cảm đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu thơ mộng với sắc lá vàng phai, với màu mây bạc lãng đãng trôi trên bầu trời mênh mông, xanh thẳm.

            Hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường khiến cho nhà văn nhớ lại ngày đầu tiên đi học không thể nào quên của mình.

             Sau mấy chục năm, tác giả – là cậu bé ngày xưa vẫn nhớ như in: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.

             Tâm trạng hồi hộp, cảm giác mới mẻ của cậu bé khi được mẹ dắt đi trên con đường tới trường được diễn tả rất tinh tế: Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ… cảnh vật chung quanh đều thay đổi. Cậu bé đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự lạ lùng ấy: vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

              Đi học, đó là một sự kiện trọng đại trong đời. Điều đó có nghĩa là cậu bé đã lớn và từ nay, cậu sẽ không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa. Ý nghĩ ngây thơ trong sáng và nghiêm túc của cậu học trò trong bủổi đi học đầu tiên hồn nhiên và đáng yêu biết chừng nào!

             Cậu bé không chỉ thấy sự thay đổi của khung cảnh bên ngoài mà còn thấy cả sự thay đổi lớn lao trong con người mình. Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật cậu bé trên đường tới trường thật chân thực và xúc động:

             Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

             Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tuổi tôi áo quần tươm tất, nhỉ nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở nhiều lại kèm cả bút cả thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hốt.

            Trong ngày đầu tiên đi học, được mặc bộ quần áo mới, cậu thấy mình đã là người lớn cho nên tất cả mọi thứ đều phải thay đổi. Chính suy nghĩ và cảm nhận ấy khiến cho điệu bộ của cậu bé khác hẳn ngày thường. Mọi cử chỉ, hành động của cậu đều trở nên lúng túng, vụng về.

            Theo cậu thì chuyện đi học là ghê gớm lắm, nghiêm túc lắm! Nghĩa là kể từ đây, cậu không còn được chạy nhảy tự do như trước nữa. Nhìn đám học trò lớp trên nhí nhảnh cười đùa, cậu cố gắng kìm nén, nhưng càng kìm nén lại càng thèm được như các bạn. Hai quyển vở có đáng kể gì mà cậu bắt đầu thấy nặng và phải bặm tay ghì thật chặt. Trong khi đó, các bạn khác mang nhiều sách vở hơn và còn cầm cả bút thước nữa mà vẫn không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

           Không muốn thua kém bạn bè và muốn tỏ ra là mình đã lớn, cậu xin mẹ được cầm cả bút thước. Nghe mẹ bảo để mẹ cầm thì trong óc cậu bé nảy ra ý nghĩ thật ngây thơ: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

          Nhớ lại tâm trạng của mình thuở ấy, tác giả thú vị nhận xét: Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi. Hình ảnh so sánh trong câu văn trên vừa đẹp đẽ, vừa phù hợp với tâm lí tuổi thơ.

           Cậu bé choáng ngợp khi nhìn thấy cảnh sân trường làng Mĩ Lí dày đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt vui tươi và sáng sủa. Cậu nhớ lại cảm tưởng của mình về ngôi trường lúc cậu chưa đi học, đó là thái độ dửng dưng:

          Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang qua làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tồi có ghé lại trường một lần, Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo tường. Tôi không có cảm tưởng nào khác là nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

           Nhưng giờ đây, lúc sắp sửa thành học trò, cậu bỗng thấy ngôi trường vừa xinh xắn vừa oai nghiêm khác thường và mình quá nhỏ bé so với nó. Vì vậy, cậu đâm ra lo sợ vẩn vơ.

            Trước mắt cậu là cả một thế giới mới mẻ, lạ lùng. Cậu và đám bạn cùng trang lứa nào có khác chi những con chim đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ… thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

           Trí óc non nớt của cậu không thể hình dung ra được những điều xảy ra hằng ngày trong ngôi trường đẹp đẽ kia. Tâm trạng lo sợ phập phồng, khao khát tìm hiểu, ước muốn được biết bạn, biết thầy trong ngày đầu đi học giờ đây vẫn hiển hiện rõ nét trong kí ức nhà văn:

           Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi thẳng vào lớp. Cảm thấy mình trơ vơ là lúc này. Vì chung quanh là những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa, hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

           Đoạn văn thật hay. Các hình ảnh được tả thực đến từng chi tiết. Buổi học đầu tiên, các cô cậu học trò sáu, bảy tuổi phải thử sức với chính mình. Giây phút đợi chờ thầy gọi tên vào lớp cũng đầy thấp thỏm, lo âu:

        … Ông đốc trường Mĩ Lí cho gọi mấy cậu học trò đến đứng trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ồng ta đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tồi đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng.

           Cậu bé bỗng cảm thấy sợ hãi khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ. Trong đám trẻ, những tiếng khóc bật ra khiến cậu bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ… nức nở khóc theo. Cậu hoang mang vì cảm thấy chưa lần nào thấy xa mẹ… như lần này.

           Khi đã ngồi yên trong lớp và đón nhận giờ học đầu tiên, cậu cảm thấy vừa xa lạ, vừa gần gũi với mọi vật xung quanh, kể cả với người bạn ngồi bên cạnh:

           Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tồi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi; một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tồi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến tự nhiên và bất ngờ quả đến nỗi tôi cũng không dám tin có thật.

           Ngỡ ngàng và tự tin, cậu bé nghiêm trang bước vào giờ học đẩu tiên của đời mình:

           Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm sống lại đầy rẫy trong trí tôi. Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.

           Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc:

                                                                            Bài viết tập: Tôi đi học.

           Truyện ngắn Tôi đi học sống mãi với thời gian bởi nó được tạo nên từ cảm xúc trọng sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế của nhà văn. Bằng câu chuyện của mình, Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người. Chính vì vậy mà nó đã làm rung động trái tỉm bao thế hệ bạn đọc trong hơn nửa thế kỉ qua.

8 tháng 7 2016

Theo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.htmlTheo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.

Bài viết : http://hanhtrangduhoc.net/phan-tich-dong-cam-xuc-thiet-tha-trong-treo-cua-nhan-vat-toi-trong-truyen-ngan-toi-di-hoc-21-913.html

8 tháng 7 2016

Theo cha tôi kể lại thì bài văn Tôi đi học có từ cái thuở cha tôi còn đi học ở sách Tân Quốc Văn, tiểu học. Thế mà khi đọc lại, tôi vẫn nhớ và liên tưởng đến cái thuở mới cắp sách đến trường. Tôi cảm thấy rằng mỗi chữ, mỗi câu tác giả viết có rất nhiều nghĩa. Âm điệu câu văn như nhịp đập trái tim bẽn lẽn rụt rè của đứa con nhỏ theo mẹ đến trường lần đầu… Hằng năm cứ vao mùa thu… Tôi quên sao được buổi sớm mai ấy. Những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường… Một mùi hương lạ xông lên trong lớp… Bài văn đã có những phát heiejn rất tinh tế và tài hoa khiến người đọc thấy như hiện ra trước mắt mình một cái “tôi” thuở ấy… Vâng! Nhân vật tôi thuở ấy có hình hài và tâm trạng rất giống tôi sau này khi nắm tay theo mẹ bước vào sân trường. “Tôi” thuở ấy là tác giả, đã tự miêu tả buổi đi học đầu tiên rất ấn tượng. Tôi mặc bộ quần áo mới trang trọng và đứng đắn.. Dọc đường đến trường bắt gặp mấy bạn nhỏ trạc tuổi “tôi” ăn mặt tươm tất, bi bô gọi nhau. Vì vậy chỉ có hai quyển vợ trên tay mà tôi bắt đầu thấy nặng. Tôi nắm chặt lấy chúng, bắt chước mấy cậu đi trước muốn xin mẹ đưa cả bút thước cho mình cầm nữa. Trước sân trường đông đúc người đưa con đi học. Vẻ mặt người nào cũng vui tươi và ăn mặc tươm tất. Sau một lúc hồi hộp, tôi nhìn lại ngôi trường oai nghiêm, to lớn như đình làng. Sân rộng, tường cao, trưa hè sẽ vắng lặng, tôi hơi lo sợ. Đứng bên cạnh, mấy cậu học trò mới như tôi cũng bớ ngỡ đứng nép vào bên người thân hay đi lại nhẹ nhàng. Có thể ví họ như lũ chim non sắp biết bay nhìn bầu trời cao rộng vừa thèm muốn vỗ cánh bay lên nhưng còn e sợ ngập ngưỡng. Thế rồi, sau một hồi trống vang lên, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên đi vào lớp. Chúng tôi lúng túng vụng về, toàn thân run lên, quả tim như ngừng đập… Trong lúc đó ông đóc gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước, rồi gọi tên từng người. Nghe nói đến tên mình tôi giật mình lúng túng quên cả mẹ đứng đằng sau. Với cặp mắt hiền từ và cảm động ông đốc nói với chúng tôi mấy điều chúng tôi nghe rõ từng tiếng nhưng không ai trả lời mà các phụ huynh dạ ra ở phía sau đáp lại. Khi ông đốc nói: - Thôi các em đứng đây xếp hàng để vào lớp, tự nhiên tôi thấy như có bàn tay sau lưng tôi đẩy tôi bước lên phía trước. Mấy cậu bắt đầu khóc, tôi cũng quay lưng dúi vào lòng mẹ khóc theo. Ông đốc an ủi chúng tôi đừng khóc  vì sẽ đến trưa sẽ lại về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày. Sau đó, mười tám người chúng tôi sắp hàng dưới hiên lần lượt đi vào lớp năm. Tất  cả cảnh mọi người trong lớp cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, những sự cảm mến và quyến luyến các vật và bạn bè xung quanh bắt đầu. Tác giả kết luận bằng một hình ảnh rất đẹp. Một con chim non liệng đến đứng bên bờ cửa sổ hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Bằng cách kể chuyện kết hợp với miêu tả, bài văn đã nêu dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình rất trong trẻo, sinh động. Ngày đầu tiên đi học là cái ngày không ai quên, thậm chí còn khắc ghi vào tâm khảm một mẫu sống tươi đẹp suốt cuộc đời.