Thả cho viên bi chuyển động đi qua cổng quang điện trên máng nhôm. Thảo luận nhóm để lập phương án đo tốc độ của viên bi theo các gợi ý sau:
1. Làm thế nào xác định được tốc độ trung bình của viên bi khi đi từ cổng quang điện E đến cổng quang điện F?
2. Làm thế nào xác định được tốc độ tức thời của viên bi khi đi qua cổng quang điện E hoặc cổng quang điện F?
3. Xác định các yếu tố có thể gây sai số trong thí nghiệm và tìm cách để giảm sai số.
1. Để xác định được tốc độ trung bình của viên bi khi đi từ cổng quang điện E đến cổng quang điện F ta cần:
- Xác định độ dài quãng đường s (chính là khoảng cách giữa 2 cổng quang điện E và F).
- Chỉnh đồng hồ đo về chế độ đo thời gian vật đi qua hai cổng quang chọn MODE A↔B (tức là vật bắt đầu đi vào cổng quang E thì đồng hồ bắt đầu chạy, khi vật đi qua cổng quang F thì đồng hồ dừng lại).
- Đo thời gian viên bi chuyển động từ cổng quang điện E đến cổng quang điện F.
- Sử dụng công thức \(v=\dfrac{s}{t}\) ta sẽ xác định được tốc độ trung bình của viên bi.
2. Để xác định được tốc độ tức thời của viên bi khi đi qua cổng quang điện E hoặc cổng quang điện F ta cần:
- Xác định được đường kính d của viên bi.
- Chỉnh chế độ đo thời gian của đồng hồ, chuyển về chế độ đo thời gian vật đi qua một cổng quang điện chọn MODE A hoặc MODE B (tức là vật bắt đầu đi vào cổng quang thì đồng hồ chạy số, sau khi vật đi qua cổng quang đó thì đồng hồ dừng lại).
- Xác định được thời gian viên bi chuyển động qua cổng quang điện E hoặc cổng quang điện F.
- Sử dụng công thức \(v=\dfrac{d}{t}\) ta sẽ xác định được tốc độ tức thời của viên bi.
3. Các yếu tố có thể gây sai số:
- Sai số của các dụng cụ đo.
- Thao tác bấm công tắc của người không dứt khoát.
- Cách đo, đọc giá trị quãng đường, đường kính viên bi của người làm thực hành chưa chính xác.
- Các yếu tố khách quan như gió, …
Cách để làm giảm sai số
- Tiến hành đo nhiều lần và lấy giá trị trung bình của các lần đo.
- Tắt hết quạt, điều hòa khi tiến hành thí nghiệm.