Liệu đã đến lúc kiểm tra “thị lực tinh thần” của bạn hay chưa? Đây không phải là thị lực bình thường hay một vấn đề thuộc chuyên môn của một bác sĩ nhãn khoa, nhưng giống như thị lực bình thường, thị lực tinh thần cũng có thể bị khuyết tật. Một khi thị lực tinh thần có khiếm khuyết, bạn sẽ phải dò dẫm bước đi trong những khái niệm sai lầm, bạn sẽ bị va vấp rồi làm đau chính mình một cách không cần thiết. Thị lực thông thường của con người có thể mắc chứng cận thị hoặc viễn thị. Đây cũng là hai chứng bệnh mà thị lực tinh thần có thể mắc phải.
Những người có cái nhìn thiển cận sẽ không trông thấy các mục tiêu hay tiềm năng ở xa. Anh ta chỉ chú ý đến những vấn đề trước mắt và hoàn toàn mù mờ về những cơ hội phía trước mà nếu chỉ cần suy nghĩ và lập kế hoạch, rất có thể chúng sẽ thuộc về anh ta. Bạn cũng sẽ bị xem là có cái nhìn thiển cận nếu không lập kế hoạch, đặt mục tiêu và xây dựng nền tảng cho tương lai.
Ngược lại, những người nhìn quá xa sẽ không thấy các tiềm năng ở ngay trước mắt. Anh ta sẽ không hề nhận ra những cơ hội hiện có. Anh ta chỉ nhìn thấy thế giới mộng mơ của tương lai, không mấy liên quan đến hiện tại. Anh ta muốn khởi đầu ngay từ đỉnh cao, thay vì tiến đến đó từng bước một. Hơn nữa, anh ta không nhận ra rằng việc bắt đầu từ đỉnh cao như vậy là anh ta đang tự đưa mình vào thế khó khăn.”
(“Học để thấy”, Tư duy tích cực tạo thành công, Napoleon Hill)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2: Theo tác giả, “thị lực tinh thần” và thị lực thông thường của con người có những điểm giống nhau như thế nào?
Câu 3: Dựa vào văn bản, hãy chỉ ra sự khác biệt giữa người mắc chứng cận thị và viễn thị về tinh thần?
Câu 4: Theo anh/chị, việc tác giả chỉ ra những khiếm khuyết trong thị lực tinh thần của con người có ý nghĩa như thế nào?
Câu 5: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vấn đề: Làm thế nào để chữa trị những chứng bệnh “thị lực tinh thần”?