Đọc đoạn trích:
CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Đó là câu chuyện về em học sinh Ngô Minh Hiếu (Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa) 10 năm liền kiên trì tình nguyện cõng người bạn Nguyễn Tất Minh không may bị dị tật bẩm sinh đôi chân đến trường.
Nói câu chuyện cổ tích là bởi sự khâm phục về nghị lực và tấm lòng nhân hậu của Ngô Minh Hiếu, mặc dù tuổi nhỏ nhưng đã làm được một việc lớn, một nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đáng để nhiều người suy ngẫm, học tập. Một học sinh nghèo, sinh ra nơi thôn quê bình dị nhưng biết dũng cảm vượt lên những vất vả, khó khăn và cả những e ngại đời thường để nhẫn nại, lặng thầm trong suốt 10 năm cõng bạn đến trường, cùng dìu đỡ, chắp nối ước mơ trong sáng, thánh thiện tuổi học trò của bạn và cũng là của chính bản thân mình.
Nói câu chuyện cổ tích là ở khía cạnh đẹp về nghị lực phi thường và khát khao cháy bỏng, rất đáng trân trọng của Nguyễn Tất Minh. Chẳng may bị tật nguyền, gia cảnh khó khăn nhưng không những không nản chí vì những thiệt thòi cá nhân mà cậu học sinh nơi thôn quê ấy còn rất vững vàng, quyết chí theo học và học rất giỏi để đạt được thành quả rất đáng tự hào, thi đỗ vào Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm rất cao (Toán 9,6 điểm; Lý 9,25 điểm; Hóa 9,25 điểm).
Nói câu chuyện cổ tích là ở chỗ cả hai em học sinh của vùng đất xứ Thanh hiếu học ấy mặc dù gia cảnh khó khăn, không có điều kiện để được đi học thêm như nhiều bạn bè cùng trang lứa nhưng các em không những vẫn học rất giỏi mà còn luôn là tấm gương sáng về sự chăm học, ngoan ngoãn, về ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng.
Nói câu chuyện cổ tích giữa đời thường còn bởi một khía cạnh rất đỗi cảm động về tâm sự của Ngô Minh Hiếu: Em có đôi chút buồn nhưng không phải vì không đỗ nguyện vọng I (Trường Đại học Y Hà Nội) mà buồn bởi sẽ phải tạm xa và sẽ ít có cơ hội để có thể trực tiếp giúp đỡ, động viên người bạn cùng trường, cùng quê vốn chịu nhiều thiệt thòi Nguyễn Tất Minh. Suy nghĩ, việc làm của Ngô Minh Hiếu xứng đáng được coi là một biểu tượng đẹp về tình bạn trong sáng, cao đẹp.
Và cuối cùng nói chuyện cổ tích giữa đời thường còn bởi một thông tin rất vui, rất “có hậu” của câu chuyện này. Đó là thông tin Trường Đại học Y Dược Thái Bình (nơi Ngô Minh Hiếu đỗ nguyện vọng II) đã chính thức quyết định miễn toàn bộ học phí trong suốt quá trình Ngô Minh Hiếu theo học tại trường, để động viên em, để bù đắp những nỗ lực, hy sinh của bản thân em cho bạn bè, rộng hơn là động viên thắp lên ánh sáng của niềm tin yêu, hy vọng, nhân lên nhiều hơn nữa những câu chuyện cổ tích trong mỗi nhà trường cũng như trong đời sống xã hội.
(Theo Thế Vĩnh baohanam.com.vn)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định hai phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 2. Ý nghĩa của cụm từ “câu chuyện cổ tích” trong văn bản là gì?
Câu 3. Nêu tác dụng của một biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản.
Câu 4: Theo anh/chị, câu “tàn nhưng không phế” dùng để chỉ những người như thế nào? Hãy giới thiệu về một tấm gương “tàn nhưng không phế” mà anh/chị ngưỡng mộ.
=> Đáp án D