K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

15 tháng 10 2021

Trong thời đại ngày nay, một đứa trẻ từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều kỳ vọng: trở thành một kỹ sư, một bác sĩ, một công an... có thể làm rạng danh gia đình. Cha mẹ nắm tay con mình bước vào trường học, nhắn nhủ con hãy học thật giỏi, mang về điểm cao. Dường như họ đã quên mất rằng học tập không chỉ là tích lũy kiến thức, mà còn là hoàn thiện nhân cách con người; như Rabindranath Tagore từng phát biểu: “Gốc của sự học là học làm người.”

Trước hết, ta cần tìm hiểu khái niệm học. Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau. Học tập cũng như việc học tập bài bản không bắt buộc, tùy theo hoàn cảnh. Nó không xảy ra cùng một lúc, nhưng xây dựng dựa trên và được định hình bởi những gì chúng ta đã biết. Học tập có thể được xem như một quá trình, chứ không phải là một tập hợp các kiến thức thực tế và các hủ tục giáo điều. Việc học tập của con người có thể xảy ra như là một phần của giáo dục, đào tạo phát triển cá nhân.

Còn “gốc” ở đây có thể hiểu là bản chất, là nguồn gốc đồng thời cũng là mục đích cuối cùng của mọi điều. Bởi giống như gốc rễ của cây cối, đó là nơi bắt đầu sự sống của cây, là nền tảng cho sự phát triển và cũng là nơi chất dinh dưỡng mà cây hấp thụ đi xuống để nuôi dưỡng lấy cây.

Và khái niệm cuối cùng cần làm rõ đó là “học làm người”, từ khi sinh ra ta đã là một con người rồi, vậy vì sao ta phải học làm người? Làm người ở đây không phải là hiểu về mặt bên ngoài, mà là về mặt bản chất, tinh thần, trí tuệ của con người. Học làm người thứ nhất là học cách trở thành một phần của cộng đồng, hòa hợp với mọi người, đóng góp một phần công sức trong việc xây dựng nên một cộng đồng trong sạch vững mạnh; hoặc chí ít là trở thành một cá nhân không gây phiền hà cho những người xung quanh. Thứ hai, học làm người còn là học cách đối nhân xử thế, học cách tôn trọng mọi người, đó là cha mẹ, là anh em, là thầy cô, là bạn bè; ta phải học cách chung sống sao cho đúng với đạo đức, đúng với pháp luật. Và cuối cùng, học làm người là học cách tôn trọng chính bản thân mình. Bởi việc học hành, trau dồi nhân cách, bản lĩnh, cũng chính là một cách trân trọng bản thân, và chỉ khi ta biết trân trọng bản thân, người khác mới trân trọng ta.

Vậy vì sao cái gốc của học lại là học làm người, mà không phải là học cách kiếm tiền, học cách thu nhặt kiến thức? Bởi nếu bạn biết cách làm người, bạn sẽ có nền tảng để làm tất cả những điều khác một cách lương thiện. Thật ra, nếu bạn là kẻ không lương thiện, bạn sống một cách xấu xa, bạn kiếm tiền bằng những thủ đoạn, bằng cướp giật, bằng cờ bạc, bạn vẫn có thể giàu có, bạn vẫn có thể sống trên cuộc đời này. Nhưng lúc ấy bạn có sống đúng nghĩa như một con người hay không? Bạn sẽ không nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh, bạn là một cá nhân gây ảnh hưởng đến cộng đồng, và hơn hết, bạn thậm chí còn không tôn trọng chính bản thân mình. Nếu bạn tôn trọng bản thân, bạn đã sống đúng với lương tâm, với đạo đức, sống sao cho bản thân có thể ngẩng cao đầu đầy hãnh diện với mọi người.

Vậy phải làm thế nào để có thể học làm người? Trước tiên, cần phải làm rõ rằng học ở đây không chỉ là học trong nhà trường, mà còn là học từ bạn bè, từ gia đình, những người xung quanh, học trong đời sống. Học tập là việc cả đời, không phải chỉ trong một chốc là xong ngay được. Quá trình tôi luyện khả năng, hình thành nhân cách cũng chính là một quá trình học tập lâu dài. Trước hết, đến từ những nhân tố khách quan, cộng đồng phải cùng nhau chung tay tạo nên một môi trường học tập thuận lợi. Giúp các em hiểu được rằng học tập là một điều thú vị, chứ không phải là một điều cực nhọc chỉ có đau khổ mà thôi. Gia đình có thể giáo dục các em ngay từ nhỏ, từ những điều tưởng như đơn giản nhất, để các em có thể thấy được ý nghĩa của những việc tốt, ý nghĩa của lương tâm, của đạo đức. Nhưng trên hết, bản thân mỗi người phải có ý thức rèn luyện, chống lại những yếu tố xấu xa làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Đương nhiên chúng ta ai cũng sẽ có sai lầm, có những lúc vấp ngã, chẳng ai là người hoàn hảo. Nhưng quan trọng là chúng ta luôn cầu tiến, không ngừng hoàn thiện bản thân, đứng dậy sau mỗi sai lầm của cuộc đời. Lúc ấy, ta sẽ trở thành một con người lương thiện.

Có thể nói, đích đến cuối cùng của con người chính là trở thành một người lương thiện, đó chính là cái gốc của sự học. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì là người vô dụng.”