Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Em tham khảo:
“Nhất tự vi sư – bán tự vi sư” không chỉ là câu nói có ý nghĩa trong xã hội xưa, mà cho đến ngày nay câu nói vẫn còn để lại ý nghĩa sâu sắc. Trong hành trình dài và rộng của mình, mỗi chúng ta đều được gặp gỡ, gắn bó với nhiều người thầy, người thầy nào cũng đều để lại một dấu ấn riêng chiếu rọi vào đời ta những thứ ánh sáng riêng biệt. Thầy là người đã dạy dỗ, truyền tải cho ta biết bao tri thức, văn hóa, lẽ sống, không chỉ vậy, thầy còn là người chắp cánh những ước mơ, hoài bão, lí tưởng cao đẹp cho chúng ta. Mỗi một lời giảng của thầy là cả tâm huyết với nghề, chứa đựng niềm khát khao được chia sẻ kinh nghiệm, vốn sống của mình cho trò, những lời giảng ấy không đơn thuần chỉ là kiến thức học vấn mà còn đem đến niềm tin, tình yêu, nghị lực, lí trí và có những thứ đã trở thành kim chỉ nam để ta theo đuổi trong cuộc đời này. Thật vậy, công lao của thầy to lớn vô ngần, thầy đã hi sinh cả cuộc đời mình cho ta những bài học hay. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần phải biết quý trọng, yêu mến thầy cô, sự trân trọng, biết ơn không phải chỉ những hành động lớn, những lời đao to búa lớn mới thể hiện tấm lòng của ta. Đôi khi chỉ một cử chỉ nhỏ như ta luôn chăm học, nghiêm túc nghe giảng cũng là lời tri ân chân thành, sâu sắc nhất của ta. Nhưng đáng buồn thay, lẽ sống đẹp này đang bị mai một dần trong xã hội hiện đại, chúng ta cần phê phán nhiều bạn trẻ có những hành vi thiếu lễ độ, thiếu tôn trọng và có những phát ngôn không tốt đối với thầy cô. Qua đó, mỗi chúng ta cần rút ra bài học cho mình, cần biết yêu mến quý trọng thầy cô và luôn dưỡng nuôi truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Tham khảo
Mỗi người chúng ta đều trải qua quá trình học tập và quá trình đó sẽ thật khó khăn, truân chuyên biết bao nếu chúng ta không có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo - những người giúp ta chập chững làm quen với kiến thức về thế giới xung quanh. Vì thế ta có thể thấy vai trò của người thầy cô trong nhà trường và việc giáo dục, truyền đạt kiến thức cho học sinh là vô cùng quan trọng.
Thầy cô - những bậc đàn anh đi trước, những người có trình độ hiểu biết cao, là người dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản phong phú, bao điều hay lẽ phải, hướng dẫn cho học sinh từng bước đi lên vững chắc. Dân gian ngày xưa có câu “Không thầy đố mày làm nên” đã cho thấy vai trò và trách nhiệm của người thầy cô là rất to lớn: Không chỉ cung cấp kiến thức, thầy cô còn dạy bảo ta nên người toàn diện, định hướng hình thành nhân cách mỗi con người chúng ta, góp phần xây dựng những nhân tài của tương lai mai sau.
Và ngày nay, xã hội ngày càng phát triển đưa vai trò của người thầy ngày càng lên cao. Kiến thức là một biển trời rộng lớn bao la, một học sinh không thể nào tự nắm bắt chọn lọc. Thì lúc đó vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ đường dẫn lối đưa học sinh đến gần hơn với kiến thức. Một người thầy có trách nhiệm là không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu về học sinh bằng cả trái tim và lòng bao dung. Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển cái nội lực của học sinh. Qua đó đã cho thấy vai trò của người thầy trong nhà trường ngày nay đó là người mở đường để người học tự thân vận động nhiều hơn. Gieo hạt nhưng hạt muốn vươn thành cây thì phải dựa vào chính bản thân mình. Dạy cho học sinh biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu phát hiện ra những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu quả. Nghĩa là giúp học sinh phát triển trí tuệ tư duy, tiếp thu kiến thức một cách chủ động chứ không phải thụ động dù là tri thức tiên tiến. Chính vì nhờ thầy cô, những đam mê, năng khiếu tiềm ẩn đâu đó trong ta mới được khơi dậy. Bên cạnh đó, một người thầy tốt là người có tấm lòng nhiệt huyết hết mình với nghề, truyền đạt cho học sinh bằng tất cả kiến thức mình có. Am hiểu học sinh, tìm ra những phương pháp hay giúp học sinh hiểu bài sâu và nhanh, khắc phục những khuyết điểm và tạo ra nhiều ưu điểm. Ân cần khuyên bảo khi học sinh mắc lỗi, không gây quá nhiều áp lực cho học sinh hay áp đặt học sinh một cách máy móc. Chính vì thế người thầy, người cô được ví như người cha người mẹ thứ hai của chúng ta. Họ cũng dành cho ta tình yêu thương nồng nhiệt, tốn nhiều công sức để truyền đạt kiến thức cho ta bằng cả tấm lòng.
Ngoài vai trò truyền đạt kiến thức của thầy cô thì vai trò của học sinh cũng quan trọng không kém. Là vì dù thầy cô tâm huyết tới đâu mà học sinh không có ý thức tiếp thu thì công sức của thầy cô cũng bằng thừa. Ta có thể thấy sự tác động qua lại giữa học sinh và thầy cô, thầy cô dạy hay học sinh càng có tinh thần học tập, và ngược lại học sinh học tốt học giỏi giáo viên sẽ có thêm động lực trong việc giảng dạy.
Qua đó ta có thể thấy vai trò của người thầy người cô trong nhà trường là rất rất quan trọng và cần thiết cho mỗi chúng ta. Vì thế để nhớ đến công ơn dạy dỗ của người thầy nước ta đã lấy ngày 20-11 để mọi người cùng nhau nhớ về những công lao dưỡng dạy của các thầy cô giáo năm xưa. Chúng ta phải biết nhớ ơn thầy cô: học thật tốt và thành công trong cuộc sống đó là cách thể hiện lòng biết ơn thiết thực nhất. Một lời nói lễ phép, một câu chào hỏi lễ phép cũng làm thầy cô thấy ấm lòng mà không cần phải quá cầu kỳ hay phức tạp, tốn kém, đối với thầy cô như thế là đủ.
Con đường đến với tri thức vốn gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy thầy là người dẫn đường chỉ lối, người luôn đồng hành bên ta, giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức của mỗi con người. Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Tóm lại, ta có thể thấy vai trò của người thầy trong việc truyền thụ kiến thức trong trường học là vô cùng thiết yếu.
bạn tham khảo nhé
Tình yêu thương là tình cảm thiêng liêng mà cả dân tộc ta vẫn luôn gìn giữ và truyền lại cho đời sau. Nó xuất phát từ lòng yêu mến, đồng cảm, cảm thông và quý mến đối với đồng loại và mọi điều xung quanh. Tình thương yêu có sức mạnh rất lớn, nó giúp người khác vững tin hơn trong cuộc sống, giúp người khác vượt qua gian khổ, nó cảm hóa và làm thay đổi những người sống chưa tốt. Tình yêu thương chân thành, nhẹ nhàng của Thị Nở đã chạm đến trái tim cằn khô, sỏi đá của Chí Phèo và thức dậy trong anh những giây phút người nhất. Tình yêu thương làm cuộc đời này đẹp hơn. Nó đưa ta đến đỉnh cao của thành công và vượt lên trên những điều tầm thường. Nó còn là điều quý giá nhất trên đời mà người với người có thể trao tặng nhau. Nhiều người từng hối hận muộn màng khi họ chẳng kịp nói lời yêu thương với người thân khi người thân của họ còn sống. Vì vậy đừng ngại nói lời yêu thương với những người mà ta quý mến họ. Đôi khi cuộc sống nhiều mâu thuẫn, hiểu nhầm, hận thù và nó chỉ được hóa giải khi xuất hiện sự tha thứ và tình yêu thương khi bạn sẵn sàng trao đi. Một người chủ động trao tặng tình yêu thương thì bên trong họ tràn đầy tình yêu thương. Muốn có tình yêu thương thì trước hết bạn cần học cách trao đi. Ta cũng không quên phê phán những kẻ sống vô cảm, ích kỷ, hận thù. Và nhiệm vụ của chúng ta là hãy cảm hoá họ, vì chỉ có tình yêu thương mới có thể biến thế giới đầy khổ đau này thành biển cả của hoà bình và hạnh phúc.
Con người ta sinh ra, được sống trên đời đã là một hạnh phúc lớn. Nhưng có lẽ được sống trong lòng của người khác còn là hạnh phúc lớn hơn. Đó chính là khi có cảm giác yêu thương và được yêu thương. Tình yêu thương là thứ tình cảm tốt đẹp mà con người dành cho nhau. Tình thương là những nét đẹp bình dị, trong sáng của tình người, lòng nhân hậu, sự khoan dung, cao thượng, vị tha và công lí. Đó có thể là tình cảm gia đình, tình bằng hữu, tình yêu lứa đôi, tình người nói chung. Nó có thể là thứ tình cảm vun đắp, xây dựng trong một thời gian dài nhưng cũng có thể chỉ là một niềm thương cảm chực trào dâng khi ta gặp một hoàn cảnh nào đó. Yêu thương chính là khi ta cảm thông quan tâm giúp đỡ người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống, yêu mến và trân trọng những ng có phẩm chất đạo đức tốt, tình cảm cao đẹp. Nhưng dù với bất cứ biểu hiện nào thì tình yêu thương cũng luôn mang lại những điều kì diệu riêng cho cả người cho đi và nhận về nó. Cái hạnh phúc mà tình yêu thương đem lại dành cho cả hai phía. Bên cạnh đó, yêu thương còn là lực hấp dẫn kéo con người ta xích lại gần nhau, tạo thành khối thống nhất, gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Song trong cuộc sống hiện đại ngày nay, còn có những kẻ sống lạnh lùng như một cỗ máy, vô hồn vô cảm, chỉ biết sống cho mình, luôn đố kị ganh ghét, xung đột, cướp đoạt, là mối hiểm họa lớn cho xã hội mà ta cần lên án và bài trừ. Yêu thường đem lại hạnh phúc cho nhân loại, chỉ có yêu thương mới xoa dịu những ngăn cách giàu nghèo, những bất đồng đố kị, làm cho xã hội văn minh tươi đẹp. Vì vậy hãy dành tình thương của mình cho mọi người thật nhiều. Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi ta biết mạnh dạn cho đi, hãy đem tình thương của mình gửi đến muôn đời như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhắn nhủ : “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”.
Tham khảo:
Bất cứ ai trong cuộc sống này cũng có một quê hương, một Tổ Quốc trong tim. Ngay từ bé, tôi đã được mẹ nói cho nghe về những truyền thống lịch sử dân tộc, những văn hóa cổ truyền đặc sắc của quê hương, từ đó trong tôi đã dồi dào một lòng yêu quê hương, đất nước từ bao giờ không hay. Quả thực, đây là một thứ tình cảm cao quý mà ai cũng cần có trong mình. Vì quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn ta, cho ta sự sống, cội nguồn để hướng về, là nơi chôn rau cắt rốn mà bất cứ ai cũng không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, con người ta có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no như ngày hôm nay là nhờ công lao của biết bao thế hệ ông cha ta ngày trước đã kiên cường dựng nước và giữ nước, không ngại đổ máu xương để chống lại kẻ thù xâm lược. Vậy nên, cần biết trân trọng và yêu thương Tổ Quốc này vì từng tấc đất mà ta đang ở đều được đánh đổ bằng bao mồ hôi công sức của thế hệ trước.
Trong nhịp sống hối hả, tất bật, quay cuồng, những lo toan thường nhật, cuộc mưu sinh bận rộn với bao toan tính liệu có cuốn con người vào guồng quay lạnh nhạt? Không! Ở đâu đó, hơi ấm tình người vẫn lặng lẽ tỏa sáng. Ngay trong khu phố nhỏ tồi tàn, vẫn cất lên bản nhạc dịu dàng giữa một xã hội phồn vinh rộng lớn. Nơi ấy, nhà văn Mĩ O.Henry bằng tấm lòng chân thật của mình đã diễn tả biết bao vẻ đẹp của tình yêu thương giữa những con người, đặc biệt thầm kín qua hình ảnh chiếc lá cuối cùng.
Có một tình đời trong chiếc lá…
Chiếc lá dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng được trở đi trở lại rất nhiều lần trong tác phẩm. Vừa là biểu tượng của tình thương, vừa là biểu tượng của đức hy sinh cao cả… Chiếc lá ấy có thể là chiếc lá thực sự còn sót lại trên cây thường xuân. Nó đã dũng cảm bám chắc vào cuống lá, mặc cho mưa tuôn bão thổi, mặc cho gió lạnh hoành hành. Chiếc lá bị vùi dập dưới cơn mưa mà vẫn kiên cường, trút hết sức sống còn lại cố níu cành, để làm mẫu vẽ cho một con người cao cả, để một chiếc lá khác trỗi dậy sức sống mới. Khi chiếc lá cuối cùng trên cây vừa lìa cành cũng là lúc một màu xanh từ một chiếc lá khác rung rinh. Chiếc lá ấy chính là tác phẩm hội họa, là kiệt tác của cụ Bơ-men trong đêm mưa rét. Tuổi cao sức yếu mà lại dám đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, làm việc lặng lẽ âm thầm như vậy quả thực dũng cảm. Trong một phút xuất thần, bằng tình yêu thương vô bờ đối với Giôn-xi, bằng sự quyết tâm mãnh liệt để cứu sống một cô gái, cụ Bơ-men đã vẽ thành công tác phẩm, thỏa nguyện những ước mơ ám ảnh cả một đời. Tiền đề cho chiếc lá ấy tồn tại, chính là tình đời…
Có một tình đời trong chiếc lá…
Người họa sĩ già đã lặng lẽ ra đi, sau khi dồn hết sức lực, trút bỏ mọi hơi thở còn lại của mình để giành lại tuổi trẻ và sự sống cho Giôn-xi. Chiếc lá cuối cùng ấy mang một màu xanh của hy vọng, hy vọng trả lại màu xanh cho chiếc lá đã rụng, trả lại màu hồng cho đôi má người thiếu nữ gần như đã gần tuyệt vọng, trả lại niềm tin, nghị lực cho những con người yếu đuối. Chính sức sống kiên cường ấy đã thổi vào tâm hồn Giôn-xi hơi ấm của niềm tin, kéo cô từ vực thẳm vô vọng lên chiến thắng bệnh tật. Nhưng điều quan trọng và đẹp đẽ nhất trong chiếc lá chẳng bao giờ rung rinh ấy là tình yêu thương bao la của cụ Bơ-men dành cho Giôn-xi. Trong đêm đông giá rét, đôi tay người họa sĩ cũng theo đó mà run rẩy, mà cứ run rẩy như vậy thì muốn vẽ hoàn thành một bức tranh cũng thật khó. Nhưng bức tranh không chỉ được vẽ bằng bút lông, bằng màu mà còn được vẽ bằng tình yêu thương, sự hy sinh cao cả, thầm lặng. Cụ Bơ-men đã ra đi, nhưng tình đời trong chiếc lá thì còn sống mãi…
Có thể nói, với hình ảnh chiếc lá cây thường xuân, O.Henry đã ngợi ca tình yêu thương, tấm lòng vị tha của những con người đồng cảnh ngộ. Ngòi bút O.Henry không trực tiếp kể chuyện và cũng không kể lại cái đêm chiếc lá được vẽ ra mà để cho Xiu thuật lại, tạo sự hấp dẫn, bất ngờ cho người đọc, càng làm nổi bật đức hy sinh của người họa sĩ già. Và người họa sĩ già đã chết vì viêm phổi, sau cái đêm giá lạnh phơi mình ngoài gió đông. Chiếc lá lặng im không rung rinh vì nó là một bức tranh, hay nó lặng lẽ trước cái tình đời và cái chết của người họa sĩ già với tấm lòng cao cả?
Em tham khảo !
Lòng tự trọng là một trong những đức tính cao quý của con người, mà mỗi chúng ta đều cần phải có phẩm chất đó. Lòng tự trọng là coi trọng danh dự, phẩm chất, nhân cách của bản thân và những người xung quanh ta. Người có lòng tự trọng sẽ biết bảo vệ lòng tự trọng của mình. Hằng ngày, ai cũng biểu hiện ra lòng tự trọng của mình. Khi chúng ta giao tiếp với người khác, khi chúng ta làm việc, chúng ta tự đánh giá bản thân mình. Một người có lòng tự trọng được thể hiện qua cảm thấy có giá trị và được chấp nhận bởi những người khác, cảm thấy xứng đáng được đối xử công bằng, tôn trọng, chấp nhận và tôn trọng chính mình ngay cả khi bạn sai lầm, tin vào bản thân, dù có thể bạn không đạt tới thành công ngay từ lần đầu tiên. Ví dụ như khi học sinh đi thi không quay cóp, gian lận, luôn làm bài tập đầy đủ, vâng lời thầy cô,... Lòng tự trọng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bản thân của một người đồng thời nó là nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động giúp bạn giao tiếp một cách hiệu quả. Người có lòng tự trọng sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người được nhiều người yêu mến. Trái lại, với những người không có lòng tự trọng sẽ phải sống trong sự cô lập với xã hội vì không có các mối quan hệ. Vì vậy chúng ta cần phải coi trọng, giữ gìn phẩm cách, cư xử đàng hoàng, đúng mực, luôn làm tròn trách nhiệm được giao phó, không để người khác phải chê trách, nhắc nhở, rèn luyện cách đối nhân xử thế và luôn thân thiện cởi mở với mọi người xung quanh, có được như vậy chúng ta mới đem lại được giá trị to lớn cho cuộc sống.
Tham khảo:
1. Phân tích đề
– Yêu cầu đề bài: Trình bày quan niệm, suy nghĩ của em về lòng tự trọng
– Phạm vi tư liệu dẫn chứng: những sự việc, hành động biểu hiện cho lòng tự trọng trong cuộc sống.
– Phương pháp lập luận chính: giải thích, bình luận
2. Hệ thống luận điểm
– Luận điểm 1. Giải thích khái niệm lòng tự trọng
– Luận điểm 2: Biểu hiện của lòng tự trọng
– Luận điểm 3: Vai trò của lòng tự trọng
– Luận điểm 4:Bài học nhận thức và hành động
3. Dàn ý nghị luận về lòng tự trọng
Mở bài nghị luận về lòng tự trọng
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người.
Thân bài nghị luận về lòng tự trọng
* Luận điểm 1. Giải thích khái niệm lòng tự trọng
– Lòng tự trọng là ý thức coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của bản thân, coi trọng giá trị của bản thân.
– Tại sao cần phải có lòng tự trọng?
+ Tự trọng giúp bản thân mỗi người nhìn nhận đúng cái sai, những điểm chưa hoàn thiện
+ Tự trọng giúp chúng ta thành công trong học tập và công việc bởi: Người tự trọng sẽ làm việc bằng thực lực của chính bản thân mình
+ Tự trọng giúp chúng ta sống đẹp sống có ích -> Xã hội lành mạnh hơn
+ Lòng tự trọng khơi nguồn các đức tính tốt đẹp khác
+ Có tự trọng chúng ta mới có thể học được cách tôn trọng người khác
* Luận điểm 2: Biểu hiện của lòng tự trọng
– Có suy nghĩ, hành động và cách ứng xử đúng với lương tâm và đạo lí.
– Nói đi đôi với làm
– Cố gắng làm bài tập về nhà bằng chính khả năng của mình, không coi cóp, gian lận
– Khi có khuyết điểm chân thành sửa sai và nhận lỗi.
– Nhìn thẳng vào hạn chế của mình khi không đủ khả năng đảm đương một công việc.
– Luôn có ý thức tự giác vươn lên để khẳng định mình ngay cả khi gặp khó khăn, trắc trở.
– Chú ý cả đến lời nói khi giao tiếp.
– Biết giữ lời hứa, tôn trọng mọi người.
– Luôn làm tốt nhiệm vụ không để ai nhắc nhở hoặc chê trách.
– Có thái độ sống hòa nhã với mọi người, tôn trọng người già, nhường nhịn trẻ em
* Luận điểm 3: Vai trò của lòng tự trọng
– Luôn giúp ta tự tin vào việc mình làm, luôn chủ động vững vàng trong mọi công việc, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thử thách.
– Luôn giúp ta lạc quan, yêu đời
– Luôn giúp ta được mọi người tôn trọng
– Góp phần xây dựng xã hội văn minh.
– Dẫn chứng:
+ Trần Bình Trọng: Ta thà làm quỷ nước Nam/ Còn hơn làm vương đất Bắc.
+ Người Nhật: Sau chiến tranh Thế giới thứ II, sau vụ động đất, sóng thần vừa qua…
+ Hồi World Cup năm 2002, tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Rất nhiều người hâm mộ từ châu Âu sang Nhật xem bóng đá. Trong các sân vận động, sau khi trận đấu kết thúc, người xem ra về, nhưng người Nhật nán lại nhặt các vỏ đồ hộp, chai, lọ, rác vứt rải rác trong sân vận động, để mang ra thùng rác bên ngoài. Nhiều người hâm mộ Tây thấy xấu hổ, cũng quay lại, học người Nhật, nhặt các vỏ chai lọ, đồ hộp, bao giấy mà mình vứt lại, mang ra thùng rác.
+ Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân.
* Luận điểm 4: Bài học nhận thức và hành động
– Để xây dựng lòng tự trọng bản thân mỗi con người phải luôn có ý thức học tập và rèn luyện, nói phải đi đôi với làm.
– Rèn luyện lòng tự trọng là đấu tranh với chính bản thân mình để có suy nghĩ và hành động đúng đắn.
– Luôn sống một cách chan hòa, làm những điều tốt đẹp tránh xa cái xấu
– Nhận thức những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát huy và sửa chữa
– Lòng tự trọng là sự song hành giữa nhận thức, lời nói và hành động.
– Lòng tự trọng có lợi không chỉ cho bản thân mình mà còn tạo nên một cộng đồng, xã hội văn minh hơn.
– Gia đình, nhà trường cần giáo dục cho con em mình lòng tự trọng để có thái độ sống tốt.
* Bàn luận mở rộng
– Cần phân biệt tự trọng với tự cao, tự đại
– Bên cạnh những con người giàu lòng tự trọng, vẫn tồn tại những người thiếu tự trọng, đánh mất lòng tự trọng của bản thân:
+ Làm những việc trái đạo lí, vô lương tâm, đánh mất nhân cách của bản thân.
+ Nói năng ứng xử thiếu văn hóa
+ Học sinh vô lễ với thầy cô
+ Lười lao động, học tập
+ Sống lợi dụng, dựa dẫm, gặp khó khăn thì nản chí, nản lòng…
-> Tất cả những hành động việc làm đó cần bị phê phán.
Kết bài nghị luận về lòng tự trọng
– Khẳng định lại vấn đề: Lòng tự trọng là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần có để hoàn thiện bản thân mình.
– Mỗi người chúng ta hãy luôn sống giàu lòng tự trọng để xã hội trở nên tốt đẹp.
- Vai trò của gia đình:
+ Là nơi ta được sinh ra, nuôi dưỡng ta trưởng thành
+ Là bến đỗ bình yên sau mỗi bão giông cuộc đời
+….
- Trách nhiệm của bản thân:
+ Luôn yêu thương gia đình, giúp đỡ cha mẹ những việc trong khả năng
+ Cố gắng học tập tốt, nghe lời cha mẹ,…
+ Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu
+ ….