K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

14 tháng 12 2018

đây là online math nha bạn ,. ko pải ngữ =văn

Bài làm

Nhắc đến Sa Pa, ta nghĩ ngay đến một khu du lịch nghỉ mát lớn của cả nước. Và vì thế, nhắc đến Sa Pa là nhắc đến sự nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng với “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã cho ta biết đến một Sa Pa hoàn toàn ngược lại: Sa Pa với những con người đang miệt mài lao động ngày đêm cống hiến cho đất nước. Nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm là một người tiêu biểu trong số đó. Anh đã để lại trong lòng người đọc một niềm yêu mến và cảm phục sâu sắc.

      Không yêu mến, cảm phục sao được một con người cởi mở, thân thiện, ngăn nắp... và đặc biệt là say mê, yêu quý và có trách nhiệm với công việc của mình như thế!

      Mở đầu tác phẩm, anh hiện lên qua câu chuyện của bác lái xe với người họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Đó là một thanh niên hai mươi bảy tuổi, một mình làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao hơn hai ngàn mét. Nhưng trước hết, điều gây ấn tượng mạnh cho độc giả là chuyện "thèm người" của anh chàng "cô độc nhất thế gian" kia. Không phải anh ta "sợ người" mà lên làm việc ở đây, trái lại, anh ta từng chặt cây ngáng đường ngăn xe dừng lại để được gặp người "nhìn trông và nói chuyện một lát".

       Lên đỉnh Yên Sơn, người họa sĩ và cô kĩ sư được gặp một con người "tầm vóc nhỏ bé, nét mặt rạng rỡ". Anh ta sống trong "một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách". Sự cô độc không làm anh trở nên cộc cằn, cẩu thả. Trái lại, nó càng làm nổi bật những đức tính hiếm có ở chàng trai trẻ này. Một cuộc sống giản dị, ngăn nắp của một người yêu đời, say mê công việc và không có vẻ gì của sự buồn chán. Anh nồng nhiệt chào đón những người khách bất ngờ của mình; cởi mở giới thiệu về công việc, ngợi ca những người bạn cũng đang say mê miệt mài với công việc ở Sa Pa.  Lòng yêu người của anh đã được thể hiện phần nào ở những chi tiết trước đó: đào củ tam thất biếu vợ bác lái xe, “thèm người” đến mức hạ cây ngang đường để xe dừng lại mà nói chuyện với mọi người dăm ba phút... nhưng những người khách mới vẫn không khỏi xúc động về những gì anh mang tới cho họ. Khi hai người khách trở về, ngoài những quả trứng “của nhà có được” anh còn tặng họ cả những bông hoa rực rỡ. Hoá ra anh cũng vô cùng mộng mơ và lãng mạn!

      Nhưng không dừng lại ở đó, anh tiếp tục khiến người đọc cảm động, ngạc nhiên và khâm phục về những gì anh nghĩ về công việc và những gì anh đã làm đã hiến dâng cho cuộc sống.

      Anh là một chàng thanh niên, đã hai mươi bảy tuổi nhưng chưa có người yêu. Anh chấp nhận rời xa cuộc sống đô thị ồn ào, rời xa gia đình để gắn bỏ với công việc. Một công việc phức tạp, vất vả: "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Qua những lời tâm sự của anh về công việc ta đã phần nào hình dung được sự khó khăn, nguy hiểm của công việc. Chẳng những phải dậy đúng giờ “ốp” - vốn vẫn rất thất thường - mà phải đối mặt với những khắc nghiệt của thời tiết của thiên nhiên: gió, bão, tuyết, hoang thú,... Và đáng sợ hơn nữa là sự cô độc. Cùng với áp lực công việc, cái đó có thể giết chết con người bằng bệnh trầm cảm, tự kỉ nhưng anh thanh niên đã chiến thắng tất cả để giữ được một trái tim ấm áp, một tinh thần lạc quan, yêu đời. Anh triết lí về công việc của mình: "khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?". Được làm việc có ích đối với anh thế là niềm vui. Hơn nữa công việc của anh gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí khác ở những điểm cao hơn hoặc thấp hơn. Người hoạ sĩ đã thấy bối rối khi bất ngờ được chiêm ngưỡng một chân dung đẹp đẽ đến thế: "bắt gặp một con người như anh là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài". Còn cô kĩ sư, với cô cuộc sống của người thanh niên là "cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp", anh mang lại cho cô "bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên". Và người đọc, chắc hẳn cũng có những cảm nhận như thế về nhân vật đặc biệt này.

        Cùng với những người kĩ sư trồng rau, nhà khoa học nghiên cứu sét,... anh thanh niên đã trở thành biểu tượng cho những con người đang hăng say lao động cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Ra đời năm 1970, giữa lúc miền Bắc đang hăng say sản xuất để chi viện cho miền Nam đánh Mĩ, nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” đã thực sự trở thành biểu tượng cho những anh hùng lao động đồng thời động viên, cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân miền Bắc.

        Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm thật tốt đẹp. Hình ảnh của anh đã và đang động viên thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục noi gương để đi theo bước chân dũng cảm, cao đẹp của cha anh ngày trước.



# Chúc bạn học tốt #

20 tháng 3 2020

Một mùa xuân nho nhỏ 

Lặng lẽ dâng cho đời 
Dù là tuổi hai mươi 
Dù là khi tóc bạc.

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa không chỉ là bức tranh đẹp về thiên nhiên vùng núi cao Tây Bắc, ở đó còn có những con người lao động giản dị, lặng thầm cống hiến sức mình để dựng xây đất nước. Đó là nhân vật anh thanh niên làm công việc khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Những nét đẹp ngời sáng về cách nghĩ, cách làm của anh đã truyền nguồn cảm hứng cho thế hệ thanh niên chúng ta về lí tưởng sống và cống hiến cho đất nước hôm nay.

ĐIều đáng khâm phục ở anh thanh niên là lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Anh là một lao động bình thường như bao chàng trai trẻ khác. Hàng ngày, anh đo mưa, đo nắng, đo chấn động… công việc của anh cứ lặp lại như vậy nhưng anh không hề thấy buồn tẻ vì anh yêu công việc ấy. Anh luôn tự hỏi mình: “mình sinh ra làm gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” Chàng trai ấy ý thức được công việc thầm lặng của mình nhưng có ích cho cuộc sống của mọi người, anh đã lặng thầm hi sinh bản thân cho lợi ích của cả tập thể.

 Không những vậy,nhân vật anh thanh niên còn biết lo toan sắp xếp cho cuộc sống riêng của mình một cách ngăn nắp, ổn định. Sống một mình nhưng anh không đơn độc bởi “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà ”. Trong hoàn cảnh cô độc, anh tìm đến những thú vui lành mạnh và cũng là mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mình. Điều đó khiến chúng ta thêm khâm phục anh.

Đáng trân quý ở anh còn là tấm lòng nhân hậu, sự quan tâm đến người khác. Anh là một trí thức có lối sống ứng xử lịch sự, ấm áp tình yêu thương. Niềm vui đón khách của anh toát ra qua nét mặt, qua từng cử chỉ, lời nói. Từng món quà anh tặng là cả tấm lòng chân thành anh gửi gắm, là củ tam thất biếu bác lái xe dành cho vợ ốm hay bó hoa tươi thắm rực rỡ sắc màu cho cô gái mới quen. Tấm chân tình ấy khiến người nhận không khỏi bồi hồi, xúc động về tình người ấm áp giữa núi rừng Sa Pa lặng lẽ.

Trong cuộc sống hôm nay, có biết bao người trẻ cũng đang thầm lặng làm những việc có ích cho đất nước. Là tấm gương cô giáo trẻ vượt qa những chặng đường đèo, cõng con chữ lên vui núi để dạy chữ cho các em thơ. Là những người lính đảo Trường Sa, nơi chỉ có sóng biển là người bạn tâm tình, nhưng vẫn ngày đêm nắm chắc tay súng, bảo vệ từng hòn đảo nhỏ, đem lại sự bình yên cho đất nước. Là các bác sĩ trẻ tốt nghiệp đại học tình nguyện về các trạm y tế vùng saau vùng xa chữa bệnh cho dân nghèo. Dù biết công việc gian khổ nhưng họ vẫn cần mẫn, tỉ mỉ, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Tấm lòng yêu đời, yêu nghề, sẵn sàng hi sinh và cống hiến một phần tuổi trẻ của mình cho đất nước của họ thật trân trọng và đáng quý biết bao. Không những vậy, cuộc sống đang ngày càng đổi thay, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng. Do đó, mỗi người cần rèn luyện bản thân, nếu mãi bằng lòng với cuộc sống, ngủ vùi trong sự tẻ nhạt, buồn chán, con người sẽ không thể tìm thấy niềm vui, lí tưởng sống cho chính mình. Vượt  lên hoàn cảnh, vượt qua chính mình là điều cần thiết đối với mỗi người trẻ trong cuộc sống hiện đại nhiều thử thách, khó khăn.

Chiến tranh qua đi nhưng để lại bao khó khăn cho đất nước. Sau bao mất mát, đau thương, giờ đây dân tộc cần lắm những khối óc tinh anh, những bàn tay khỏe mạnh để dựng xây, phát triển. Thế hệ trẻ chúng ta cần phải làm gì để đưa đất nước đi lên, xứng đáng với bao máu xương của cha anh đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc?Tôi tin bằng tình yêu với đất nước, sự cố gắng nỗ lực học tập ngày hôm nay và ý chí cống hiến cho dân tộc, chúng ta sẽ cùng đưa đất nước mình phát triển phồn vinh.

học tốt

8 tháng 1 2022

Trải qua hơn bốn ngàn năm thăng trầm của lịch sử, đất nước ta đã anh dũng chiến đấu chống lại sự xâm lăng của biết bao kẻ thù, từ ngàn năm vó ngựa phương Bắc giày xéo đến trăm năm đế quốc Pháp, Mĩ bốc lột, đô hộ nhân dân ta. Đó là nhờ vào nỗ lực cống hiến cũng như tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của mỗi thế hệ. Lòng yêu nước luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, dạt dào trong trái tim mỗi người con yêu nước. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân đã để lại sự xúc động và những suy ngẫm về lòng yêu nước trong mỗi chúng ta.

Lòng yêu nước là tình yêu thương, gắn bó với quê hương đất, sự đóng góp công sức nhỏ bé của mỗi cá nhân cho sự phát triển giàu đẹp ở mảnh đất “chôn rau cắt rốn”. Đó là thứ tình cảm cao cả thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi, giản đơn. Tình cảm ấy như tự bản năng, thôi thúc mỗi người khi nghĩ về quê hương đất nước và được nuôi dưỡng từ những ngày thơ bé trong câu ca, tiếng hát của người dân nước mình:

Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương có ai không nhớ...

Biểu hiện của lòng yêu nước không phải là những thứ quá xa vời hay sáo rỗng. Đó là yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu xóm, yêu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm ấy đơn giản, gần gũi và nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người. Gắn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, lòng yêu nước cũng gắn với với những hành động cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến, lòng yêu nước chính là đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần ngại, xông lên phía trước dành lại độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc đó mạnh mẽ và quyết liệt. Đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân tương ái, cùng nhau chống lại kẻ thù. Chiến tranh ác liệt nhưng như Bác Hồ từng nó thì “lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.

Với mỗi người, lòng yêu nước lại có những hành động cụ thể khác nhau. Trong tác phẩm Làng, lòng yêu nước của ông gắn với tình yêu làng – nơi ông đã sinh ra và lớn lên, ông yêu làng chợ Dầu và luôn nói về nó với sự tự hào, trân trọng. Và rồi, khi có tin làng chợ Dầu lập tề theo giặc, trái tim ông như đau đớn, vỡ tan “cổ ông như nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân” khi phải đón nhận tin đó. Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng.Rồi khi ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ là “cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Như vậy, tình yêu làng đã lớn dần thành tình yêu kháng chiến, một niềm tin sắt đá theo Đảng và Bác Hồ. Nhà văn Ê ren bua từng nói “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Những tình yêu tưởng chừng như bình dị của ông Hai như vậy nhưng lại tạo nên một tình yêu lớn lao và cao cả hơn.

Đất nước ngày nay đã thanh bình, đang từng ngày dựng xây và phát triển. Lòng yêu nước gắn liền với ước mong cống hiến, làm nhiều việc có ích cho quê hương, đất nước mình.. Tùy theo sức của mình và từng hoàn cảnh khác nhau mà mỗi người có những đóng góp khác nhau: là bác nông dân chăm chỉ, cần mẫn trên những cánh đồng mang lại mùa màng bội thu; là nhà khoa học say mê nghiên cứu tìm ra những hướng đi mới cho nền kinh tế đất nước, là các cầu thủ bóng đá U23 Việt Namđi vào lịch sử là những anh hùng sân cỏ, mang niềm tự hào vinh quang về cho dân tộc để biết bao người thấy yêu thương, thấy vẻ vang…. Với các bạn học sinh, chúng ta cần cố gắng, nỗ lực rèn luyện để phát triển bản thân, không ngừng học hỏi để tích lũy tri thức làm hành trang trong cuộc sống, đưa đất nước phát triển nhanh kịp cùng các cường quốc năm châu. Không chỉ vậy, chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội như các hoạt động tình nguyện trồng cây xanh nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố sạch sẽ, kêu gọi mọi người tham gia giao thông an toàn… đó cũng là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước.

Hiện nay, thế giới ngày càng phát triển và các quốc gia tiến gần lại nhau hơn. Những cám dỗ từ trò chơi trực tuyến hay thần tượng âm nhạc xứ Hàn, khiến cho tình yêu quê hương đất nước của nhiều bạn trẻ đang đân bị phai mờ. Họ bỏ bê học hành, lao vào những thú vui vô bổ, quên đi trách nhiệm với quê hương, đất nước mình. Điều đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về một đất nước có rất nhiều thanh niên vô trách nhiệm, thờ ơ với sự phát triển của đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc dần mai một. Phải chăng chính những người trẻ chúng ta đang dẫn đất nước đi vào một con đường suy thoái?

Trang sử dân tộc đã được dựng xây từ biết bao máu xương của cha anh, những giọt mồ hôi công sức của những người lao động đã rơi xuống. Họ là những con người vô danh nhưng cùng có chung một lòng yêu nước và tự hào dân tộc, âm thầm hi sinh và cống hiến sức mình cho quê hương, tổ quốc. Vì vậy, thế hệ thanh niên hôm nay cần giữ gìn và phát huy lòng yêu nước qua những hành động và việc làm cụ thể để nối tiếp truyền thống quý báu của dân tộc.

 

Tham khảo

11 tháng 3 2020

Đất nước ta đang bước vào một thế kỉ mới, một thời kì hội nhập kinh tế mới, một thời kì toàn cầu hóa để phát triển cùng các nước láng giềng. Vì vậy mỗi người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải góp phần vào việc giúp đất nước phát triển, và trách nhiệm của những thanh niên hiện nay là rất quan trọng, những người thanh niên cần phải chuẩn bị hành trang của mình đầy đủ, để có thể đi tới một nơi thật xa mà gần trong tương lai chúng ta. Hành trang ở đây không phải là những vật dụng cần thiết cho một chuyến đi, mà là những tri thức, kĩ năng, thói quen được coi là những điều kiện cần và đủ để thanh niên có thể đi đến một nơi thật xa mà gần trong tương lai của họ, và cũng chính là điều kiện để họ có thể giúp cho đất nước phát triển hơn hoặc bằng so với các nước láng giềng. Vì vậy trách nhiệm của thanh niên hiện nay là rất quan trọng có thể quyết định tương lai của đất nước sau này. Thế mà, có những thanh niên đã không ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước hiện nay là quan trọng như thế nào, mà chỉ việc lo ăn chơi mà không cố gắng học tập để có thể giúp cho tương lai của mình và đất nước. Về trách nhiệm của mỗi chúng ta thì phải ra sức cố gắng học tập thật tốt và không tham gia vào các tệ nạn của xã hội mà làm cho đất nước bị thụt lùi so với các nước bạn bè. Thanh niên phải xác định được lý tưởng sống của mình và tương lai của mình để có thể giúp cho đất nước phát triển tốt hơn trong tương lai.

28 tháng 3 2017

Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa khép lại, lịch sử mở ra những trang mới, những cô gái, chàng trai ngày ngày lặng thầm góp công xây đựng đất nước không chỉ bằng những trang sử chống Mỹ mà còn bằng những thành tích lao động quên mình.

“Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long viết trong chuyến công tác tại Lào Cai giữa mùa hè 1970 trích “ Giữa trong xanh” là một trong những tác phẩm viết về những con người như thế . Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 60 – 70, chỉ chuyên viết về truyện ngắn và kí. “Lặng lẽ Sa Pa” mang thông điệp:“Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước” từ đó ca ngợi những con người dũng cảm, tuyệt đẹp đang cống hiến một cách thầm lặng, cao cả mà anh thanh niên là nhân vật chính.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhẹ nhàng có cốt truyện đơn giản nhưng thật thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Truyện tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên sơn ở Sa Pa qua lời giới thiệu của bác lái xe qua đó hình ảnh anh thanh niên trẻ và những đức tính cao đẹp của anh khiến ta cảm phục.

Là một chàng trai trẻ, anh thanh niên đã rời bỏ thị thành xa hoa, lộng lẫy để xin đi bộ đội nhưng không được, anh về làm việc ở đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm lạnh giá, sống một mình giữa “bốn bề cây cỏ, mây mù lạnh lẽo” của Sa Pa. Công việc của anh là làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu cụ thể là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh đòi hỏi phải chính xác, tỉ mỉ và có tính tự giác cao. Công việc ấy có rất nhiều gian khổ, nhất là cái lạnh lẽo của hoàn cảnh cô đơn, vắng vẻ. Bác lái xe đã nói anh là “người cô độc nhất thế gian” và “ thèm người” vì quanh năm ở một mình trên đỉnh núi cao không bóng người, anh cô đơn đến mức phải kiếm cách dừng xe qua để gặp người và trò chuyện với họ.

Với lòng yêu đời, yêu nghề và tinh thầm trách nhiệm cao, anh đã tự nguyện lên đỉnh núi cao vắng vẻ để thực hiện công việc “đo mưa, đo gió” thầm lặng nhưng rất ý nghĩa, có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Dẫu một mình ở nơi vắng bóng, thiếu âm thanh của con người và chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng anh luôn hoàn thành thật tốt công việc của mình, không chậm trễ dẫu ngày hay đêm vì anh hiểu rằng công việc của mình là mắc xích quan trọng trong chuỗi công việc chung của nhiều người. Anh lạc quan khẳng định: “ Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?” với ông họa sĩ già. Chất chứa lời nói ấy là bao nhiêu tình yêu, niềm mê say với công việc. Đồng thời câu nói ấy cũng thể hiện anh còn có những suy nghĩ thật đúng đắn, sâu sắc rằng con người thật sự không cô đơn vì con người và công việc là một. Anh không tô đậm cái gian khổ nhưng anh nhấn mạnh niềm hạnh phúc khi biết mình đã góp phần bắn rơi phản lực Mĩ và đã thể hiện lòng yêu nghề của mình với ông họa sĩ già: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Thế mới biết công việc đối với anh là quan trọng nhất, nó là nguồn vui, là đích đến mà anh vươn tới bao lâu nay.

Ở anh toát lên lối sống giản dị yêu đời, trái tim giàu tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao với chính bản thân mình. Tuy sống một mình trong điều kiện thiếu thốn cả tinh thần và vật chất nhưng anh không hề buông thả bản thân. Cuộc sống của anh giản dị, ngăn nắp và sạch sẽ. Anh không hề buồn bã, chán nản ở nơi núi cao lạnh lẽo, trái lại anh vẫn ham học tập, trồng hoa, nuôi gà và anh còn có niềm vui đọc sách mà anh thấy như có bạn tâm giao.

Trong sự cô độc ở nơi ấy, anh luôn khao khát được gặp gỡ mọi người. Khi có khách đến thăm, ta còn thấy được lòng hiếu khách nồng nhiệt, sự quan tâm đến người khác nơi anh. Khi nghe vợ bác tài xế bị bệnh, anh đã đào củ tam thất để biếu vợ bác. Anh đã tiếp đón ông họa sĩ già và cô kĩ sư một cách rất thân thiện và tự nhiên. Ngay từ lúc gặp mặt, ông họa sĩ đã đánh giá anh là người cởi mở, chân thành và có lòng hiếu khách. Anh bộc lộ niềm vui khi cắt hoa tặng cho cô kĩ sư. Anh chân tình quan tâm đến niềm vui và hạnh phúc của người khác. Anh qúy trọng từng giây từng phút để được bộc bạch những gì sâu kín trong lòng. Khi tiễn ông họa sĩ già và cô kĩ sư, anh đã biếu họ một làn đầy trứng thể hiện quan tâm chu đáo đến người khác của anh.

Tuy làm việc có ích cho đất nước nhưng anh là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình là nhỏ bé, nhỏ bé so với những người khác. Anh chỉ dành 5 phút ngắn ngủi để cho ta thấy hết cả con người anh, cả những khó khăn trong công việc của anh. Niềm vui, niềm hạnh phúc được đón khách đến thăm làm tỏa sáng khuôn mặt anh, làm ông họa sĩ muốn vẽ kí họa về anh. Anh đã giới thiệu cho ông họa sĩ những người đáng vẽ hơn mình. Đó là ông kĩ sư nông nghiệp ngày đêm vất vả tạo ra những củ su hào to hơn ở vườn rau Sa Pa hay anh cá bộ khí tượng nghiên cứu, thiết lập bản đồ sét. Anh đã hiểu ra giá trị của sự hi sinh thầm lặng, cái nghĩa tình của những con người ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã khắc họa thành công hình ảnh anh thanh niên với những phẩm chất đáng quý. Anh là người sống đẹp, sống có ý nghĩa, luôn nghĩ và làm việc cho đất nước. Chính cuộc sống của anh đã gợi ra âm vang cho những thế hệ trẻ sau này. Anh là tấm gương tiêu biểu của hình tượng người lao động mới trong xã hội chủ nghĩa, lặng thầm góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước

Tác giả đã xây dựng tình huống truyện hợp lí, kể lại câu chuyện một cách tự nhiên bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, đồng thời miêu tả tâm tư, dáng điệu, cử chỉ góp phần tô điểm vẻ đẹp tế nhị của anh thanh niên. Các nhân vật phụ như bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư đã góp phần làm đẹp thêm cho nhân vật chính. Câu truyện giàu chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh thiên hiên vùng cao đến hình ảnh những con người sống và làm việc lặng lẽ nhưng không hề cô độc bởi sự gắn bó của họ với đất nước, với mọi người.

Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp của những người lao động bình thường như anh thanh niên và ý nghĩa của những công việc thầm lặng và cao quý. Không chỉ thế truyện còn khiến ta thêm yêu con người và cuộc sống, thấy được ý nghĩa và niềm vui của lao động vì những mục đích chân chính một cách tự giác. Tâm hồn và những việc làm của anh thanh niên trong truyện cho ta thấy được trách nhiệm của mình với sự nghiệp chung của đất nước, thôi thúc ta rèn luyện bản thân để sống đẹp và làm gì đó có ích cho xã hội.