Câu 1
Xác định và nêu giá trị của biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu sau:
a. "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ."
(Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)
b. "Gác kinh viện sách đôi nơi
Trong gang tấc lại gấp mười quan san."
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
c. "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ".
(Ngắm trăng - Hồ Chí Minh)
d. "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng."
(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)
e. "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng".
(Đêm Côn Sơn - Trần Đăng Khoa)
a. Phép nhân hóa: thuyền im - bến - nằm.
Con thuyền sau mỗi chuyến ra khơi vất vả trở về, nó mệt mỏi nằm im trên bến. Con thuyền được nhân hóa gợi cảm, qua đó nói lên cuộc sống lao động vất vả, đầy sóng gió, thử thách. Con thuyền chính là biểu tượng đẹp của dân chài.
b. Phép nói quá: Gác Quan Âm, nơi Thúy Kiều bị Hoạn Thư bắt ra chép kinh, rất gần với phòng đọc sách của Thúc Sinh. Tuy cùng ở trong khu vườn nhà Hoạn Thư, gần nhau trong gang tấc, nhưng giờ đây là hai người cách trở gấp mười quan san.
c. Phép nhân hóa: Nhân hóa ánh trăng, biến trăng thành người bạn tri âm, tri kỉ. Nhờ phép nhân hóa mà thiên nhiên trong bài thơ trở nên sống động hơn, có hồn hơn và gắn bó với con người hơn.
d. Phép ẩn dụ tu từ: Từ "mặt trời" trong câu thơ thứ hai chỉ em bé trên lưng mẹ. Em bé là nguồn sống, nguồn nuôi dưỡng, niềm tin của mẹ cũng như mặt trời ngoài tự nhiên kia là nguồn sống của cả vũ trụ.
e. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Âm thanh tiếng lá rơi vốn được cảm nhận bằng thính giác, nay được cảm nhận bằng thị giác. Phép ẩn dụ đã miêu tả tinh tế sự tĩnh lặng của không gian, chỉ thông qua hình ảnh lá khô rơi và cho thấy tác giả đã sử dụng nhiều giác quan để cảm nhận và miêu tả không gian ấy.
Biểu cảm