gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những công dân có ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.
Ðối với phần lớn người Việt Nam chúng ta, gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu, vì gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi chúng ta được yêu thương và chia sẻ tình yêu thương. Xây dựng hạnh phúc gia đình cũng chính là xây dựng tổ ấm gia đình, vun đắp và lan tỏa tình yêu thương cho tất cả mọi người. Gia đình mang tính liên kết chặt chẽ, gắn bó, quan hệ máu thịt giữa các thành viên trong gia đình. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam tồn tại và phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, gia đình truyền thống Việt Nam hòa thuận, hiếu thảo, khoan dung, chung thủy. Quá trình đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, tuy nhiên vấn đề gia đình và giáo dục gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nghị quyết của các kỳ Ðại hội Ðảng đều nhấn mạnh sự quan tâm đến gia đình, từ Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ VII xác định gia đình với tư cách là "tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách", đến Ðại hội Ðảng lần thứ XII nêu rõ: "Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam... Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.", "tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc". Như vậy, gia đình có một vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng mỗi người Việt Nam cũng như nguồn nhân lực cho xã hội mới.
Thể chế các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, nhiều bộ luật đề cập chế định gia đình với vị trí, vai trò rất quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi. Ðặc biệt, Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quyết định kể từ năm 2001, ngày 28/6 hằng năm đã trở thành Ngày Gia đình Việt Nam.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương và nhiều nơi đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò của gia đình và nhằm hướng đến xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. 16 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam ngày càng trở thành ngày truyền thống đối với mỗi cá nhân, gia đình Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ngày Gia đình đã được tổ chức thường niên, trở thành một ngày hội, nhắc nhở tất cả chúng ta, từ cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình luôn biết quan tâm, chia sẻ và yêu thương chăm sóc cho nhau - luôn hiểu, thực hiện và phát huy trách nhiệm của mình mà một trong những chức năng quan trọng của gia đình là giáo dục các thế hệ tiếp nối của gia đình theo những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là trong các mối quan hệ ứng xử, giao tiếp và các chuẩn mực để định hình, phát triển nhân cách của con người. Giáo dục trong gia đình là những việc làm cụ thể, từ việc ông bà, cha mẹ gương mẫu trước con cái từ lời nói đến việc làm; con cháu phải nghe lời khuyên bảo và định hình tính cách theo nền nếp, gia phong của mỗi gia đình. Ðó chính là thành lũy kiên cố để bảo vệ và giúp con em duy trì và phát huy được những giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và khơi dậy cho con trẻ những ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, gia đình không phải là môi trường duy nhất giáo dục trẻ em. Ngoài gia đình, trẻ em còn chịu ảnh hưởng của các môi trường giáo dục khác như nhà trường, nhóm bạn bè, các phương tiện thông tin đại chúng (trong đó có mạng xã hội)... Nhưng gia đình có vai trò rất quan trọng trong giáo dục ban đầu. Những đứa trẻ sau này trở thành người như thế nào phụ thuộc rất lớn vào giáo dục gia đình ở tuổi ấu thơ. Giáo dục gia đình vì thế sẽ là nền tảng cơ bản cho việc hình thành nhân cách trẻ em và giáo dục gia đình vẫn tiếp tục theo sát từng bước tiến của các em trên từng giai đoạn trưởng thành của chúng. Muốn làm tốt điều này thì mỗi gia đình phải trở thành một tế bào lành mạnh của xã hội.
Xã hội phát triển và hội nhập, nhiều gia đình bị tác động mạnh mẽ
Trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ trong gia đình. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động, thay đổi, xen lẫn với những chuẩn mực, hành vi của xã hội mới. Mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con cái dường như bị suy giảm. Nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của một số trẻ em đang có nguy cơ bị lung lay, bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và thiếu vắng sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình.
Ðiều đáng lo ngại hiện nay là, vì những lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không thật sự trở thành "tổ ấm" cho mỗi con người. Nếu cấu trúc gia đình lỏng lẻo, liên kết giữa các thành viên gia đình yếu, các thành viên gia đình không được đối xử bình đẳng, cha mẹ thiếu gương mẫu và không có thời gian hoặc không quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột, bạo lực gia đình gia tăng... thì gia đình khó có thể làm tốt chức năng giáo dục, các thành viên trong gia đình khó hòa thuận, hạnh phúc và đặc biệt con cái khó có thể sống trong tình yêu thương, ấm no và hình thành nhân cách tốt.
Có thể nêu hai vấn đề bất cập chủ yếu trong đời sống gia đình có liên quan mật thiết với giáo dục đối với các thành viên gia đình như sau:
- Mâu thuẫn, xung đột gia đình mà đỉnh điểm là bạo lực gia đình nghiêm trọng, trong đó nổi bật nhất là bạo lực của người chồng đối với người vợ và bạo lực của cha mẹ đối với con cái. Những trẻ em sinh ra và lớn lên trong các gia đình thường xuyên phải chứng kiến hành vi bạo lực của cha đối với mẹ, những cảnh mắng chửi nhau giữa các thành viên gia đình, những lần bị đòn roi từ cha mẹ, cũng có xu hướng áp dụng các hành vi bạo lực đối với người khác trong tương lai.
Gắn với các mâu thuẫn, xung đột và bạo lực gia đình là vấn đề ly hôn. Nhất là các vụ ly hôn có con nhỏ, nếu bố mẹ xử sự sau ly hôn không khéo léo và thiếu tế nhị thì các cháu cũng là người chịu rủi ro nhiều hơn trong cuộc sống, cá biệt cũng dễ bị rơi vào những hành vi lệch lạc trong tương lai.
- Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng khá bất ổn ở không ít gia đình, đó là việc thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái, dù họ vẫn sống cùng nhà với các con, cả đối với những người đang vật lộn mưu sinh cũng như các gia đình khá giả hơn. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người cha và người mẹ không dành thời gian để chăm sóc con cái. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con cái có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cả về mối liên hệ tình cảm cha mẹ - con cái hoặc tăng thêm nguy cơ đối với các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống. Không ít trẻ em trong các gia đình không được cha mẹ quan tâm đã bỏ học, đi lang thang bụi đời, để cuối cùng rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, cướp giật, mại dâm, trộm cắp,... gần đây nhất nhiều cháu gái nhỏ bị xâm hại rất thương tâm.
Có nhiều nguyên nhân cụ thể của tình hình nêu trên nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đặc thù có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế khác trong hệ thống xã hội tổng thể, sự vững mạnh hay bất cập của gia đình sẽ có tác động lớn đối với việc quản lý xã hội nói chung. Cũng từ nguyên nhân đó, giáo dục gia đình chưa được coi trọng. Bản thân một số người làm cha làm mẹ chưa thật sự gương mẫu với các con, đôi khi còn là hình ảnh xấu cho các con làm theo.
Về mặt xã hội, mặc dù Ðảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng hành lang pháp lý tạo tiền đề cho các hoạt động xây dựng và củng cố gia đình, tuy nhiên, hoạt động triển khai và thực thi chính sách gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản luật và chính sách chưa được nhận thức đầy đủ. Cơ chế phối hợp triển khai thực hiện chính sách gia đình chưa đồng bộ. Ðội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác gia đình ở cấp cơ sở còn thiếu các kỹ năng cần thiết và gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vấn đề về gia đình.
Về phía các gia đình, sự thiếu quan tâm đến việc giáo dục gia đình là một nguyên nhân quan trọng khiến cho gia đình chưa phát huy được vai trò của nó với tư cách là môi trường tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho xã hội. Nhiều gia đình vẫn khoán trắng cho xã hội và nhà trường việc giáo dục trẻ em. Một số không ít các bậc cha mẹ chưa dành được thời gian thích đáng để quan tâm tới con cái. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục con cái một cách khoa học.
Một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là nâng cao mức sống của các gia đình ở nhiều vùng khó khăn cũng là một yêu cầu đặt ra nhằm tạo điều kiện cho các gia đình quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái một cách tốt hơn.
Ðây chính là những vấn đề mà các cơ quan chức năng của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội phải đặc biệt quan tâm.
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 phải trở thành mốc quan trọng trong năm
Ðể khắc phục những mâu thuẫn nảy sinh chung quanh vấn đề gia đình của xã hội hiện đại, cần có những định hướng trong nghiên cứu và xây dựng chiến lược cho công tác quản lý gia đình nhằm phát huy hơn nữa các giá trị tích cực trong văn hóa dân tộc, nhất là trong việc định hướng giá trị, hình thành và nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho con trẻ. Một trong những định hướng quan trọng trong giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ em trở thành những công dân tốt, đó là gia đình phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường, hỗ trợ nhà trường và có sự quan tâm đúng mức đến các em, dành cho các em một môi trường phát triển lành mạnh và an toàn.
Các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cũng như toàn xã hội và mỗi gia đình cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, đồng thời đối với việc giáo dục con cái và xây dựng nguồn nhân lực cho xã hội mai sau. Các chính sách kinh tế - xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về gia đình. Có những hỗ trợ cần thiết để gia đình có thể làm tốt các chức năng của mình, nhất là chức năng tâm lý - tình cảm và chức năng giáo dục, chăm sóc.
Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư cần có những hành động cụ thể làm cho Ngày Gia đình Việt Nam thật sự trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với gia đình của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của đất nước, dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 cần phải trở thành mốc quan trọng trong năm để mỗi người con
còn cái nịt
Hảo hán