BÔNG HOA CỦA NÚI
Hồng Vân
Bố mẹ đặt cho nó cái tên rất đẹp “Hoàng Anh”. Tên một loài hoa có mùi hương dìu dịu thanh tao, nở vàng rực trên các sườn đồi quê nó mỗi độ xuân về. Hoàng Anh là một cô bé duyên dáng và xinh xắn với đôi mắt đen lay láy lúc nào cũng lấp lánh như cười. Bố mẹ chỉ sinh được mỗi mình nó nên nó được cưng chiều hết mực. Nhìn nó xinh tươi như bông hoa rừng, bố mẹ Hoàng Anh tràn trề hi vọng vào tương lai tươi sáng của đứa con xinh xắn, bé bỏng.
Nhưng tai họa bất ngờ ập xuống khiến cuộc đời nó tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Trong một lần đi học về, nó bị một chiếc xe hung thần đâm phải. Bánh xe của chiếc xe tải hạng nặng đã nghiền nát bàn tay phải của nó. Tỉnh dậy trong bệnh viện với cánh tay bị cưa cụt một nửa trời đất như sụp đổ trước mắt nó. Nước mắt nó không ngừng tuôn rơi. Nó giơ bàn tay còn lại lau những giọt nước mắt hoen trên bờ mi. Từ đó, cái tên đẹp đẽ của nó gắn thêm chữ “cụt”.
- Anh cụt ơi đi chơi không?
- Anh cụt ơi đi học thôi!
Đấy là những câu cửa miệng các bạn vẫn gọi. Dù biết rằng các bạn vô tư nhưng cứ mỗi lần nghe vậy nó lại không khỏi chạnh lòng.
Giờ nó mới thấm thía câu: “Giàu hai con mắt. Khó hai bàn tay.” Mất tay thì làm việc gì cũng khó, nhất là lại mất cánh tay phải. Nhưng rồi nó cũng quen dần và tập làm mọi việc bằng cánh tay còn lại của mình.
Việc đầu tiên là tập viết bằng tay trái. Những ngày đầu bàn tay bướng bỉnh cứ ngượng nghịu, gượng gạo không chịu nghe theo sự điều khiển của nó. Mực giây lem nhem ra trang giấy, chữ viết thì nguệch ngoạc chẳng khác gì giun bò dế lượn. Nhưng không vì thế mà Hoàng Anh nản lòng. Nó miệt mài luyện viết bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Chữ nó đẹp dần lên khiến cô giáo và các bạn cũng phải ngạc nhiên và khâm phục nghị lực của nó. Tập viết thành thạo rồi nó lại tập vẽ để quên đi nỗi đớn đau mà nó đang gánh chịu. Nhìn những bức tranh nó vẽ chẳng ai nghĩ những bức tranh ấy lại được vẽ lên từ bàn tay còn lại của cô bé khuyết tật.
Ngọn núi quê nó cao vút với ba tầng đá tai mèo sắc như lưỡi dao bổ cau của bà. Cứ mỗi độ xuân về, núi rộn ràng khoe màu áo mới với bao loài hoa sặc sỡ. Những cây rau sắng trổ lá xanh mướt nơi lưng chừng núi. Thứ rau chỉ mọc ở núi đá ấy có vị ngọt thật đặc biệt. Chỉ cần bỏ một nắm rau sắng vào nồi canh, chẳng cần nêm nếm mỳ chính vẫn ngọt lừ. Nhìn những chùm rau sắng khẽ đu đưa theo gió như mời gọi bọn trẻ thèm lắm. Nhưng dù có bạo gan đến mấy cũng chẳng đứa nào dám trèo lên hái. Vậy mà nó thoăn thoắt ngoắc cái tay cụt vào những mỏm đá leo lên hái rau trong sự ngỡ ngàng của đám bạn. Khi tụt xuống chân núi nó vừa cười rất tươi vừa chia cho mỗi đứa một nắm lá rau ngon lành ấy. Trong mắt đám trẻ xóm núi nó chẳng khác nào một siêu nhân bước ra từ những câu chuyện viễn tưởng mà chúng vẫn đọc.
Từ xóm núi đến trường là cả một chặng đường dài với con dốc cao đủ để nó và đám bạn cảm thấy hơi thở lùa ra đằng tai. Ngày ngày, đám bạn thay phiên nhau chở nó đi học. Ngồi sau các bạn, nhìn tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi của bạn mình nó thấy thương quá. Nó quyết định tập xe đạp. Nghe ý định của nó Dũng Ngố gạt phắt đi:
- Đủ hai tay như chúng tớ còn ngã lăn như bi suốt huống hồ là cậu. Thôi cứ ngồi yên để chúng tớ chở đi học cho lành.
Nhưng ý nghĩ muốn tập xe, muốn tự mình đi xe đạp cứ thôi thúc nó. Nó nói với mẹ ý định của mình. Bà trầm ngâm nhìn nó rồi khe khẽ lắc đầu. Có lẽ nỗi ám ảnh khi chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra với con gái đã khiến bà không muốn bất cứ điều gì xảy ra với nó nữa. Nhưng cứ chiều chiều, bắt gặp Hoàng Anh nhìn đám bạn đang lượn xe ở sân bóng trước nhà với đôi mắt khát khao là bà lại xót xa. Một hôm, mẹ mang về cho nó một chiếc đạp mi ni Nhật đã cũ nhưng còn chắc chắn. Thế là cả đám bạn xúm vào dạy nó tập xe. Những ngày mới tập xe nó ngã sứt trán, sượt cả đầu gối. Có hôm người và xe phi thẳng vào đống rơm. Ai cũng gàn nhưng nó nhất định không bỏ cuộc. Rồi những cố gắng của nó cũng được đền đáp. Sau bao lần ngã lên ngã xuống, nó cũng tự tin đạp xe đến trường trong tiếng reo hò của tụi trẻ xóm núi. Mẹ gắn thêm vào ghi đông cho nó một chiếc ống sắt để nó đút cánh tay cụt vào đấy cho yên tâm. Ngày ngày, người xóm núi vẫn thấy Hoàng Anh đạp xe đi giữa sự bảo vệ của bạn bè, của những đứa trẻ yêu thương nó.
Cạnh xóm núi có một con suối nhỏ nước xanh ngăn ngắt. Bốn mùa nước chảy róc rách, thì thầm luồn qua các kẽ lá, trôi xuôi về biển. Cuối nguồn con suối có một hõm nước sâu, trong leo lẻo. Nước đến đây xoáy tròn rồi chui tọt vào trong hỏm đá kẹp giữa hai bờ. Già bản luôn dặn dò đám trẻ:
- Đấy là nơi ở của vua Khú. Cấm không được đứa nào xuống tắm. Nếu không chịu nghe lời, vua Khú sẽ nổi giận, sẽ nhấn chìm rồi ăn thịt đó.
Đám trẻ con nghe vậy sợ xanh mắt. Không đứa nào dám bén mảng tới. Trưa ấy, trời chang chang nắng. Như thường lệ, đám trẻ lại chốn nhà tụ tập bên bãi đất bên bờ suối chơi trò đánh trận giả. Sau một hồi la hét, tranh giành ỏm củ tỏi, mặt đứa nào đứa nấy đỏ lựng như quả vo chín. Mồ hôi túa ra như tắm. Cổ họng khô khốc. Thế là chúng quên mất vua Khú, quên mất lời dặn của già bản. Cả đám lao xuống hõm nước thỏa thuê vẫy vùng. Nước mát lịm, ngọt như đường phèn đánh tan cơn khát đang vò xé. Chúng vừa tắm vừa đùa nhau chí chóe, vừa nói với nhau:
- Già bản thật lắm chuyện. Lấy đâu ra vua Khú.
Chúng tự trách mình bấy lâu bỏ phí một cái hõm nước tuyệt vời như thế. Bỗng có tiếng ọc ọc vang lên. Mặt nước đang phẳng lặng bỗng hiện lên một xoáy nước tròn xoe. Thằng cu Tân nhỏ nhất thoắt cái bị hút vào xoáy nước ma mị ấy. Nó trồi lên rồi lại bị hút xuống. Nước ùa vào miệng, vào mũi khiến mặt nó trắng bệch, ho sặc sụa. Tay nó chới với giữa làn nước xanh ngăn ngắt. Bất giác, câu chuyện vua Khú của già bản kể khiến cả đám hoảng sợ. Mặt đứa nào đứa nấy cắt không còn hột máu. Thay vì lao ra cứu cu Tân chúng lại nhoáng nhoàng lao lên bờ bỏ chạy. Tiếng la hét vang cả đoạn suối. Bỗng một bóng người lao ùm xuống nước. Có đứa kêu lên:
- Cái Anh cụt kìa!
Đúng là cái Anh vừa lao xuống nước. Nó dùng cái tay cụt ngoắc lấy lưng áo cu Tân. Cánh tay lành lặn đập ùm ùm cố dìu cu Tân vào bờ. Lúc này cả đám trẻ mới hoàn hồn. Chúng nháo nhào chặt một đoạn sắn dây rừng tung ra cho cu Tân và cái Anh bám vào. Cả bọn hò nhau kéo hai đứa vào bờ.
Nghe tiếng la hét của bọn trẻ, mấy anh thanh niên cũng vừa chạy đến kịp. Các anh xốc ngược cu Tân lên lưng chạy mấy vòng quanh bãi đất. Nước từ mồm, từ mũi ộc ra. Cu Tân khóc váng lên. Thằng Toàn ngày thường hay trêu cái Anh nhất lại gần khẽ nói:
- Cảm ơn Hoàng Anh! Hôm nay nếu không có đằng ấy thì chắc cu Tân nguy rồi.
Hoàng Anh cười. Hàm răng cô bé sáng lấp lóa:
- Có gì đâu. Nếu tớ không cứu Tân thì cũng có người khác cứu mà.
Sáng đầu tuần, Hoàng Anh được thầy Hiệu trưởng tuyên dương trước cờ bởi hành động dũng cảm xả thân cứu người. Bạn bè rào rào vỗ tay tán thưởng. Hàng trăm con mắt nhìn nó vừa trìu mến vừa ngưỡng mộ. Nó thật xứng đáng với câu nói: “Tàn nhưng không phế.” Từ đó, tiếng “cụt” cũng biến mất, không còn gắn sau cái tên Hoàng Anh rất đẹp của nó nữa. Chiều chiều, người dân xóm núi vẫn thấy nó nô đùa vui vẻ cùng tụi trẻ, khuôn mặt luôn rạng rỡ nụ cười tươi rói.
(Viết từ câu chuyện có thật của bạn tôi.)
là lê quỳnh anh tên của cậu đẹp tựa ngàn vì sao
tên của cậu rất giống trương quỳnh anh nên chắc cậu hát rất hay
tên đó là lê quỳnh anh
ko có chữ vàng đâu các bạn