Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Văn học hiện thực của đất nước ta từ 1945 đến 1975 là hiện thực của những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng cuộc sống mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện thực đó đã tạo nên cho dân tộc Việt Nam một vóc dáng nổi bật: vóc dáng người chiến sĩ luôn trong tư thế chủ động chiến đấu chống kẻ thù, vóc dáng của con người mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hoà quyện tạo nên vẻ đẹp của con người dân tộc Việt Nam. Và điều này đã làm nên hơi thở, sức sống của văn học thời kì 1945 - 1975.
Hình ảnh người lính trong kháng chiến luôn là một đề tài bất tận của thơ ca kháng chiến. Ở mỗi một thời kì, họ lại hiện lên với những vẻ đẹp khác nhau, có lúc thì sôi nổi, trẻ trung, khi thì hào hoa, lãng mạn. Vậy những người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là những người như thế nào? Họ là những con người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi không kể già trẻ, trai gái, giàu nghèo. Họ nổi bật với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược vì đất nước, với tình đồng đội cao cả, sắt son, tinh thần lạc quan sâu sắc. Đó là những người nông dân mặc áo lính thể hiện qua bài thơ “ đồng chí “ của nhà thơ Chính Hữu:
“ Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và “đất cày lên sỏi đá” ám chỉ những vùng đất khô cằn, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn quanh năm, rất khó canh tác. Đấy đều là những vùng quê nghèo đói quanh năm. Những người lính trong chiến trường cũng chính là người con của mảnh đất quê hương đấy, họ đều là những người nông dân cần cù, lam lũ, chân lấm tay bùn, là những chiến sĩ Vệ quốc quân, là những nông dân ngày đầu mặc áo lính mang đậm nét duyên quê mộc mạc, đậm đà chân tình nhưng với cả lòng quyết tâm và tự nguyện. Nhưng trong họ tiềm ẩn một sức mạnh phi thường, chí khí anh hùng, một niềm tin, một tấm lòng tươi trẻ. Ra đi, các anh bỏ lại sau lưng tất cả những gì yêu thương nhất, bỏ lại sau lưng hình ảnh người mẹ già, vợ hiền và em thơ; bỏ lại “giếng nước, sân đình, cây đa bến cũ” và những mối tình hò hẹn.
Nếu tác giả Chính Hữu đã đem đến cho ta hình ảnh của những người nông dân Việt Nam cần cù chăm chỉ, chịu thương, chịu khó thì tác giả Phạm Tiến Duật đem đến cho ta hình ảnh những chàng trai trí thức vừa rời ghế nhà trường. Mà ở họ có sự tương phản rõ rệt giữa vật chất và tinh thần, giữa bên ngoài và bên trong, giữa cái không có và cái có. Bom đạn kẻ thù đã làm cho xe không có rất nhiều. Không kính, không đèn, không mui nên chiếc xe đã trở nên trần trụi đến kì lạ, xe không còn nguyên vẹn… Nhưng một thứ rất cần mà các anh đã có, đó là trái tim yêu nước. Trái tim đầy nhiệt thành cách mạng, sẽ chiến thắng những thiếu thốn về vật chất. Trái tim yêu nước đã điều khiển chiếc xe không nguyên vẹn ấy băng về phía trước, nơi miền Nam ruột thịt. Sức mạnh để xe băng mình qua trận đấu đố chính là sức mạnh của trái tim người lính.
Cùng với chủ đề ngợi ca vẻ đẹp người chiến sĩ, nhưng khác với nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Minh Khuê trong “Những ngôi sao xa xôi” đã đi tìm và khai thác vẻ đẹp ấy qua hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong. Đó là những chuyện về những cô gái thanh niên xung phong vừa kiên cường dũng cảm trong chiến đấu vừa hồn nhiên, mơ mộng thật đáng yêu, đáng quý. Họ đóng quân trong một cái hang giữa “túi bom, chảo lửa” trên tuyến đường Trường Sơn. Công việc hàng ngày của họ là đếm bom, rồi lao ra trọng điểm sau những trận bom để đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí bom rơi và phá những quả bom chưa nổ. Một khối lượng công việc vừa đồ sộ vừa nguy hiểm. Cái chết rình rập họ từng phút, từng giờ. Họ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, dù chỉ có ba người (lại là ba phụ nữ); họ phân công nhau phá bằng hết những quả bom chưa nổ mà không cần đến sự trợ giúp của đơn vị mà “như mọi lần chúng tôi sẽ giải quyết hết.”
Trong cuộc chiến đấu cam go, ác liệt đó người dân Việt Nam không chỉ những người trai tráng khỏe mạnh mà ngay cả những người phụ nữ, những người già cũng đứng lên đấu tranh chống giặc. Mà đặc biệt hơn nữa, ngay cả những đứa trẻ Việt Nam, khi đất nước có chiến tranh cũng mang lòng căm thù và quyết tâm giúp sức cho cách mạng. Và hình ảnh của những chú bé liên lạc viên này được nhà thơ Tố Hữu tái hiện sống động qua bài thơ “Lượm”.
“Chú bé loắt choắt
Cái sắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh”
Dù tuổi đời còn nhỏ nhưng những chú bé này đã có những nhận thức sâu sắc về thực trạng của đất nước mình, cũng từ đó mà mang quyết tâm đấu tranh, góp sức vào công cuộc giải phóng đất nước, quê hương. Vì còn nhỏ nên những chú bé này không thể cầm súng ra trận địa đấu tranh trực tiếp với quân giặc mà làm những công việc đơn giản nhưng cũng không kém phần nguy hiểm, đó là truyền “thư đề thượng khẩn”, truyền báo tin tức cho quân ta. Đây là công việc rất nguy hiểm bởi việc bảo mật của thông tin cũng như việc phải đương đầu với sự giám sát của kẻ thù. Ấy vậy mà trong Lượm lại hiện lên như những người chiến sĩ thực thụ, dù xung quanh là mưa bom bão đạn, mạng sống có thể mất bất cứ lúc nào nhưng cậu bé không hề sợ, cậu bé không sợ chết mà vì thư cậu bé chỉ sợ những thông tin mật rất gấp rút không thể đưa đến kịp vì vậy mà cậu bé bất chấp lao vào mưa bom, lửa đạn “Sợ chi hiểm nghèo”.
Ngoài hình ảnh người lính thì song song đồng hành với họ là những con người lao động mới. Họ xuất hiện với tư cách là những người làm chủ cuộc sống mới, họ thầm lặng lao động, cống hiến một cách hăng say, hào hứng, sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì những lí tưởng cao cả và tương lai đất nước. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” và “Lăng lẽ sapa” của hai tác giả nổi tiếng là Huy Cận và Nguyễn Thành Long.
Đối với bài Đoàn thuyền đánh cá, tác giả Huy cận đã khắc họa thành công hình ảnh tinh thần lao động phấn khởi, hăng say của những người dân chài trên vùng biển quê hương. Đó là những người ngư dân trong cảnh lao động tập thể và công việc hàng ngày của họ là khi màn đêm buông xuống, kết thúc một ngày chính vào thời điểm ấy ngư dân bắt tay vào công việc quen thuộc của mình là ra khơi đánh cá. Họ ra khơi với niềm hân hoan trong câu hát, với ước mơ trong công việc, với niềm vui thắng lợi trong lao động và hòa nhập với thiên nhiên bao la và trở thành hình ảnh sáng đẹp:
Mặt trời xuống biên như hòn lừa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
. Mặt biển đêm không lạnh lẽo mà ấm áp hẳn lên bởi tiếng hát âm vang náo nức, thể hiện niềm vui to lớn của con người lao động được giải phóng. Với tinh thần lao động hang hái, lạc quan, họ làm việc nhiệt tình, hăng say trong câu hát, mỗi tiếng hát hòa cùng gió mạnh, thổi căng cánh buồm, đẩy thuyền phăng phăng rẽ sóng. Qua mỗi câu hát ta đọc được những ước mong của họ. Đó là ước mong về trời yên biển lặng, gặp được luồng cá để đánh bắt được nhiều. Đó là những con người mang tầm vóc vũ trụ, hăm hở ra khơi bằng tất cả sức lực và trí tụê của mình
Đồng hành với bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” thì bài “ Lặng lẽ Sa Pa “ cũng mang nhịp thở của người lao động mới với cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp. Thể hiện qua nhân vật anh thanh niên và một số nhân vật khác, tác giả ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của những con người lao động mới đang ngày đêm âm thầm công hiến cho đất nước. Đó là những con người sống có lí tưởng và tràn đầy lạc quan. Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc lao động đầy gian khổ. Lí tưởng sống của họ là vì nhân dân, vì đất nước. Chính từ suy nghĩ: Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? mà anh đã vượt lên nỗi thèm người để gắn bó với đỉnh Yên Son trong công việc thầm lặng. Trong cái lặng im của Sa Pa ấy, không phải chỉ có anh thanh niên mà còn có cả thế giới những người làm việc và lo nghĩ cho đất nước qua lời anh kê như: ông kĩ sư vườn rau, đồng chí cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét… Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động cống hiến.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Ở ngoài tiền tuyến khói lửa là hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường. Nơi hậu phương là những người lao động bình dị mang nhịp thở của thời đại mới. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Các tác giả văn học thời kì này họ đồng thời vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là người lính, người chiến sĩ, người lao động cầm bút để ngợi ca về con người dân tộc Việt với niềm say mê và tự hào. Họ đã làm nên vẻ đẹp và sức sống mới cho văn học Việt Nam.
1. Mở bài:
- Hiện thực của đất nước ta từ 1945 đến 1975 là hiện thực của những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng cuộc sống mới đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Hiện thực đó đã tạo nên cho dân tộc Việt Nam một vóc dáng nổi bật: vóc dáng người chiến sĩ luôn trong tư thế chủ động chiến đấu chống kẻ thù, vóc dáng của con người mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hoà quyện tạo nên vẻ đẹp của con người dân tộc Việt Nam. Và điều này đã làm nên hơi thở, sức sống của văn học thời kì 1945 - 1975.
2, Thân bài: Chứng minh
+. “Hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”: họ là những con người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và nổi bật với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, với tình đồng đội cao cả, sắt son, tinh thần lạc quan.:
- Họ là những con người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi như: người nông dân mặc áo lính (“Đồng chí” của Chính Hữu), những chàng trai trí thức vừa rời ghế nhà trường (“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật), là em bé liên lạc (“Lượm” của Tố Hữu)...
- Họ là những người lính, người chiến sĩ có lòng yêu nước sâu sắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. (dẫn chứng)
- Hoàn cảnh sống chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ song họ luôn có tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp... (dẫn chứng)
+. “Hình ảnh người lao động mới”: họ xuất hiện với tư cách là những người làm chủ cuộc sống mới, họ lao động, cống hiến một cách hăng say, hào hứng, sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì những lí tưởng cao cả và tương lai đất nước:
- Người lao động trong "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy cận mang nhịp thở tươi vui, hăm hở, hoà mình cùng trời cao biển rộng: họ ra khơi với niềm hân hoan trong câu hát, với ước mơ trong công việc, với niềm vui thắng lợi trong lao động. Đó là những con người mang tầm vóc vũ trụ, hăm hở ra khơi bằng tất cả sức lực và trí tụê của mình.(Dẫn chứng).
- "Lặng lẽ SaPa" của Nguyễn Thành Long mang nhịp thở của người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp (Dẫn chứng)
3. Kết bài:
- Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Ở ngoài tiền tuyến khói lửa là hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường. Nơi hậu phương là những người lao động bình dị mang nhịp thở của thời đại mới.
- Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kỉ XX.
- Các tác giả văn học thời kì này họ đồng thời vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là người lính, người chiến sĩ, người lao động cầm bút để ngợi ca về con người dân tộc Việt với niềm say mê và tự hào. Họ đã làm nên vẻ đẹp và sức sống mới cho văn học Việt Nam.
1. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận.
2. Đó là khúc ca lao động và tác giả thay lời những người ngư dân.
Câu thơ có từ hát được dùng nghệ thuật ẩn dụ: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”:
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “câu hát căng buồm” -> tái hiện vẻ đẹp tâm hồn, niềm vui lao động của người dân chài.
-> Đoàn thuyền ra khơi trong niềm vui, tình yêu lao động và mang trong đó mang theo khát vọng về những khoang cá đầy ắp, bội thu.
Học rộng, tài cao, nhưng Nguyễn Dữ phải sống trong xã hội phong kiến Việt Nam thời kì khủng hoảng, nên ông chỉ làm quan một vài năm rồi lui về ở ẩn, viết sách. Tuy không có nhiều tác phẩm lớn đóng góp cho nền văn học trung đại, nhưng Nguyễn Dữ với Truyền kì mạn lục, ông thường viết về những người phụ nữ bị xã hội phong kiến chà đạp, đẩy vào hoàn cảnh bất hạnh, Chuyện người con gái Nam Xương là một trong số đó. Vũ Nương, nhân vật chính trong tác phẩm là người phụ nữ nết na, hiền thục, nhưng phải chịu số phận đau thương, oan nghiệt.
Vũ Nương luôn khao khát hạnh phúc gia đình. Sống trong gia đình chồng, nàng phụng dưỡng mẹ chồng chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình, đến mẹ chồng cũng phải khen nàng “xanh kia chẳng phụ con, cũng như con chẳng phụ mẹ”. Sống với chồng, nàng hết sức giữ gìn khuôn phép, không bao giờ có sự thất hòa giữa hai vợ chồng, nên gia đình luôn êm ấm. Khi Trương Sinh phải đi lính, nàng hết sức lo lắng, phút chia tay, nàng nói với chồng rằng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu,.. chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Vũ Nương chẳng cần vinh hoa phú quý, chỉ khao khát được đoàn tụ, gia đình sum vầy, hạnh phúc mà thôi.
Thế nhưng nàng cố gắng vun vén cho hạnh phúc gia đình bao nhiêu thì càng phải chịu đau khổ, bất hạnh bấy nhiêu. Thật oan trái! Bi kịch thứ nhất là nàng bị chồng nghi ngờ một cách vô lí mà không được thanh minh. Những lời biện bạch tha thiết “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng… Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói” đều bị chồng để ngoài tai. Những lời van xin thống thiết, hỏi chuyện đó ai nói: “ Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ”, đều bị chồng gạt phắt đi, anh ta chỉ một mực mắng nhiếc và đánh đuổi nàng đi.
Và một bi kịch tiếp tất sẽ xảy ra, dù nàng đã tìm mọi cách để cứu vãn sự đổ vỡ vẫn không tránh khỏi gia đình tan vỡ như “bình rơi tram gãy,… sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió”. Nàng than khóc mà nghe đứt ruột “khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn…”. Đó là nỗi thất vọng tột cùng của Vũ Nương. Không những thế nàng càng đau lòng vì sự trong sáng bị sỉ nhục, tấm lòng thủy chung bị nghi ngờ, nhân cách cao quý của đời người phụ nữ bị xúc phạm nặng nề, nên nàng chỉ còn tìm đến cái chết được minh oan cho mình. Đó là bi kịch thứ ba của cuộc đời nàng.
Cuối cùng, tuy được Linh Phi cứu và được giải oan giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng niềm khao khát hạnh phúc giữa trần gian của Vũ Nương vẫn không thực hiện được. Nàng trở về giữa con sông quê hương, xiêm y lộng lẫy, ngồi trên kiệu hoa nhưng không được trở về ngôi nhà nhỏ bé ấp áp bên chồng con mãi mãi. Đoàn tụ hạnh phúc chỉ là ảo ảnh, chia li tan nát vẫn là hiện thực. Lời nói vĩnh biệt: “thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” thể hiện niềm mong mỏi hạnh phúc không thể thực hiện được vì thế gian đầy bất công này không dành những điều tốt đẹp cho nàng. Hình ảnh Vũ Nương “lúc ẩn, lúc hiện… Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” như ánh sáng đã tàn, gieo vào lòng người đọc nỗi xót xa tột đỉnh.
Cuộc đời Vũ Nương là điển hình cho số phận đau thương của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến suy tàn. Qua đó, em cảm nhận được nỗi đau thương của thân phận sống lệ thuộc của họ. Những người phụ nữ ấy không bao giờ được quyết định cuộc đời mình. Ở nhà phải phục tùng cha, đi lấy chồng phải phục tùng chồng, chồng chết phải phục tùng con trai trưởng của mình, dù cha, chồng, con trai có quyết định vô lí đến đâu. Họ thường bị ép gả vào những cuộc hôn nhân không bình đẳng, không tình yêu với người chồng gia trưởng, độc đoán. Dù bị chồng hành hạ tàn nhẫn cũng phải cắn răng mà chịu, nếu phản ứng lại sẽ bị coi là lăng loan, bị chồng rẫy bỏ, gia đình chồng mắng nhiếc, bị người đời phỉ nhổ, sỉ nhục đến chết. Vì vậy, họ chỉ có thể chọn một trong hai con đường: đi tu thoát tục hoặc chết một cách thảm khốc. Chế độ gia trưởng của thời phong kiến đã cho người đàn ông cái quyền độc tôn trong gia đình, hại bao cuộc đời người phụ nữ.
Nguyễn Dữ viết Chuyện người con gái Nam Xương phản ánh số phận oan nghiệt của người phụ nữ là góp một bản án về cái chết oan khốc nhằm lên án chế độ phong kiến; đồng thời khơi dậy ở chúng ta niềm cảm thương trước một bi kịch về thân phận người phụ nữ đương thời. Em càng cảm nhận rõ về số phận đau thương vì luôn bị phụ thuộc của họ, vừa cảm phục họ vì như Hồ Xuân Hương đã viết “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son” (trích Bánh trôi nước) thì càng căm ghét cái xã hội phong kiến bất công.
a. Hình ảnh đất nước:
- Phản ánh hoàn cảnh đất nước trong hai cuộc kháng chiến vẻ vang.
- Nói về đất nước trong thời kì đổi mới đang từng bước đi lên.
b. Hình ảnh con người : các tác phẩm trên phản ánh một phần những nét tiêu biểu trong cuộc sống của con người Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến, những tình cảm và suy nghĩ của họ, đặc biệt là lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hình tượng con người giàu phẩm chất truyền thống.
* Người lính trong bài thơ Đồng chí hiện lên với vẻ đẹp chân chất, mộc mạc, gắn bó tha thiết với quê hương, giàu tình yêu nước…
* Những người nông dân trong truyện ngắn Làng, đặc biệt là ông Hai là những người thật thà, chất phác, chăm chỉ, yêu làng quê tha thiết…
+ Hình tượng con người mang đậm nét thời đại.
* Ở Đồng chí là tình đồng chí đồng đội. Đây là những tình cảm mới của con người ViệtNam giai đoạn này.
* Ở truyện ngắn Làng, sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu làng quê với tình yêu đất nước và niềm tin yêu cách mạng, kháng chiến là vẻ đẹp mới của người nông dân Việt Nam, cũng là của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
+ Để thể hiện những vẻ đẹp ấy của con người Việt Nam, hai tác phẩm đã lựa chọn sáng tạo được những hình thức nghệ thuật đặc sắc: Bài thơ Đồng chí thành công trong việc sử dụng thể thơ tự do, ngôn ngữ, hình ảnh chân thực, giản dị, hàm súc, gợi cảm… . Truyện ngắnLàng xây dựng được tình huống truyện đặc sắc, nhân vật hiện lên sống động, chân thực, đặc biệt ở các trạng thái tâm trạng, ngôn ngữ tự nhiên, gần với đời sống, …