Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Tố Hữu là một nhà thơ lớn của nền thơ ca hiện đại nước nhà, một cây bút trữ tình chính trị nổi bật với những bài thơ lưu lại trong trái tim người đọc nhiều dấu ấn, cảm xúc. “Việt Bắc” là một tác phẩm tiêu biểu trên chặng đường thơ ông, góp phần khẳng định tên tuổi, tâm hồn và tài năng của hồn thơ này. Trong tác phẩm, đoạn thơ thứ năm đã thực sự để lại nhiều nghĩ suy trong tâm hồn mỗi bạn đọc, góp vào sự sâu sắc và độc đáo của bài thơ.
Nhà thơ Tố Hữu là người con đất Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, cái nôi của văn học dân gian Việt Nam. Có lẽ những nét đẹp của mảnh đất ấy đã bồi tụ nên một hồn thơ dạt dào cảm xúc, sáng tác nên những vần thơ, trang thơ đượm sâu tình cảm, cảm xúc. Nói đến Tố Hữu và sự nghiệp văn học của ông, nhiều người nói chặng đường thơ ông gần như song hành với những giai đoạn lịch sử quan trọng, đáng nhớ của dân tộc. Những tác phẩm ở mỗi thời kỳ của nhà thơ đều có những nét đẹp riêng lưu lại nhiều ấn tượng. Việt Bắc, cái nôi của Cách mạng Việt Nam, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp, miền đất ấy, con người ấy đã chắp cánh cho hồn thơ người nghệ sĩ, người cán bộ cách mạng Tố Hữu viết nên bài thơ “Việt Bắc”. Đoạn thơ thứ năm trong tác phẩm được đánh giá là một đoạn thơ đặc sắc với nhiều giá trị nội dung, nghệ thuật ý nghĩa.
Nghĩ về người con Việt Bắc, những đồng bào thân thương một thời gắn bó thủy chung, nghĩa tình, một nỗi nhớ da diết, đậm sâu bỗng trào dâng trong trái tim, tâm hồn người cán bộ cách mạng, hay có lẽ cũng chính là tiếng lòng Tố Hữu. Nhà thơ gợi ra hình ảnh người mẹ của nhân dân, người mẹ nuôi bộ đội với hình ảnh gần gũi và rất đỗi thiêng liêng:
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
Một người mẹ chịu thương chịu khó. Một người mẹ tảo tần vì con, vì bộ đội, vì đất nước, nhân dân. Đó là người mẹ Việt Bắc từng ngày lao động miệt mài đóng góp cho cuộc kháng chiến, từng ngày nuôi giấu cán bộ cách mạng. Viết về người mẹ ấy, nhà thơ Tố Hữu có hình ảnh “nắng cháy lưng”. Không tả rõ nét dáng hình người mẹ Việt Bắc, chỉ ba chữ đó thôi cũng đã đủ tái hiện lên chân thực, trọn vẹn vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp lao động của người mẹ Việt Nam thời chiến. Gần gũi, bình dị nhưng vô cùng mạnh mẽ, trang thơ Tố Hữu cho ta thấy mẹ là một phần của những trang sử hào hùng, là hậu phương đắp bồi yêu thương, sức mạnh cho những người lính chắc tay súng ra chiến trường giành lại tự do cho dân tộc, đất nước.
Tiếp nối trong dòng chảy ký ức dạt dào, thiết tha ấy, nhà thơ Tố Hữu gợi ra một bức tranh Việt Bắc với khung cảnh, với nhịp sống, âm thanh quen thuộc:
"Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya thắp sáng những giờ liên hoan”
Bên cạnh cái khốc liệt của khói lửa chiến tranh, cái tang thương của mất mát, hy sinh, vẫn còn rộn rã ở đó một cuộc sống ngập tràn âm thanh nơi miền cao Việt Bắc. Bên cạnh những giờ tập luyện mệt nhoài chuẩn bị cho cuộc chiến, những giây phút căng thẳng khi đối mặt địch, các cán bộ cách mạng của ta cũng hòa mình vào cuộc sống nơi núi rừng Việt Bắc, cùng đồng bào, cùng nhân dân xây dựng cuộc sống. Những người cán bộ đến gieo hy vọng về ngày độc lập. Họ gieo con chữ, họ thắp niềm tin, những lớp Nha bình dân học vụ để xóa mù chữ cho đồng bào vì thế mà được mở ra ở khắp mọi nơi. Hồ hởi, phấn chấn và ngập tràn hy vọng, không khí đó dường như ắp đầy khắp các bản làng Việt Bắc, ngập tràn trong hình dung tưởng tượng của mỗi người đọc khi đến với trang thơ giàu hình ảnh, cảm xúc của Tố Hữu.
“Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...”
Với vốn ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh của mình, nhà thơ Tố Hữu đã giúp người đọc hình dung ra không gian, không khí rộn ràng niềm vui của quân dân Việt Bắc sau những giờ phút chiến đấu ác liệt. Văng vẳng trong không gian thanh bình ấy là tiếng “mõ rừng chiều” gọi trâu về của người lao động. Âm thanh tiếng giã gạo đêm khuya, tiếng chày tiếng cối hòa cùng tiếng suối xa càng đậm tô thêm bức tranh sinh hoạt thân thương, gần gũi, tràn đầy sức sống nơi núi rừng Việt Bắc. Những âm thanh ấy cùng hòa quyện lại, một cách rất riêng, tạo nên một khúc nhạc ấn tượng mà chỉ riêng núi rừng Việt Bắc có, do những con người Việt Bắc cùng cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến xây đắp nên.
Bài thơ “Việt Bắc” đã gieo vào trái tim người đọc bao thế hệ rất nhiều cảm xúc, nghĩ suy khác nhau. Ở mỗi đoạn thơ, mỗi hình ảnh, nhịp điệu thơ đều chứa chan tâm tư người chiến sĩ hay cũng chính là nhà thơ. Khổ thơ thứ năm đã góp phần đem đến sự thành công cho tác phẩm, những giá trị nội dung, nghệ thuật của “Việt Bắc” đã góp phần làm tăng sự giàu có, đa dạng trong chùm thơ kháng chiến đồng thời khẳng định tài năng, sự tinh tế trong hồn thơ Tố Hữu.
* Giới thiệu tác giả, bài thơ, đoạn thơ.
* Cảnh và người Việt Bắc rải rác trong toàn bộ bài thơ nhưng kết tinh ở đoạn thơ này những vẻ đẹp đặc sắc, tinh túy nhất.
- Hai câu đầu đoạn: Khẳng định nỗi nhớ cảnh và người Việt Bắc.
- Tám câu còn lại là những nét ấn tượng nhất về cảnh và người.
+ Thiên nhiên bốn mùa với hình ảnh, âm thanh, sắc màu sống động, rực rỡ (màu đỏ như lửa của hoa chuối, màu trắng thơ mộng thanh khiết của hoa mơ, màu vàng rực rỡ, chói chang của rừng phách, tiếng ve ngày hè, vầng trăng thu thanh bình, yên ả, …)
+ Con người Việt Bắc hiện lên với những phẩm chất đáng trân trọng (tự tin, khéo léo, cần mẫn, chịu thương chịu khó và giàu nghĩa tình, …)
* Đánh giá vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc.