Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu.
Đoạn 1
Trời nắng gắt. Con ong xanh biếc, to bằng quả ớt nhỡ lướt nhanh những cặp chân dài và mảnh trên nền đất. Bụng nó tròn, thon, bóng loáng, mặt trời chiếu vào óng ánh xanh như hạt ngọc. Nó dừng lại, ngước đầu lên, mình nhún nhảy rung rinh, giơ hai chân trước vuốt râu rồi lại bay lên, đậu xuống, thoăn thoắt rà khắp mảnh vườn.
(Theo Vũ Tú Nam)
Đoạn 2
Rô ron bám theo vây rô mẹ, tung tăng len lỏi quanh các nhánh cây, rễ cỏ ngập nước. Nó nô nghịch như một đứa trẻ hiếu động. Khi thì nó ngậm một cái rễ cỏ kéo mạnh cho chìm xuống rồi phóng vút qua như một mũi tên. Lúc nó lại ngoi lên như đang chơi trốn tìm, đảo mắt nhìn theo bóng gã chuồn chuồn. Nó tròn miệng thở, làm mặt nước nổi lên một cái bong bóng nhỏ tí xíu như hạt ngọc trong suốt trên mặt nước.
(Theo Nguyễn Văn Chương)
Đoạn 3
Cái vòi của voi con thật kì lạ. Gần như không có việc gì mà chú không dùng đến vòi. Chú dùng vòi để thở, để nhận biết lá lành hay lá độc, để phun bụi đất phủ lên lưng vào những trưa nắng, để dò đường và rẽ lối đi trong rừng... Đặc biệt, vòi còn giúp voi con biểu lộ tâm tình: chú đập vòi chan chát xuống đất khi giận dữ, đu đưa vòi khi thoải mái, yên tâm. Nhưng vượt lên tất cả, cái vòi giúp voi con tồn tại: voi con dùng vòi để hít nước khi khát, để bẻ cành và vơ cỏ lên miệng khi ăn...
(Theo Vũ Hùng)
a. Mỗi đoạn văn tả con vật nào?
b. Những từ ngữ in đậm trong đoạn văn có tác dụng gì đối với việc miêu tả con vật?
c. Em thích cách miêu tả con vật trong đoạn văn nào? Vì sao?
tham khảo
a. Đoạn 1: Tả con ong
Đoạn 2: Tả cá rô ron
Đoạn 3: Tả chú voi
b. Những từ ngữ in đậm giúp việc miêu tả các con vật trở nên sinh động, gợi hình ảnh, cảm xúc hơn, giúp người đọc dễ liên tưởng, cảm nhận con vật đó.
c. Em thích cách miêu tả con voi trong đoạn văn 3. Vì ở đoạn văn này đã sử dụng biện pháp nhân hóa, gọi con voi là chú.