K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

17 tháng 10 2019

Các giai đoạn

Những sự kiện quan trọng

14/7/1789 đến 10/8/1792

(Chế độ quân chủ lập hiến)

- Khởi nghĩa của nhân dân Pari phá ngục Baxti

- 8/1789, thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền.

- 9/1791, Hiến pháp được thông qua, xác lập chế độ quân chủ lập hiến.

10/8/1792 đến 2/6/1793

(Bước đầu của nền cộng hòa)

-Khởi nghĩa của nhân dân Pari lật đổ nền quân chủ lập hiến, thiết lập chế độ Cộng hòa

- Vua Lu-i XVI bị tử hình

2/6/1793 đến 27/7/1794

(Chuyên chính dân chủ cách mạng Gia-co-bin- Đỉnh cao của cách mạng)

- Phái Giacobin thực hiến nhiều chính sách tiến bộ

+ Thiết lập nền dân chủ cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng.

+ Giải quyết vấn đề ruộng đất cho nhân dân

+ Ban hành tổng động viên.

- Đẩy lùi nạn ngoại xâm

27/7/1794 đến 9/11/1799

(Thoái trào cách mạng)

- Đảo chính phản cách mạng, phái Gia-cô-banh bị lật đổ

- Đảo chính của Na-pô-lê-ông, chế độ độc tài quân sự được thiết lập

6 tháng 1 2021

Các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới là Anh và Hà Lan

8 tháng 3 2017

Là cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình:
+ Lật đổ chế độ phong kiến cùng với những tàn dư của nó.
+ Giải quyết được vấn đề dân chủ (ruộng đất cho nông dân, quyền lợi của công nhân).
+ Hình thành thị trường dân tộc thống nhất mở đường cho lực lượng TBCN ở Pháp phát triển.
- Mở ra thời thắng lợi và củng cố quyền thống trị của giai cấp tư sản trên phạm vi thế giới

8 tháng 3 2017

đó là ý nghĩa bạn nhé

29 tháng 8 2018

chịu luôn dài lắm 

29 tháng 8 2018

Mùa hè năm 1789, nước Pháp đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng tư sản. Quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản đã đứng dậy tiến hành đấu tranh lật đổ nền quân chủ chuyên chế phong kiến, lập nên chế độ tư bản chủ nghĩa. Quá trình đó có thể chia làm ba giai đoạn:

1. Giai đoạn cách mạng bùng nổ và nền thống trị của đại tư sản Lập hiến (14-7-1789 / 10-8-1792)

2. Giai đoạn thống trị của phái cộng hòa tư sản Girôngđanh (10-8-1792 / 31-5-1793).

Xem nhanh

  • Trang Chính
  • Trang ngẫu nhiên

Thể loại

  • Lịch sử thế giới cận đại

Quá trình diễn biến của cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789-1794)

II. QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN CỦA CUỘC CÁCH MẠNG TƯ SẢN PHÁP (1789-1794)

Mùa hè năm 1789, nước Pháp đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng tư sản. Quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản đã đứng dậy tiến hành đấu tranh lật đổ nền quân chủ chuyên chế phong kiến, lập nên chế độ tư bản chủ nghĩa. Quá trình đó có thể chia làm ba giai đoạn:

1. Giai đoạn cách mạng bùng nổ và nền thống trị của đại tư sản Lập hiến (14-7-1789 / 10-8-1792)

2. Giai đoạn thống trị của phái cộng hòa tư sản Girôngđanh (10-8-1792 / 31-5-1793).

3. Giai đoạn chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh (6-1793 / 7-1794).

Mục lục

 [ẩn] 

  • 1 Giai Đoạn Thứ Nhất: Cách Mạng Bùng Nổ Và Nền Thống Trị Của Đại Tư Sản Lập Hiến (14 -7-1789 đến 10 -8-1792)
    • 1.1 1. Cao trào cách mạng và sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế phong kiến
      • 1.1.1 Từ Hội nghị Ba cấp đến Quốc hội lập hiến
      • 1.1.2 Cuộc khởi nghĩa 14-7-1789 ở Pari
      • 1.1.3 Cao trào cách mạng trong toàn quốc
    • 1.2 2. Chính quyền Lập hiến và những hoạt động của nó
      • 1.2.1 Bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” (8-1789)
      • 1.2.2 Những chính sách của Quốc hội lập hiến. Hiến pháp 1791
    • 1.3 3. Phong trào quần chúng năm 1789-1791 và những hoạt động của câu lạc bộ chính trị
      • 1.3.1 Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân
      • 1.3.2 Các câu lạc bộ chính trị
    • 1.4 4. Cuộc đấu tranh chống âm mưu của bọn phản cách mạng và tình trạng “Tổ quốc lâm nguy”
      • 1.4.1 Âm mưu phản cách mạng của Luy XVI và bọn quý tộc
      • 1.4.2 Quốc hội lập pháp và phản ứng của quần chúng
      • 1.4.3 Nguy cơ chiến tranh và cao trào bảo vệ Tổ quốc trong quần chúng
  • 2 Giai Đoạn Thứ Hai: Nền Thống Trị Của Tư Sản Cộng Hòa Girôngdanh (Từ 10 Tháng 8 -1792 Đến 2 Tháng 6-1793)
    • 2.1 1. Cuộc khởi nghĩa nhân dân và sự thành lập nền cộng hòa
      • 2.1.1 Cuộc khởi nghĩa 10-8-1792. Nền quân chủ lập hiến sụp đổ
      • 2.1.2 Công xã Pari và các chiến thắng quân sự
      • 2.1.3 Hiệp hội dân tộc và sự thành lập nền Cộng hòa
    • 2.2 2. Cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trong thời kỳ Girôngdanh
      • 2.2.1 Mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phái Giacôbanh và Girôngđanh.
      • 2.2.2 Làn sóng công phẫn trong nhân dân. Phái “Điên dại”
    • 2.3 3. Sự sụp đổ chính quyền Girôngđanh
  • 3 Giai Đoạn Thứ Ba: Nền Chuyên Chính Dân Chủ Cách Mạng Giacôbanh (từ ngày 2 tháng 6 năm 1793 đến 27 tháng 7 năm 1794)
    • 3.1 1. Sự thành lập chính quyền chuyên chính dân chủ Giacôbanh
      • 3.1.1 Tình hình nguy kịch của nước Cộng hòa Pháp vào mùa hè 1793
      • 3.1.2 Chính sách ruộng đất của chính quyền Giacôbanh
      • 3.1.3 Hiến pháp 1793 và hệ thống chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh
    • 3.2 2. Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc
      • 3.2.1 Chính sách “khủng bố đỏ” của chính quyền Giacôbanh
      • 3.2.2 Thành lập quân đội cách mạng và những thắng lợi quân sự
    • 3.3 3. Sự tan rã của liên minh Giacôbanh. Sự thất bại của phái “Điên dại”
      • 3.3.1 Mâu thuẫn nội bộ và sự tan rã của liên minh Giacôbanh
      • 3.3.2 Âm mưu phản cách mạng và cuộc đảo chính ngày 9 tháng Tecmiđo
  • 4 Chú thích
  • 5 Tác phẩm, tác giả, nguồn
  • 6 Xem thêm
  • 7 Liên kết đến đây

Giai Đoạn Thứ Nhất: Cách Mạng Bùng Nổ Và Nền Thống Trị Của Đại Tư Sản Lập Hiến (14 -7-1789 đến 10 -8-1792)

1. Cao trào cách mạng và sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế phong kiến

Từ Hội nghị Ba cấp đến Quốc hội lập hiến

Ngày 5-5-1789, Hội nghị Ba cấp khai mạc tại cung điện Vecxai dưới sự chủ tọa của nhà vua, có 270 đại biểu quý tộc, 300 đại biểu tăng lữ và 600 đại biểu đẳng cấp thứ ba. Ngay từ phút đầu, những người đại diện cho đẳng cấp thứ ba đã bị đối xử khinh miệt.

Cuộc đấu tranh nổ ra trước tiên xoay quanh vấn đề cách thức bỏ phiếu và kiểm tra tư cách đại biểu. Ngày 6-5 đại biểu của hai đẳng cấp có đặc quyền họp riêng để kiểm tra tư cách đại biểu của mình và vẫn chủ trương giữ lối bỏ phiếu theo đẳng cấp: mỗi đẳng cấp chỉ bỏ 1 phiếu trong khi thông qua quyết nghị. Như vậy cho dù có đông đại biểu thế nào chăng nữa, đẳng cấp thứ ba luôn luôn ở vào thế yếu với tỉ số 1-2. Vì vậy họ đấu tranh cho việc kiểm tra tư cách đại biểu chung và bỏ phiếu theo đầu người.

Trong khi đó, quần chúng nhân dân bên ngoài theo dõi hội nghị, căm phẫn trước thái độ của nhà vua và hai đẳng cấp trên. Ngày 10-6, đại biểu của đẳng cấp thứ ba, linh mục Xiâyet tuyên bố mặc dầu hai đẳng cấp trên không chịu đến họp chung, đẳng cấp thứ ba, vẫn cứ tiến hành kiểm tra tư cách của tất cả các đại biểu.

Ngày 17-6, sau khi kiểm tra xong, các đại biểu của đẳng cấp thứ ba tự tuyên bố thành lập Hội đồng dân tộc. Đó là một quyết nghị táo bạo vì lần đầu tiên, họ không cần đến nhà vua và chuyển quyền lập pháp về tay đẳng cấp thứ ba. Nhà vua phản kháng bằng cách đóng cửa cung điện không cho các đại biểu đến họp (20-6). Trước thái độ đó, nhân dân đã cùng các đại biểu của mình đi đến họp tại Phòng đánh cầu. Ở đây, họ thông qua một nghị quyết quan trọng, thề sẽ không giải tán và sẽ họp ở bất cứ nơi nào cho đến khi thảo xong hiến pháp.

Ngày 23-6 các đại biểu của ba đẳng cấp lại được triệu tập về cung điện Vécxai. Nhưng sau khi đọc diễn văn, nhà vua ra lệnh phân tán về làm việc theo từng đẳng cấp. Không một ai trong đẳng cấp thứ ba rời khỏi chỗ ngồi. Nhân dân bên ngoài ùa vào cùng các đại biểu. Mặc dầu được lệnh canh gác nghiêm ngặt, quân cảnh vệ vẫn để cho quần chúng ra vào vì chính họ đã ngả về phía cách mạng.

Ngày 9-7, Hội đồng dân tộc tự tuyên bố thành Quốc hội lập hiến để xác định quyền của mình trong việc ban hành luật lệ nhà nước. Vẫn giữ thái độ ngoan cố, nhà vua quyết định thải hồi Nếchkê là viên bộ trưởng tài chính của giới tư sản và thay thế bằng bá tước Đơ Brơtơi, nổi tiếng với lời nguyền: “Nếu như cần phải đốt Pari thì chúng ta sẽ đốt Pari”. Quân đội được điều động về thủ đô, sẵn sàng nhả đạn vào quần chúng.

Cuộc khởi nghĩa 14-7-1789 ở Pari

Ngày 12-7, tin Đơ Brơtơi được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và việc nhà vua tập trung quân đội gây nên một làn sóng công phẫn trong các giới ở Pari. Quần chúng lao động và những người tư sản cách mạng tự vũ trang bằng mọi thứ vũ khí thô sơ: súng, dao, dáo, mác... Binh lính chuyển sang phía nhân dân trừ những đơn vị có lính đánh thuê ngoại quốc.

Các cử tri ở Pari quyết định thành lập một cơ quan chính quyền thành phố mới gọi là ủy ban thường trực và tổ chức lực lượng vũ trang dân binh là Vệ quốc quân. Ngày 14-7 quần chúng cách mạng chiếm được hầu hết cơ quan và các vị trí quan trọng trong thành phố. Pháo đài cuối cùng phải giải quyết là nhà tù Baxti, có hào sâu ngăn cách, có cầu treo và đại bác... Ủy ban thường trực không hể nghĩ đến hành động quân sự đối với Baxti. Nhưng quần chúng gồm những người thợ nề, thợ mộc, thợ giày, thợ nhuộm, những người buôn bán nhỏ, nông dân ngoại thành... đã bao vây nhà tù, dựng lên công sự và tấn công trực tiếp. Sau 4 giờ chiến đấu, những người cách mạng ùa vào, pháo đài Baxti thất thủ.

Việc chiếm ngục Baxti đánh dấu sự thắng lợi của cách mạng. Tòa thành kiên cố, sừng sững hàng trăm năm tượng trưng cho nền quân chủ chuyên chế hà khắc tưởng như bất di bất dịch, trong khoảnh khắc đã rơi vào tay quần chúng nhân dân cách mạng.

Như vậy, ngày 14-7-1789 đã được vĩnh viễn ghi vào lịch sử vinh quang của nhân dân Pháp, trở thành ngày quốc khánh của dân tộc Pháp đã làm rung động toàn bộ cơ cấu chính quyền phong kiến trong cả nước và có tiếng vang mạnh mẽ tới châu Âu và châu Mỹ.

Cao trào cách mạng trong toàn quốc

Thắng lợi cách mạng ở Pari được củng cố chắc chắn là nhờ phong trào đấu tranh của đại đa số nông dân trong toàn quốc. Tháng 7 và tháng 8, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở các địa phương: không trả tô, đốt nhà địa chủ, thủ tiêu đặc quyền phong kiến, xử tử những tên địa chủ gian ác. Những cuộc khởi nghĩa nổ ra trên quy mô lớn ở các tỉnh Andat, Phrăngsơ Côngtê (phía đông), Lyông, Noócmăngđi... Nông dân nghèo khổ đã đóng góp tích cực vào cuộc cách mạng nông thôn này.

Đồng thời, các thành phố cũng tiến hành phá tan bộ máy chính quyền cũ, trong lịch sử gọi là Cách mạng thị chính. Tin tức từ Pari đưa tới làm cho nhân dân các địa phương phấn khởi, đứng dậy đập phá nhà cửa các viên tổng trấn, ùa vào tòa thị chính và thủ tiêu các văn khế phong kiến, trao chính quyền cho những người tư sản giàu có ở địa phương. Các đội Vệ quốc quân ở Pari và các tỉnh được thành lập.

Sự kiện chiếm ngục Baxti, phong trào cách mạng của nông dân, cuộc Cách mạng thị chính ở các thành phố là những đòn đả kích mạnh mẽ vào chế độ phong kiến chuyên chế, đem lại thắng lợi căn bản cho cách mạng. Chính quyền mới của giai cấp tư sản được thành lập, thay thế cho hệ thống chính quyền quân chủ phong kiến.

2. Chính quyền Lập hiến và những hoạt động của nó

Sau khi lật đổ nền quân chủ chuyên chế, chính quyền chuyển vào tay phái Lập hiến. Phái này đại diện cho quyền lợi của tầng lớp đại tư sản và quý tộc tư sản hóa bao gồm các chủ ngân hàng, chủ thuyền buôn, các nhà công nghiệp và thương nghiệp lớn. Họ chiếm địa vị quan trọng trong Quốc hội lập hiến, trong các cơ quan chính quyền ở Pari và các tỉnh. Vệ quốc quân ở trong tay bá tước La Phayét, một người tư sản tự do đã từng tham gia chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ và chủ trương cải cách tư sản. Có uy tín lớn trong Quốc hội lập hiến là hầu tước Mirabô, một nhà hùng biện lỗi lạc nhưng lại là một nhà chính trị chống chế độ dân chủ.

Bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” (8-1789)

Ngay từ những ngày đầu của cách mạng và nhất là do ảnh hưởng của phong trào nhân dân, phái Lập hiến chiếm đa số trong Quốc hội bắt tay vào việc soạn bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”.

Ngày 26-8-1789, Quốc hội lập hiến thông qua bản Tuyên ngôn gồm 17 điều khoản.

Tuyên ngôn nêu lên quyền tự do bình đẳng của con người, khẳng định chủ quyền thuộc về nhân dân, ban hành các quyền tự do tư sản đồng thời khẳng định quyền sở hữu tài sản tư nhân. Nó thể hiện tính chất tiến bộ và cách mạng. Đó là một cương lĩnh thấm nhuần tư tưởng của các nhà triết học Pháp thế kỷ XVIII, kết tinh lại trong khẩu hiệu nổi tiếng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp và châu Âu, chủ quyền tối cao được tuyên bố thuộc về nhân dân cùng với những quyền tự do dân chủ khác. Quyền lực của nhà vua cùng chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị bãi bỏ. Những kết luận xác đáng và cách mạng đó chính là dấu vết in sâu không thể xóa mờ được của cuộc đấu tranh quần chúng, là những thành quả do quần chúng sáng tạo nên.

Trong thời kỳ mà nền quân chủ phong kiến chuyên chế đang thống trị ở châu Âu, những quyền lợi cơ bản của con người bị tước đoạt một cách tàn tệ thì bản Tuyên ngôn chính là một văn kiện lịch sử tiến bộ, là lời kêu gọi nhân dân bị áp bức đứng dậy đấu tranh.

Những chính sách của Quốc hội lập hiến. Hiến pháp 1791

Về chính sách ruộng đất, Hội đồng tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn các trật tự phong kiến. Những đặc quyền phong kiến cơ bản như thuế xăng (cens), tô hiện vật, tô lao dịch, thuế thừa kế ruộng đất... chỉ được bãi bỏ sau khi nông dân đã chuộc cho chúa đất một món tiền nặng nề quá sức mình. Số tiền chuộc gấp 20 lần tiền tô hàng năm và phải nộp một lần. Ruộng đất của nhà thờ được bán theo từng ấp trại lớn, trả tiền trong 4 năm. Về thực tế, nông dân không có tiền để được “giải phóng” theo các điều khoản trên.

Trong chính sách công thương nghiệp, Quốc hội quyết định bãi bỏ quy chế phường hội, cho phép tự do buôn bán lúa mì, cấm nhập cảng sợi lanh và các vật liệu kiến trúc để khuyến khích sản xuất trong nước.

Những chính sách đó làm cho đến năm 1790, ở nước Pháp đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của sự hưng thịnh về kinh tế. Nhưng đồng thời, cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, rút giờ làm việc xuống 12 giờ cũng tăng lên. Các hội công nhân xuất hiện: “Hội những người bạn của nhân loại” của công nhân in Pari, “Hội ái hữu” của thợ mộc Pari với hàng ngàn hội viên, có quỹ tương tế và lớp dạy nghề. Công nhân đã tham gia vào các câu lạc bộ chính trị và có ý thức liên hệ với công nhân ở các tỉnh. Để hạn chế phong trào công nhân, Quốc hội lập hiến thông qua đạo luật Sapơliê ngày 14-6-1790, quy định: Nếu những công nhân cùng nghề nghiệp mà bàn bạc với nhau, giao ước với nhau cự tuyệt lao động hay đòi hỏi lao động với một giá cả nhất định, thì sự bàn bạc và giao ước đó đều bị coi là trái với hiến pháp; vi phạm vào tự do và tuyên ngôn nhân quyền... Những người đó bị tước quyền công dân trong một năm và bị xử phạt 500 livrơ.

Từ tháng 5 đến tháng 6-1790 Quốc hội chú ý tới việc tổ chức hành chính theo quy chế mới. Pari chia thành các phân khu, toàn quốc chia làm 83 quận có diện tích gần bằng nhau với cơ cấu tổ chức thống nhất, xóa bỏ thuế quan nội địa... Những biện pháp đó có ý nghĩa tiến bộ lớn vì nó đã gạt bỏ được những nhân tố kìm hãm sự phát triển của công thương nghiệp, xóa bỏ ranh giới giữa các khu vực và góp phần rất lớn vào việc hoàn thành quá trình hình thành dân tộc Pháp.

Trong chính sách đối với nhà thờ, Quốc hội lập hiến quyết định tịch thu tài sản nhà thờ làm tài sản quốc gia và đem bán. Đến tháng 11-1790, Quốc hội quyết định giáo hội Pháp phải phục tùng quốc gia, không được lệ thuộc vào Vaăng về mặt hành chính, các linh mục và giám mục phải do bầu cử, ăn lương của nhà nước. Các công việc hộ tịch trước kia thuộc giáo hội, nay chuyển sang nhà nước. Đó là một chính sách tiến bộ.

Năm 1791, Quốc hội ban hành hiến pháp mới, quy định chế độ quân chủ lập hiến ở nước Pháp. Nhà vua được tuyên bố là người đứng đầu nhà nước, là tư lệnh tối cao các lực lượng lục quân và hải quân, có quyền phê chuẩn hay bác bỏ các đạo luật, bổ nhiệm hay cách chức các bộ trưởng, các sứ thần và nhân viên ngoại giao, các tư lệnh quân đội... Vua có quyền phủ quyết đình chỉ, nghĩa là hủy bỏ các sắc lệnh đang thi hành. Quốc hội lập pháp là cơ quan tối cao ban hành pháp luật. Hiến pháp quy định chế độ tuyển cử chia công dân thành hai loại: công dân tích cực và công dân tiêu cực tùy theo tài sản của họ. Những người không có tài sản, quần chúng nhân dân lao động bị coi là “công dân tiêu cực”. Quyền bầu cử chỉ dành cho các “công dân tích cực” tức là những người từ 25 tuổi trở lên, không làm thuê cho ai, phải có tên trong danh sách Vệ quốc quân và phải trả một số thuế trực thu ít nhất bằng ba ngày lương. Những điều kiện đó đã gạt ra ngoài hàng chục triệu người lao động. Năm 1791, trong số 26 triệu dân, chỉ có 4 triệu 28 vạn người là “công dân tích cực”. Điều kiện ứng cử càng khắt khe. Những người muốn được bầu vào các hội đồng hàng quận phải nộp thuế bằng 150 đến 200 ngày công nếu ở thành thị, hoặc phải có những thu hoạch về đất đai ít nhất từ 150 đến 400 ngày công nếu ở nông thôn.

Như vậy, hiến pháp 1791 đã vi phạm những nguyên tắc “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” nêu ra trong “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”, đã tước đoạt quyền lợi chính trị của đa số quần chúng là những người tham gia tích cực vào cuộc cách mạng, chỉ bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số hữu sản trong xã hội.

3. Phong trào quần chúng năm 1789-1791 và những hoạt động của câu lạc bộ chính trị

Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân

Các chính sách của Quốc hội lập hiến ngày càng tỏ ra rằng tầng lớp đại tư sản nắm chính quyền không muốn giải quyết yêu cầu của quần chúng và không kiên quyết đối với thế lực phản động. Bất bình trước thái độ đó, hàng loạt cuộc đấu tranh liên tiếp bùng nổ.

Mùa thu năm 1789, những người thợ nề, thợ giày, những người bán hàng ở Pari lần lượt nổi dậy đòi cải thiện đời sống nhưng đều bị đàn áp. Mạnh mẽ nhất là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Pari ngày 5 và 6-10-1789. Mặc dầu tuyên bố nhân nhượng cách mạng, Luy XVI và vợ là Mari Antoannét vẫn tiếp tục lãnh đạo phe phản động trong triều đình. Luy XVI không chịu phê chuẩn các đạo luật được Quốc hội thông qua đêm 4-8 cũng như không chấp thuận “Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”. Những đơn vị quân đội có xu hướng bảo hoàng được điều về Vécxai nhằm chuẩn bị phản công cách mạng. Tin tức về những hành vi phản bội này đã gây một làn sóng công phẫn rất lớn. Giá cả đột nhiên tăng vọt lên và việc thiếu bột mì trong các cửa hiệu ngày càng làm tăng lòng căm thù của quần chúng lao động. Ngày 4-10, nhân dân vây quanh cung điện nhà vua, hô to: “Đả đảo bọn giáo sĩ”, “Giết chết bọn quý tộc”, “Giết chết hoàng hậu”, kêu gọi tiến về Vécxai để bắt vua phải về Pari chịu sự kiểm soát của nhân dân và buộc chính phủ phải cung cấp bột mì. Cuộc đấu tranh kéo dài đến sáng ngày 6-10, sau một vụ xung đột đổ máu với quân cảnh vệ, nhân dân ùa vào cung điện Vécxai, buộc Luy XVI phải lập tức rời Vécxai về cung điện Tuynlơri (Pari) giữa vòng vây của quần chúng. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa rất lớn: nó phá tan âm mưu giải tán Quốc hội lập hiến và phá tan kế hoạch phản công của phe phản cách mạng. Nhưng áp lực của quần chúng cũng làm cho giai cấp tư sản run sợ. Quốc hội lập hiến ban hành sắc lệnh 21-10-1789 tuyên bố “tình trạng chiến tranh” khi có khởi nghĩa và cho phép quân đội dùng vũ khí để chống lại.

Những biến cố cách mạng ảnh hưởng rất lớn đến quân đội. Họ thành lập các ủy ban binh lính nổi dậy trong nhiều đơn vị, phản đối bọn sĩ quan phản động mà tuyệt đại đa số là thuộc tầng lớp quý tộc. Đặc biệt quan trọng là cuộc khởi nghĩa của 4 trung đoàn ở thành phố Năngxy, kéo dài từ 28 đến 31-8-1790 nhưng bị đàn áp khốc liệt, cứ 7 người thì một người bị treo cổ.

Các câu lạc bộ chính trị

Đóng một vai trò lớn lao trong những năm cách mạng là các câu lạc bộ chính trị, những trung tâm dùng để thảo luận các vấn đề quan trọng mà toàn quốc đang chú ý.

Từ những năm đầu của cách mạng, câu lạc bộ Giacôbanh đã có ảnh hưởng đáng kể. Ban đầu, thành phần rất phức tạp. Nó bao gồm nhiều nhóm chính trị khác nhau, từ những lãnh tụ phái quý tộc tự do đến những người dân chủ tư sản, từ những đại biểu của Quốc hội lập hiến đến những người của các tổ chức khác nữa. Qua những biến động lớn trong xã hội, nội bộ câu lạc bộ Giacôbanh bị phân hóa.

Phái hữu đoạn tuyệt với Giacôbanh, thành lập một tổ chức mới gọi là câu lạc bộ Phơiăng, tập hợp những kẻ đại diện cho phái quân chủ lập hiến và quý tộc đại tư sản câu kết với nhau chống lại cách mạng.

Phái tả gồm những người cách mạng, trung thành với tư tưởng của Giăng Giắc Ruxô, có chi nhánh ở nhiều địa phương. Lãnh tụ của phái Giacôbanh là Rôbexpie (1858-1894) một trạng sư được bầu làm đại biểu trong Hội nghị Ba cấp, nổi tiếng với những bài diễn văn kêu gọi đấu tranh đầy dũng khí. Phái Giacôbanh sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình diễn biến của cách mạng.

Câu lạc bộ Coođơliê thành lập năm 1790 là một câu lạc bộ nhân dân, mang tên chính thức là “Hội những người bạn của nhân quyền và dân quyền”, có những hội viên xuất sắc như Mara (1743-1793) một nhà bác học, y học, vật lý học và là một nhà báo nổi tiếng với tờ báo “Người bạn dân”, cơ quan chiến đấu của phái dân chủ cách mạng, trạng sư Đăngtông, nhà báo Êbe... sau này đều trở thành các lãnh tụ xuất sắc của Giacôbanh.

Một số trí thức có khuynh hướng dân chủ tập trung trong nhóm Xã hội hâm mộ tư tưởng của Ruxô, kết nạp nhiều thợ thủ công, công nhân và đại diện của tầng lớp bình dân. Đứng đầu nhóm này là Fôsê và Bôngvin, phản ánh tư tưởng của những người nghèo khổ trong xã hội, chủ trương chia đều ruộng đất, không ai không có ruộng cày. Chính tư tưởng của nhóm Xã hội sau này được thể hiện bởi phái “Điên dại”, bởi những người cộng sản chủ nghĩa không tưởng Babơp và Buônarôti.

Các câu lạc bộ nhân dân được phát triển rộng rãi ở các tỉnh và các thành phố. Một ủy ban trung ương các câu lạc bộ được thành lập ở Pari và đã đưa kiến nghị đòi Quốc hội lập hiến phải bác bỏ việc phân chia công dân tích cực và tiêu cực.

4. Cuộc đấu tranh chống âm mưu của bọn phản cách mạng và tình trạng “Tổ quốc lâm nguy”

Âm mưu phản cách mạng của Luy XVI và bọn quý tộc

Ngay sau khi ngục Baxti thất thủ, bọn quý tộc phản cách mạng lần lượt bỏ trốn khỏi nước Pháp. Em vua là bá tước Actoa và bè lũ triều thần trốn ra nước ngoài đặt trung tâm liên lạc bọn quý tộc di cư ở Côblenxơ (Đức) trông chờ sự giúp đỡ của các nước châu Âu.

Trong khi đó, Luy XVI vẫn không ngừng tìm cách chống đối cách mạng. Do sự liên lạc bí mật với triều đình nước ngoài, đêm 20 rạrg 21-6-1791, Luy và vợ trốn khỏi Pari. Nhưng trên đường đi, chúng đã bị bắt tại thành phố Varen. Sáng 21-6, nhân dân Pari biết tin vua bỏ trốn liền ùa vào cung điện Tuynlơri, tự vũ trang, đòi đem xử Luy XVI và đòi tuyên bố thành lập nền cộng hòa. Các tỉnh và các thành phố khác được tin này cũng tự vũ trang chuẩn bị chống bọn phản cách mạng. Nhưng chính quyền lập hiến tìm cách bao che cho tên vua phản động và đàn áp những cuộc biểu tình của quần chúng. Nhờ đó, Luy XVI vẫn giữ được ngôi vua cho đến tháng 8-1792.

Bọn phong kiến Áo và Phổ ra tuyên bố sẵn sàng điều quân can thiệp vào nước Pháp cách mạng. Điều đó báo trước chiến tranh nhất định sẽ xảy ra và nhân dân Pháp hiểu rằng tự mình phải cầm lấy vũ khí để chiến đấu cho nền tự do và độc lập của Tổ quốc, chống lại sự xâm lược của liên minh phản động gồm các nước phong kiến quân chủ châu Âu.

Quốc hội lập pháp và phản ứng của quần chúng

Theo Hiến pháp 1791, Quốc hội lập pháp được bầu ra trong điều kiện cử tri rất hạn chế, đã khai mạc ngày 1-10-1791. Không một thành viên nào của Quốc hội lập hiến được tham gia Quốc hội mới. Các đại biểu đại và trung tư sản chiếm ưu thế trong Quốc hội.

Phái tả bị thiểu số rõ rệt, chiếm 136 trong tổng số 345 ghế, nội bộ lại không thuần nhất. Đa số của phái này, tuy chủ yếu là tư sản công thương nghiệp địa phương và trong một mức độ nào đó còn có cả tư sản ruộng đất, có liên hệ với các giới tư sản miền Nam và Đông Nam nước Pháp. Họ được bầu ở các vùng trồng nho quận Girôngđơ nên thường gọi là những người Girôngđanh do nhà báo Brixô đứng đầu. Chỉ có một bộ phận nhỏ trong phái tả là cấp tiến nhất do những người dân chủ tư sản đại diện, chủ trương cải cách xã hội, kinh tế và chính trị sâu sắc để phục vụ quyền lợi các tầng lớp nhân dân rộng rãi, bao gồm cả tư sản loại nhỏ và vừa ở thành thị và nông thôn. Họ là những người Giacôbanh. Trong Quốc hội, bao giờ họ cũng ngồi ở chỗ cao nhất phía tả nên được gọi là Phái Núi. Là thiểu số trong Quốc hội, nhưng họ lại có một chỗ dựa chắc chắn ở bên ngoài là câu lạc bộ Coođơliê, những người cách mạng nhất trong câu lạc bộ Giacôbanh do Rôbexpie lãnh đạo và được đại đa số quần chúng ủng hộ. Do đó họ hiểu sâu sắc sự cần thiết của cuộc cải cách xã hội căn bản. Sức mạnh của họ chính là ở mối liên hệ với quần chúng nhân dân đông đảo bên ngoài Quốc hội.

Phái hữu với 246 ghế thuộc nhóm Phơiăng chiếm đa số trong Quốc hội lập pháp không giải quyết được vấn đề gì căn bản có lợi cho quần chúng. Không thỏa mãn trước chính sách ruộng đất, nông dân nhiều vùng đứng dậy đấu tranh đòi Quốc hội ban hành các sắc lệnh mới. Đồng thời, những cuộc đấu tranh về lương thực liên tiếp nổ ra trong suốt nửa sau của năm 1791 và mùa xuân 1792. Quần chúng, nhất là nông dân, đấu tranh chống nạn đầu cơ lúa mì và chống việc tăng giá hàng hóa. Ở Pari và các thành phố, công nhân và dân nghèo đập phá các cửa hiệu, chống việc tăng giá quá mức các mặt hàng thiết yếu như bông, bột mì, đường... Làn sóng công phẫn lan tràn khắp miền Bắc và miền Nam nước Pháp. Tình hình đó chứng tỏ lòng bất mãn của nhân dân đối với Quốc hội lập pháp, đã khiến cho Chính phủ lập hiến của phái Phơiăng bị đổ. Ngày 23-3-1792, nhà vua buộc phải lập chính phủ mới bao gồm nhiều bộ trưởng phái Girôngđanh.

Nguy cơ chiến tranh và cao trào bảo vệ Tổ quốc trong quần chúng

Đầu năm 1792, chiến tranh đã trở thành một vấn đề nóng bỏng trước mắt làm cho mọi người phải quan tâm. Song thái độ của mỗi tầng lớp lại khác nhau tùy theo quan điểm chính trị của họ. Bè lũ phản động đứng đầu là Luy XVI hy vọng nước Pháp cách mạng sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh, nhờ đó sẽ hồi phục toàn bộ chế độ chuyên chế và trật tự phong kiến. Bọn quý tộc di cư và giáo sĩ phản động tập hợp thành một đội quân 15 ngàn người sẵn sàng tấn công nước Pháp cách mạng. Nhóm Phơiăng có thái độ không thống nhất, vừa muốn tiến hành những cuộc chiến tranh nhỏ với bọn quý tộc di cư và các nước đối thủ nhỏ, dễ thắng lợi, gây được uy thế chính trị, lại vừa sợ những cuộc xung đột lớn với các cường quốc châu Âu. Phái Girôngđanh, đại diện cho đại tư sản công thương thấy rằng chiến tranh không chỉ là một phương tiện tự vệ mà còn là một con đường giành lấy những món lợi kinh tế ở châu Âu và giành lấy ưu thế chính trị trong nước. Phái Núi cũng như nhiều hội viên các câu lạc bộ dân chủ cách mạng hiểu rất rõ sự cần thiết của một cuộc chiến tranh tự vệ. Nhưng trong hoàn cảnh mà quyền lực chính trị đang ở trong tay đối thủ của họ và quyền chỉ huy quân sự thuộc về bọn sĩ quan phản cách mạng thì chiến tranh hết sức nguy hiểm. Rôbexpie vạch mặt bọn phản động đang nằm trong nước và đòi hỏi phải tiêu diệt chúng trước khi tiến hành chiến tranh.

Những người Girôngđanh là bộ phận tuyên truyền tích cực nhất cho chiến tranh. Ngày 20-4-1792, nước Pháp tuyên chiến với Áo. Việc nước Pháp tuyên chiến trước hoàn toàn không thay đổi tính chất của cuộc chiến tranh.

Lênin đã khẳng định “Tất cả mọi người đều coi chiến tranh đó là chiến tranh chính nghĩa, tự vệ và chiến tranh đó cũng thật sự là như thế. Nước Pháp cách mạng tự vệ chống châu Âu quân chủ phản động”.[1]

Nhưng ngay từ trước, hoàng hậu Mari Antoannét đã bí mật chuyển cho nước Áo toàn bộ kế hoạch của chiến dịch. Quân Pháp do tướng tá phản động chỉ huy bị thua phải rút lui.

Luy XVI lợi dụng quyền phủ quyết đình chỉ do Hiến pháp 1791 quy định đã không phê chuẩn sắc lệnh thành lập đội quân tình nguyện 20 vạn người, thải hồi các bộ trưởng Girôngđanh và gọi phái Phơiăng ra cầm quyền.

Trước tình hình đó, lòng yêu nước của toàn dân dâng cao, bao trùm khắp nước. Hàng vạn công nhân và thợ thủ công Pari biểu tình có vũ khí, tố cáo nhà vua phản bội. Trước áp lực của quần chúng, Luy XVI giả dối hứa hẹn sẽ không vi phạm Hiến pháp. Ngày 11-7 Quốc hội lập pháp buộc phải tuyên bố “Tổ quốc lâm nguy” và ra lệnh động viên quân tình nguyện. Hưởng ứng lời kêu gọi, hàng vạn quần chúng tự vũ trang, tình nguyện tham gia quân đội. Đội quân tình nguyện tiến về Pari, hát vang bài ca “Hành khúc của đội quân sông Ranh” đầy khí thế chiến đấu. Bản anh hùng ca đó được gọi là bài “Mácxâye” trở thành bài ca chiến đấu cách mạng, quốc ca của nhân dân Pháp. Hội nghị các ủy viên 48 phân khu Pari nắm lấy chính quyền cách mạng ở thủ đô và lấy tên là Công xã Pari. Từ ngày 5-8, các phân khu Pari bắt đầu chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cuộc đấu tranh cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới.

Giai Đoạn Thứ Hai: Nền Thống Trị Của Tư Sản Cộng Hòa Girôngdanh (Từ 10 Tháng 8 -1792 Đến 2 Tháng 6-1793)

1. Cuộc khởi nghĩa nhân dân và sự thành lập nền cộng hòa

Cuộc khởi nghĩa 10-8-1792. Nền quân chủ lập hiến sụp đổ

Đêm ngày 9 rạng ngày 10-8, thành phố Pari ầm vang tiếng súng, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa mới. Các đội vũ trang nhân dân kéo đến cung điện Tuynlơri. Các Công xã cách mạng được thành lập, nắm toàn bộ chính quyền trong thành phố. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở các cổng cung điện giữa nhân dân với đội cảnh vệ của nhà vua. Cuối cùng, sau một đợt tấn công ào ạt, nhân dân chiếm được cung điện, bắt giam Luy XVI và phế truất khỏi ngôi vua mặc dầu Quốc hội tìm cách che chở. Một sắc lệnh thành lập “Hiệp hội dân tộc” để thay thế cho Quốc hội lập pháp được ban bố với chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu cho tất cả nam giới từ 21 tuổi trở lên. Chế độ quân chủ lập hiến bị sụp đổ hoàn toàn. Chính phủ mới được thành lập (gọi là Hội đồng hành pháp lâm thời) gồm phần lớn các bộ trưởng phái Girôngđanh. Chỉ có Đăngtông, bộ trưởng tư pháp là người của phái Giacôbanh... Như vậy, cuộc khởi nghĩa nhân dân ngày 10-8-1792 chẳng những đã lật đổ nền quân chủ lập hiến và ngôi vua mà còn chấm dứt sự thống trị của bọn đại tư sản phản động. Phái Phơiăng bộc lộ hoàn toàn thái độ phản cách mạng và tiếp tay cho bọn xâm lược.

Công xã Pari và các chiến thắng quân sự

Ngày 19-8, 80 vạn quân Phổ vượt biên giới tràn vào lãnh thổ Pháp và hạ thành Vecđoong ngày 2-9. Cửa ngõ Pari bị mở toang. Các thế lực phản động châu Âu (Áo, Phổ, Anh, Tây Ban Nha...) câu kết thành liên minh chống Pháp. Ngay trong hàng ngũ tướng lĩnh và sĩ quan quân đội Pháp cũng còn nhiều phần tử bảo hoàng phản động có liên hệ với bọn quý tộc di cư. Số phận nước Pháp thực là nguy kịch. Trước tình hình đó, Công xã Pari lên tiếng động viên nhân dân đứng dậy bảo vệ Tổ quốc. Lời hiệu triệu của Công xã bay đi khắp nơi: “Hãy cầm lấy vũ khí! Hỡi nhân dân, hãy cầm lấy vũ khí! Quân thù đã tới ngưỡng cửa!”. Các tiểu đoàn tình nguyện được thành lập rất nhanh. Già trẻ, lớn, bé mỗi người một việc đều tham gia cứu nước. Trong giờ phút nguy nan, những người Girôngđanh do dự, muốn bỏ chạy khỏi Pari, nhưng những người Giacôbanh tỏ ra kiên quyết và dũng cảm. Trong khi các đạo quân tình nguyện tiến ra mặt trận, Công xã tiến hành trấn áp bọn phản cách mạng. Chỉ trong ba ngày đầu tháng 9, nhân dân đã xử tử hơn 1.000 tên phản động. Cuộc khủng bố đó chính là những hành động cần thiết để tự vệ của nhân dân nhằm bảo đảm cách mạng thắng lợi.

Ngày 20-9, trên một ngọn đồi ở làng Vanmy (tỉnh Sămpanhơ) một trận ác chiến đã diễn ra giữa quân Pháp và Phổ. Lần đầu tiên quân Phổ phải bỏ chạy. Chiến thắng Vanmy làm nức lòng nhân dân, cục diện chiến tranh thay đổi hẳn. Quân Pháp tấn công vào Bỉ, xâm chiếm vùng trung lưu sông Ranh (Phổ) và chiếm Savoa (đông nam nước Pháp). Nước Pháp đã được cứu thoát nhờ tấm lòng ái quốc nhiệt thành của hàng triệu người dân và nhờ sự lãnh đạo kiên quyết của Công xã và nhóm Giacôbanh.

Hiệp hội dân tộc và sự thành lập nền Cộng hòa

Một ngày sau chiến thắng Vanmy, 21-9, Hiệp hội dân tộc khai mạc. Giữa những tràng vỗ tay nhiệt liệt, Hiệp hội tuyên bố bãi bỏ chính quyền nhà vua và thiết lập nền Cộng hòa mở đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Pháp. Từ đó, mọi văn kiện, tài liệu đều ghi “Năm thứ nhất Cộng hòa Pháp”.

Hiệp hội có 750 đại biểu. Cánh hữu là phái Girôngđanh chiếm 200 ghế. Cánh tả là phái Giacôbanh (phái Núi) chiếm 100 ghế. Còn đại đa số là những đại biểu không có quan điểm rõ rệt, được người đương thời đặt tên là phái “Đồng lầy”, chỗ dựa của Girôngđanh.

Tháng 12-1792, Công xã được bầu lại. Phái Girôngđanh tìm cách lợi dụng các thắng lợi quân sự và dựa vào sự ủng hộ của phái Đồng lầy để đánh bại đối thủ là Giacôbanh. Nhưng thành phần của Công xã mới không kém tính chất cách mạng, bao gồm những đại biểu kiên quyết và tiên tiến nhất.

2. Cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trong thời kỳ Girôngdanh

Mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phái Giacôbanh và Girôngđanh.

Phái Giacôbanh đại diện cho những người tư sản dân chủ cách mạng, chủ yếu là tư sản lớp dưới, liên minh với tiểu tư sản và các tầng lớp bình dân như tiểu chủ, thợ thủ công, công nhân thủ công trường và nông dân. Trong một giai đoạn nhất định, phái tư sản dân chủ cách mạng hòa thành một khối với những người lao động thành thị và quảng đại quần chúng nông dân, cố gắng thúc đẩy cách mạng tiến xa hơn nữa cho tới khi giải quyết được những vấn đề dân chủ tư sản hiện còn đang đặt ra trước mắt. Trong hoàn cảnh cách mạng đang ở chiều hướng đi lên, phái Giacôbanh đã nhất trí với nhân dân ở lòng kiên quyết bảo vệ và thúc đẩy cách mạng tiến tới, tiêu diệt thù trong giặc ngoài. Sức mạnh của phái Giacộbanh chính là ở mối liên hệ của họ với nhân dân.

Trái lại, phái Girôngđanh, đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp tư sản công thương nghiệp và tư sản ruộng đất. Họ đã nắm được chính quyền, đã đoạt được những thành quả của cuộc khởi nghĩa 10-8 nên họ không muốn cách mạng tiến xa hơn nữa, sợ hãi sự phát triển của lực lượng quần chúng sẽ uy hiếp đến quyền lợi và địa vị của họ. Cho nên họ trở thành lực lượng bảo thủ, dần dần chuyển sang lập trường đối địch trước những đòi hỏi của quần chúng.

Điều đó làm cho sự xung đột giữa phái Girôngđanh và Giacôbanh là điều không thể tránh khỏi.

Cuối năm 1792, số phận của nhà vua trở thành một vấn đề tranh chấp quyết liệt vì người ta phát hiện một tủ sắt giấu trong bức tường điện Tuynlơri những tài liệu của Luy XVI thông đồng bí mật với nước ngoài và bọn di cư nhằm phản bội Tổ quốc. Phái Giacôbanh đứng về lập trường của Công xã và đại đa số quần chúng đòi xử tử vua. Ngược lại, phái Girôngđanh muốn cứu vãn vua liền đề nghị đưa ra Hiệp hội dân tộc với hy vọng đa số đại biểu sẽ khoan hồng. Thực chất, đây không phải là vấn đề đối xử với cá nhân Luy XVI mà là thái độ chính trị đối với cách mạng và nền quân chủ. Dưới áp lực của quần chúng, tháng 12-1792, tòa án của Hiệp hội dân tộc quyết định xử tử vua. Ngày 21-1-1793, Luy XVI lên đoạn đầu đài.

Làn sóng công phẫn trong nhân dân. Phái “Điên dại”

Chiến tranh làm cho tình trạng kinh tế nước Pháp sa sút hẳn. Thị trường trong và ngoài nước bị thu hẹp, sản xuất sút kém, tín phiếu lạm phát quá nhiều nên sụt giá nhanh chóng, công nhân và thợ thủ công không có lương. Trong khi đó, bọn phú nông, địa chủ và bọn con buôn đầu cơ tích trữ lúa mì, bán đắt lên gấp ba lần. Đời sống trong các thành phố trở nên cực kỳ khó khăn. Từ tháng 9- 1792, nhiều nơi đã xảy ra các vụ phá kho hoặc đánh cướp các xe lúa mì. Công nhân đấu tranh đòi tăng lương và quy định giá cả.

Vấn đề căn bản của cách mạng là vấn đề ruộng đất vẫn không được giải quyết. Nông dân không đủ sức chuộc lại ruộng đất bằng những món tiền quá lớn. Hiệp hội dân tộc thông qua những sắc lệnh tháng 8-1792, quy định chia ruộng đất của bọn di cư và ruộng công nhưng đều không được thực hiện. Năm 1792-1793, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân lại bùng nổ trong khắp nước Pháp. Có nơi nông dân tự ý chia công điền. Cuộc đấu tranh giữa nông dân nghèo với tầng lớp nông dân khá giả cũng bắt đầu phát triển.

Như vậy, chính phủ Girôngđanh đã không thực sự giải quyết những yêu cầu cấp bách của quần chúng. Cho nên, làn sóng bất mãn ngày càng dâng cao, làm lung lay nền thống trị của giai cấp đại tư sản.

Quyền lợi của quần chúng được phản ánh rõ rệt trong nhóm những người vận động nhân dân như Giắccơ Ru, Lơclee, Vaclê... Họ bị chính quyền Girôngđanh thù ghét, gán cho biệt hiệu phái “Điên dại” và từ đó nó cũng trở thành một danh từ lịch sử khi nói tới họ. Phái “Điên dại” là nhóm tả nhất trong phái dân chủ cách mạng, đại diện cho quyền lợi của tầng lớp dân nghèo - tiền vô sản. Dưới một hình thức mơ hồ, có khi mâu thuẫn, các yêu sách của họ phản ánh ý nguyện chưa tự giác của những tầng lớp đang muốn thoát khỏi ách bóc lột, đi tìm một trật tự xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn. Họ muốn san bằng tài sản, chia đều của cải mà không tiêu diệt chế độ tư hữu. Họ đòi quy định giá tối đa và khủng bố bọn gian thương đầu cơ. Yêu sách của họ dừng lại ở chỗ đòi hỏi một chế độ phân phối công bằng chứ chưa tấn công vào cơ sở chế độ tư hữu tài sản.

Chính quyền Girôngđanh căm ghét và truy nã họ. Những người Giacôbanh lúc đầu không tán thành chính sách giá tối đa. Nhưng sau thấy rằng nếu không ủng hộ những yêu cầu của dân nghèo thì không thể nào chiến thắng kẻ thù được, họ liền hưởng ứng và làm áp lực đối với Hiệp hội dân tộc. Cho nên đối với Giacôbanh thì việc ủng hộ phái “Điên dại” chỉ là vấn đề sách lược. Ngày 4-5-1793, Hiệp hội ra sắc lệnh quy định giá lúa mì trong toàn quốc. Đó là kết quả đầu tiên của việc tạm thời nhích lại gần phái “Điên dại” của những người Giacôbanh.

3. Sự sụp đổ chính quyền Girôngđanh

Những đạo quân cách mạng Pháp tiến vào Bỉ, Đức. Các vương quốc Đức, Savoa, Nixơ giương cao khẩu hiệu “Hòa bình với lều gianh, chiến tranh với lâu đài” được nhân dân các địa phương hoan nghênh nhiệt liệt. Trái lại, bọn cầm quyền nước Anh và các nước quân chủ châu Âu lo sợ vì cách mạng Pháp đang đe dọa tới thị trường của Anh và làm rung chuyển nền thống trị phong kiến chuyên chế ở các nước châu Âu.

Năm 1793, các nước Anh, Áo, Phổ, Hà Lan, Tây Ban Nha, vương quốc Napôli, Xacđênha và các quốc gia Đức nhỏ liên minh lại để chống nước Pháp cách mạng. Kẻ cầm đầu và cổ vũ liên minh là nước Anh, muốn bóp chết cách mạng Pháp để chiếm lấy thị trường, các thuộc địa của Pháp. Đế chế Nga hoàng ủng hộ liên minh, tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp tháng 2-1793. Như vậy nước Cộng hòa Pháp non trẻ cùng một lúc phải đương đầu với âm mưu phản loạn bên trong và liên minh phong kiến bên ngoài. Tháng 3-1793, bọn phong kiến phản động nổi dậy ở Văngđê. Các sĩ quan Girôngđanh đầu hàng quân địch ở nhiều nơi, các quý tộc phong kiến câu kết với Girôngđanh nổi loạn, nhất là ở Lyông, tàn sát hàng chục hội viên Giacôbanh. Tỉnh thế trở nên vô cùng nguy kịch.

Ngay từ tháng 3, những người “Điên dại” đã yêu cầu đuổi bọn Girôngđanh ra khỏi Hiệp hội. Nhưng mãi đến khi chính sách phản động Girôngđanh lộ rõ, phái Giacôbanh mới ủng hộ những yêu sách trên. Dưới áp lực của phái Giacôbanh, các Tòa án đặc biệt trừng trị bọn phản cách mạng được thành lập, chính sách giá tối đa được ban hành. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập. Ngày 31-5 ủy ban kêu gọi nhân dân khởi nghĩa. Nhân dân có vũ trang bao vây Hiệp hội và đuổi các đại biểu Girôngđanh ra khỏi Hiệp hội. Những tin tức về các cuộc phiến loạn của bọn Girôngđanh ở các địa phương đưa về càng làm cho quần chúng Pari sôi sục căm thù. Ngày 2-6 Hiệp hội bị bao vây bởi đại bác của quân Vệ quốc và hàng vạn quần chúng buộc phải ra lệnh bắt 22 đại biểu Girôngđanh. Chính quyền Girôngđanh sụp đổ, chuyển sang tay phái Giacôbanh. Cuộc khởi nghĩa ngày 31-5 đến 2-6 một lần nữa thể hiện ý chí kiên cường và sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân quyết tâm thúc đẩy cách mạng đi lên. Một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển cao hơn của cách mạng Pháp bắt đầu.

Giai Đoạn Thứ Ba: Nền Chuyên Chính Dân Chủ Cách Mạng Giacôbanh (từ ngày 2 tháng 6 năm 1793 đến 27 tháng 7 năm 1794)

1. Sự thành lập chính quyền chuyên chính dân chủ Giacôbanh

Tình hình nguy kịch của nước Cộng hòa Pháp vào mùa hè 1793

Chính quyền Giacôbanh được thiết lập trong điều kiện hết sức nguy kịch. Quân đội Pháp vẫn tiếp tục thất bại. Quân đồng minh phong kiến vượt qua biên giới tràn vào đất nước. Quân Anh bao vây các hải cảng, xâm chiếm đảo Coócxơ. Vụ phiến loạn Văngđê cùng với các cuộc nổi dậy của bọn Girôngđanh lan tràn khắp miền Tây Nam, Đông Nam và miền Nam nước Pháp, chiếm tới 60 trong số 83 quận. Nền Cộng hòa dường như đang đứng bên bờ vực thẳm.

Trong những ngày đầy đe dọa đó, quần chúng nhân dân một lần nữa biểu lộ lòng kiên quyết sắt đá, ý chí kiên cường và tinh thần giác ngộ chính trị sâu sắc. Xu hướng của Đăngtông, người lãnh đạo ủy ban an ninh vẫn muốn tìm cách thỏa hiệp với Girôngđanh, bị phê phán kịch liệt. Những người Giacôbanh cách mạng đứng đầu là Rôbexpie, Mara, Xanh Giuyt, đã thấy rõ rằng muốn cứu thoát nền Cộng hòa thì phải vận động đông đảo nhân dân tham gia cuộc đấu tranh để tiêu trừ thù trong giặc ngoài.

Chính sách ruộng đất của chính quyền Giacôbanh

Qua hai giai đoạn trước, những quyền lợi thiết thân của nông dân vẫn chưa được thỏa mãn. Cho nên, chỉ một ngày sau khi nắm chính quyền, những người Giacôbanh phải giải quyết ngay vấn đề ruộng đất.

Ngày 3-6, Hiệp hội dân tộc thông qua sắc lệnh quy định đất đai tịch thu của bọn di cư được chia làm nhiều mảnh nhỏ và bán theo lối trả tiền dần trong 10 năm. Sắc lệnh còn quy định việc chia cho mỗi bần nông một acpen đất (gần nửa ha) trong số đất đai của bọn di cư, nếu nơi đó không có công điền.

Ngày 10-6, Hiệp hội ra sắc lệnh chia hẳn đất công xã cho nông dân, và điều chỉnh để cho mỗi người đều có một mảnh ruộng bằng nhau.

Ngày 17-7, Hiệp hội ra sắc lệnh hoàn toàn thủ tiêu các quyền phong kiến, nông dân được giải phóng khỏi mọi thứ đóng góp cho quý tộc mà không phải bồi thường. Các khế ước, văn tự phong kiến bị đốt, việc tàng trữ giấy tờ đó bị coi là tội nặng, có thể bị tù khổ sai.

Các đạo luật ruộng đất có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Chỉ trong hai tháng, những người Giacôbanh đã giải quyết được một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà các chính phủ trước đó không làm được trong hàng năm trời. Nó phá hoại tận gốc chế độ phong kiến, biến tầng lớp nông dân trước kia phụ thuộc vào phong kiến thành những người tiểu tư hữu tự do, và thiết lập chế độ kinh tế tiểu nông. Nó tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nước Pháp.

Chính sách ruộng đất của chính quyền Giacôbanh là biện pháp cách mạng nhất trong lịch sử các cuộc cách mạng tư sản. Tầng lớp tiểu nông đông đảo do chính sách đó tạo nên đã trở thành thành trì vững chắc cho nước Pháp cách mạng, thành lực lượng sáng tạo những chiến công huy hoàng cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1793-1794.

Hiến pháp 1793 và hệ thống chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh

Chỉ sau 2 tuần lễ chuẩn bị, ngày 24-6-1793, Hiệp hội dân tộc thông qua một bản hiến pháp mới, bản hiến pháp Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử nước Pháp. Trước hiến pháp có một bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” mới do Rôbexpie khởi thảo. Tuyên ngôn nêu rõ mục đích của xã hội là vì hạnh phúc chung và chính phủ có nhiệm vụ phải “bảo đảm những quyền tự nhiên và không thể xâm phạm” là quyền Tự do, Bình đẳng, An ninhvà Sở hữu. Công dân được quyền tự do tín ngưỡng, lao động, ngôn luận, kiến nghị...

Hiến pháp 1793 xóa bỏ chế độ phân loại công dân tích cực và tiêu cực, quy định người Pháp, nam giới đến 21 tuổi đều được đi bầu cử quốc hội. Quốc hội được bầu lại hàng năm vào ngày 1-5. Các dự luật được quốc hội thông qua sẽ đưa cho nhân dân thảo luận trong các cuộc họp cơ sở.

Hiến pháp quy định một Hội đồng hành pháp gồm 24 người do quốc hội lập pháp cử ra. Hàng năm một nửa số thành viên của Ủy ban được đổi mới.

Hiến pháp 1793 phản ánh và đánh dấu một giai đoạn mới, một giai đoạn cách mạng cao hơn. Nó tuyên bố trước toàn thế giới những nguyên tắc tự do và dân chủ, một nền dân chủ tư sản tiến bộ hơn hẳn hiến pháp năm 1791. Nó được nhân dân nhiệt liệt đón chào như một thắng lợi lớn của cách mạng.

Hiến pháp năm 1793 được thông qua nhưng không thực hiện. Trong điều kiện hết sức nguy kịch của nền Cộng hòa, thù trong giặc ngoài câu kết hòng bóp nghẹt nước Pháp, chính quyền Giacôbanh quyết định tạm hoãn việc thi hành hiến pháp nhằm ngăn ngừa kẻ địch lợi dụng những điều khoản dân chủ. Đó là một biện pháp đúng đắn vì hoàn cảnh đang đòi hỏi tăng cường chuyên chính đối với các thế lực phản động.

Chính quyền cách mạng dựa chắc chắn vào các tổ chức nhân dân mà những người Giacôbanh có vai trò cực kỳ quan trọng. Các chủ trương, dự luật, các biện pháp chính trị đều được thảo luận trong câu lạc bộ Giacôbanh trước khi đưa ra Hiệp hội dân tộc. Quần chúng nhân dân có thể tham gia ý kiến về đường lối, chính sách thông qua các ủy ban cách mạng gồm 12 người do nhân dân bầu ra ở các địa phương. Ở Trung ương, cơ quan điều hành có chức năng như chính phủ gồm 21 ủy ban, quan trọng nhất là ủy ban an ninh có nhiệm vụ trấn áp bọn phản động, thành lập lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường nền chuyên chính cách mạng. Mối liên hệ giữa Hiệp hội dân tộc và chính quyền Giacôbanh với nhân dân, việc nhân dân ủng hộ chính phủ cách mạng là nguồn lực lượng chủ yếu, là cơ sở và điều kiện tồn tại của nền chuyên chính dân chủ cách mạng. Lênin chỉ ra rằng: “Những người Giacôbanh hồi năm 1793 đã đi vào lịch sử như một tấm gương vĩ đại đấu tranh cách mạng chân chính chống giai cấp bóc lột, do giai cấp những người lao động và những người bị áp bức làm chủ toàn bộ chính quyền nhà nước tiến hành”.[2]

2. Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc

Chính sách “khủng bố đỏ” của chính quyền Giacôbanh

Những hoạt động phản cách mạng của bọn bảo hoàng và Girôngđanh ngày càng tăng cường, những cuộc ám sát xảy ra liên tiếp. Ngày 13-7-1793, Mara - một trong những nhà hoạt động xuất sắc của câu lạc bộ Giacôbanh - bị giết ngay tại nhà mình. Ba ngày sau, thị trưởng Công xã Lyông cũng bị sát hại.

Đáp lại những hành động đó, Hiệp hội dân tộc thông qua một loạt sắc lệnh tăng cường đàn áp bọn phản cách mạng, ra lệnh bắt hoặc kiểm tra các phần tử khả nghi. Hoàng hậu Mari Antoannét cùng nhiều tên phản động khác bị xử tử, tài sản bị tịch thu. Hiệp hội cử xuống các địa phương những ủy viên có quyền hành tuyệt đối để thanh trừ bọn phản động trong các cơ quan và lập lại trật tự cách mạng. Bọn đầu cơ và gian thương, các bộ trưởng Girôngđanh đều bị đưa ra tòa. Các tòa án cách mạng được tổ chức lại, quá trình xử án được rút gọn hơn, nhằm giải quyết nhanh chóng các trường hợp phạm tội. Những biện pháp tăng cường chuyên chính đó là những đòn tấn công vào thế lực phản cách mạng và củng cố hậu phương.

Đồng thời, việc thực hiện các sắc lệnh về ruộng đất đã thỏa mãn một phần lớn nông dân khiến cho họ không ủng hộ bọn phiến loạn nữa và đứng lên bảo vệ nước Cộng hòa. Phái Girôngđanh mất cơ sở rất nhanh ở các địa phương, thành trì của chúng ở miền Nam là Lyông bị chiếm lại, các đội nông dân vũ trang tiến hành trấn áp chúng. Trung tâm phản động của bọn bảo hoàng ở Văngđê bị bao vây chặt chẽ. Chính quyền cách mạng chuyển sang thế tấn công. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, nền chuyên chính Giacôbanh đã đập tan về căn bản lực lượng phản động trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chiến thắng ngoài mặt trận.

Thành lập quân đội cách mạng và những thắng lợi quân sự

Dựa theo sáng kiến của quần chúng ngày 23-8-1793 Hiệp hội dân tộc thông qua sắc lệnh tổng động viên toàn quốc. Nước Pháp cách mạng sôi sục với tinh thần ái quốc. Chỉ trong đợt động viên đầu tiên, 42 vạn người tình nguyện tòng quân. Đầu năm 1794 có tới 60 vạn. Các đội quân dự bị, nửa vũ trang được thành lập ở các địa phương. Quân đội thiếu thốn quần áo, lương thực, giày dép nhưng đầy tinh thần dũng cảm, hy sinh.

Các ngành công nghiệp đều hướng về phục vụ quốc phòng: các nhà máy, công trường thủ công sản xuất súng trường, đại bác, gươm dáo... Các nhà khoa học nổi tiếng như Bectôlê, Lavoadiê... tham gia tích cực vào công tác này. Có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các nguyên lý chiến thuật mới và tổ chức hệ thống phòng thủ là Lada Cacnô, một nhà toán học, một công trình sư có tên tuổi và Xanh Giuyt một lãnh tụ trẻ tuổi nhất của phái Giacôhanh. Quân đội cách mạng đã đề bạt lên hàng chỉ huy các nhân vật tài ba xuất thân từ quần chúng lao động: người chăn ngựa Hôsơ trở thành trung tướng, chỉ huy một quân đoàn khi mới 25 tuổi; người tiểu thương Giuôcđăng từ một hạ sĩ trở thành Tư lệnh quân đoàn miền Bắc khi mới 31 tuổi; tướng Clêbe là con một người thợ đục đá, tướng Macxô là một người đi viết thuê... Chế độ ưu đãi đối với các thanh niên dòng dõi qúy tộc hay đại tư sản trong chức vụ sĩ quan đã bị bãi bỏ.

Hai chiến thắng lớn vào tháng 9 và tháng 10 ở miền Đông Bắc nước Pháp đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh. Quân Áo bị tan rã, quân Anh và các nước tiểu quốc Đức phải rút lui. Chưa thắng được hoàn toàn, song nước Pháp đã bắt đầu thoát được cơn khủng hoảng quân sự. Đến đông xuân 1793-1794 quân Pháp chuyển sang thế chủ động. Tulông được giải phóng khỏi tay quân Anh. Andat thoát khỏi tay quân Phổ và Áo. Miền Đông được khôi phục, quân thù bị quét sạch khỏi lãnh thổ nước Pháp.

3. Sự tan rã của liên minh Giacôbanh. Sự thất bại của phái “Điên dại”

Trong những ngày đầu của nền chuyên chính Giacôbanh, tình hình trong nước rất khó khăn. Lợi dụng tình trạng chiến tranh, bọn con buôn ra sức tích trữ đầu cơ các loại lương thực và các đồ dùng cần thiết. Giá cả tăng lên, tín phiếu sụt giá nhanh chóng, các thành phố thiếu bánh mì. Đạo luật giá tối đa về lúa mì ban hành ngày 4-5-1793 không được áp dụng. Những người Điên dại” do Giăccơ Ru đứng đầu tiêu biểu cho quyền lợi của dân nghèo đòi hỏi phải ngăn chặn đầu cơ, xử tử bọn buôn gian bán lận, tịch thu tài sản và lương thực của chúng, quy định giá tối đa đối với tất cả các loại hàng hóa. Những yêu sách của phái “Điên dại” có tiếng vang rộng rãi trong quần chúng. Nhưng khi họ lên tiếng công kích hiến pháp 1793, đòi phải thêm điều khoản xử tử bọn gian thương, thậm chí đòi thực hiện ngay hiến pháp thì về căn bản những yêu sách đó không phù hợp với quyền lợi của giai cấp tư sản, ngay cả đối với phái Giacôbanh. Trong điều kiện xã hội đòi hỏi tăng cường chuyên chính để tiêu diệt thù trong giặc ngoài, việc yêu cầu thực hiện ngay hiến pháp là một sách lược sai lầm khiến cho tất cả các phe phái trong Giacôbanh từ hữu sang tả lợi dụng cớ đó, nhất trí đàn áp họ. Tháng 9-1793 Giắccơ Ru lãnh tụ của phái “Điên dại” bị bắt. Sau đó ông tự tử. Từ đấy phái “Điên dại” bị tan rã. Việc tiêu diệt phái “Điên dại” chính là sự cắt đứt sợi dây liên hệ giữa phái Giacôbanh với đông đảo quần chúng, làm cho họ dần dần xa rời những người Giacôbanh.

Giữa lúc đó, một cuộc biểu tình lớn của nhân dân gồm công nhân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị bùng nổ (4-5 tháng 9-1793). Họ nêu lên những khẩu hiệu của phái “Điên dại” được những người Giacôbanh phái tả như Êbe, Sômét ủng hộ. Chính quyền Giacôbanh chấp nhận những yêu sách của quần chúng, ủy ban công an được tổ chức lại, tăng cường trấn áp bọn phản động, củng cố lực lượng quân đội và tòa án cách mạng. Ngày 29-9, Hiệp hội dân tộc ban hành sắc lệnh tối đa cho tất cả các sản phẩm cần dùng chủ yếu trên đất Pháp. Nhưng đồng thời, Hiệp hội cũng quy định tiền lương tối đa cho công nhân quá thấp so với giá cả thực tế. Đạo luật Sapơliê vẫn được duy trì. Điều đó làm cho đời sống của quần chúng không cải thiện được bao nhiêu.

Mâu thuẫn nội bộ và sự tan rã của liên minh Giacôbanh

Trong suốt quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và nội phản, nội bộ nhóm Giacôbanh đã xảy ra sự phân hóa ngày càng rõ rệt.

Mặc dù có nhiều biện pháp ngăn ngừa của chính quyền Giacôbanh, chiến tranh cũng đã tạo thời cơ làm giàu cho bọn thương nhân và phú nông. Họ đầu cơ, tích trữ lương thực, hàng hóa, vàng bạc và tài sản quốc gia. Họ làm giàu rất nhanh chóng trên xương máu của các chiến sĩ và mồ hôi của quần chúng lao động, dần dần hình thành một lớp tư sản mới. Đại diện cho tầng lớp này là Đăngtông, người mà phái “Điên dại” đã từng tố cáo. Sự do dự lừng chừng của ủy ban an ninh bộc lộ ngày càng rõ thái độ khuynh hữu của Đăngtông. Ngày 10-7, Hiệp hội dân tộc quyết định cải tổ ủy ban, loại trừ Đăngtông, đưa vào những người kiên quyết như Xanh Giuyt, Cutông... do Rôbexpie đứng đầu.

Cánh tả Giacôbanh gồm có những phần tử kiên quyết cách mạng hơn, tiếp thu nhiều yêu sách của phái “Điên dại” sau khi phái này bị tan vỡ. Đứng đầu là Êbe (nên cánh tả còn được gọi là phái Êbe), Sômét... Họ đòi kiên quyết thi hành sắc lệnh quy định giá tối đa, thẳng tay trừng trị bọn đầu cơ, đòi chia đất và các ấp trại lớn cho những người không có đất, quốc hữu hóa các công xưởng... Họ lãnh đạo các Công xã tổ chức bán rẻ và phát phiếu bánh mì cho nhân dân, tìm mọi phương tiện để khắc phục nạn khủng hoảng. Đồng thời trong một số vấn đề, họ lại biểu lộ tính chất quá tả, đòi hỏi thi hành nhiều biện pháp mạo hiểm không phù hợp với tình hình lúc đó như đòi đóng cửa các nhà thờ, bắt các thầy tu, khủng bố gắt gao trên quy mô lớn.

Nhưng hạt nhân lãnh đạo phái Giacôbanh do Rôbexpie đứng đầu cho rằng đường lối duy nhất đúng đắn là giữ vững khối liên minh, cùng một lúc diệt trừ cả hai khuynh hướng “hữu” và “tả” mà họ cho là nguy hiểm để bảo vệ sự thống nhất ban đầu.

Sự khác biệt giữa hai phái ngày càng bộc lộ. Nhưng trong thời gian chiến tranh, những người Giacôbanh thấy rõ rằng muốn thắng lợi phải liên minh với quần chúng nhân dân bao gồm cả dân nghèo thành thị và nông thôn. Do đó, họ phải chấp nhận một số yêu sách của nhân dân quy định giá tối đa, truy nã bọn đầu cơ, tịch thu lương thực tích trữ... Điều đó đã gây nên sự bất mãn trong giai cấp tư sản và tầng lớp phú nông là những người mới làm giàu nhờ chiến tranh. Họ chịu đựng những chính sách của phái Giacôbanh như một chế độ tạm thời và bắt buộc trong lúc bị đe dọa bởi nguy cơ phục hồi chế độ phong kiến. Điều đó chứng tỏ phái Giacôbanh là một liên minh không vững chắc, bao gồm nhiều tầng lớp có quyền lợi khác nhau. Chỉ cần có những thắng lợi đầu tiên ngoài mặt trận, những dấu hiệu chứng tỏ nước Pháp đã thoát nạn thì mỗi nhóm phái lại tỏ ra cương quyết bảo vệ quyền lợi riêng tư, mâu thuẫn nội bộ của phái Giacôbanh bộc lộ.

Sự thất bại của việc thực hiện đạo luật tháng Văngtô (tháng Gió)[3] là một trong những biểu hiện đầu tiên của mâu thuẫn đó.

Ngày 26-2 và 3-3-1794 (ngày 8 và 13 tháng Văngtô), Hiệp hội giao cho Ủy ban an ninh và ủy ban công an xét lại các vụ bắt bớ sau 1-5-1789 để quyết định tha những người vô tội và xử bọn phản cách mạng. Tài sản của bọn phản cách mạng sẽ bị tịch thu và đem chia cho những người yêu nước chưa có đất. Sắc lệnh tháng Văngtô rõ ràng phản ánh khuynh hướng bình đẳng của quần chúng dân chủ trong cách mạng tư sản. Nó sẽ đẩy cho cách mạng đi xa hơn trên con đường thực hiện mơ ước bình đẳng của Ruxô, sẽ làm cho số người tiểu tư hữu tăng lên rất nhiều, nhất là ở nông thôn. Vì vậy, nó được nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt. Những người Giacôbanh phái tả coi đó là một trong những chính sách dân chủ và tích cực nhất của cách mạng.

Nhưng đại tư sản và phú nông đã thấy ngay đó là một nguy cơ dẫn đến chỗ phá sản. Cho nên chúng phá hoại ngấm ngầm trong các cơ quan và trong Hiệp hội dân tộc. Bọn “Đồng lầy” và những phần tử tư sản không muốn cách mạng tiến xa hơn nữa là những kẻ phá hoại dữ dội nhất. Kết quả là trên thực tế, sắc lệnh tháng Văngtô không được thi hành.

Tháng 3-1794 khi quân đội đã giành được thế chủ động căn bản trên các chiến trường thì cuộc đấu tranh nội bộ liên minh Giacôbanh càng trở nên gay gắt.

Ngày 4-3, phái Êbe cố gắng gây ra một cuộc khởi nghĩa ở Pari, đòi thi hành triệt để chính sách khủng bố và thực hiện các yêu sách kinh tế xã hội. Cuộc đấu tranh đó không những nhằm chống phái Đăngtông mà còn trực tiếp tấn công vào chính quyền do Rôbexpie đứng đầu. Nhưng kế hoạch khởi nghĩa không được quần chúng ủng hộ vì họ đang vui mừng trước các sắc lệnh tháng Văngtô và chờ đợi việc thực hiện nó. Ngay Sômét và các Công xã cũng không tán thành khởi nghĩa. Cho nên Êbe bị thất bại trước sự đàn áp của Rôbexpie. Sau đó, Êbe và các thủ lĩnh cánh tả đều bị bắt và bị đưa lên máy chém. Sáu ngày sau khi tấn công vào phái Êbe, chính quyền Giacôbanh chuyển sang tiêu diệt phái Đăngtông. Ngày 30-3, Đăngtông và một số bè bạn thân cận bị bắt, bị kết tội phản bội cách mạng và bị xử tử. Tầng lớp tư sản rất bất mãn trước vụ án này.

Cuối cùng, Sômét cũng bị bắt và bị xử tử vào ngày 13-4 mặc dầu ông không tham gia cuộc bạo động của Êbe. Việc khủng bố Êbe, Sômét và những người phái tả đã làm cho Rôbexpie mất chỗ dựa trong quần chúng nhân dân.

Cuộc khủng hoảng nội bộ đã dần dần làm cho chính quyền Giacôbanh rơi vào thế cô lập, lực lượng cách mạng bị suy yếu. Quyền lực tập trung vào tay “bộ ba” Rôbexpie, Xanh Giuyt và Cutông. Rôbexpie không có một chỗ dựa chắc chắn trong xã hội. Lênin chỉ ra rằng Hiệp hội dân tộc “đưa ra những dự định đại quy mô, mà lại không có chỗ dựa cần thiết để thực hiện, không biết ngay cả phải dựa vào giai cấp nào để áp dụng biện pháp này hay biện pháp khác”.[4] Vì vậy, sự tan rã của nền chuyên chính Giacôbanh trở thành điều không thể tránh khỏi.

Chiến thắng ngoài mặt trận đã đẩy nhanh quá trình đó. Chiến dịch mùa xuân 1794 đem lại nhiều thắng lợi cho nước Pháp, ở Ý, quân Pháp tiến vào Giênôva, ở Tây Ban Nha quân Pháp vượt qua dãy núi Pyrênê; ở miền Bắc và Đông Bắc, quân Áo bị thất bại nặng nề. Ngày 26-6 các lực lượng chủ yếu của đồng minh phong kiến bị tan rã tại Flơruýt sau một trận kịch chiến. Chiến thắng Flơruýt không những đã tiêu trừ được nguy cơ ngoại xâm mà còn mở ra một con đường hành quân rộng lớn cho quân đội Pháp. Chỉ trong hai tuần sau, quân Pháp đã chiếm xong Bỉ và tiến tới biên giới Hà Lan. Nhưng cũng từ sau chiến thắng đó hoạt động phản cách mạng của bọn tư sản tăng cường, nền chuyên chính Giacôbanh bước vào con đường tan rã.

Âm mưu phản cách mạng và cuộc đảo chính ngày 9 tháng Tecmiđo

Mùa hè năm 1794, cuộc đấu tranh ngấm ngầm chống Rôbexpie ngày càng lộ rõ. Các dự án sắc lệnh do Rôbexpie và Cutông thảo nhằm tăng cường chuyên chính và trưng thu toàn bộ vụ mùa năm 1794 gặp sự chống đối kịch liệt trong Hiệp hội dân tộc. Sợi dây bí mật luồn vào các Ủy ban nhà nước, vào tận hành lang của Hiệp hội dân tộc đã tập hợp các phần tử chống Rôbexpie lại: dư đảng của Đăngtông, dư đảng của Êbe và phái “Đồng lầy”. Một bộ phận đáng kể của giai cấp tư sản thành thị và nông dân khá giả đã chuyển sang lập trường chống đối. Trong khi đó, quần chúng công nhân vẫn tiếp tục đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống quy định lương tối đa và luật Sapơliê.

Ngày 26-7 (ngày 8 tháng Tecmiđo - tháng Nóng), trong phiên họp của Hiệp hội dân tộc, bài diễn văn của Rôbexpie được hoan nghênh nhiệt liệt. Tối hôm đó, ông đọc lại ở câu lạc bộ Giacôbanh và được sự ủng hộ của đại đa số hội viên, ông quyết định củng cố nền chuyên chính và tăng cường trấn áp các lực lượng đối lập từ hữu sang tả. Bọn “Đồng lầy” tưởng chừng thất bại nên hoang mang. Nhưng các phần tử phản cách mạng càng kiên quyết trong âm mưu lật đổ Rôbexpie.

Hôm sau, ngày 9 tháng Tecmiđo, tại Hiệp hội dân tộc, Xanh Giuyt đọc báo cáo một cách bình tĩnh và chắc chắn. Bọn phản động cắt ngang, hô bắt Rôbexpie, Xanh Giuyt, Cutông và những người lãnh đạo khác. Đến chiều, tin đó lan ra khắp Pari. Các Công xã và câu lạc bộ Giacôbanh kêu gọi nổi dậy dẹp bọn phản động. Quần chúng và các đội vệ quốc quân bao vây Hiệp hội dân tộc. Trong khi bị bọn phản động dẫn đến sở cảnh sát, Rôbexpie đã thoát khỏi tay chúng. Các đồng chí của ông cũng dần dần được giải thoát. Đến tối, họ họp nhau ở trụ sở Công xã. Trong giờ phút quyết liệt, quần chúng đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương và quyết liệt thì Rôbexpie và Công xã lại dao động, do dự và chậm chạp. Họ không còn có những quyết định sáng suốt và kịp thời nhự những ngày 10-8-1792, 31-5 và 2-6-1793 nữa.

Trong khi đó, bọn phản cách mạng hành động rất nhanh chóng. Chúng tuyên bố đặt Rôbexpie và các đồng chí của ông ra ngoài vòng pháp luật. Chúng tự vũ trang và điều động các đơn vị quân đội đáng tin cậy trở về Pari. Đến đêm, chúng tấn công trụ sở Công xã. Rôbexpie và những người thân cận lại bị bắt. Ngày hôm sau, Rôbexpie, Xanh Giuyt, Cutông và 18 người nữa bị giết không xét xử. Nền chuyên chính Giacôbanh tan rã hoàn toàn.

Chú thích

  1. Bước lên↑ V.Lênin: Tai họa sắp đến và những phương pháp ngăn ngừa tai họa đó.
    Toàn tập. T.34. NXB Tiến bộ, Matxcơva 1976, tr. 262
  2. Bước lên↑ Lênin: "Về những kẻ thù của nhân dân". Toàn tập, tập 32, NXB Tiến bộ. Mátxcơva 1981. tr.388.
  3. Bước lên↑ Theo lịch Cộng hòa thì ngày 22-9-1793 (ngày tuyên bố Cộng hòa) là ngày thứ nhất của năm thứ nhất. Từ đó mỗi tháng được đặt tên theo đặc điểm của thời tiết hay mùa màng:
    - Tháng Tuyết (Nivôse), Mưa (Pluvôse), Gió (Ventôse): khoảng từ tháng 1-3.
    - Tháng Gieo mạ (Germinal), Hoa (Floréal), Đồng cỏ (Prairial): khoảng từ tháng 4-6.
    - Tháng Gặt (Messidor), Nóng (Thermidor), Quả (Fructidor): khoảng từ tháng 7-9.
    - Tháng Hái nho (Vendémaire), Sương mù (Biumaire), Giá (Frimaire): khoảng từ tháng 10-12.
  4. Bước lên↑ Lênin: Báo cáo về công tác nông thôn tại Đại hội lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Nga (B) 23-3-1919. Toàn tập, tập 38. NXBTiến bộ, Matxcơva 1977. tr.236.
7 tháng 9 2021

Em tham khảo:

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, là người mỗi người Việt đều luôn phải nhớ ơn và học hỏi. Một trong những đức tính mà chúng ta cần học nhất đó là sự giản dị trong con người Bác. Tuy là một người có quyền lực nhất đất nước nhưng Bác không bao giờ xoa hoa lãng phí. Mỗi người chúng ta cũng vậy, phải luôn tiết kiệm, giản dị. Những thứ không cần thiết, thì không cần phải quá cầu kì, luôn sử dụng mọi đồ vật chỉ ở mức đủ dùng. Như là những người học sinh, chúng ta ăn mặc thật phù hợp, không ăn chơi đua đòi, không tha hóa tệ nạn xã hội. Như thế vừa là tốt cho bản thân mỗi chúng ta, vừa là tốt cho mọi người xung quanh.

tham khảo:

Văn bản Phong cách Hồ Chí Minh được trích trong bài Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị của Lê Anh Trà, in trong cuốn Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam (Viện Văn hóa xuất bản, Hà Nội, 1990). Bài văn khẳng định nét nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh, đó chính là vẻ đẹp văn hóa với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa sự vĩ đại và sự giản dị.

Phần đầu của văn bản nói về vốn tri thức văn hóa nhân loại vô cùng sâu rộng của Hồ Chí Minh: "Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mỹ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga., và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm".

Cha ông ngày xưa nói "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Bác đi nhiều nơi nên học hỏi được nhiều. Nhưng vấn đề là học bằng cách nào? Để có được vốn văn hóa sâu rộng ấy, trước hết, Bác phải nắm vững phương tiện giao tiếp là ngôn ngữ: "Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga.."; nắm vững ngôn ngữ để học qua sách vở, qua giao tiếp. Bên cạnh đó, còn phải học hỏi qua lao động, qua công việc: "Người đã làm nhiều nghề". Bằng những cách ấy, Bác đã có được một vốn tri thức đạt đến mức "sâu sắc", "uyên thâm". Điều đáng nói ở đây là Người đã tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài: "Người đã chịu ảnh hưởng tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản". Bác tiếp thu trên nền tảng sâu vững của văn hóa dân tộc để tạo nên những giá trị độc đáo: "... Điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyên được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại".

Phần thứ hai của văn bản nói về lối sống giản dị mà thanh cao của Hồ Chí Minh. Tác giả đã giới thiệu lối sống ấy một cách cụ thể bằng những chi tiết tiêu biểu, từ ngôi nhà cho đến trang phục và cách ăn uống. Mở đầu là một lời bình luận đầy ấn tượng: "Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm "cung điện" của mình. Nghệ thuật đối lập đã làm nổi bật vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh: vĩ nhân mà hết sức giản dị, gần gũi. Tác giả khiến người đọc hình dung trong sự đối chiếu các hình ảnh: cung điện của những ông vua ngày xưa, những tòa nhà nguy nga tráng lệ của các vị nguyên thủ quốc gia, và ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Chiếc nhà sàn nhỏ băng gỗ bên cạnh chiếc ao", có ai ngờ hình ảnh đơn sơ mang đậm hồn nông thôn như thế, "chỉ vẻn vẹn có vài phòng", "với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ" lại là nơi ở, nơi làm việc của một vị Chủ tịch nước. Trong bài Hồ Chứ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, khi nói về đức tính giản dị của Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng cũng nhắc đến ngôi nhà sàn "luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn". Chủ nhân ngôi nhà sàn đơn sơ ấy "cũng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn". Và "việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa". Am hiểu văn hóa nhân loại mà cách sống lại hết sức dân tộc, rất Việt Nam. Khép lại đoạn văn kể về lối sống của Bác cũng là một lời bình luận đầy thuyết phục: "Tôi dám chắc không có một vị lãnh tụ nào, một vị tổng thông hay một vị vua hiền nào ngày trước lại sống giản dị và tiết chế đến mức như vậy". "Tiết chế" là hạn chế, là giữ không cho vượt qua mức. Tuy nhiên, không nên hiểu "tiết chế" là lối sống khắc khổ theo kiểu tu hành; cũng không nên hiểu là tự hạn chế mình để trở thành khác đời, hơn đời. Sống giản dị, đó không chỉ là một lối sống, thể hiện một quan niệm sống, mà còn gắn với một quan niệm thẩm Mỹ, quan niệm về cái đẹp: cái đẹp là sự giản dị tự nhiên. Cho nên, sống giản dị mà thanh cao chính là ở đó cái đẹp, cái thanh cao nằm ngay trong cái giản dị. Tác giả đối chiếu lối sống của Bác với lối sống của "các vị hiền triết ngày xưa như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn hay Nguyễn Bỉnh Khiêm sống ở quê nhà với những thú quê thuần đức". Bác đã từng tâm sự: Ước nguyện của Bác là sau khi hoàn thành tâm nguyện cứu nước dân, Bác sẽ "làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu với vòng danh lợi". Ta chợt nhận ra trong ước nguyện của Bác cái thú điền viên, thú lâm tuyền của những bậc triết nhân hiền giả ngày xưa gặp lúc thời thế nhiễu nhương không thể hành đạo giúp đời, đã từ bỏ công danh, tìm đến cuộc sống ẩn dật nơi núi rừng, bạn cùng hoa cỏ gió trăng, giữ tâm hồn trong sạch. Nguyễn Trãi xưa về lại Côn Sơn để làm bạn với suối chảy rì rầm, với bàn đá rêu phơi, với bóng mát của rừng thông, rừng trúc xanh mát một màu. Nguyễn Bỉnh Khiêm vui thú điền viên với cảnh sống nơi thôn dã "Một mai, một cuốc, một cần câu", với cảnh thanh bần "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá - Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao" để tịnh dường tinh thần. Nhưng có điều, Bác không phải là hiền triết ẩn dật, lánh đời. Lối sống của Bác là một lối sống rất dân tộc, in đậm nét đẹp của truyền thống, nhưng vẫn rất hiện đại.

Bằng một lối viết giàu sức thuyết phục, tác giả Lê Anh Trà đã cho người đọc thấy được vẻ đẹp văn hóa trong phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và nhân loại, giữa vĩ đại 

5 tháng 12 2017

nước nào

5 tháng 12 2017

Bạn hộ mình với, trình bày nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của nước Anh, 13 thuộc địa Anh, Pháp.

16 tháng 5 2022

Tham khảo:

Cuộc nội chiến Mĩ (1861-1865) là cuộc cách mạng tư sản vì:

- Do giai cấp tư sản và tầng lớp trại chủ miền bắc lãnh đạo

- Bùng nổ do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với quan hệ sản xuất cũ (chế độ nô lệ ở miền Nam)

Kết quả: xóa bỏ chế độ nô lệ, đưa nền kinh tế TBCN phát triển ở miền nam nước Mĩ, tạo điều kiện cho kinh tế Mĩ phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX.