K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

28 tháng 3 2016
Nguyễn Đình Thi sáng tác bài thơ Đất nước bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành vào năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài thơ gồm hai phần. Phần đầu được hình thành trên cơ sở những đoạn trích từ hai bài Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Phần sau được viết năm 1955. Đất nước được nhìn qua một không gian – thời gian độc đáo: mùa thu với mốc son lịch sử là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tuy được viết trong những thời gian khác nhau nhưng cảm hứng thơ vẫn liền mạch và bài thơ là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. 

Nguyễn Đình Thi đã đúc kết những cảm xúc và suy ngẫm của mình về đất nước trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Cảm hứng thơ của tác giả kéo dài theo suốt hành trình kháng chiến, được nối kết với lịch sử oai hùng bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước và liên tưởng mở rộng tới tương tai tươi sáng của cách mạng. Đó chính là cảm hứng về một đất nước vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần được triển khai theo hướng từ cụ thể đến khái quát.

 

Trong bài thơ này, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình về đất nước bằng hình ảnh mùa thu xưa, mùa thu nay và hình ảnh đất nước đau thương, bất khuất, anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thông qua đó, nhà thơ bày tỏ tình yêu đất nước, lòng căm thù giặc, niềm tự hào, niềm tin son sắt vào tương lai tươi sáng của dân tộc và đất nước.

  Bài thơ chia làm hai đoạn: đoạn thứ nhất từ đầu đến …vọng nói về, đoạn thứ hai là phần còn lại. Mạch cảm xúc và suy tưởng cũng là kết cấu cơ bản của bài thơ. Khởi đầu là cảm xúc về một sớm mùa thu ở chiến khu Việt Bắc gợi nhớ về mùa thu đã xa của Hà Nội. Nỗi nhớ về mùa thu xưa dẫn dắt cảm xúc về mùa thu nay, mùa thu cách mạng với niềm tự hào của người công dân được làm chủ đất nước. Cảm xúc nâng cao, mở rộng về đất nước trong đau thương, căm hờn đã vùng lên chiến đấu bất khuất và chiến thắng vẻ vang : Rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Mở đầu bài thơ là cảm giác lâng lâng của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời mùa thu Việt Bắc, gợi nhớ về những ngày thu đã xa của Hà Nội mến yêu: Sáng mát trong như sáng năm xưa,
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.
 Chỉ bằng vài nét gợi tả mà tác giả đã thể hiện được không gian, thời gian, màu sắc, hương vị của mùa thu : không khí mát trong, gió thổi phảng phất mùi hương cốm mới, kết tinh của hương vị đất trời, cây cỏ mùa thu. Hình ảnh mùa thu trong quá khứ và thực tại đan xen trong tâm tưởng của nhà thơ.
Mùa thu Hà Nội với những nét đặc trưng của khung cảnh thiên nhiên và con người hiện ra thật cụ thể, sinh động:
 Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
 Làn gió heo may se lạnh thổi dọc lòng những con phố nhỏ, làm xao xác hàng cây, với những thềm nắng lá rơi đầy. Ẩn sau những câu thơ tả cảnh là Hà Nội thanh lịch có bề dày bốn nghìn năm lịch sử với Hồ Tây, Hồ Gươm, đền vua Lê, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Những di tích, danh lam thắng cảnh ấy là niềm tự hào to lớn của bao thế hệ người Hà Nội. Mùa thu Hà Nội giống như một bức tranh với đường nét mềm mại, màu sắc và ánh sáng hòa hợp gây ấn tượng sâu đậm, chất chứa tâm trạng. Trên cái nền phong cảnh ấy nổi bật lên hình ảnh những chiến sĩ hào hoa, dũng cảm, tạm xa Thủ đô thân yêu để lên đường kháng chiến. Người ra đi đầu không ngoảnh lại đầy ý chí và quyết tâm nhưng lòng thì vẫn vấn vương, vẫn cảm nhận được bằng cả tâm hồn cái sắc vàng xao xuyến : Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Câu thơ vừa thực vừa ảo. Tình thơ vương bao nhiêu lưu luyến bên trong. Nhịp thơ ngập ngừng, bâng khuâng như lòng người bâng khuâng, quyến luyến. Thấp thoáng đâu đó trong câu thơ là bóng dáng khách chinh phu dứt áo ra đi vì nghĩa lớn : Tráng sĩ nhất khứ bất phục phản (Tráng sĩ một đi không trở lại). Cái không khí chớm lạnh, cái sắc nắng thu vàng một màu li biệt càng làm tăng thêm phong vị cổ điển của câu thơ, cảnh thu Hà Nội đẹp nhưng buồn vắng đến nao lòng. Có thể nói bốn câu thơ miêu tả mùa thu Hà Nội là những câu thơ gây ấn tượng nhất trong bài. Nó phản ánh tâm hồn tinh tế và ngòi bút tài hoa của Nguyễn Đình Thi. Dường như nỗi buồn, sự lưu luyến, xao xuyến, nhớ nhung của nhà thơ, vương vấn trong cái chớm lạnh của buổi đầu thu, trong xao xác hơi may, trong khung cảnh thềm nắng lá rơi đầy. Đặt tính từ xao xác trước hơi may là tác giả có ý nhấn mạnh đến nét đáng yêu, đáng nhớ nhất của gió thu và âm thanh tiêu biểu nhất của mùa thu. Nhịp điệu, âm hưởng thơ mang nỗi buồn man mác, hợp với khung cảnh huyền ảo của mùa thu Hà Nội. Nhà thơ đã phác họa nên bức tranh mùa thu Hà Nội với những đường nét mềm mại, màu sắc trong sáng làm xúc động lòng người, để lại ấn tượng khó phai. Đây cũng chính là biểu hiện của tình yêu Hà Nội thiết tha, say đắm và tình yêu ấy khiến cho cảm hứng của thi sĩ thăng hoa. Đang hồi tưởng về một mùa thu đã xa của Hà Nội, cảm xúc của tác giả bỗng chuyển hướng sang mùa thu hiện tại bằng một câu thơ ngắn, âm điệu dứt khoát như một lời khẳng định: Mùa thu nay khác rồi Mùa thu nay là mùa thu thứ hai ở chiến khu Việt Bắc (1948) tràn đầy khí thế sau chiến thắng Thu Đông 1947. Ở đoạn thơ đầu, tiết tấu chậm, âm hưởng trầm lắng hợp với dòng hoài niệm, hợp với cảnh thu buồn và tâm trạng bâng khuâng, da diết. Đến đoạn này, những câu thơ được viết theo thể tự do, nhịp điệu sôi nổi, phóng khoáng; cảm xúc rạo rực, phấn khích, rộn rã, tươi vui: Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
 Bức tranh mùa thu nay hiện ra với những chi tiết, hình ảnh bình dị, dân dã, khỏe khoắn và tươi sáng. Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bao la của núi rừng Việt Bắc, hòa lòng mình vào cuộc kháng chiến thần thánh của toàn dân tộc, tâm trạng của chủ thể trữ tình có sự biến đổi rất rõ. Từ tâm trạng phảng phất buồn khi hoài niệm về mùa thu Hà Nội năm xưa đã chuyển sang tâm trạng hào hứng, sối nổi, tràn ngập niềm vui trước khung cảnh mùa thu ở chiến khu Việt Bắc. “Cái tôi trữ tình” cũng chuyển thành “cái ta” Nhà thơ không chỉ nhân danh cá nhân mà còn nhân danh cộng đồng để nói lên niềm tự hào chính đáng và ý thức làm chủ non sống, đất nước, cảm hứng về mùa thu của Nguyễn Đình Thi gắn liền với cảm hứng về đất nước trong từng thời kì lịch sử, mùa thu đất trời gắn liền với mùa thu cách mạng. Đất nước được nhìn ngắm, suy ngẫm từ một sự kiện lịch sử đáng nhớ: mùa thu 1945 cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Niềm vui mới to lớn tràn ngập lòng người, tràn ngập đất trời chiến khu Việt Bắc. Hình ảnh trong đoạn thơ này tươi mát, sống động. Từ ngữ được sử dụng rất chọn lọc nhằm nhấn mạnh cái khác của thu nay. Mùa thu với ngọn gió phóng khoáng thổi ào ào làm cả rừng tre phấp phới như bay như mua trên cái nền trong biếc của trời thu thay áo mới, trong biếc ở con mắt nhìn cảnh vật, giữa tiếng nói cười thiết tha rộn ràng của con người. Đây là nét nghệ thuật độc đáo mà Nguyễn Đình Thi đã đem đến cho những bài thơ viết về mùa thu, thực sự thổi một luồng gió mới vào đề tài mùa thu trong thơ ca Việt Nam. Cái buồn, cái lạnh của thu xưa dường như đã lùi xa. Mùa thu nay đẹp đẽ, trong sáng bởi tâm hồn, đôi mắt của thi nhân đầy phấn chấn và tin tưởng. Sự tinh tế trong cảm xúc của tác giả thể hiện ở sự cảm nhận được nét riêng của không gian mùa thu: tiết trời êm ả, ánh nắng vàng dịu, bầu trời dường như xanh cao hơn, không khí như nhẹ hơn và mọi âm thanh cũng trở nên ngân xa, vang vọng. Từ cảm xúc về mùa thu đất nước dẫn đến tình cảm mến yêu tha thiết và lòng tự hào về đất nước, nhà thơ ngắm nhìn cảnh vật với tâm hồn phơi phới lạc quan, yêu đời. Niềm vui tràn ngập lòng người, tràn ngập đất trời. Cội nguồn của niềm vui ấy thật to lớn, sâu xa. Đó là do đất nước sau Cách mạng tháng Tám đã về tay nhân dân. Đó là hạnh phúc lớn lao của dân tộc, của đất nước đã dành được chủ quyền thiêng liêng độc lập, tự do. Đoạn thơ với nhịp điệu rộn ràng, hào hứng và những hình ảnh đẹp đẽ, tươi mát đã thể hiện vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của đất nước thân yêu. Nhà thơ như reo như hát lên niềm hạnh phúc bất tận ấy: Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa. Với nhạc điệu rộn ràng, náo nức, hình ảnh nối tiếp hình ảnh, quấn quýt hòa quyện vào nhau, đoạn thơ tạo nên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam sau ngày độc lập. Âm hưởng đoạn thơ mênh mang bởi những âm tiết ngân vang: ta, thơm mát, bát ngát, phù sa… Các dòng thơ liên kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau để làm nổi bật ý thơ. Điệp khúc là của chúng ta cứ ngân nga, vang vọng giữa đất trời, sông núi. Tất cả những gì thân yêu, quen thuộc trên đất nước này đều là của chúng ta. Còn gì sung sướng hơn, tự hào hơn bốn tiếng ấy sau hàng trăm năm nô lệ, dân tộc ta phải đổ bao xương máu mới giành được quyền làm chủ. Cũng nguồn cảm hứng say sưa, dạt dào như thế, nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên: của ta, trời đất, đêm ngày ; Núi kia, đồi nọ, sống này của ta ! (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên). Cái thế đứng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là thế đứng của con người tự do kiêu hãnh ngẩng cao đầu, cảm hứng mở ra, vẽ ra những hình ảnh thân thương của đất nước với chiều rộng, chiều dài và sắc màu của bầu trời, núi rừng, cánh đồng, ngả đường, dòng sông… Trời thu thay áo mới, Những cánh đồng thơm mát, Những ngả đường bát ngát, Những dòng sông đỏ nặng phù sa… càng trở nên bội phần đẹp đẽ vì đã về tay chúng ta. Sắc đỏ của phù sa gợi liên tưởng tới những chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ non sông. Chữ nặng không chỉ diễn tả lượng phù sa trong nước của dòng sông mà còn đặc tả bề dày của dòng chảy bốn nghìn năm lịch sử. Nước không chỉ đỏ nặng phù sa màu mỡ mà còn cuồn cuộn dòng máu quật cường. Những liên tưởng sâu xa ấy khiến cho cảm xúc thơ trở nên trầm lắng, thiết tha. Ý thơ đi từ những hình ảnh cụ thể, hữu hình, đến sự cảm nhận cái vô hình là truyền thống, là hồn thiêng đất nước. Nhà thơ suy ngẫm về chiều sâu, về bề dày của lịch sử để từ đó đúc kết thành chân lí: Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về. Không chỉ những sự vật hữu hình như bầu trời, cánh đồng, núi rừng, dòng sông… mà còn cả những yếu tố vô hình làm nên đất nước. Nước chúng ta – giản đơn ba chữ mà chất chứa tình cảm thiêng liêng pha lẫn tự hào. Câu thơ nước những người chưa bao giò khuất là lời khẳng định như chân lí bất di bất dịch về một thực tế hiển nhiên. Suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm, trải qua bao phen chống ngoại xâm, có thắng có bại nhưng đất nước này, dân tộc này chưa bao giờ khuất phục trước bạo lực của quân thù. Truyền thống bất khuất ấy truyền từ đời này sang đời khác. Nhà thơ lắng nghe tiếng nói quật cường vọng lên từ lòng đất. Đất, qua tâm hồn nhà thơ và tâm hồn chúng ta, không chỉ xanh tốt những vạt rừng, thơm mát những cánh đồng, bát ngát những ngả đường, đỏ nặng phù sa của những dòng sông mà còn rì rầm tiếng nói đấu tranh bao đời không bao giờ tắt. Câu thơ trở nên trang trọng, trầm lắng khi nói đến tiếng vọng thiêng liêng của ngàn xưa rì rầm trong tiếng đất. Tiêng đất là tiếng của lịch sử, là tiếng của hồn thiêng sông núi tự ngày xưa đang vọng nói về hiện tại. Mồ hôi, xương máu của tổ tiên, ông cha thấm vào lòng đất đã bao đời, thành tiếng đất luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu hãy giữ lấy giang sơn gấm vóc của tổ tiên. Từ đó, nhà thơ suy nghĩ về đất nước trong chiến tranh giải phóng, trong đau thương căm hờn đứng lên chiến đấu bất khuất anh hùng. Có thể nói ít có hình ảnh nào thể hiện nỗi đau thương tang tóc của dân tộc và đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lại cô đọng, hàm súc và gây ám ảnh sâu sắc như những hình ảnh trong hai câu thơ: Ôi những cảnh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều. Dấu ấn khốc liệt của chiến tranh bao phủ khắp nơi. Đạn bom quân thù cày nát mặt đất, triệt hạ sự sống. Ánh hoàng hôn đỏ hắt xuống khiến những cánh đồng quê như chảy máu. Hàng rào dây thép gai quanh đồn bốt giặc tua tủa chĩa lên như muốn đâm nát trời chiều vốn tĩnh lặng, bình yên. Cả hai chiều không gian đều in đậm bóng dáng sự tàn phá, chết chóc của chiến tranh. Từng chữ, từng câu thơ oằn nặng bởi cảm xúc đau thương, căm giận.
Các hình ảnh trong đoạn thơ này hoàn toàn tương phản với hình ảnh trong đoạn thơ trên. Những cánh đồng quê chảy máu thay cho những cánh đồng thơm mát. Trời chiều bị dây thép gai đâm nát thay thế cho sắc trời thu trong biếc thanh bình. Cuộc sống êm ả xưa kia giờ không còn nữa. Đâu đâu cũng là cảnh tang tóc, đau thương. Bao nhiêu máu xương đã đổ xuống mảnh đất này. Trên cái nền là đất nước đau thương ấy, nhà thơ khắc họa nổi bật hình ảnh và tâm trạng người chiến sĩ: Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. Nhà thơ cảm nhận sâu sắc những rung động tinh tế trong tâm hồn mỗi người lính ra trận. Đó là tâm trạng cháy bỏng yêu thương nhân dân và nung nấu hờn căm quân cướp nước. Mối căm thù sôi sục trong tim, thôi thúc những đêm dài hành quân không nghỉ. Mối căm thù dồn lên mũi lê, đầu súng nhằm thẳng quân thù. Nhưng chính lúc ấy cũng thấp thoáng hiện lên trong nỗi nhớ đôi mắt của người yêu chờ đợi khiến tâm hồn chiến sĩ ta bồn chồn, xao xuyến. Hay nhất trong phần sau của bài thơ có lẽ là khổ thơ này. Phải là người từng trải, có vốn sống phong phú và trái tim dạt dào tình cảm nhân ái thì tác giả mới có cách diễn đạt tự nhiên về sự hài hòa giữa tình cảm riêng chung, giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước của người chiến sĩ. Ở đoạn thơ cuối, tác giả dồn hết tâm huyết để tô đậm hình ảnh đất nước từ trong đau thương đã anh dũng đứng lên chiến đấu. Đó là hình tượng cao đẹp về đất nước muôn đời, về sự vươn mình vĩ đại của đất nước và con người Việt Nam trong thời đại mới: Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da. Nỗi đau xót như thấm sâu vào từng câu, từng chữ, từng hình ảnh tiêu biểu tạo nên ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Đặc biệt hình ảnh Bát cơm chan đầy nước mắt, Bay còn giằng khỏi miệng ta nói lên tột cùng tội ác của quân thù và tột cùng sự tủi cực của nhân dân ta trong vòng nô lệ. Nhưng bạo lực của kẻ thù đã không thể bắt chúng ta phải khuất phục: Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước, thương nhà
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người ảo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng Từ thực tế kháng chiến gian nan và hào hùng, Nguyễn Đình Thi đã viết nên những câu thơ khái quát về sự mất mát, hi sinh của đất nước cùng quyết tâm giành lại chủ quyền độc lập tự do của dân tộc ta. cả dân tộc đoàn kết thành một khối thống nhất, trán đẫm mồ hôi và mắt ngời hi vọng, rắn rỏi mạnh mẽ bước tới tương lai: Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh    
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh. Cái hay của đoạn thơ này chính là âm điệu thơ hào hùng, sảng khoái. Tiếng nói trữ tình của nhà thơ mang âm vang tiếng nói của cả dân tộc đang hướng tới tương lai. Nhân dân ta đứng dậy giữ nước không chỉ bằng sức mạnh tình cảm mà còn bằng sức mạnh lí trí, có ánh sáng cách mạng soi dường và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Kết thúc bài thơ là hình ảnh đất nước từ trong đau thương, căm hận và máu lửa chiến tranh đã hiên ngang đứng dậy, tự khẳng định mình trước lịch sử và nhân loại: Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lừa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Âm hưởng hào hùng, sảng khoái của đoạn thơ được tạo nên từ thể thơ sáu chữ với tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập cùng với hàng loạt hình ảnh đậm chất anh hùng ca lấy từ thực tế của chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt mà nhà thơ đã trực tiếp tham gia và được tận mắt chứng kiến: “Tổ trông thấy các anh – Nguyễn Đình Thi kể – mình mẩy đầy bùn, nhưng khi nhảy lên trên mặt đất, các anh hiện lên chói lòa trong ánh nắng”. Tác giả đã tạo nên hình tượng thơ đẹp đẽ, hào hùng từ hình ảnh rất chân thực: trong máu lửa, bùn lầy, giữa tiếng đại bác rền vang rung trời chuyển đất, chiến sĩ ta từ các chiến hào ào ạt xông lên như nước vỡ bờ. Hình ảnh của họ nổi lên trên nền trời như một tượng đài kì vĩ của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng. Sau: Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, Máu trộn bùn non, Gan không núng, chí không mòn! (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu), quân dân ta đã chiến thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm trường kì gian khổ chống thực dân Pháp, mở ra một trang sử mới, khẳng định vị trí và tên tuổi của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Đất nước là một bài thơ góp phần làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Thi trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Bài thơ này tiêu biểu cho suy ngẫm sâu sắc của tác giả về đất nước. Với cảm hứng thơ lúc trầm lắng lúc sối trào, cùng với nhịp thơ biến đổi vô cùng linh hoạt, hình ảnh đất nước cứ ngời lên trong khổ đau, gian nan, vất vả. Nguyễn Đình Thi là nhà thơ của đất nước trong đau thương. Ý tưởng về một đất nước đau thương mà hào hùng, bất khuất không phải chỉ Nguyễn Đình Thi mới có, nhưng do hình tượng trong thơ ông thấm đẫm cảm xúc bỉ tráng, gắn với những ấn tượng sâu sắc nên Đất nước là một tác phẩm xuất sắc, đủ sức vượt qua mọi thử thách của thời gian để sống mãi trong lòng người đọc.
28 tháng 3 2016

bạn viết ngắn bớt được không ?

21 tháng 11 2021

Bạn tham khảo:

Sự khác biệt trong cảm nhận và biểu hiện: Mỗi người đều có những khám phá riêng về Đất nước của mình.

+, Với "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, cảm nhân về đất nước của ông mở rộng từ quá khứ tới tương lai về một đất nước kiên cường, bất khuất, vươn dậy trở thành "những anh hùng áo vải", đem đến một tương lai huy hoàng. Bài thơ của Nguyễn Đình Thi mang màu sắc hiện đại, trẻ trung, pha chút u buồn, trầm lắng, nhưng không thiếu đi nét dân tộc, truyền thống. Tính dân tộc trong bài thơ được thể hiện qua hình ảnh của mùa thu xử sở với gió heo may, với "hương cốm mới", với cảm giác "chớm lạnh" giữa "những phố dài" của Hà Nội thủ đô. Mạch nguồn của truyền thống kết nối với hiện tại để làm nên một đất nước anh hùng. Truyền thống đó được lớp lớp người con Việt Nam kế cận, không chỉ là về văn hóa, phong tục mà còn về truyền thống anh dũng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương mình

+, Nguyễn Khoa Điềm lại vẽ lên hình tượng một đất nước với đầy màu sắc văn hóa dân gian. Không như Nguyễn Đình Thi dùng mùa thu để nói về hình tượng đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã dùng chất liệu dân gian, của ca dao và thần thoại để tạo nên hình tượng đất nước, đồng thời thể hiện tư tưởng "đất nước của nhân dân". Đây là một tư duy tư tưởng vừa mới mẻ lại vừa hết sức quen thuộc. Bởi dân gian cũng chính là nhân dân, nhân dân là phần cơ bản nhất, rõ ràng nhất để nhận ra đất nước. Nhưng nó cũng vô cùng mởi mẻ bởi chất liệu dân gian dựng lên hình tượng đất nước gợi ra một đất nước bình dị, gần gũi, hiền hòa, đầy chất thơ, luôn sống mãi cùng con người và dân tộc.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
16 tháng 11 2023

Truyện ngắn Rừng xà nu được in trong tập truyện ngắn Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.Tác phẩm được viết vào năm 1965. Đây là thời điểm Mỹ đổ quân tham chiến ở miền Nam

- Chất sử thi được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên hùng vĩ , tráng lệ vừa đậm chất thơ của núi rừng Tây Nguyên.

+ Thiên nhiên trong Rừng xà nu thấm đẫm một cảm hứng sử thi và chất thơ hào hùng thể hiện qua từng trang sách miêu tả về rừng xà nu. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây”, thì kết túc tác phẩm vẫn là rừng xà nu “nối tiếp nhau chạy đến chân trời”. Đó chính là bức tranh thiên nhiên toàn cảnh về cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn và hào hùng của dân tộc ta.

-  Tnú – hình ảnh người anh hùng bất tử của dân làng Xôman: người anh hùng Tnú với những phẩm chất tốt đẹp. Xây dựng hình tượng người anh hùng này cũng là biểu hiện chất “Sử thi”.

- Tnú: Cuộc đời đầy đau khổ, cay đắng, bị kẻ thù giết hại cả gia đình, anh đã biến đau thương thành hành động trở thành anh lực lượng đi đánh giặc trả thù nhà nợ nước.

+ Tnú và chặng đường đầu của cách mạng (Nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, bị giặc bắt)

+ Vượt ngục trở về trực tiếp lãnh đạo dân làng Xô Man đánh giặc.

+ Cùng một lúc phải hứng chịu hai tấn bi kịch do tội ác của giặc gây ra (vợ con bị giặc giết, bản thân anh bị giặc đốt cụt mười đầu ngón tay)

+ Hình tượng đôi bàn tay Tnú (đôi tay cần cù lao động, đôi tay chứng nhân tội ác kẻ thù, đôi tay chưa bao giờ biết phản bội…)

- Tính cộng đồng trong tác phẩm: Những người gan dạ dũng cảm trong cộng đồng làng Xô man. Mỗi con người là một sức mạnh, mỗi ngọn giáo đứng lên là thể hiện một lòng căm thù. Tính chất cộng đồng được thể hiện trong tác phẩm rất rõ:

+ Hình ảnh sum vầy, quây quần bên nhau, nương tựa vào nhau “cơm nước xong từ phía nhà ưng có ai đấy đánh lên một hồi mõ dài ba tiếng , dân làng lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết”. Tất cả mọi người từ các cụ già các cô gái, những đứa trẻ sum tụ bên nhau để nghe câu chuyện cuộc đời Tnú.

+ Cụ Mết, thế hệ đi trước, một con người từng xông pha trong kháng chiến chống Pháp, nay lại tiếp tục sứ mệnh tiếp thêm sức mạnh cho con cháu, là người chỉ đường dẫn lối, là người truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ mai sau “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.

+ Dít, một cô gái với lòng dũng cảm, sự thông minh, ấn tượng bởi “đôi mắt mở to và bình thản”. Bình thản trước súng gươm của kẻ thù. Phẩm chất kìm nén đau thương để biến thành hành động, nhanh chóng trở thành cô bí thư chi bộ, cấp chỉ huy cao nhất của làng Xô Man.

- Hình thức kể chuyện với cách tạo không khí truyện rất Tây Nguyên đậm đà màu sắc sử thi truyền thống. Bao trùm lên toàn bộ thiên truyện là một khung cảnh nghiêm trang, hào khí lại vừa mang đậm chất lãng mạn cuốn hút về làng Xô man bất khuất kiên cường.

27 tháng 7 2021

Đất Nước của Nguyễn Đình Thi là một trong những bài thơ hay của dân tộc, tác phẩm nói đến khung cảnh thiên nhiên và tình yêu với quê hương, đất nước.

Ngay trong đầu đoạn thơ, tác giả đã nói đến khung cảnh thiên nhiên của mùa thu Hà Nội, nơi có những hương cốm thơm ngát, với tiết trời của mùa thu nhè nhẹ, thoáng mát và những cơn gió thổi của hương cốm mới:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Tác giả đang nhớ đến những năm tháng sống ở nơi phố phường Hà Nội, nơi có những cảnh vật gần gũi của mùa thu Hà Nội, của những cơn gió mát hiu hiu của tiết trời mùa thu, nơi có những hương cốm mới, làm tâm hồn của người Hà Nội đang xao xác những cảm xúc và tình cảm của con người, nơi đây, con người như đang hòa quyện với không gian của thiên nhiên, đất trời, nơi có những con phố dài man mác, với những hơi may và cảm xúc vơi đầy, sau lưng là những ánh nắng rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha!

Mùa thu xưa trong tâm hồn của tác giả ngập tràn những cảm xúc, những trạng thái và rơi những cảm xúc xa xưa, nơi đây mùa thu đã rơi, và mùa thu nay đã khác xa so với mùa thu xưa, đứng giữa núi đồi năm nay, tác giả đang dần cảm nhận được những cảm xúc, trạng thái và tâm hồn của những người thi sĩ, đang say đắm, lòng người trước khung cảnh của thiên nhiên, mùa thu của núi rừng Tây Bắc, của đất trời, của những rừng tre phấp phới, trong tiết trời mùa thu của đất trời.

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Trời xanh là của chúng ta, tất cả không gian của núi rừng, của những cánh đồng thơm mát và cánh đồng đang nặng đỏ phù sa, tất cả nó đang dần thể hiện rõ trong từng khoảng khắc và tâm trạng của con người, cảm giác đó nhẹ nhàng nhưng cũng gắn bó và sâu sắc trong cảm xúc của mỗi người, với cánh đồng đỏ nặng dòng phù sa và con đường bát ngát với những núi rừng mênh mang, con người đang dần cảm nhận được những cảm xúc, gắn bó với những quy luật của cuộc sống, của không gian, mênh mông, ở đó con người như gắn bó với những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu nắng, nơi con đường xa xôi, và da diết trong tâm hồn:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về!

Đất nước có nhiều truyền thống tốt đẹp, của những con người đã khuất vì bảo vệ sự nghiệp cho đất nước, cho dân tộc, của những đêm bom đạn rầm rầm đổ, những tiếng cười nói đó vọng lên trong những khoảng khắc, cảm xúc của con người nói chung và tâm hồn của con người nói riêng. Những người chưa bao giờ khuất là những con người anh hùng, họ sống mãi với dân tộc Việt Nam, họ đã hy sinh vì đất nước, vì sự độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

25 tháng 10 2023

Nhắc đến cái tên Nguyễn Đình Thi, người ta nhắc đến một người con Hà Nội đa tài với nhiều tài nghệ đáng nể. Ông không chỉ viết nhạc nổi tiếng với bài Người Hà Nội mà còn viết kịch, viết truyện, viết thơ. Trong đó, tác phẩm thơ được nhiều người biết đến và được phổ thành nhạc là bài thơ Đất nước. Bài thơ là hình ảnh của đất nước Việt Nam trong mùa thu hoài niệm, trong những ngày bom lửa của chiến tranh và trong tầm nhìn về một tương lai mới tươi đẹp.

Bài thơ được viết trong một khoảng thời gian dài từ 1949 đến năm 1955 và có một số đoạn được trích từ các tác phẩm trước của ông như Sáng mát trong như sáng năm xưa hay Đêm mitting, ... Thế nhưng, với tài năng của mình, Nguyễn Đình Thi đã biến nó thành một chỉnh thể thống nhất và để nó trở thành một trong những tác phẩm thơ viết về đề tài đất nước hay nhất trong diễn đàn văn học Việt Nam.

Mở đầu bài thơ, người ta thấy hiện lên trước mắt là một khung cảnh trời thu với những hình ảnh thật hoài niệm của mùa thu Hà Nội:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sớm chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

Khi viết bài thơ này, Nguyễn Đình Thi đang đứng giữa núi trời Việt Bắc, ấy vậy mà ông lại nhớ thương về một Hà Nội xa xôi với mùi hương cốm nồng nàn. Nếu là người Việt Nam, hẳn ai cũng biết Hà Nội đẹp nhất, thơm nhất vào những ngày thu với bầu trời trong xanh và hương cốm làng Vòng thoang thoảng đưa trong gió. Và Nguyễn Đình Thi - người con của Hà Nội cũng không ngoại lệ khi trăn trở nhớ về Hà Nội của ông.

Đứng giữa chiến khu Việt Bắc, giữa một sáng trời thu "mát trong", ông hoài niệm về một Hà Nội cũng từng có trời thu như thế và thoảng đâu trong gió, mùi cốm đưa lại dìu dịu, nồng nàn - nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội.

Mùa thu với khung cảnh đất trời Hà Nội cứ dội về tâm trí của ông "tôi nhớ những ngày thu đã xa". Vậy ông nhớ điều gì? Nguyễn Đình Thi nhớ những con phố dài ở Hà Nội, nhớ cái chớm lạnh trên đất trời thủ đô. Làn gió "mát trong" trong lành và hơi se lạnh là cái khiến cho nhà thơ phải thao thức, phải trăn trở nhất lúc này quá khứ và hiện tại đồng hiện với nhau trong từng câu thơ, đọc thơ mà người đọc như cảm tưởng mình đang đứng giữa thủ đô trong một buổi sáng mùa thu lành lạnh vậy. Hình ảnh "hương cốm mới" gợi lên trong lòng chúng ta biết bao hoài niệm về thu Hà Nội với cốm làng Vòng gói trong những chiếc lá sen xanh ngan ngát hương sen, thoảng vào trong gió. Cái mùi hương đặc trưng của thu sẽ chẳng thể nào phai mờ trong tâm trí, như Hữu Thỉnh cũng đã từng nói về hương ổi mùa thu rằng:

"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió thu
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về"

Nỗi "nhớ" của người thi sĩ là nỗi nhớ về những năm tháng khi xưa, khi còn được sống giữa lòng Hà Nội để mà tận hưởng cái "chớm lạnh" se se mùa thu kia. Nguyễn Đình Thi đã tinh tế khi đặt "cái chớm lạnh" tức cái lạnh se se trở thành một phần trong nỗi nhớ Hà Nội, bởi đó là đặc trưng, là hương sắc riêng của trời thu Hà Nội. Và hơn thế, hình ảnh "những con phố dài xao xác hơi may" không khỏi khiến chúng ta mường tượng ra những con phố dài cổ kính của Hà Nội. Những con phố ấy hiện lên thật rõ trong tâm trí của nhà thơ dù ông đang ở trên Việt Bắc. Và nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng Nguyễn Đình Thi đã thật tinh tế khi ông đặt ở đây từ Hán Việt "hơi may". "Hơi may" tức là gió lạnh, thế nhưng, ông không dùng hai từ gió lạnh mà lại dùng hai từ "hơi may" khiến câu thơ trở lên đậm một chất tình, vừa êm dịu, nhẹ nhàng mà lại phảng phất đâu đó nỗi buồn. Phải chăng khi nhớ về Hà Nội, Nguyễn Đình Thi nhớ tới một Hà Nội dịu dàng, ngọt ngào như thế?

Kết thúc những hình ảnh hoài niệm về Hà Nội khi xưa là hình ảnh của người vệ quốc quân trên đường ra đi vì chí lớn. Người chiến sĩ ấy ra đi với quyết tâm lớn;

"Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

Ra đi vì chí lớn, quyết tâm lớn, không hề ngoảnh đầu lại, nhưng trong tâm hồn người chiến sĩ ấy là nỗi lưu luyến quê hương đến vô cùng. Những nắng những lá rơi đầy, vương đầy trên bậc thềm khiến cho lòng người càng bâng khuâng tha thiết hơn. Nỗi buồn tràn đầy khắp tâm tư người chiến sĩ nhưng chẳng hề làm lung lay cái ý chí quyết tâm của mình.

Khổ thơ đầu tiên là những hoài niệm về một Hà Nội êm đềm trong tâm trí nhà thơ. Đó là một Hà Nội những ngày còn hòa bình, còn êm dịu trước chiến tranh!

Kế tiếp theo là những dòng thơ về hiện tại, về mùa thu của đất trời trên chiến khu Việt Bắc đồng thời nó cũng thể hiện sự chuyển biến tâm trạng của tác giả. Nếu như ở đoạn thơ phía trên, Nguyễn Đình Thi thể hiện một mùa thu đầy hoài niệm, phảng phất nỗi buồn thì ở đoạn thơ này, người ta lại thấy một niềm vui phơi phới trong từng dòng thơ:

"Mùa thu nay đã khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa đất trời
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc tiếng nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Ngay từ những câu thơ đầu của đoạn thơ này, người ta đã thấy niềm vui lan tỏa trong từng câu chữ. Nguyễn Đình Thi khẳng định "Mùa thu nay đã khác rồi", lời khẳng định chắc nịch, chứa chan niềm vui sướng, hân hoan, phấn khởi. Khổ thơ trước là sự hoài niệm, là nỗi buồn phảng phất thì ở khổ thơ này, niềm vui như được nhân lên gấp bội. Cuộc sống mới ở giữa núi rừng Việt Bắc đã cho nhà thơ nguồn cảm hứng dạt dào. Ông viết :

"Tôi đứng vui nghe giữa đất trời
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trong biếc tiếng nói cười thiết tha"

Một câu thơ mà có đến ba động từ liên tiếp, thể hiện sự tập trung tới cao độ của nhà thơ khi hướng về đất nước, hướng về Tổ quốc của mình. Thêm vào đó, ông sử dụng ở trong đoạn thơ này hình ảnh "rừng tre" - đây là hình ảnh vốn là biểu tượng cho con người Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam. "Rừng tre" ấy đang "phấp phới" trong làn gió mát rượi của mùa thu, trong niềm vui phấn khởi. Cả một "rừng tre" to lớn là thế, ấy vậy mà Nguyễn Đình Thi lại sử dụng từ láy "phấp phới" để chỉ, một từ vốn chỉ dành cho những thứ mềm mại, mỏng manh, nhẹ nhàng trong gió. Điều này thể hiện niềm vui dạt dào trong tâm hồn nhà thơ cũng như trong tâm hồn của con người Việt Nam.

Tiếp theo sau, Nguyễn Đình Thi lại kể về hình ảnh của trời thu, của sắc thu. Vẫn màu xanh ấy thế nhưng, thu ở đây "trong biếc tiếng nói cười", nó là màu xanh trong của hi vọng, của hạnh phúc tràn đầy của những con người được làm chủ đất nước của mình.

"Trời thu thay áo mới
Trong biếc tiếng nói cười thiết tha"

Và niềm vui ấy còn càng trào dâng mạnh mẽ hơn với niềm tự hào về một đất nước giàu có, tươi đẹp:

"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa '

Mỗi lời thơ là một lời giới thiệu, một niềm tự hào to lớn về Tổ quốc của mình. Chẳng thế mà nhà thơ liên tục khẳng định "đây là của chúng ta", lời khẳng định chắc nịch về chủ quyền của đất nước. Và những dòng thơ tiếp theo như một lời giới thiệu về non sông Tổ quốc mình với sự giàu có và tươi đẹp.

Đoạn thơ thể hiện cảm xúc tươi vui, xen lẫn hào hùng- cảm hứng sử thi bát ngát. Ở đó chúng ta thấy được một mùa thu mới mẻ, mùa thu của hạnh phúc được làm chủ quê hương của mình.

Những dòng thơ tiếp theo là hình ảnh của một đất nước trong chiến tranh với bao đau thương, mất mát, thế nhưng, xen lẫn là niềm tự hào về truyền thống đánh giặc của cha ông.

Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến chống quân xâm lược mà gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù có bao nhiêu quân giặc, có mạnh mẽ đến đâu đều bị nhân dân ta đánh bại, làm nên những chiến thắng vẻ vang. Truyền thống đánh giặc ấy không phải chỉ mới có mà nó đã phát triển và được gìn giữ từ bao nhiêu thế hệ trước, từ trận Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, đến hai cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên, chúng ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kì kẻ thù nào! Nói về truyền thống đánh giặc là nói về niềm tự hào rất đỗi lớn lao của dân tộc Việt Nam ta, những lớp người Việt Nam, lớp này kế tiếp lớp khác luôn đứng lên giành lại độc lập cho dân tộc dù có phải chịu bao đau thương, bao mất mát, hy sinh. Mỗi lời thơ của tác giả như một lời nhắc nhở chúng ta về đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của cha ông.

"Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về"

Khơi dậy lên trong lòng mỗi người đọc chúng ta một niềm tự hào dân tộc rất đỗi hào hùng, bởi đất nước của chúng ta là "nước những người chưa bao giờ khuất", chưa bao giờ chúng ta chịu lùi bước trước một kẻ thù nào. Từng tiếng nói "Sát Thát' của cha ông cứ vẳng lên trong đêm, vẳng lên những lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Không phải dễ dàng chúng ta mới tự hào về truyền thống ấy, bởi chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh cứu quốc, bao mất mát hy sinh, đau thương :

"Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
...
Đã bật lên những tiếng căm hờn"

Nguyễn Đình Thi đã sử dụng ở đây một loạt những hình ảnh đau thương mà chiến tranh gây lên cho dân tộc ta, nào là "dây thép gai đâm nát trời chiều", nào là "những cánh đồng quê chảy máu", ... Tất cả đều là những điều bình dị ở quê hương của chúng ta, nó êm ả là thế cho đến khi bị quân thù giày xéo, chúng đã biến chúng thành biển máu, biển nước mắt. Hình ảnh nhân hóa "cánh đồng quê chảy máu" hay "dây thép gai đâm nát trời chiều" đều nhấn mạnh sự đau thương cùng cảm giác bi phẫn, đau đớn đến nghẹn ngào của tác giả. Ôi, chiến tranh, lũ giặc tàn ác đã cướp đi tất cả những yên bình, những hồn hậu của quê hương ta ! Lũ giặc ấy đã khiến cả những "gốc tre hồn hậu" nhất cũng phải "bật lên những tiếng căm hờn"!

Thế nhưng, xen lẫn trong đau thương, người ta vẫn thấy hiện lên ở đó một nét thi vị, một sự lãng mạn của người chiến sĩ. Trong những đêm hành quân giữa rừng sâu, người chiến sĩ trẻ tuổi ấy không thể không nhớ tới người con gái mà mình yêu thương đang ở nơi quê nhà. Và bỗng đâu, đêm hành quân ấy bỗng trở lên thi vị hóa vô cùng :

"Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu"

Còn gì lãng mạn, thi vị hơn thế nữa khi mà tình yêu đôi lứa hòa cùng với tình yêu đất nước, thống nhất trong một tình yêu lớn lao của những người con đất Việt? Nó đã trở thành động lực giúp những người chiến sĩ có thêm sức mạnh để chiến đấu, sớm giành lại độc lập để trở về bên những người thân yêu. Hình ảnh này, chúng ta cũng từng được thấy trong thơ Quang Dũng, khi ông miêu tả những người lính trẻ Hà thành đang hành quân "Tây Tiến":

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Chúng ta - những người Việt Nam hiền lành, trung hậu, thế nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù dù chúng có mạnh mẽ, có những vũ khí tối tân đến thế nào! Chính vì thế mà sự tàn bạo chúng đặt lên đầu nhân dân ta càng khủng khiếp và man rợ bấy nhiêu, bởi chúng muốn đàn áp, muốn nhấn chìm đi những khát vọng hòa bình của dân tộc ta. Ở tại khổ thơ tiếp theo này, nhà thơ đã liệt kê cho chúng ta thấy được sự dã man của quân thù, những tội ác mà chúng đã gieo rắc cho nhân dân ta :

"Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da"

Những hình ảnh ấy thật đau đớn làm sao, cho chúng ta thấy được sự tàn ác của bè lũ kẻ thù. Và chính những đau thương ấy, sự khốc liệt ấy vừa khiến ta phải căm hờn vừa rèn giũa cho chúng ta - những người Việt Nam ý chí, sức mạnh, phẩm chất tạo nên những người anh hùng.

Ở hai khổ thơ này, nhà thơ đã sử dụng tương phản hai hình ảnh : tội ác của kẻ thù với sự đau thương cùng sức sống của dân tộc ta để khẳng định những phẩm chất anh hùng, đồng thời khẳng định niềm tin, lòng yêu nước, yêu hòa bình của dân tộc ta :

"Xiềng xích bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà"

Cuối cùng để khép lại một bài thơ về đề tài đất nước, Nguyễn Đình Thi đã kể về một đất nước trong niềm vui xây dựng Tổ quốc và trong khát vọng hướng tới tương lai.

Sau chiến tranh, công cuộc đầu tiên cần thiết lập lại đó là công cuộc xây dựng lại Tổ quốc bằng công nghiệp, bằng lao động. Hình ảnh những tiếng kẻng gọi quân cùng làn khói nhà máy bay lên giữa trời thu như khẳng định được sức mạnh của dân tộc ta, khẳng định sự cố gắng xây dựng Tổ quốc của nhân dân ta. Đông từ "ôm đất nước" như cái ôm thật chặt của chính tác giả, bao trọn tình yêu của mình dành cho tất cả con người Việt Nam, ôm trọn những đau thương để giờ đây những con người ấy trở thành bất khuất, trở thành những anh hùng. Phảng phất ở đây là niềm tự hào mạnh mẽ khi chúng ta - một đất nước nhỏ bé đã vươn dậy từ những đau thương mà tiến lên xây dựng một tương lai sáng ngời cho dân tộc mình.

Cuối cùng, những hình ảnh tươi sáng, đẹp đẽ như "trời đất mới, ánh bình minh" được Nguyễn Đình Thi sử dụng như một hình ảnh gợi lên ngày mai tươi sáng của dân tộc ta. Những con người Việt Nam ta, từ sau chiến tranh, đi lên "như nước vỡ bờ", mạnh mẽ, dữ dội, cố gắng hết sức giành lấy tự do cho chính mình.

Khép lại bài thơ là một hình ảnh vô cùng hùng vĩ, hào hùng, đẹp đẽ :

"Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

Hai câu thơ nhưng lại là hai hình ảnh đối lập "bùn, máu" với ánh sáng "chói lòa" làm sáng ngời lên ý chí của con người Việt Nam, tinh thần không chịu khuất phục của dân tộc Việt Nam.

Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ ca ngợi về Tổ quốc, về con người Việt Nam. Nhà thơ đã miêu tả đất nước trong hành trình đi lên từ những đau thương của chiến tranh cho tới khát vọng về một tương lai tương sáng, khi con người Việt Nam được làm chủ quê hương của mình, cùng nhau phát triển đất nước. Sâu bên trong từng câu chữ là niềm tự hào của tác giả về truyền thống của cha ông qua bao thế hệ và nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Về mặt nghệ thuật, bài thơ sử dụng nhiều hình ảnh mang sức gợi lên, giàu chất thơ, lồng trong tình yêu nước sâu sắc. Ngôn từ thơ giản dị , chan chứa yêu thương, niềm tự hào dân tộc. Ngoài ra, các biện pháp nghệ thuật cũng được sử dụng hết sức linh hoạt và nhuần nhuyễn.

Bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi là một trong những bài thơ hay nhất về đề tài đất nước trong nền thơ ca Việt. Bài thơ đã khẳng định tên tuổi của Nguyễn Đình Thi, để ông xứng đáng góp mặt trong những nhà thơ xuất sắc nhất của văn đàn thơ của dân tộc ta.

28 tháng 2 2020

Trong đoạn thơ trích từ  bài Đất nước , Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã tự hào ca ngợi đất nước mình là mãi mãi , không bao giờ diệt vong , nước của những con người '' chưa bao giờ khuất '' - những con người yêu Tổ Quốc đã đổ máu cho quê hương - Những con người có linh hồn bất diệt . Nhà thơ tưởng nhớ đến những chiến sĩ và nhắc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất nước vẻ vang , oanh liệt của dân tộc . Trải qua nghìn năm lịch sử , ..................

BN TỰ VT TIẾP NHÉ

28 tháng 2 2020

cảm ơn bạn

Với thể thơ lục bát truyền thống có âm điệu êm đềm, tác giả đã làm sống dậy tình cảm dạt dào về quê hương qua hàng loạt kỷ niệm hồi còn thơ bé. Điều đó thể hiện rõ ngay từ những câu mở đầu: "Quê hương là một tiếng ve/ Lời ru của mẹ trưa hè à ơi/ Dòng sông con nước đầy vơi/ Quê hương là một góc trời tuổi thơ". Tác giả đưa ra liên tiếp những khái niệm về quê hương thật cụ thể, và gần gũi - với cái nhìn hồn nhiên của con trẻ. Theo đó, "Quê hương là": tiếng ve kêu, lời ru của bà, của mẹ, là dòng sông uốn lượn, tiếng sáo diều bay bổng, cánh cò trắng nổi bật trên triền đê xanh cỏ. Quê hương ngày bé sao mà gắn bó, thân thương đến thế? Đó cũng là dấu ấn kỷ niệm của hầu hết những ai đã từng sống ở chốn thôn quê, ruộng đồng. Chưa hết, vào những buổi chợ phiên, quê hương là nỗi niềm thấp thỏm chờ mong mẹ đi chợ mua về quà bánh đa. Hay nhất trong bài là những câu: "Quê hương là cánh đồng vàng/ Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều".

10 tháng 12 2021

thêm tham khảo vào đi bạn!

Trả lời

Nhà thơ đã tinh tế vẽ nên một bức tranh màu sắc hài hòa, tươi đẹp, rất đặc trưng của làng quê Việt. Giữa nền xanh biếc “biển lúa” là hình ảnh đàn cò trắng chao nghiêng rập rờn. Cánh cò ấy không cao vút tầng không mà “bay lả” giữa cánh đồng, dưới những đám mây mờ bị che phủ bởi đỉnh núi, mở ra khung cảnh về một đất nước thanh bình.

Để có được sự thanh bình ấy, dân tộc ta đã phải trải qua bao đau thương, mất mát, chịu bao gông xiềng của phong kiến, đế quốc. Hình ảnh “mảnh áo nâu nhuộm bùn” như minh chứng cho sự gian lao, tảo tần, cho đức hy sinh của những con người thật thà, chất phác. Trước muôn vàn khổ đau, mảnh đất nghèo biến những con người bé nhỏ thành những anh hùng bất khuất, không chịu lùi bước trước bạo tàn mà “chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”. Trong mọi hoàn cảnh, lòng yêu nước luôn được đặt lên trên hết.

Đất nước ngày một khang trang, đời sống nhân dân cũng đổi thay rõ rệt. Vậy nhưng, hình ảnh hào hùng trong quá khứ và niềm vui của con người những năm đầu hòa bình sẽ mãi trường tồn với thời gian. Để mỗi chúng ta có thể tự hào rằng, 

Việt Nam đất nước ta ơi 

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn…

                                ~Học tốt!~

14 tháng 12 2021

Em tham khảo:

Với thể thơ lục bát truyền thống có âm điệu êm đềm, tác giả đã làm sống dậy tình cảm dạt dào về quê hương qua hàng loạt kỷ niệm hồi còn thơ bé. Điều đó thể hiện rõ ngay từ những câu mở đầu: "Quê hương là một tiếng ve/ Lời ru của mẹ trưa hè à ơi/ Dòng sông con nước đầy vơi/ Quê hương là một góc trời tuổi thơ". Tác giả đưa ra liên tiếp những khái niệm về quê hương thật cụ thể, và gần gũi - với cái nhìn hồn nhiên của con trẻ. Theo đó, "Quê hương là": tiếng ve kêu, lời ru của bà, của mẹ, là dòng sông uốn lượn, tiếng sáo diều bay bổng, cánh cò trắng nổi bật trên triền đê xanh cỏ. Quê hương ngày bé sao mà gắn bó, thân thương đến thế? Đó cũng là dấu ấn kỷ niệm của hầu hết những ai đã từng sống ở chốn thôn quê, ruộng đồng. Chưa hết, vào những buổi chợ phiên, quê hương là nỗi niềm thấp thỏm chờ mong mẹ đi chợ mua về quà bánh đa. Hay nhất trong bài là những câu: "Quê hương là cánh đồng vàng/ Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều".

7 tháng 7

Hơi lạ

6 tháng 7 2018

Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận và suy tư như thế nào về quê hương đất nước trong phần 2.

a. Đất nước đau thương

- Nhà thơ nêu lên tội ác của giặc bằng những hình ảnh giàu tính khái quát như đồng quê chảy máu, bát cơm chan đầy nước mắt…

- Bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa cánh đồng quê chảy máu đã tố cáo tội ác của giặc.

- Kẻ thù đã hủy hoại cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân ta.

--> Chính tội ác ấy đã làm cho nhân dân ta căm hờn mà quyết tâm đứng dậy đánh cho chúng tan hoang, đánh cho chúng không còn đường chạy.

b. Đất nước quật khởi huy hoàng

- Nghệ thuật đối có sức gợi cảm mạnh mẽ, một bên là sự tàn bạo của quân xâm lược, một bên là quyền sống chính đáng của nhân dân ta.

- Tất cả những hình ảnh trên kết hợp lại thành một biểu tượng của đất nước.

- Những câu thơ cuối lấy chất liệu hiện thực từ trận đánh Điện Biên Phủ.

--> Khổ thơ là một sự khám phá về chủ nghĩa anh hùng của đất nước, từ bùn lầy của nô lệ, từ đau thương quật khởi chiến thắng vang dội.