Samuel Johson – một tác giả người Anh đã từng cho rằng: “Ước mơ giống như những vì sao… ta có thể không bao giờ chạm tay vào được, nhưng nếu đi theo chúng, chúng sẽ dẫn ta đến vận mệnh của mình.” Và nếu một ai hỏi tôi thứ gì đắt đỏ nhất chỉ mang đậm bản ngã của riêng tôi, thì tôi xin trả lời đó là ước mơ. Nhà văn người Nga Prisvin cũng từng đưa ra suy nghĩ: “Phải ước mơ mơ nhiều hơn nữa, ước mơ tha thiết hơn nữa để biến tương lai thành hiện tại.” Nhưng đồng thời ngạn ngữ cũng có câu: “Cuộc đời ngắn ngủi không cho ta ước vọng quá nhiều.”
Có lẽ đôi lần trầm ngâm ta cũng tự hỏi liệu ước mơ có định nghĩa nào chăng. Ước mơ trong mỗi người lại mang mỗi hình thái khác nhau, giống như mỗi tâm hồn lại là một vẻ đẹp khác nhau. Nó là điều mỗi con người hướng đến, khát khao biến nó thành hiện thực. Và như nhà văn Prisvin nói, ta phải “ước mơ nhiều hơn nữa, ước mơ tha thiết hơn nữa”, tức là ta phải nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để có thể biến ước mơ không còn chỉ là ước mơ, mà là thực tại. Nhưng cuộc sống của mỗi con người là một vòng thời gian hữu hạn, ta không sống đủ lâu để ước vọng quá nhiều. Điều ấy không có nghĩa ta ngừng mơ, và từ “ước vọng” ở đây không đồng nghĩa với từ “ước mơ” mà Prisvin đã sử dụng. “Ước vọng” nhằm hướng tới một ý nghĩa rằng ta không có nhiều thời gian để trốn tránh khó khăn mà hãy đối mặt với mục tiêu của mình và đối mặt với nó để ta không phải nuối tiếc. Hai ý kiến tưởng chừng đặt ở hai bên cán cân đối lập nhau, thực chất lại đang đề cao và bổ sung cho nhau, đế biến ước mơ trở nên hoàn thiện hơn trong mắt mỗi người.
Khi trong tâm trí ta luôn ấp ủ một ước mơ tức là ta đang thực sự sống, đang có mục đích của đời mình. Trước mắt ta không còn là khoảng trời mịt mù sương trắng mà là một đỉnh núi cao vời vợi. Nghĩ đến những điều ta phải trải qua trên chặng đường chạm đến hoài bão, ta cảm thấy chùn chân và lo sợ. Nhưng giờ đây ta biết, ta không lạc lối. Và có lẽ việc mệt nhoài trong mồ hôi, nước mắt vì khát vọng của mình chẳng thể đáng sợ bằng những đêm đông tối tăm tưởng chừng không thấy hồi kết vì ta chẳng biết mình là ai và mình muốn gì. Nếu cứ bằng lòng mà sống thế thì ta so với thực vật, cỏ cây vô giác đâu khác chi nhau ngoài dáng vẻ. Chính vì ta không chấp nhận một cuộc đời phí hoài đến thế, nên ước mơ cho ta một động lực mạnh mẽ, thôi thúc ta đuổi theo nó để tìm được lời hồi đáp.
Giống như cách vận động viên trượt băng đơn nam người Nhật Bản Yuzuru Hanyu đứng lên sau chẳng biết bao nhiêu lần gục ngã. Trong một cuộc thi trượt băng quốc tế được tổ chức ở Thượng Hải, anh đã xảy ra va chạm với một vận động viên khác trong lúc khởi động. Người ta nghẹt thở khi thấy trên gương mặt anh lẫn lộn là máu, mồ hôi và nước mắt. Chẳng ai có thể quên được cách Yuzuru Hanyu không ngừng ngã xuống rồi lại đứng lên, ngã xuống rồi lại đứng lên khi thực hiện phần thi. Nhưng những đớn đau xác thịt ấy không thể ngăn anh chạm tới huy chương Vàng, đem về cho Nhật Bản một niềm tự hào trên đấu trường quốc tế.
Ước mơ đôi khi không chỉ hàm nghĩa cho một nguồn động lực cháy bỏng mà còn như một ánh sáng chỉ được khi ta lạc lối. Sẽ có ngày ta nhận ra, khi ta bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống, thứ ta mất đi không phải năng lượng mà là hoài bão thuở ban đầu của ta. Dẫu biết sẽ có lúc ước mơ ấy sẽ gặp rào cản hay những lời đàm tiếu cũng những người xung quanh nhưng ta chỉ có thể là chính mình khi ta không từ bỏ khát khao, hay như Prisvin nói “phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải ước mơ tha thiết hơn nữa”.
Dẫu vậy, bên cạnh đó ngạn ngữ vẫn luôn cho rằng cuộc đời hữu hạn không cho phép ta mơ ước quá nhiều. Thực chất nhận định này chỉ nhằm bổ sung cho ý kiến của Prisvin rằng ước mơ sẽ luôn gặp khó khăn, nhưng cuộc đời quá ngắn ngủi để ta trốn tránh những trăn trở trước mắt bằng cách tìm đến mục tiêu dễ dàng hơn. Ta sẽ chẳng bao giờ thực hiện được điều gì nếu ta nhanh chóng từ bỏ và lại chuyển sang mục tiêu khác. Nếu ta chần chừ trước rào cản này thì rồi ra cũng sẽ chần chừ trước rào cản khác đầy hèn nhát mà thôi. David Williams từng viết trong “Bà nội Găngxtơ” của mình rằng: “Tất cả những gì cháu có thể làm trong cuộc đời này là theo đuổi giấc mơ. Nếu không làm được thế thì cháu đang lãng phí thời gian đấy.” Có lẽ trong quá trình tìm cách giúp cho nhân loại có thể bay được như chim trời, anh em Wright đã phải trải qua bao lần thất bại và những lời chế nhạo, nghi hoặc. Nhưng đuổi theo ước mơ, giống như đuổi theo các vì sao, ta không chạm được đến chúng thì chúng vẫn mở ra cho ta một vùng trời kì diệu. Dù không thể bay như chim trời nhưng nhờ ước mơ tưởng chừng vô lí của anh em Wright, máy bay có thể cất cánh, nhân loại được tìm tòi thêm một phần nhỏ bé nào đó mênh mông trong giữa thế giới bạt ngàn của trí tuệ.
Vậy lẽ nào chỉ có những ước mơ chỉ đem lại giá trị khi ta nhìn thấy nó có hình có dáng trước mắt chăng? Nhưng có những giấc mơ bị cho là viển vông mà mỗi đứa trẻ đều có cho riêng mình, ước mơ được làm siêu anh hùng, ước mơ được dịch chuyển tức thời hay càng hồn nhiên hơn là ước mơ có thể giao tiếp với động vật, cây cối. Có lẽ hiện tại giấc mơ ấy nghe chừng thật điên rồ và khó hiểu nhưng 300 năm nữa, 400 năm nữa liệu con người có thể dịch chuyển tức thời hay không? Chẳng ai có thể biết được điều ấy, ta chỉ có thể chắc chắn một điều rằng khi con người bắt đầu mơ, giấc mơ ấy mới có cơ hội trở thành hiện thực. “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi rồi cũng thành đường thôi.” Cách đây vài trăm năm liệu có ai dám nghĩ Trái Đất hình cầu không? Chính vì thế ước mơ khám phá thế giới thật nực cười và vô lý nhưng giờ đây, nhờ thế mà con người ta chinh phục mặt đất, biển sâu, bầu trời và cả vũ trụ bí ẩn ngoài kia. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết trong “Tôi là Beto” rằng: “Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải là ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không.
Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hóa thân một cách hồn nhiên vào đấng toàn năng.” Rồi bạn sẽ nhận ra đôi khi chúng ta cần ước mơ không chỉ để biến nó thành hiện thực mà ta còn cần ước mơ để sống lương thiện hơn, sống một cuộc đời thứ hai theo cách của ta.
Vậy nên ta không thể ở phương diện của mình mà đánh giá ước mơ của bất kì ai. Đối với ta, có lẽ ước mơ ấy nghe chừng thật tủi mủn, tầm thường, là điều bất cứ ai cũng dễ dàng có được trong cuộc đời nhưng có lẽ với họ đấy là khát khao cả đời khó có được. Ví như ta luôn coi việc được ăn no mặc ấm là điều kiện thường tình nhưng với một số người đó là điều họ chẳng dám mong ước riêng mình mà là cho con cháu họ có được đôi giày mới hay bộ sách để đu học. Những ước mơ nhỏ bé với chúng ta không đồng nghĩa đó là giấc mơ nhỏ nhen hay rẻ rúng mà giấc mơ đó thậm chí còn quý giá hơn nữa khi nó còn nồng đượm tình yêu thương. Khi ấy chính chúng ta mới là người thiển cận và vội vàng hơn ai cả.
Có những người dùng cả đời để phấn đấu, theo đuổi một ước mơ, khát vọng, lý tưởng cuộc đời hữu hạn không cho phép để rồi phải ngã xuống khi chưa được hưởng trái ngọt từ thành quả của mình. Những đóng góp của họ không chỉ đơn thuần cho chính họ mà còn cho cả thế hệ sau hay thậm chí là toàn nhân loại. Giống như trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, biết bao người chiến sĩ lên đường ra mặt trận vì một ước mơ sẽ giành lấy độc lập cho đất nước, sẽ trở về trong khúc khải hoàn và hô to hai tiếng “tự do” nhưng lại vội vã hi sinh. Khi đó họ đâu biết liệu ước mơ của mình có trở thành hiện thực nhưng họ nguyện hi sinh, nguyện nằm xuống để anh em, để các thế hệ sau tiếp tục thực hiện hoài bão này. Chúng ta cần phải biết trân trọng, biết ơn những con người sẵn sàng đánh đổi tất cả vì ước mơ chung của một tập thể, một xã hội, một dân tộc, một đất nước.
Ước mơ chỉ đẹp và thật sự đẹp không chỉ khi nó phải gắn chặt với thực tại mà nó vẫn đẹp đẽ kể cả khi ta không biết nó sẽ thế nào trong tương lai nhưng nó đem đến cho ta nhiều giá trị hơn là những tương lai gần thông thường. Chính vì phải mất nhiều công sức, xương máu và thời gian để đạt được nên giấc mơ mới luôn lung linh như thế. Hãy thực hiện ước mở của mình trước khi không thể, để ta sẽ không nằm trên giường với thân thể đã già cỗi mà tâm hồn thì luôn rạo rực một nỗi niềm tiếc nuối, khát vọng vì ước mơ thuở đầu còn dở dang.