Chắc hẳn, không ít lần chúng ta nhận được câu hỏi: "ước mơ của bạn là gì?". Câu hỏi này tương tự như một lời khẳng định: ai rồi cũng có ước mơ, dù trước hay sau, dù lớn lao hay nhỏ bé. Sở dĩ ước mơ là một phần của con người ta, dẫn dắt tâm ta khỏi lạc lối và hướng tới khát vọng cao đẹp, năng lượng nhất. Thế nhưng, trong ngạn ngữ tương truyền câu: "Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta ước vọng quá nhiều". Còn nhà văn Nga M.Pris-vin lại cho rằng: "Phải ước mơ nhiều hơn nữa, thiết tha hơn nữa để biến tương lai thành hiện thực". Liệu hai quan điểm ấy có mâu thuẫn với nhau?
Nỗi niềm khát vọng như một bản thể của con người từ thời xa xưa tới tự bây giờ. Đó là những mục đích mỗi chúng ta khát khao mong muốn đạt được trong tương lai hoặc ngay giây phút hiện tại. Đáp ứng cho nhu cầu của tinh thần và thể chất, ước mơ được cổ nhân đến các bậc trí thức đời sau chú trọng đúc kết. Đến với câu ngạn ngữ, ý nói quỹ thời gian cuộc đời rất hữu hạn, sẽ đến một ngày nó "chợt tắt", tan biến vào hư vô. Vì vậy nó "không cho phép ta ước vọng quá nhiều", hoài mơ viển vông mà xa rời hiện tại, mà không biết tận dụng quỹ thời gian để thực hiện ước vọng của mình. Như thế là ta đang lãng phí những giây phút quý giá của "cuộc đời ngắn ngủi". Còn quan điểm nhà văn Nga M.Pris-vin lại dặn dò ta ước mơ nhiều hơn, dựng thêm đích đến để tiếp tục thiết tha, tin tưởng vào lựa chọn và chính bản thân mình để từ đó "biến tương lai thành hiện tại". Hai ý kiến, thoáng đọc qua tưởng chừng mâu thuẫn nhưng thực chất lại bổ sung cho nhau để đi đến một kết luận cuối cùng: mọi ước mơ đều có thể thực hiện, chỉ cần ta tin và ta làm.
Trên hành trình vươn tới ước mơ, những khó khăn, giông tố sẽ luôn hiện hữu cản bước chúng ta. Ngay khi ấy là lúc ta phải chuẩn bị một tinh thần thép tin tưởng hết mực và ước mơ. Dặn lòng: "đây là thử thách mình sẽ vượt qua" vẫn tốt hơn "đây là điều khó có thể vượt qua". Niềm tin luôn là một loại động lực to lớn giúp ta thêm kiên cường, vững chãi, thêm yêu giấc mơ nhiều hơn nữa, thiết tha hơn nữa. Thử hỏi, nếu ta dễ mủi lòng, bi quan mà lạc mất niềm tin với chính mình từ đó bỏ dở ước mơ thì điều gì sẽ xảy ra? Lúc ấy, ta đã đánh mất ước mơ từ lâu rồi! Càng thiết tha, càng tin tưởng mọi chuyện càng dễ dàng, sẵn sàng vượt lên trên tất cả thử thách để chinh phục ước mơ.
Song song với một niềm tin mãnh liệt là hành động - điều tiên quyết ước mơ có được thực hiện hóa hay không. Khi hành động sẽ tạo ra quá trình, và phải có quá trình mới có kết quả. Ví như một hạt mầm nảy nở thành cái cây non, dần dà cao lớn, vững chãi, sau cùng mới đơm hoa kết trái - tuy hoa quả ngọt ngào nhưng chùm rễ lại đắng cay. Con người ta cũng vậy, muốn có thành quả phải trải qua cả một quá trình dài. Trong hành trình ấy là những nỗ lực, cố gắng không ngừng, "hết mình với đam mê". Dẫu thực có khó khăn nhưng hành động quyết tâm của ta sẽ tạo ra một hành trình vươn tới ước mơ thật đáng nhớ.
Suy cho cùng, "bạn không bao giờ quá già nua để dựng lên thêm một mục tiêu nữa hay một giấc mơ mới" chỉ cần bạn tin vào giấc mơ của mình và hành động vì nó. Đồng vọng với điều này, Walt Disney chia sẻ: "Đầu tiên hãy nghĩ, thứ hai hãy tin, thứ ba hãy mơ, thứ tư hãy làm". Đúc kết những kinh nghiệm sâu sắc ấy, Walt Disney cũng đã từng không bỏ cuộc với ước mơ. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sáu tuổi ông đã phải ra đồng làm việc. Mê vẽ nhưng vì không có tiền nên ông dùng than để vẽ lên giấy vệ sinh. Sau này Walt Disney vẫn trải qua vô vàn lần thất bại khi bị sa thải vì thiếu trí tưởng tượng. Không bỏ cuộc và bằng lòng nhiệt thành với ước mơ ông tiếp tục thực hiện đam mê. Và cái tên Walt Disney đã trở nên nổi tiếng thế giới với những bộ phim hoạt hình đỉnh cao. Triết lý làm nên cuộc đời ông vẫn là bốn điều trên: suy nghĩ, tin tưởng, mơ ước, cuối cùng là hành động.
Khi có ước mơ phải nắm lấy không được buông bỏ, phải nỗ lực tới cùng. Nhưng đôi khi giấc mơ không phải lúc nào cũng thực hiện được. Có những ước vọng ta chỉ nên cất giữ cho một thời nhiệt huyết với đam mê. Như trang viết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:"Ước mơ đôi khi không phải là điều nhất định thực hiện cho bằng được. Hơn nữa có thể là điều người ta không có khả năng thực hiện trong suốt cuộc đời mình [...] Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của chính bạn [...] là cách để bạn bắt gặp Thượng Đế bên trong mình".
Quan điểm của ngạn ngữ và nhà văn Nga M.Pris-vin mang chở triết lý sâu sắc giúp chúng ta nhận thức được bản chất của ước vọng. Thế nhưng chúng vẫn thiếu sót khi thực hiện mà không tin tưởng hay tin tưởng mà không thực hiện. Vì vậy hai ý kiến phải bổ sung cho nhau để làm nên thông điệp hoàn thiện và ý nghĩa nhất.
Ở năm tháng tuổi trẻ đầy hoài bão, có những lúc vấp ngã mà yếu lòng nhưng rồi lại cam đảm đứng lên, tôi tiếp tục giữ ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tin, giữ một bản thân luôn nỗ lực hết mình với ước mơ. Bởi tôi tin rằng: Mọi ước mơ đều có thể thực hiện, chỉ cần ta tin và ta làm. Hãy cứ bạo dạn bước đi trong giông tố, sau cơn bão bầu trời sẽ tươi sáng hơn, ước mơ nhất định sẽ đền đáp cho người xứng đáng.