Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Sống hay không sống - đó là vấn đề (P3) SVIP
SỐNG, HAY KHÔNG SỐNG - ĐÓ LÀ VẤN ĐỀ
(Phần 3)
Uy-li-am Sếch-xpia
I. Tìm hiểu chung.
II. Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại.
III. Tổng kết.
IV. Gợi ý trả lời câu hỏi cuối bài.
1. Sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Câu 1:
- Trong lớp kịch 1, vua và hoàng hậu hỏi kết quả dò xét Hăm-lét của Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn. Thực chất, mục đích của việc dò xét là tìm hiểu nguyên nhân chứng “rối loạn tâm thần” của Hăm-lét. Và vua càng thêm bất an khi biết được Hăm-lét ý thức về việc “biết mình bị mất trí” và “đánh trống lảng bằng những cơn điên khôn khéo”, tức là “điên” có ý thức.
- Trong lớp kịch 2, lời thoại của vua và hoàng hậu cho biết về âm mưu do thám tình hình Hăm-lét qua việc bố trí nghe trộm cuộc gặp gỡ của chàng với Ô-phê-li-a. Vua biện minh cho hành động xấu xa của mình và Pô-lô-ni-út bằng lời tuyên bố về vai trò của “hai thám tử hợp pháp”. Điều trớ trêu ở đây đó là người yêu của Hăm-lét lại ngoan ngoãn phục tùng, vô tình trở thành đồng lõa.
- Trong lớp kịch 3, lời thoại Pô-lô-ni-út dặn dò Ô-phê-li-a không chỉ bộc lộ vai trò của hắn như kẻ dàn dựng, thực thi âm mưu của vua mà còn bộc lộ bản chất xấu xa của hắn.
=> Ba lớp kịch diễn ra không chỉ làm tăng cường hành động kịch bên ngoài - âm mưu do thám và hành động trả thù của Hăm-lét mà còn làm cho người tiếp nhận đồng cảm với diễn biến của hành động kịch bên trong ý thức của Hăm-lét - ý thức về thời đại đảo điên. Trình tự của ba lớp kịch tương ứng với sự luân chuyển lời thoại được tổ chức theo hướng phơi bày bản chất của các nhân vật, từ những người bị lợi dụng đến những kẻ đại diện tiêu biểu nhất của thời đại đảo điên - vua và tên cận thần Pô-lô-ni-út.
Câu 2:
- Nhận xét chung về tâm trạng của Hăm-lét thể hiện qua lời độc thoại: bế tắc, trăn trở về cách sống, cái chết của con người trong thời đại đảo điên, ý thức về mẫu thuẫn giữa quyết tâm hành động, xả thân, không cam chịu với trạng thái do dự, đắn đo của con người trong suy tưởng, mông lung về những gì sẽ đến sau cái chết.
=> Xung đột giữa lựa chọn hành động của nhân vật khiến nhân vật rơi vào bế tắc, trăn trở.
- Chia độc thoại làm 3 đoạn:
+ Đoạn 1: Từ Sống hay không sống… đến đằng nào cao quý hơn?: Đặt vấn đề - sống hay không sống, “chịu đựng” hay “cầm vũ khí vùng lên”?
+ Đoạn 2: Từ Chết, là ngủ. Không hơn... đến cuộc sống dằng dặc này! : Suy ngẫm về gánh nặng cuộc sống, sự giải thoát và sự trăn trở của nỗi sợ cái “chưa biết tới” ở cõi chết.
+ Đoạn 3: Từ Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng... đến ta chưa hề biết tới?: Suy ngẫm 2 - Rũ bỏ gánh nặng cuộc đời mệt mỏi có thể chỉ bằng “một mũi dùi”, song ý nghĩ về “nỗi khổ nhục chưa hề biết tới” ở cõi chết đã ngăn trở việc tìm đến kết cục đó.
+ Đoạn 4: Từ Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy... đến chẳng thể biến thành hành động: Kết luận - Suy ngẫm về cái bất định sau khi chết đã ngăn trở quyết tâm hành động.
Câu 3:
- Sống - hiểu theo nghĩa được sống: nhưng là sống nhục, tương ứng với việc “chịu đựng tất cả”.
- Không sống - hiểu theo nghĩa “không được sống”, “phải chết”: nhưng là chết vinh, tương ứng với trường hợp “cầm vũ khí đứng lên”.
=> Hăm-lét không chỉ cân nhắc vấn đề “sống hay không sống” mà còn cân nhắc về việc hành động hay không hành động. Có thể thấy, nhân vật thiên về hành động - “cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi”, dù linh cảm xa hơn là có thể sẽ không được tồn tại nữa.
Câu 4:
- Khi nhân vật lựa chọn cái chết:
Đáng mong muốn | Khó khăn |
+ Ngủ. + Chấm dứt mọi khổ đau của cõi lòng và muôn vàn vết thương mà hình hài phải chịu đựng. + Thoát khỏi thể xác trần tục. |
+ Mơ. + Những giấc mơ nào sẽ tới. |
Câu 5:
- Những nỗi khổ nhục mà con người phải gánh chịu là: những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục.
=> Nhấn mạnh vào nỗi khổ mà con người phải chịu đựng.
=> Những nỗi khổ này phần nhiều là nỗi khổ của nhân dân, của người cùng khổ chứ không phải nỗi khổ của hoàng từ cao quý. Như vậy, Hăm-lét đã đặt mình vào vị thế của nhân dân để đau nỗi đau thời đại, chứ không chỉ để trả thù cho cha.
- Những nỗi khổ nhục chưa hề biết tới là: sợ khi mình ngã xuống, cái ác vẫn còn, mà không có ai sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình, nghĩa là, sự hi sinh của mình là vô ích.
Câu 6:
- Hăm-lét nhận thức được: Chính ý nghĩ về cái gì sẽ đến sau khi chết luôn có khuynh hướng dập tắt mọi dự kiến hành động của chàng, ngay cả khi chàng nghĩ về cái chết sẽ đến sau hành động “cầm vũ khí đứng lên đấu tranh”, lẫn khi chàng nghĩ tới việc giải thoát bằng “một mũi dùi”. Nhận thức này thôi thúc chàng khắc chế những suy nghĩ bi quan của con người suy tưởng để bắt đầu hành động.
- Bước chuyển sang hành động của Hăm-lét: chàng quyết tâm nói những lời tàn nhẫn để đoạn tuyệt với Ô-phê-li-a, cho trình diễn vở kịch để khẳng định tội ác của vua, trực tiếp lên án hoàng hậu, giết Pô-lô-ni-út, tráo mật thư để vua Anh giết Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn. Khi âm mưu của vua bị vạch trần, chàng đã kết liễu số phận của ông ta. Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, chàng dặn Hô-ra-xi-ô kể cho người đời biết rõ ngọn ngành câu chuyện và trăng trối việc bàn giao ngai vàng.
Câu 7:
- Bi kịch trong lời độc thoại của Hăm-lét: Mâu thuẫn hệ trọng, căng thẳng giữa lựa chọn hành động đấu tranh vì tư tưởng nhân văn cao đẹp của Hăm-lét với cái tất yếu là thế lực đối kháng khách quan (thực tại giả dối, khổ đau) và chủ quan (bản tính suy tưởng về điều bi quan làm con người hèn yếu ở bên trong). Sự đối kháng giữa các thế lực làm cho nhân vật rơi vào tình thế trăn trở, bế tắc đến cùng cực. Hăm-lét tự ý thức được tình thế ấy, song vẫn không ngừng đấu tranh để khẳng định ý chí tự do của mình. Đoạn độc thoại chính là đỉnh điểm xung đột trong cả vở kịch.
- Theo em, trong xã hội hiện đại, xung đột này vẫn tồn tại. Bởi vì, những hiện thực xấu xa với lí tưởng nhân văn vẫn còn mâu thuẫn gay gắt, chưa có cách giải quyết triệt để. Nhưng vì thế, con người càng cần phải tỉnh táo để không rơi vào tình huống bi kịch như nhân vật.
Câu 1:
- Tình thế của Hăm-lét: Hăm-lét ược hồn ma vua cha báo tin vua Clô-đi-út, chú ruột chính là người đầu độc ông và cướp ngai vàng. Mẹ của Hăm-lét đã trở thành hoàng hậu. Bạn bè, người yêu của Hăm-lét đều nghe theo lệnh vua và đứng ở phe đối lập chàng. Vì thế, Hăm-lét đang trong cảnh cô đơn và có phần nguy hiểm - vì nhà vua mới đang âm mưu hãm hại chàng.
- Mục đích giả điên của Hăm-lét: để tìm cơ hội, giúp Hăm-lét thoát ra khỏi cạm bẫy được đưa ra và có thể lật mặt nạ của những thế lực xấu xa đang tồn tại.
Câu 2:
- Các xung đột:
+ Xung đột giữa việc giả điên của Hăm-lét nhằm che giấu các ý đồ, toan tính thực sự của chàng với những hành động đeo bám, dò xét, nghe lén của vua và bọn tay sai để ngăn chặn, thủ tiêu Hăm-lét.
+ Xung đột trong nội tâm nhân vật Hăm-lét - Sống hay không sống. Việc giải quyết xung đột này là nhằm tìm được điểm tựa tinh thần quan trọng cho nhân vật, trong hoàn cảnh Hăm-lét hoàn toàn đơn độc chống lại vua, triều đình và mặt trái của xã hội Đan Mạch thời bấy giờ.
=> Tác dụng:
+ Cho thấy Hăm-lét đang gặp những khủng hoảng về tinh thần.
+ Cho thấy Hăm-lét đang cố gắng vượt qua chính mình, không chấp nhận sống “cam chịu”, “ốm yếu”, “hèn mạt” mà nhằm hướng đến tinh thần can đảm là “cầm vũ khí đứng lên chống lại với sóng gió”, biến những “dự kiến lớn lao, cao quý” thành “hành động”.
Câu 3:
- Đoạn độc thoại nội tâm của Hăm-lét:
+ Mở đầu (nêu vấn đề): Sống, hay không sống. (câu 1).
+ Nội dung (giải quyết vấn đề): Câu 2, 3, 4, 5.
+ Suy tư tìm lời giải đáp một câu hỏi cụ thể hướng đến sự cao quý - câu 2: Sống thế nào thì cao quý hơn?: can đảm cầm vũ khí kháng cự lại những gì gây ra khổ đau và chấm dứt nó, hay cam chịu khổ đau?
+ Tự truy vấn - trả lời - phản bác (câu 3, 4, 5): Nếu chết, ngủ, tự kết liễu cuộc đời mình mà chúng ta tự giải thoát được thì còn gì đáng mơ ước hơn? Nhưng chính ở đây đã nảy sinh khó khăn, vướng mắc: ngủ là chìm vào những giấc mơ, nhưng mà có ai biết được rằng giấc mơ của chúng ta là giấc mơ lành hay là ác mộng; những khổ đau dai dẳng, ghê gớm hơn trong cõi chết huyền bí sẽ đọa đày, trói chặt lấy ta và dù có hối hận thì cũng không thể quay về cõi đời này được nữa. Và với vướng mắc trong tâm, chúng ta đành chấp nhận kéo dài vô tận cuộc sống khổ đau - sống mà như không sống trên cõi đời này.
+ Kết thúc vấn đề (kết luận vấn đề) - câu 6: Chính những vướng mắc trong tâm tư như vậy khiến chúng ta hèn mạt, tiêu tan ý chí kháng cự và không dám hành động.
=> Kết luận này mở ra hướng giải quyết tích cực: Chỉ cần giải tỏa những vướng mắc, do dự ấy, chúng ta sẽ quyết tâm nuôi dưỡng những “dự kiến lớn lao, cao quý” và biến thành hành động.
- Nguyên nhân làm nảy sinh mối xung đột giữa Hăm-lét với các nhân vật khác và với xã hội Đan Mạch thời bấy giờ là:
+ Xung đột giữa thái độ sống và nhân cách sống đối lập. Hăm-lét nung nấu ý chí giải quyết xung đột ấy bằng cách: một mặt, giải tỏa những băn khoăn, do dự của mình, mặt khác, “cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi”. Vua Clô-đi-út, hoàng hậu và quần thần của y chính là những kẻ đã gây nên bao sóng gió của biển khổ. Trong triều đình cũng như xã hội Đan Mạch bấy giờ, tất cả những ai cúi đầu vâng lệnh hôn quân Clô-đi-út, cam chịu “tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng” để được yên thân, chấp nhận một cuộc sống mà như đã chết,... đều trái với lẽ sống, nhân cách, lí tưởng của Hăm-lét.
Câu 4:
Nhân vật | Hành động bên ngoài | Hành động bên trong |
Vua Clô-đi-út |
- Nhiều lời nói và hành vi tỏ rõ sự yêu mến, quan tâm chăm sóc Hăm-lét: - Vờ đối xử tốt, chu đáo với Hăm-lét. |
- Lo lắng, nghi ngờ về việc Hăm-lét tìm ra sự thật và trả thù, tìm cách che giấu tâm địa, ngăn ngừa Hăm-lét. - Cho người ngấm ngầm theo dõi, dự tính cho người áp giải Hăm-lét sang Anh và mượn tay vua Anh thủ tiêu Hăm-lét. |
Hăm-lét | - Giả điên để che đậy kế hoạch hành động của mình. | - Tỉnh táo, khôn ngoan, chọn cách âm thầm điều tra; nêu những câu hỏi để tự tra vấn lương tri của mình về những mâu thuẫn, xung đột đang diễn ra. |
Lí giải: Sự khác biệt giữa con người qua “hành động bên trong” và con người qua “hành động bên ngoài” của Clô-đi-út và Hăm-lét thực chất là sự khác biệt giữa động cơ, ý đồ và bản chất bên trong với những biểu hiện bề ngoài của nhân vật. Nó cho thấy: Trong cuộc chiến sinh tử, các nhân vật thuộc về hai phe đối lập đều phải dùng “mặt nạ” để che giấu động cơ, ý đồ cũng như con người thực của mình. Đó là lí do Clô-đi-út phải dùng đến mặt nạ một người chú, người cha, một ông vua tốt, còn Hăm-lét phải dùng đến mặt nạ một người điên.
- Về cách xây dựng nhân vật và hành động kịch của tác giả trong văn bản:
+ Để khắc họa nhân vật kịch, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ đối thoại và đặc biệt là ngôn ngữ độc thoại rất thành công.
+ Những lời đối thoại cho thấy bộ mặt tốt đẹp, tử tế của Clô-đi-út thì độc thoại lại phơi bày gan ruột của y.
+ Độc thoại của Hăm-lét cho thấy niềm băn khoăn lớn của chàng khi là người tỉnh táo thì đối thoại lại cho thấy Hăm-lét biết cách giả điên để đả kích thói đạo đức giả trong triều đình.
Câu 5:
- Văn bản cho thấy sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ đối thoại với ngôn ngữ độc thoại của các nhân vật, đặc biệt là ngôn ngữ của hai nhân vật đối nghịch là Hăm-lét và Clô-đi-út.
+ Đoạn độc thoại của Hăm-lét thực chất là độc thoại nội tâm, đậm chất triết học và tính trí tuệ. Tác giả đã làm cho tiếng nói trong tâm tư Hăm-lét vang lên để mở ra trước mắt khán giả nội tâm sâu kín, phức tạp của chàng.
+ Câu độc thoại của Clô-đi-út dù ngắn nhưng lại có tác dụng lật tẩy chiếc mặt nạ của ông ta.
=> Thông qua những ngôn ngữ đối thoại trong văn bản, người đọc đã thấy được bức chân dung tính cách sinh động của từng nhân vật. Không những thế, những lời thoại còn cho thấy tính hành động mạnh mẽ: Trong đối thoại giữa Hăm-lét và Ô-phê-li-a, có thể thấy, Hăm-lét dùng ngôn ngữ có vẻ ngây dại của người điên nhưng cũng rất tỉnh táo, sắc bén để tấn công vào bộ mặt giả tạo của nhiều kẻ trong xã hội bấy giờ.
Câu 6:
- Chủ đề: Niềm băn khoăn về vấn đề “sống hay không sống” của Hăm-lét và việc giả điên của chàng.
- Thông điệp: Mỗi người cần phải vượt lên trên thách thức của hoàn cảnh, chọn cho mình một thái độ sống cao quý, một cách hiện hữu xứng đáng trong cuộc đời.
Câu 7:
- Về việc đọc hiểu nội dung văn bản bi kịch:
+ Cần xác định, phân tích rõ xung đột, kiểu xung đột kịch (thường là kiểu xung đột giữa cái cao cả với cái thấp kém: giữa tính cách cao cả của nhân vật này với tính cách thấp kém của nhân vật kia, hoặc xung đột giữa cái cao cả của nhân vật chính với cái thấp kém của hoàn cảnh,...). Từ đó, xác định chủ đề, tư tưởng, thông điệp của vở kịch.
- Về việc đọc hiểu hình thức văn bản bi kịch:
+ Cần phân tích, đánh giá đúng tác dụng của yếu tố hình thức, thể loại bi kịch như:
-
Cách dẫn dắt xung đột kịch (quá trình nảy sinh, phát triển và giải quyết xung đột).
-
Cách khắc họa tính cách nhân vật bi kịch thông qua hành động bên ngoài (hành vi, đối thoại), hành động bên trong (thái độ, cảm xúc, động cơ bị che giấu hoặc qua độc thoại, độc thoại nội tâm, qua nhận xét của nhân vật khác).
-
Cách sử dụng ngôn ngữ của nhân vật bi kịch (đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm,...), cách sử dụng các chỉ dẫn sân khấu để định hướng, gợi ý đạo diễn và diễn xuất.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây