Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 2 SVIP
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5.
THUẬT HOÀI
Phạm Ngũ Lão
Phiên âm:
Hoành(1) sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân(2) tỳ hổ(3) khí thôn ngưu(4).
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu(5).
Dịch nghĩa:
Cầm ngang ngọn giáo (bảo vệ non sông) đã trải mấy thu (mấy năm ròng) rồi,
Quân đội dũng mãnh như hổ báo, có khí thế quật ngã trâu (hoặc: át cả sao Ngưu).
Làm trai, (nếu) chưa trả xong nợ công danh,
(Thì sẽ) hổ thẹn khi nghe người đời nhắc đến sự nghiệp của Vũ hầu.
Dịch thơ:
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Bùi Văn Nguyên dịch)
Chú thích:
(1) Hoành: ngang, nằm ngang; ở đây được dùng làm động từ với nghĩa là “cầm ngang”, “giữ ngang”, thể hiện tư thế người anh hùng thời đại; hoành sóc tức là cầm ngang ngọn giáo.
(2) Tam quân: ba quân, chỉ quân đội của một quốc gia nói chung, bao gồm: tiền quân, hậu quân, trung quân hoặc tả quân, trung quân, hữu quân - cách tổ chức binh lính trong tiến quân, dàn trận; cũng có ý kiến cho rằng tam quân là gồm thủy binh, kỵ binh, bộ binh. Tóm lại, tam quân ở đây hàm ý chỉ sức mạnh của quân đội một nước tự chủ, biểu thị niềm tự hào của tác giả.
(3) Tỳ hổ: một loai dã thú, thuộc loại báo, có bản lĩnh mạnh mẽ, cương cường; ở đây, từ này được dùng để chỉ sự dũng mạnh của quân đội.
(4) Khí thôn ngưu: có hai cách hiểu: một là nói về giống hổ báo, tuy nhỏ nhưng đã có khí thế mạnh mẽ, nuốt được cả trâu; hai là nói về sao Ngưu, ý chỉ hào khí dũng mãnh bốc lên làm mờ cả sao Ngưu. Nói chung, cả hai cách hiểu đều nhấn mạnh vào khí thế dũng mãnh của quân sĩ nhà Trần.
(5) Vũ hầu: tức Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị (thời Tam Quốc – Trung Hoa), được phong tước Vũ Lượng hầu, gọi tắt là Vũ hầu. Gia Cát Lượng lập được công trạng lớn, lưu danh sử sách, trở thành biểu tượng của khát vọng lập công với đất nước, với cuộc đời.
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ.
Câu 2. Xác định luật thơ của bài thơ.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Câu 4. Nhận xét về hình tượng bậc nam tử trong bài thơ Thuật hoài.
Câu 5. Qua văn bản, hãy rút ra một thông điệp mà anh/chị tâm đắc và giải thích lí do.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Thể thơ của bài thơ này là thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
Câu 2. Bài thơ này được triển khai theo luật trắc vì chữ thứ hai của dòng thơ thứ nhất là chữ "sóc", mang thanh trắc.
Câu 3. Dòng thơ Tam quân tì hổ khí thôn ngưu sử dụng biện pháp tu từ so sánh độc đáo khi ví tam quân (ba quân - quân đội nhà Trần) với tì hổ (hổ báo - loài mãnh thú chốn rừng sâu). Việc sử dụng hình ảnh so sánh như vậy có tác dụng cụ thể hóa sức mạnh, tầm vóc và sự dũng mãnh, đồng thời thể hiện sự ngợi ca, khí thế hừng hực, quyết tâm bảo vệ non sông, đất nước của quân đội nhà Trần.
Câu 4. Nhận xét về hình tượng bậc nam tử trong bài thơ Thuật hoài:
- Bậc nam tử trong bài thơ Thuật hoài hiện lên với một tư thế hiên ngang như một hùng tướng đang ở tư thế phòng vệ, sẵn sàng nghênh chiến, nhằm bảo vệ giang sơn xã tắc, hết lòng vì nhân dân.
- Người hùng tướng ấy còn mang trong mình một khí thế ngút trời cùng với nỗi lòng khắc khoải, khát khao được tận hiến với Tổ quốc, dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi của dân tộc.
Câu 5. Thông điệp từ văn bản:
- HS có thể lựa chọn thông điệp mà HS ấn tượng từ tác phẩm để trả lời câu hỏi này và cần phải đưa ra được lí do đích đáng.
- HS có thể rút ra một số thông điệp sau:
+ Cần phải biết cống hiến cho Tổ quốc.
+ Cần phải ý thức được trách nhiệm của cá nhân đối với dân tộc.
...
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Thuật hoài.
Câu 2. (4 điểm)
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay đối với đất nước.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Thuật hoài.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về hình thức:
~ Chú ý phân tích về luật thơ, đối niêm, đối luật trong bài thơ.
~ Phân tích hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ: bậc nam tử có tinh thần, trách nhiệm cao cả đối với dân tộc, hết lòng vì dân, khát khao được dâng hiến mình vì vận mệnh của đất nước.
+ Về nội dung: bài thơ nói lên tấm lòng tận trung với đất nước, tận hiếu với nhân dân của Phạm Ngũ Lão. Qua đó, cần khẳng định tư tưởng của bài thơ đối với thế hệ trẻ hôm nay.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay đối với đất nước.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Thế hệ trẻ hiện nay có nhiều cách thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước: phục dựng, khôi phục những trang phục truyền thống của dân tộc; quảng bá văn hóa, sản phẩm truyền thống của dân tộc; lên án những cá nhân/ tổ chức có tư tưởng lệch lạc về đất nước trên các trang mạng xã hội...
+ Thế hệ trẻ cần chú trọng tìm hiểu về lịch sử nước nhà, bài trừ những sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, sách báo tuyên truyền sai lệch về đất nước mình.
+ Thế hệ trẻ cần tích cực hơn trong việc gìn giữ, làm giàu văn hóa, phát triển kinh tế của dân tộc.
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.