Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề thi giữa học kì I SVIP
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
PRÔ-MÊ-THÊ TẠO RA LOÀI NGƯỜI
Thuở ấy thế gian chỉ mới có các vị thần. Mặt đất mênh mông, dẫu đã có khá nhiều vị thần cai quản song vẫn còn hết sức vắng vẻ. Không muốn để tình cảnh buồn tẻ đó kéo dài, bữa kia hai anh em Prô-mê-thê và Ê-pi-mê-thê xin với Ô-ra-nốt và Gai-a tạo ra cho thế gian thêm nhiều nhiều cái gì đó để cho cuộc sống đông vui. Ô-ra-nốt và Gai-a ưng thuận. Hai vị giao luôn việc đó cho hai anh em Prô-mê-thê và Ê-pi-mê-thê. Cậu em Ê-pi-mê-thê mừng quá, tranh ngay lấy đất và nước nhào nặn ra trước hết các loài vật và ban cho mỗi con vật một đặc ân của thần, một “vũ khí” để có thể phòng thân, hộ mệnh, bảo vệ được cuộc sống của giống loài mình. Con thì được ban cho ân huệ chạy nhanh như gió. Con thì có đôi mắt sáng xanh nhìn thấu cả đêm đen. Con thì có thân hình khổng lồ mạnh khỏe hết chỗ nói. Có con thân hình bé nhỏ nhưng lại có nọc độc gớm ghê. Rồi con có bộ lông dày, con có sải cánh rộng. Con thì xuống nước không chìm, con thì trèo leo thoăn thoắt... Tóm lại mỗi con vật, mỗi giống loài đều có “vũ khí” cần thiết để sống được ở thế gian.
Công việc làm xong xuôi, Ê-pi-mê-thê gọi Prô-mê-thê đến để xem xét lại. Mọi việc đều tốt, rất tốt nữa là đằng khác. Nhưng xem kỹ ra thì tai hại thay, còn sót lại một con, một con mà chàng Ê-pi-mê-thê đần độn lại quên mất chẳng ban cho một đặc ân, một thứ “vũ khí” gì. Đó là con người! Một con người, nhưng trần trụi, trần trụi hoàn toàn. Phải, đúng là một con người trần trụi hoàn toàn trước mặt Prô-mê-thê. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào để con người sống được ở thế gian khi các “nguyên liệu” đặc ân đã sử dụng phân phối hết rồi? Con người sẽ sống thế nào trước các con vật: hổ, báo, voi, sói, vẹt, nhím, gấu, ngựa, sư tử, cá, chim... là những con vật đã được sáng tạo hoàn hảo? Là những con vật đã được ban cho đặc ân của thần thánh? Và rồi còn phải đương đầu với nắng, mưa, bão tố, núi lửa phun, nước sông dâng, đất liền phút chốc thành biển cả, bãi bể hóa nương dâu... biết bao biến thiên, tai họa khôn lường? Prô-mê-thê đã nghĩ như thế. Và vị thần có bộ óc thông minh, có tài nhìn xa trông rộng này quyết sửa chữa bằng được cái thiếu sót của chú em lơ đễnh, đần độn của mình. Prô-mê-thê dựa theo thân hình trang nhã của các vị thần tái tạo lại con người cho có một thân hình đẹp đẽ thanh tao. Phải làm cho con người đẹp đẽ thanh tao hơn hẳn con vật. Prô-mê-thê lại làm cho con người đứng thẳng lên, đi bằng hai chân để đôi tay được thảnh thơi làm nhiều việc khác. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Con người vẫn còn bấy yếu và thua kém nhiều so với các con vật. Phải làm cho con người mạnh hơn hẳn con vật thì nó mới có thể sống được trong thế gian này. Prô-mê-thê liền băng ngay lên bầu trời cao xa tít tắp, đến tận cỗ xe của thần Mặt Trời He-li-ớt, lấy lửa của thần Mặt Trời châm vào ngọn đuốc của mình đem xuống trao cho loài người. Và thế là từ đó, thế gian, mặt đất lúc nào cũng rực cháy ngọn lửa của Prô-mê-thê ban cho. Con người thoát khỏi cảnh sống tăm tối, giá lạnh, đói khát. Ngọn lửa trở thành người bạn thân thiết, người bảo vệ chắc chắn nhất, một vũ khí mạnh nhất của loài người. Ngọn lửa của con người hơn hẳn bộ lông dày, hàm răng sắc, cặp móng nhọn, thân hình đồ sộ, khỏe mạnh, tài bay cao, nhìn xa, chạy nhanh như bất cứ con vật nào. Và với ngọn lửa của Prô-mê-thê, con người, thế hệ này qua thế hệ khác, tạo dựng cuộc sống của mình ngày càng văn minh hạnh phúc hơn.
(Thần thoại Hi Lạp, theo file.nhasachmienphi.com)
Chú thích: Prô-mê-thê là một vị thần khổng lồ. Ông nổi tiếng với trí thông minh và có khả năng biết trước tương lai. Ông vừa là người sáng tạp ra loài người, cũng là người giúp đỡ, yêu thương con người hết mực. Sau khi ăn cắp lửa của Dớt từ thần He-li-ớt cho loài người, ông đã bị Dớt trừng trị nghiêm khắc, thậm chí còn bị sỉ nhục. Cuối cùng, thần đã được người anh hùng He-ra-clét giải thoát khi đang trên đường đi tìm kiếm những trái táo vàng.
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.
Câu 2. Xác định câu văn miêu tả thế giới trước khi có sự xuất hiện của con người trong văn bản.
Câu 3. Chỉ ra điểm giống nhau giữa hai vị thần Ê-pi-mê-thê và Prô-mê-thê trong việc sáng tạo ra muôn loài.
Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Ngọn lửa của con người hơn hẳn bộ lông dày, hàm răng sắc, cặp móng nhọn, thân hình đồ sộ, khỏe mạnh, tài bay cao, nhìn xa, chạy nhanh như bất cứ con vật nào.
Câu 5. Nhận xét một phẩm chất nổi bật của thần Prô-mê-thê được thể hiện trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Xác định ngôi kể: người kể chuyện ngôi thứ 3.
Câu 2. Câu văn miêu tả thế giới trước khi có sự xuất hiện của con người trong văn bản: Mặt đất mênh mông, dẫu đã có khá nhiều vị thần cai quản song vẫn còn hết sức vắng vẻ.
Câu 3. Điểm giống nhau giữa hai vị thần thần Ê-pi-mê-thê và Prô-mê-thê trong việc sáng tạo ra muôn loài là:
- Mục đích sáng tạo: Muốn thế giới trở nên đông vui, đỡ buồn tẻ hơn.
- Có sự tỉ mỉ, khéo léo cùng lòng nhân hậu, chu đáo:
+ Tỉ mỉ, khéo léo khi nhào nhặn từng giống loài với những đặc điểm khác nhau.
+ Nhân hậu, chu đáo khi trao cho mỗi giống loài một “vũ khí” để giống loài đó có thể tồn tại được.
Câu 4.
- Chỉ ra được biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Biện pháp tu từ liệt kê.
- Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê: Tác giả dân gian đưa ra hàng loạt những “vũ khí” mà hai vị thần nhân hậu đã ban cho muôn loài nhằm khẳng định giá trị và sức mạnh vượt trội của ngọn lửa mà thần Prô-mê-thê đã ban cho con người.
Câu 5. Nhận xét một phẩm chất nổi bật của thần Prô-mê-thê được thể hiện trong văn bản:
- Chỉ ra được một phẩm chất nổi bật của thần Prô-mê-thê (nhân hậu, sáng tạo, thông minh, khéo léo).
- Nhận xét về phẩm chất nổi bật đã chỉ ra (Gợi ý: Ý nghĩa, vai trò của phẩm chất ấy đối với cộng đồng, chẳng hạn như sự khéo léo của thần đã tạo ra cho con người một thân hình cân đối, đẹp đẽ, có lối di chuyển thuận tiện, nhịp nhàng, có đôi tay làm được nhiều việc khác,…)
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của thần Ê-pi-mê-thê trong văn bản Prô-mê-thê tạo ra loài người.
Câu 2. (4 điểm)
Hiện nay có rất nhiều bạn học sinh có suy nghĩ rằng học môn Lịch sử chỉ đơn giản là để đi thi lấy điểm cao, đỗ vào các trường top đầu như mong muốn. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vai trò của môn Lịch sử đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc điểm nhân vật Ê-pi-mê-thê trong văn bản Prô-mê-thê tạo ra loài người.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Nhân vật là một vị thần giàu sự sáng tạo khi biến thế giới từ một không gian buồn tẻ thành một không gian đông vui với sự xuất hiện của muôn vàn loài vật khác nhau.
+ Thần còn có tấm lòng nhân hậu sâu sắc khi ban cho các loài vật một thứ “vũ khí” để chúng có thể tồn tại được trong thế giới rộng lớn này.
+ Song, thần cũng là một người đãng trí khi tạo ra loài người trần trụi, yếu ớt…
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vai trò của môn Lịch sử đối với thế hệ trẻ hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Lịch sử là một môn học quan trọng, đặc biệt là với một quốc gia đã từng oằn mình chống chọi với chiến tranh trong suốt hàng thế kỉ như Việt Nam.
+ Thế hệ trẻ ngày nay là những người đang được hưởng nền độc lập, hòa bình do ông cha ta đã đổ biết bao xương máu mà gây dựng nên, do đó, thế hệ trẻ lại càng phải ý thức được tầm quan trọng của lịch sử nói chung, bộ môn Lịch sử nói riêng.
+ Thế hệ trẻ nếu bỏ quên lịch sử dân tộc sẽ phải dùng chính xương máu của thế hệ mình để viết lại lịch sử dân tộc một lần nữa…
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.