Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 8 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Thị Phương: (Hát tiếp) - Người chồng tôi tên gọi Trương Viên
Vua sai dẹp giặc nước Xiêm khơi chừng
Bởi vì đâu chếch nón ả Hằng
Thờ chồng chực tiết khăng khăng chẳng rời
Bởi vì đâu binh lửa bời bời
Xa miền quê quán, ngụ nơi lâm tuyền
Một mình tôi nuôi mẹ truân chuyên
Quyết liều phận bạc chẳng dám quên ngãi chàng
Gặp những loài ác thú hổ lang
Người rắp làm hại, khấn kêu vang lại lành
Trở ra về qua miếu thần linh
Thần đòi khoét mắt lòng thành tôi kính dâng
Vậy nên mù mịt tối tăm
Nàng tiên dạy hát, kiếm ăn qua tháng ngày.
Sự tình này trời đất có thấu hay
Chàng Trương Viên có biết nông nỗi này cho chăng?
Trương Viên: - Nghe tiếng đàn cùng tiếng hát
Chuyển động tâm thần
Đường từ mẫu có biết chăng, hỡi mẹ?
Thị Phương: (Nói sử) - Tiền ông thưởng tôi còn để đó
Tôi chẳng hề tiêu đụng một phân
Xin ông dùng nói chuyện tần ngần
Mà tôi mang tiếng không thanh danh tiết
Trương Viên: - Tưởng là nhận vợ, vợ lại chẳng nhìn
Đường từ mẫu có biết chăng, hỡi mẹ ? (Nói sử)
Mụ: - Ới con ơi,
Con đừng nói nữa, trước tủi chồng, sau tủi mẹ.
Thị Phương: (Nói sử) - Thực chồng con đã tỏ
Hình dạng như in
Nào trước khi phu phụ hợp hôn
Những của ấy đưa ra nhận tích.
Mụ: - Ơi này con, vợ con nói: ngày xưa quan Thừa tướng có cho cái gì làm ghi tích không, con đưa cho vợ nó xem để nó nhận.
Trương Viên: - Anh khá khen em mười tám năm nay chẳng có đơn sai
Lòng thương em nhớ mẹ ngậm ngùi.
Đây, ngọc kim quyết giao em nhận tích
(Thị Phương cầm ngọc, ngọc nhẩy lên mắt, mắt sáng trở lại.)
Thị Phương: - Quả lòng trời lại đưa lại
Ngọc nhảy vào, mắt được phong quang
Mẹ ơi giờ con trông được rõ ràng
Chồng con đây đã tỏ.
Mụ: - Mẹ mừng con đã yên lành như cũ
Lại thêm mẫu tử đoàn viên
Trời có đâu nỡ phụ người hiền
Thế mới biết bĩ rồi lại thái.
(Trích Trương Viên, in trong Tuyển tập chèo cổ, Hà Văn Cầu, NXB Sân khấu, 1999)
Câu 1. Chỉ ra lối nói xuất hiện trong văn bản.
Câu 2. Chỉ ra một chi tiết kì ảo trong văn bản trên.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của các chỉ dẫn sân khấu trong tác phẩm.
Câu 4. Trong lời hát của Thị Phương, nàng đã nhắc đến những sự việc nào trong suốt 18 năm lưu lạc?
Câu 5. Ý nghĩa và thông điệp của văn bản trên là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Lối nói, làn điệu xuất hiện trong văn bản: Nói sử.
Câu 2.
- Chi tiết kì ảo trong văn bản:
+ Thần khoét mắt Thị Phương.
+ Thị Phương được tiên dạy hát.
+ Ngọc nhảy lên mắt Thị Phương, mắt nàng sáng trở lại.
Câu 3.
- Các chỉ dẫn sân khấu:
+ (Hát tiếp).
+ (Nói sử).
+ (Thị Phương cầm ngọc, nhọc nhẩy lên mắt, mắt sáng trở lại.).
- Tác dụng:
+ Chỉ dẫn cho hành động, lời nói của nhân vật trên sân khấu.
+ Giúp người đọc có hình dung cụ thể hơn về nhân vật khi đọc văn bản.
Câu 4.
Trong lời hát của Thị Phương, nàng đã nhắc đến những sự việc sau:
- Chồng được vua sai đi dẹp giặc Xiêm, gia đình li tán.
- Nàng và mẹ chồng phải đi chạy giặc trong rừng sâu.
- Nàng không may gặp phải những loài "ác thú hổ lang" nhưng may mắn thoát nạn.
- Nàng bị thần linh khoét mắt.
- Nàng được nàng tiên dạy hát để kiếm ăn qua ngày.
Câu 5.
- Ý nghĩa: Văn bản ca ngợi Thị Phương với những phẩm chất tốt đẹp; đề cao quan niệm ở hiền gặp lành của nhân dân ta.
- Thông điệp:
+ Lên án chiến tranh phi nghĩa.
+ Quan niệm ở hiền gặp lành.
+ Ngợi ca, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề của đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen trì hoãn.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích, đánh giá chủ đề của đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Chủ đề của văn bản: Những phẩm chất tốt đẹp của người chinh phụ. Chủ đề này được thể hiện rõ nét qua nhân vật Thị Phương.
+ Phân tích nhân vật Thị Phương:
++ Hoàn cảnh: Chồng đi lính, một mình chăm sóc mẹ già trong suốt 18 năm ròng rã.
++ Nàng đã phải trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống: Suýt bị các loài ác thú ăn thịt, bị thần khoét mắt. Dù mù lòa nàng vẫn phải cố gắng đi hát để kiếm ăn qua ngày.
++ Trước cuộc đời vất vả của nàng, tiên nữ đã xuống dạy nàng nghề hát để kiếm sống, trời thương đã để đôi mắt của nàng sáng trở lại, gia đình đoàn tụ, hạnh phúc.
+ Nhận xét:
++ Thị Phương được khắc họa với những phẩm chất tốt đẹp: Hiếu nghĩa, trinh liệt, chịu thương chịu khó,... Qua nhân vật này, các tác giả dân gian thể hiện sự trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người chinh phụ thuở đó; thể hiện niềm tin về quan niệm ở hiền gặp lành; đồng thời lên án chiến tranh phi nghĩa đã đem đến biết bao đau khổ cho con người. Chính chiến tranh đã khiến bao gia đình li tán; khiến cho bao người chinh phu ra đi không hẹn ngày về; khiến bao người chinh phụ vất vả, mòn mỏi đợi chờ chồng, chăm sóc, hiếu thuận với mẹ cha, nuôi con khôn lớn,... chịu bao cay đắng, tủi nhục. (HS có thể liên hệ, mở rộng với những tác phẩm khác cùng chủ đề để bài viết thêm sâu sắc.)
++ Có thể thấy đây là một chủ đề hết sức nhân văn vì nó đã thể hiện được cách nhìn của con người thuở đó về tâm hồn, phẩm chất, đạo đức của những người chinh phụ.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen trì hoãn.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Biểu hiện:
++ Không thực hiện công việc đã đặt ra theo kế hoạch ban đầu.
++ Dễ bị những yếu tố bên ngoài tác động, hấp dẫn như game, phim,... để rồi gác lại công việc cần làm.
++ Thường xuyên trễ hẹn trong công việc.
+ Nguyên nhân:
++ Mệt mỏi, thiếu năng lượng để thực hiện công việc đã đề ra.
++ Chưa có kĩ năng phân bố thời gian hợp lý.
++ Thiếu tập trung hoặc chưa đủ nghiêm túc, trách nhiệm với công việc của mình.
+ Hệ quả:
++ Công việc trễ nải, ảnh hưởng đến tiến độ của bản thân/ tập thể.
++ Để lại ấn tượng không tốt (trở thành người không đáng tin cậy) đối với mọi người xung quanh.
++ Đánh mất nhiều cơ hội phát triển, thăng tiến.
+ Giải pháp:
++ Cần có ý thức thay đổi chính mình.
++ Cần phân chia thời gian cụ thể, hợp lí hơn.
++ Cố gắng tập trung, cách ly bản thân với những thứ dễ gây xao nhãng trong quá trình làm việc.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.