Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 7 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Huế đón bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO
Ngày 23/11, tại sân Đại triều điện Thái Hòa - Đại nội Huế (TP Huế) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”, công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh”. Sự kiện được tổ chức nhân dịp 79 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024).
Ảnh: Trao bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế"
Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Phương, ông Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương…
Cửu Đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 - 1837 và được đặt trước sân Thế Tổ Miếu nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Cửu Đỉnh - Hoàng cung Huế thể hiện trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu Đỉnh cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu Đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, với bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian vẫn còn vẹn nguyên tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á đông.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa chính trị của xứ Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hoá rất riêng của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.
Cũng tại buổi lễ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh”.
(Theo Báo Văn nghệ, ngày 24/11/2024)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.
Câu 2. Sự việc chính nào được đề cập trong văn bản?
Câu 3. Theo em, vì sao văn bản Huế đón bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO lại được coi là một bản tin?
Câu 4. Mục đích của tác giả qua bài viết này là gì?
Câu 5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Phương thức biểu đạt chính: Thuyết minh.
Câu 2.
Sự việc chính: Huế đón bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO.
Câu 3.
Văn bản được coi là một bản tin vì:
– Văn bản cung cấp thông tin cho người đọc về việc Huế đón bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO vào ngày 23/11/2024.
– Các thông tin được đưa ra trong văn bản đều có tính chân thực, chính xác, có số liệu, minh chứng rõ ràng, cụ thể.
– Đặc biệt, gắn với thời điểm ra đời của văn bản, bản tin này đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản như tính hàm súc, ngắn gọn; tính chính xác, tin cậy; tính thời sự.
Câu 4.
– HS được mục đích của tác giả qua bài viết:
+ Cung cấp thông tin một cách chính xác, nhanh chóng cho bạn đọc về sự kiện Huế đón bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO vào ngày 23/11/2024.
+ Thông báo về việc tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh”.
+ Dung lượng ngắn gọn, ngôn ngữ dễ hiểu, trong sáng và có sự kết hợp với phương tiện phi ngôn ngữ.
Câu 5.
– HS chỉ ra được phương tiện phi giao tiếp trong văn bản: Ảnh trao bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế".
– HS chỉ ra được tác dụng của phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản:
+ Giúp văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
+ Giúp người đọc có được cái nhìn trực quan hơn về buổi lễ trao bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen chêm xen tiếng nước ngoài vào lời nói trong quá trình giao tiếp.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích hình tượng “ly khách” trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm.
Tống biệt hành
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dửng…
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giờ chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen chêm xen tiếng nước ngoài vào lời nói trong quá trình giao tiếp.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Thực trạng: Ngày nay, việc các bạn trẻ chêm xem tiếng nước ngoài vào quá trình giao tiếp đã trở thành một hiện tượng phổ biến.
+ Nguyên nhân:
++ Tư duy sính ngoại, thích dùng những gì thuộc về nước ngoài.
++ Suy nghĩ hạn hẹp, thiển cận khi cho việc làm đó là hay, là ngầu khi tỏ ra mình thông thạo về ngoại ngữ.
++ Sự phát triển, cởi mở của xã hội hiện đại.
+ Hệ quả: Làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, làm trái với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
+ Giải pháp:
++ Mỗi cá nhân cần có ý thức sửa đổi lời ăn tiếng nói của chính mình; có ý thức giữ gìn, bảo vệ sự giàu, đẹp của tiếng Việt. Bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc chính là một cách giữ gìn bản sắc dân tộc và thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc.
++ Nhà trường, xã hội cần quan tâm, có các biện pháp can thiệp để các bạn trẻ có ý thức hòa nhập chứ không hòa tan trong thời kì hội nhập văn hóa.
+ Bàn luận: Việc chêm xen tiếng nước ngoài vào quá trình giao tiếp cũng có lợi ích nhất định là giúp chúng ta ghi nhớ và dễ dàng thực hành trong quá trình học một ngôn ngữ mới. Nhưng chúng ta cũng không nên vì thế mà lạm dụng việc chêm xen này vào bối cảnh giao tiếp thực tế. Bởi nó rất dễ gây ra sự khó hiểu, thậm chí là bất đồng giữa ta với người tham gia giao tiếp.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích hình tượng “ly khách” trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và hình tượng “ly khách” trong bài thơ.
– Trình bày cảm nhận về hình tượng “ly khách”:
+ Là người có chí lớn, ôm ấp khát vọng lên đường.
+ Cố nén tình cảm để có thể dứt khoát giã biệt người thân: Mẹ thà coi như chiếc lá bay,/ Chị thà coi như là hạt bụi,/ Em thà coi như hơi rượu say.
+ Là người nặng lòng, giàu tình cảm, mang trách nhiệm sâu sắc với gia đình: một giã gia đình, bước chân ra đi mà thẳm sâu trong lòng là biết bao lưu luyến, bịn rịn, đau đớn, nghẹn ngào, không nỡ rời xa những người thân yêu: buồn chiều hôm trước, buồn sáng hôm sau.
=> “Ly khách” hiện lên qua hai nửa đối lập mà thống nhất, không tách rời. Là người ra đi trong bài thơ, “ly khách” chính là đối tượng trữ tình, được khắc họa qua cái nhìn của nhân vật trữ tình - người đưa tiễn.
=> Ý nghĩa của hình tượng: Hình tượng “ly khách” được khắc họa qua sự thấu hiểu, đồng cảm của nhân vật trữ tình, qua vẻ đối lập giữa thái độ bên ngoài trong buổi chia ly với cảm xúc bên trong; qua sự giằng xé giữa chí lớn và trách nhiệm, tình cảm gia đình. Đó là một hình tượng cho thấy vẻ đẹp nhân văn của con người trong mối quan hệ giữa lí trí và tình cảm.
– Nhận xét về nghệ thuật khắc họa “ly khách”: Tác giả đã rất tài tình, tinh tế trong việc sử dụng các hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng, các biện pháp tu từ đặc sắc (ẩn dụ, lặp cấu trúc, câu hỏi tu từ, đối), giọng điệu độc đáo để làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.