Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dàn ý tham khảo số 2 SVIP
DÀN Ý THAM KHẢO SỐ 2
Đề bài: Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn Chí Phèo.
A. Mở bài
Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Đôi mắt, Chí Phèo, Giăng sáng, Lão Hạc,... Trong số các tác phẩm nổi tiếng của ông, Chí Phèo được xem là truyện ngắn thành công nhất viết về bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ. Qua truyện ngắn này, nhà văn đã gửi gắm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.
B. Thân bài
1. Giới thiệu khái quát về truyện ngắn Chí Phèo
Chí Phèo là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho giai đoạn văn học trước 1945, được viết năm 1941. Tác phẩm đã trải qua nhiều lần đổi tên: Đôi lứa xứng đôi, Cái lò gạch cũ, Chí Phèo. Xây dựng hình tượng trung tâm là nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã thành công khi làm rõ bi kịch của người nông dân cùng đường trong xã hội cũ.
2. Khái quát chung về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo
- Giá trị hiện thực: phản ánh vấn đề cơ bản của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám là mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ, giữa các thế lực ác bá ở địa phương; hiện thực đời sống tăm tối của người nông dân.
- Giá trị nhân đạo: cảm thương sâu sắc trước cảnh ngộ của người nông dân cùng đường; phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân; thể hiện niềm tin vào bản chất lương thiện của con người; phê phán những thế lực bạo tàn chà đạp con người.
3. Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo
a. Giá trị hiện thực:
* Truyện ngắn Chí Phèo đã gửi gắm những giá trị hiện thực sâu sắc.
- Phản ánh những vấn đề cơ bản của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.
+ Mối quan hệ của giai cấp thống trị, những bè cánh địa chủ cường hào.
+ Một mặt chúng đối nghịch với nhau. Vì bọn chúng là một “quần ngư tranh thực”, mồi thì ngon mà bè nào cũng muốn ăn. Do đó chúng luôn rình cơ hội để trị nhau, hại nhau.
+ Mặt khác chúng du lại với nhau để bóc lột người nông dân.
=> Phản ánh ý thức tranh chấp và giành địa vị bá chủ trong làng xã.
- Mâu thuẫn giai cấp đối kháng, gay gắt giữa bọn địa chủ cường hào thống trị với những người nông dân bị áp bức, bóc lột. Tiêu biểu là mâu thuẫn giữa bá Kiến với Chí Phèo.
+ Bá Kiến là một tên địa chủ khét tiếng xảo quyệt, tàn ác, lão biết dùng những phương châm trị dân. Lão đã đẩy những người lương thiện vào con đường tội lỗi, thậm chí là tha hoá và biến thành quỷ dữ.
- Hiện thực đời sống tăm tối, đau khổ của người nông dân lương thiện được tập trung thể hiện qua số phận của nhân vật Chí Phèo.
+ Chí là điển hình cho bi kịch bị chà đạp cả nhân hình, nhân tính: từ một người lao động lương thiện, bị tha hoá thành kẻ lưu manh và trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, cuối cùng chết một cách thảm khốc trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện.
+ Cuộc đời Chí là những chuỗi khổ đau: tuổi thơ bất hạnh, tủi cực; nhờ lòng trắc ẩn của dân làng, Chí lớn lên có lòng tự trọng và ước mơ giản dị nhưng lại phải vào tù mà không rõ lí do; Chí ra tù, thay đổi nhân hình nhân tính, biến thành kẻ lưu manh; rồi Chí trở thành tay sai, thành công cụ gây tội ác. Chí dùng tiếng chửi để đối thoại, để giao tiếp mà không ai đáp lại; Chí gặp thị Nở và khao khát làm người. Tưởng chừng cuộc đời Chí sẽ ngoặt sang một quãng khác khi hắn khao khát được trở về với xã hội loài người, nhưng khi Chí đã ăn năn hối hận và có niềm tin để sống lương thiện thì hắn lại bị thị Nở từ chối. Chí rơi vào tình thế bi kịch rồi đến thảm kịch, Chí đi báo thù và chết khi niềm khao khát lương thiện lên đỉnh cao nhất.
=> Chí Phèo đã khái quát hiện thực mang tính quy luật trong xã hội cũ: có áp bức, có đấu tranh, đấu tranh tự phát thường dẫn đến kết cục bi thảm. Và những cuộc đấu tranh như thế này chưa thể kết thúc được vì “tre già măng mọc”. Bá Kiến chết còn Lí Cường, còn nhiều tên cường hào ác bá khác thì còn những “hiện tượng Chí Phèo” và còn những cuộc đấu tranh tự phát,…
b. Giá trị nhân đạo:
* Bên cạnh giá trị hiện thực, thành công của truyện ngắn Chí Phèo được làm rõ qua giá trị nhân đạo.
- Niềm cảm thương sâu sắc đối với những số phận khổ đau, bất hạnh như Chí Phèo, thị Nở:
+ Chí Phèo là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. trong nỗi cô đơn thê thảm, sự cô đơn tuyệt đối, Chí dùng tiếng chửi để đối thoại, để giao tiếp với cộng đồng. Chí chửi tất cả, từ những đối tượng khái quát, trừu tượng đến những đối tượng cụ thể. Chí chửi rủa cả người đẻ ra Chí, nguyền rủa sự tồn tại của chính mình. Nỗi cay đắng tuyệt vọng của Chí lên đến đỉnh điểm khi Chí đã thức tỉnh nhân tính và muốn thực hiện ước mơ thời lương thiện nhưng lại bị thị Nở từ chối. Đau đớn tột đỉnh khi nhận ra cuộc đời không chấp nhận mình, Chí đã phải chết.
+ Còn thị Nở thì hiền lành, chẳng có thể làm hại ai nhưng vẫn bị cộng đồng xa lánh, họ tránh thị “như tránh một con vật gì rất tởm”. Nhưng thị có tình cảm đồng loại, có tình yêu thương con người. Thị không sợ Chí Phèo, thị còn sang nhà hắn xin lửa hay xin rượu nữa. Thị còn nhận ra Chí Phèo hiền lành, vì chẳng làm hại gì đến thị, thị sẵn sàng chăm sóc Chí khi hắn ốm. Thị yêu Chí thật và cũng muốn sống chung với Chí nhưng bị bà cô và định kiến nghiệt ngã của xã hội ngăn cản.
=> Qua đó, Nam Cao cho thấy nỗi khổ của con người vừa do sự tàn bạo của xã hội vô nhân tính đem đến vừa do những định kiến khắc nghiệt, vô lí của xã hội làm nên.
- Khẳng định, đề cao nhân tính, đề cao con người.
+ Xã hội tàn bạo đã vùi dập nhân hình nhân tính, đã vò nát bộ mặt người, đã bóp nát linh hồn người, đã biến Chí Phèo thành quỷ dữ nhưng không thể giết chết bản chất lương thiện của Chí. Nhân tính của Chí ngày thường bị che lấp bởi vỏ ngoài của một thằng say. Nhưng khi được tình người chạm đến, nhân tính ấy bừng dậy mạnh mẽ.
+ Chí Phèo vô tình gặp thị Nở, thị Nở đã đánh thức bản năng ở Chí và quan trọng hơn thị đã đánh thức lương tri của Chí. Sau đêm gặp thị Nở, Chí Phèo sống dậy những cảm xúc: Chí bâng khuâng cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống, thấy nó đối lập với không gian ẩm thấp, u ám trong căn lều của hắn; hắn nghe thấy nhịp sống của những con người bình dị mà sống dậy ước mơ thời quá khứ, nhận ra tình trạng hiện tại của mình và trông rõ cả tương lai. Chí đã nhận ra chính mình, thấy yêu cuộc sống của con người vô cùng. Chí thấy mình già mà còn cô độc và điều hắn sợ nhất là sự cô độc.
+ Chí xúc động khi được thị Nở chăm sóc, Chí ăn cháo hành, Chí nhìn thị cười và thị giục hắn ăn cho nóng, hắn cảm nhận được tất cả sự nồng ấm của tình người.
=> Nam Cao đã phát hiện ra vai trò quan trọng của tình người trong việc đánh thức và khơi dậy nhân tính ở Chí.
- Nam Cao phê phán những thế lực bạo tàn chà đạp con người.
+ Cái chết của Chí Phèo đã đanh thép tố cáo tội ác của xã hội tàn nhẫn, vô nhân đạo, xã hội đã tiêu diệt đến tận cùng quyền sống của con người.
+ Khi sinh ra, Chí Phèo đã bị bỏ rơi bên lề cuộc sống và Chí được sống tiếp sau đó là nhờ vào lòng trắc ẩn của người đời. Khi Chí lớn lên, Chí muốn sống với ước mơ giản dị, chính đáng. Thế nhưng, Chí bị đẩy vào nhà tù mà không được biết lí do. Khi ra tù, Chí bị xoá tên ra khỏi xã hội loài người. Khi Chí thức tỉnh lương tri và muốn được sống lương thiện, cuộc đời lại không chấp nhận Chí, Chí phải chết một cách bi thảm ngay trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống của con người.
- Nam Cao đề ra giải pháp mang tính nhân đạo, mang ý nghĩa hiện thực và triết lí sâu sắc: lật đổ xã hội tàn bạo để bảo toàn nhân tính của con người.
+ Hành động dữ dội của Chí Phèo là đâm chết Bá Kiến đã dự báo sự đối đầu gay gắt cần giải quyết: người lương thiện phải đứng dậy trả thù quyết liệt để giành lại quyền sống lương thiện. Điều đó cũng mang ý nghĩa sâu sắc: khi nào xã hội có lương thiện, có tình người, cái ác không còn thì con người mới được sống là người.
+ Chí Phèo đã đến nhà Bá Kiến 3 lần. Lần thứ nhất đến chửi, lần thứ hai đến xin đi ở tù và lần thứ ba đến đòi lương thiện. Những lần trước thì Chí được sống, bởi Chí sẽ là công cụ, là tay sai của Bá Kiến. Nhưng lần thứ ba, Chí phải chết. Bởi xã hội có nhiều kẻ tàn bạo và xảo quyệt như Bá Kiến mà Chí lại đòi lương thiện, đòi cái mà xã hội ấy không có. Chí chết là tất yếu.
=> Chí Phèo là một tác phẩm văn học chân chính như trong quan niệm của Nam Cao: “Tác phẩm văn học có giá trị là tác phẩm phải thể hiện nỗi đau của con người, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”.
4. Đánh giá nội dung, nghệ thuật
- Nam Cao đã thành công trong việc:
+ Khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật.
+ Đan xen các điểm nhìn.
+ Tạo nên tình huống mang tính xung đột.
+ Xây dựng kết cấu đầu cuối tương ứng.
=> Làm rõ bức tranh hiện thực xã hội Việt Nam trước Cách mạng và cho thấy số phận, tình cảnh đáng thương của người nông dân trong xã hội cũ.
C. Kết bài
Trải qua bao thăng tầm của thời gian, đến nay, Chí Phèo vẫn được xem là truyện ngắn đặc sắc của văn xuối trước Cách mạng. Truyện không hấp dẫn bởi những lời hoa mĩ sáo rỗng mà chính là ở hình tượng nhân vật độc đáo. Quả thật, đó là thành công lớn của Nam Cao và cũng là của nền văn học.
(Sưu tầm và chỉnh sửa)
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây