Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp ở Đông Dương (1919 - 1929) SVIP
1. Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp ở Đông Dương
(1919 - 1929)
a. Mục đích
- Chiến tranh thế giới thứ nhất đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nước Pháp với hơn 1,4 triệu người chết, thiệt hại về vật chất lên gần 200 tỉ phrăng. Các ngành sản xuất công, nông, thương nghiệp và giao thông vận tải bị giảm sút nghiêm trọng, Pháp trở thành con nợ của Mĩ. Để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra và khôi phục địa vị kinh tế, chính trị trong nước, Pháp cần tăng cường bót lột thuộc địa.
- Pháp muốn vơ vét, bóc lột tài nguyên, nhân công các xứ thuộc địa làm giàu cho chính quốc.
=> Pháp đã tiến tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1929) ở Đông Dương mà chủ yếu là ở Việt Nam.
b. Chính sách khai thác (Kinh tế)
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần này Pháp đầu tư với tốc độ nhanh và quy mô lớn vào các ngành kinh tế của Việt Nam.
- Nông nghiệp: được Pháp chú trọng đầu tư nhiều nhất, đặc biệt là đồn điền cao su do nhu cầu sử dụng cao su cho ngành sản xuất ô tô trên thế giới ngày càng cao. Tư bản Pháp cướp đoạt ruộng đất của nông dân, mở rộng diện tích trồng cao su và thành lập hàng loạt các công ty cao su.
- Công nghiệp:
+ Công nghiệp nặng: việc khai thác mỏ được Pháp coi trọng (than, thiếc, kẽm, sắt...), nhiều công ty khai thác than được thành lập như Công ty than Hạ Long, Đồng Đăng, Đông Triều... Nhìn chung, Pháp vẫn hạn chế sự phát triển của công nghiệp nặng như luyện kim, cơ khí, và hóa chất.
+ Công nghiệp nhẹ: mở mang một số ngành công nghiệp như dệt, muối, xay xát...
- Thương nghiệp: ngoại thương phát triển, buôn bán nội địa được đẩy mạnh. Pháp cố gắng nắm độc quyền thương nghiệp Việt Nam bằng cách đánh thuế nặng hàng hóa nước ngoài, ngược lại giảm hoặc miễn thuế với hàng hóa Pháp vào Việt Nam.
- Giao thông vận tải: để phục vụ cho việc khai thác và mục đích quân sự, Pháp chú trọng mở mang hệ thống đường giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, xây dựng một số cảng mới như Hồng Gai, Cẩm Phả...
- Tài chính - ngân hàng: Ngân hàng Đông Dương nắm quyền chỉ huy toàn bộ nền kinh tế Đông Dương, phát hành tiền giấy và cho vay lãi. Pháp tăng cường thu các loại thuế đặc biệt là thuế thân, thuế rượu, thuế thuốc phiện... Nhờ vậy, ngân sách Đông Dương thu được năm 1930 tăng gấp 3 lần so với năm 1912.
2. Những chuyển biến về kinh tế - xã hội ở Việt Nam dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai
a. Chuyển biến về kinh tế
- Kinh tế tư bản chủ nghĩa tiếp tục được du nhập vào Việt Nam nhưng không hoàn toàn (quan hệ sản xuất phong kiến vẫn được duy trì; hạn chế sự phát triển của công nghiệp nặng).
- Sự chuyển biến kinh tế chỉ mang tính chất cục bộ ở một số vùng, còn lại cơ bản vẫn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.
- Kinh tế Việt Nam bị cột chặt vào kinh tế Pháp và Việt Nam vẫn là thị trường độc chiếm của Pháp.
b. Chuyển biến về xã hội
* Cơ cấu xã hội thay đổi, phân hóa giai cấp diễn ra sâu sắc:
- Giai cấp địa chủ phong kiến: đây là giai cấp nắm quyền thống trị trong chế độ phong kiến. Giai cấp này phân hóa khá rõ rệt thành ba bộ phận đại địa chủ, trung địa chủ và tiểu địa chủ. Trong đó, đại địa chủ chiếm một tỉ lệ nhỏ, tăng cường chiếm đoạt ruộng đất của nông dân. Một bộ phận không nhỏ tiểu địa chủ và trung địa chủ tham gia phong trào dân tộc dân chủ chống Pháp và các thế lực tay sai phản động.
- Giai cấp nông dân: chiếm khoảng 90% dân số. Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai và sự bóc lột nặng nề của thực dân, phong kiến họ bị bần cùng hóa. Giai cấp nông dân giàu lòng yêu nước, căm thù giặc, có tinh thần cách mạng. Đây là một lực lượng to lớn của cách mạng.
- Giai cấp tiểu tư sản: giai cấp tiểu tư sản ra đời nhờ sự phát triển kinh tế và mở rộng các quan hệ hành chính. Họ phát triển nhanh về số lượng, có tinh thần dân tộc, chống Pháp và tay sai. Đặc biệt bộ phận trí thức có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu, tư tưởng, văn hóa tiến bộ bên ngoài nên họ nhạy bén với thời cuộc.
- Giai cấp tư sản: ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến nên số lượng ít, thế lực kinh tế yếu, thái độ chính trị không kiên quyết. Giai cấp tư sản Việt Nam dần phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản và tư sản dân tộc. Trong đó:
+ Tư sản mại bản có quyền lợi kinh tế gắn liền với đế quốc.
+ Tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước, có mâu thuẫn với thực dân phong kiến nhưng tinh thần đấu tranh chưa mạnh mẽ.
- Giai cấp công nhân:
+ Tiếp tục tăng lên về số lượng, trưởng thành về ý thức. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, số lượng công nhân khoảng 10 vạn người, đến năm 1929 đã tăng lên tới 22 vạn người.
+ Mang đặc điểm của công nhân quốc tế: đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến trên thế giới.
+ Mang đặc điểm của công nhân Việt Nam: ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc, chịu 3 tầng áp bức (đế quốc, tư sản, địa chủ phong kiến), có mối quan hệ mật thiết với nông dân, thuần nhất về đội ngũ, sớm tiếp thu tư tưởng Mác - Lê-nin do Nguyễn Ái Quốc truyền về nước... Do vậy, công nhân Việt Nam hoàn toàn có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản.
* Mâu thuẫn xã hội diễn ra gay gắt:
Xã hội tồn tại hai mâu thuẫn lớn là mâu thuẫn dân tộc và dân chủ. Trong đó, mâu thuẫn dân tộc (toàn thể dân tộc Việt Nam - thực dân Pháp và tay sai) là chủ yếu và cũng là động lực cho phong trào đấu tranh giành độc lập bùng nổ và mang những màu sắc mới.
3. Điểm giống và khác nhau của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai
- Điểm giống nhau:
+ Mục đích: vơ vét, bóc lột thuộc địa để làm giàu cho chính quốc.
+ Chính sách: tập trung khai thác trên lĩnh vực kinh tế.
+ Tác động: tạo ra sự chuyển biến về kinh tế - xã hội.
- Điểm khác nhau:
Nội dung so sánh | Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất | Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai |
---|---|---|
Thời gian | 1897 - 1914 | 1919 - 1929 |
Hoàn cảnh | Sau khi bình định Việt Nam bằng quân sự | Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất |
Mục đích | Vơ vét, bóc lột thuộc địa làm giàu cho chính quốc | - Bù đắp thiệt hại chiến tranh gây ra, khôi phục địa vị |
Quy mô | Quy mô và tốc độ chậm hơn cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai | Tốc độ nhanh, quy mô lớn so với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất |
Chính sách | Chú trọng đầu tư giao thông vận tải | Chú trọng đầu tư nông nghiệp |
Tác động |
- Kinh tế tư bản chủ nghĩa bước đầu được du nhập - Xã hội xuất hiện các lực lượng mới |
- Kinh tế tư bản chủ nghĩa được du nhập nhưng không hoàn toàn - Các giai cấp phân hóa sâu sắc, mâu thuẫn xã hội gay gắt |
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây