Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bình giảng SVIP
Bình giảng điểm sáng văn chương
THẾ NÀO LÀ ANH HÙNG TRONG THIÊN HẠ?
Tào Tháo uống rượu luận anh hùng, bản thân cách đặt tên của người biên soạn đã rất hay, vừa dào dạt cảm hứng thi ca vừa khảng khái tinh thần thượng võ. Có cái phóng túng của anh hùng Lương Sơn Bạc, có cái nghiêm cẩn của đạo lí Nho gia. Người kiếm cung yên ngựa có một phút xả hơi, sảng khoái bàn về việc cầm gươm thì quả thực là thú vị.
Trước hết, Tào Tháo là một con người đặc biệt, đặc biệt đến mức khó lường. Hắn là một tay gian hùng thời loạn. Vì vậy, tuy được nương nhờ vào cái thế của ông ta, Lưu Bị lúc nào cũng cảm thấy như cá nằm trên thớt. Đang lom khom tưới rau, Lưu Bị đột ngột được mời gấp vào trong phủ mà đâu phải việc hệ trọng quân cơ. Động thái ấy làm cho người "có tật" không khỏi "giật mình". Một câu nói lửng lơ của ông ta cũng làm cho Lưu Bị tái mặt. Phản xạ của Lưu Bị không phải là thái độ của kẻ yếu bóng vía, nhát gan mà chỉ vì nhất cử nhất động của Tào, kể cả lời nói lửng lơ, bâng quơ không bao giờ là đơn nghĩa. Với con người cơ trí xảo quyệt ấy, nhất nhất Lưu Bị phải cảnh giác, đề phòng. Nhưng mặt khác, Tào Tháo không hoàn toàn là một ẩn số. Nhân có chuyện vòi rồng lấy nước, ông ta đã cao hững luận về anh hùng. Đây là một tâm sự có thật của Tào. Đoạn văn như một lời tâm sự: "Rồng thì lúc to lúc nhỏ, lúc bay cao, lúc nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu hình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hóa cũng như người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể". Đoạn văn đầy hào hứng ấy phải chăng là do sự song trùng ứng đối giữa rồng ở trên trời (vòi rồng) và rồng ở dưới mặt đất (chỉ mình và Lưu Bị). "Con rồng mặt đất" ấy đang tổng kết lại đời mình bằng giọng văn chiêm nghiệm và kiêu hãnh biết bao! Song càng tự bộc lộ chân thành, một nét tính cách khác của Tào Tháo càng hiện ra thật rõ: ông ta nhìn đời bằng nửa con mắt. Viên Thiệu thì nhút nhát và thiển cận "làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ lại quên mình". Kẻ thì bị chê là chỉ có hư danh không có thực tài (Lưu Biểu), người thì "nhờ danh của bố" (Tôn Sách)... Hình như khoái cảm của Tào Tháo chỉ kìm nén được đến thế. Cho nên khi nghe đến bọn Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại thì ông ta vỗ tay cười to: "Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì?". Đối lập với những kẻ mà Lưu Bị gợi ý, theo Tào Tháo, cái khuôn mẫu của kẻ anh hùng, cái khuôn vàng thước ngọc cần được đóng khung phải là người "trong bụng có chí, có tài lớn trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia". Và kẻ có chí, có tại lớn ấy trong thiên hạ giờ đây chỉ có hai người: Tào Tháo và Lưu Bị. Sự cao ngạo của Tào thông qua chi tiết này như trước đó là sự kiêu căng nhưng thành thực. Ấy là chưa nói đến một thái độ không hẳn là cố ý dò xét của Tào trước, trong và sau tiệc rượu. Bởi có đến không dưới ba lần Lưu Bị đã chẳng giữ được vẻ tự nhiên. Nhưng chỉ một lần Tào mới thoáng nhận ra. Cũng may lần ấy có tiếng sấm chen vào, và trước sự ngạc nhiên thường tình của Tào Tháo, Lưu Bị đã trả lời trôi chảy.
Tóm lại, ở nhân vật nổi tiếng gian hùng này không đơn giản như dư luận khen chê. Có thể Tào Tháo tàn bạo đa nghi, là một nhân vật phản diện nhưng ở một phương diện nào đó, ở một mức độ nào đó, ông ta vẫn là một con người. Tính phức tạp ở nhân vật lừng danh này không đơn giản chỉ là vừa có tài vừa có tật mà trong tâm hồn ông vẫn còn một chỗ trong sáng mà người đọc có thể cảm thông.
Quan hệ đối lập giữa Lưu Bị và Tào Tháo trong đoạn trích không hẳn trên phương diện chính kiến, bởi một lẽ đơn giản: Lưu Bị luôn tạo ra cho mình một thứ vỏ bọc, một con người không lộ diện từ trước đến sau. Tất cả phải được giấu kín. Lưu Bị đã làm đúng như thế, cho dù có thể về quan điểm, hai người rất khác nhau (quan điểm này vẫn nằm ngoài đoạn trích). Ngay một việc nhỏ là ngày ngày cuốc đất trồng rau là "cái việc của kẻ tiểu nhân" thì Tào Tháo rồi cả Quan, Trương đều không hiểu. Chính vì thế một câu nói bóng gió, xa xôi của Tào Tháo cũng làm cho Lưu Bị sợ tái mặt: "Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ!". Phải đến khi Lưu Bị biết là câu nói đùa, Tào Tháo chẳng những không xét nét mà còn cầm tay thân mật dắt vào vườn sau nhà, Lưu Bị mới "vững dạ" mà nhẹ người. Ở vào hoàn cảnh "bị hỏi chuyện", sự chủ động về phía Lưu Công chỉ có thể hoặc là nói đến một vài nhân vật tôn thất để thăm dò (Lưu Bị là dòng họ nhà vua sáng lập ra nhà Hán: Lưu Bang) hoặc dẫn dắt câu chuyện về các nhân vật nổi tiếng từ thấp đến cao rồi sau đó từ cao xuống thấp để Tào Tháo không những chỉ càng tỏ ra sơ hở mà còn đắc chí vỗ tay cười lớn, ngạo mạn kiêu căng để rồi sau đó, những gì gan ruột nhất của Tào Tháo lại được phơi bày kể cả với một con người không hẳn đã cùng chí hướng. Trong hoàn cảnh của Lưu Bị thì sự bình tĩnh, cẩn trọng, khôn ngoan để bí mật hoàn toàn vẫn là một thử thách lớn đối với con người "trong bụng có chí lớn". Cho Lưu Bị là anh hùng, nhận xét của Tào Tháo không hẳn là một sự tâng bốc. Thật đáng khen cho Tào Tháo có con mắt tinh đời:
"Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già"
(Trích trong Gợi ý - đọc hiểu và lời bình - Lê Bảo)
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây