Mình thăm Đồng Lộc tháng 5 năm 1995, trên một chuyến về thăm quê hương cụ Hồ tại Nghệ An, với một số Việt Kiều khác, do anh Nguyễn Ngọc Trân, trưởng Ban Việt Kiều Trung Ương tổ chức. Trên đường anh Trân cho xe ghé vào Đồng Lộc. Lúc đó mình hoàn toàn chẳng biết Đồng Lộc là gì cả.
Ấn tượng đầu tiên của mình là, đó là một vùng rất nghèo khổ, xác xơ, nóng đổ lửa… và nó làm cho mình có cảm giác buồn buồn vì cái nghèo của quê hương và cái khổ của dân quê. Mình vẫn luôn luôn như thế từ hồi 16, 17 tuổi.
Vào đến nơi, thấy mười ngôi mộ xi măng khiêm tốn nằm trên một ngọn đồi với vài bóng cây lưa thưa, giữa một vùng đồng khô cỏ cháy. Rồi từ từ hiểu chuyện, nhìn hố bom nơi các cô hy sinh, nhận biết rằmg các cô này cở tuổi mình hay có người chỉ sinh trước một hai năm, nhưng cuộc đời có quá nhiều khác biệt… làm cho mình thật là nhức nhối. Lúc đó mình “try to be connected” với các cô bằng cách nhờ anh Trân chụp một tấm ảnh mình ngồi bên cạnh một ngôi mộ. Tấm ảnh này có đăng trong báo Quê Hương (của Ban VKTW) sau chuyến đi đó.
Vì các cô trẻ mãi không già, cho nên mình luôn luôn có cảm tưởng các cô này là những người em gái bất hạnh của mình. Vì vậy, mình không quên các cô được những tháng năm sau đó. Hơn 10 năm sau, khi đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm lần đầu, ý tưởng đầu tiên đến trong đầu mình là 10 cô gái Đồng Lộc.
Đến năm 2005, 10 năm sau khi anh Vương Trọng viết bài thơ và 3 năm sau khi nó được khắc vào bia xi măng, chị Diệu Ánh (admin của VNBIZ forum) trong một chuyến du hành trên quốc lộ Trường Sơn, ghé qua Đồng Lộc, thấy bài thơ, chụp và gởi cho mình. Mình dịch ngay ra tiếng Anh và post trên VNBIZ. Đây là bài thơ duy nhất mà mình ứa nước mắt rất nhiều lần trong khi dịch.
Đến đầu năm 2008 chị Diệu Ánh gặp chị Minh Lý, phóng viên Hà Tĩnh nhưng hiện sống ở Vũng Tàu, chị Minh Lý biết anh Vương Trọng. Thế là mình chỉnh sửa lại bài thơ một tí nữa rồi nhờ chị Diệu Ánh và Minh Lý chuyển đến anh Vương Trọng. Anh Vương Trọng nói chuyện với anh Thế Ban, sở Văn Hóa Thể Thao Hà Tĩnh. Sở quyết định khắc cả bài nguyên thủy lẫn bài dịch vào bia đá, thay bia xi măng đã hao mòn quá nhiều. Tháng giêng 2009, bia đá hoàn thành.
Mình đã viết một bài hồi tháng ba năm nay (2009)về bài thơ này để chia sẻ với các bạn. Hôm nay chúng ta nghe câu chuyện từ phía anh Vương Trọng. Bài này của anh Vương Trọng đã đăng trên Văn Nghệ Công An ngày 20 tháng 7 năm 2009.
Cám ơn anh Vương Trọng. Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
.
Bài thơ song ngữ ở Nghĩa Trang Đồng Lộc
- Vương Trọng
Vương Trọng
Từ khi Ngã ba Đồng Lộc trở thành khu di tích lịch sử của Thanh niên xung phong cả nước, khách tìm đến nơi này mỗi ngày một đông, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên. Có người nói rằng, chỉ cần đến nơi này một lần, bài học về giáo dục truyền thống tự nhiên thấm vào người, và lớp trẻ có điều kiện để nhận thức được cái giá của độc lập, tự do.
Gần đây có nhiều bạn trẻ sau khi viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc, ra Hà Nội có tìm gặp tôi để trò chuyện. Có người tôi quen biết từ trước, nhưng cũng có kẻ tôi mới được gặp lần đầu. Nguyên nhân là vì một bài thơ của tôi đã được khắc đá và dựng lên ở nghĩa trang này. Hơn nữa, bài thơ đó lại được dịch ra tiếng Anh, khắc trên tấm bia đá cao 2,5 mét, rộng 1 mét, mặt này là bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của tôi, mặt kia là bản dịch của ông Trần Đình Hoành, một Việt kiều ở Mỹ. Bởi vậy tôi muốn có đôi lời tâm sự với bạn đọc về chuyện này.
Đài tưởng niệm Đồng Lộc
Mùa hè năm 1995, lần đầu tôi đến thăm nghĩa trang Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Mặc dù mười cô gái đã hy sinh trước đó 27 năm trời, thế nhưng khi đứng lặng trước hố bom đã giết các cô, khi thắp hương lần lượt cắm lên mười nấm mộ, cũng như khi chứng kiến những kỷ vật các cô để lại…, tôi tự nhủ phải viết một cái gì đấy để giải tỏa nỗi xúc động. Bút ký, tuỳ bút cũng có thể chuyển tải được cảm xúc này, nhưng vì trong đoàn còn có nhà văn Xuân Thiều, nhà văn Nam Hà, nên tôi nghĩ nên “nhường” văn xuôi cho hai vị cao niên này. Bởi thế trước mắt tôi chỉ còn một cửa hẹp là thơ.
Nhưng thơ về Đồng Lộc cũng không phải dễ, vì trước đó đã có nhiều người viết rồi, có bài khá nổi tiếng như của nhà thơ Huy Cận. Thế thì mình phải viết thế nào để không bị chìm lấp bởi những bài đã có. Sự hy sinh cùng một lúc của mười cô gái trẻ khi đang san lấp hố bom làm mọi người cảm động, nên khi nào trên mười ngôi mộ cũng có thật nhiều hương khói. Khi cắm những nén hương đang cháy lên mộ các cô, tôi tự hỏi, nếu mười cô gái hiển linh, họ sẽ nghĩ thế nào?
Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Nhiếp ảnh gia Văn Sắc)
Qua tài liệu thu thập được, tôi biết số người hy sinh ở ngã ba này thật nhiều, riêng Trung đoàn phòng không 210 đã có 112 liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ mảnh đất này. Thế mà họ không có bia mộ để thắp hương, bởi thịt xương họ đã hoà trộn vào đất. Thế là cái ý tưởng dùng lời mười cô gái trò chuyện với các đoàn khách thăm viếng được nẩy sinh, và tôi thấy thuận lợi khi muốn chở ý tưởng: mọi chính sách, chế độ đối với những người đã hy sinh, nghĩ cho cùng là vì những người đang sống. Bởi vậy, xây dựng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc cũng là một cách thể hiện sự biết ơn đối với các liệt sỹ đã hy sinh.
Bài thơ có bốn khổ thì ba khổ đầu là lời mười liệt sĩ nhắc người đến nghĩa trang nên nhớ thắp hương cho những liệt sĩ mà thân xác đã tan trong đất, khuyên các em nhỏ nên trồng cây, các bạn cùng trang lứa cố gắng sản xuất. Còn các cô chỉ ước có vài cây bồ kết…
Bài thơ tôi viết và in lần đầu vào năm 1995, đến năm 1998 lại xuất hiện trong tuyển tập thơ về Đồng Lộc. Điều đáng nói là tập thơ này đã đến tay anh Nguyễn Tiến Tuẫn, là một trong ba anh hùng ở Đồng Lộc, thời mà mười cô gái hy sinh, anh đang phụ trách đơn vị Cảnh sát giao thông ở trọng điểm ác liệt này. Anh bảo rằng, anh bị bài thơ ám ảnh, và tự đặt cho mình phải làm một việc gì đó để giải toả sự ám ảnh này. Việc anh làm là lên huyện Hương Sơn tìm hai cây bồ kết con để đáp ứng lời thỉnh cầu của mười cô gái: ” Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”. Hai cây bồ kết anh trồng rất cẩn thận, hố đào to, phân tro nhiều nên tốt rất nhanh.
Bốn năm sau, năm 2002 thì hai cây bồ kết đã cao tới ba, bốn thước; cây lớn vào mùa thu đã nở hoa. Một lần trở lại thăm nghĩa trang đúng lúc gặp một đoàn khách, biết anh là người đã trồng hai cây bồ kết này, mọi người rất cảm phục và hỏi anh từ ý nghĩ nào mà làm được việc hết sức độc đáo và tuyệt vời này? Anh trả lời là từ cảm xúc một bài thơ, thế là họ hỏi anh có nhớ bài thơ đó không. Anh nói rằng bài thơ đó anh đã thuộc, nhưng không quen đọc thơ trước đám đông, anh hứa với họ là nếu lần sau quay lại thì thế nào cũng được đọc bài thơ đó ở đây. Mọi người nghe, kể cả người giới thiệu khu di tích, ai cũng nghĩ anh nói thế cho qua chuyện, ai ngờ anh bắt đầu ý định khắc bài thơ ấy lên đá. Điều trước tiên là phải liên hệ với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đơn vị phụ trách khu di tích này. Nghe anh trình bày ý định khắc đá bài thơ đó, mọi người tán thành và coi đây là một việc làm văn hoá. Thế là chiều ngày 14 tháng 8 năm 2002, bia đá cỡ 80cm . 40cm với bài thơ 25 câu chia thành bốn khổ, được khắc sâu và tô màu sơn vàng rất dễ đọc đã dựng lên cạnh hai cây bồ kết bên nghĩa trang Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
10 Mộ
Mấy năm năm nay, nhiều tờ báo đã đăng bài về chuyện này, và có nhiều bài đã gây xúc động người đọc. Ông Trịnh Xuân Tòng là cán bộ giảng dạy trường đại học Cần Thơ, đã nghỉ hưu; sau khi đọc bài báo của Ngô Vĩnh Bình nói về chuyện bài thơ và hai cây bồ kết, ông đã bỏ công mấy tuần liền để vẽ một bức tranh cỡ lớn với nhan đề : Múa dưới trăng, nỗi vui mừng khi có cây bồ kết . Trong bức tranh, ông đã vẽ mười cô gái liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc, khi trăng lên đã cùng nhau nhảy múa, năm cô leo lên cây, năm cô múa trên đất. Trong bức tranh lớn đó, ông trích bốn câu thơ làm đề từ:
Ngày bom vùi, tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết…
Đặc biệt hơn, ông còn viết một bức thư cảm động Gửi mười em gái ngã ba Đồng Lộc. Bức tranh và bức thư này, báo QĐND đã giới thiệu trong số đặc biệt ra ngày 22- 12- 2002.
Gần đây tôi có dịp trở lại Đồng Lộc. Khác hẳn với quang cảnh tôi đã chứng kiến năm 1995, bây giờ ở khu di tích Đồng Lộc, đường sá rộng rãi, nhà cửa xây dựng khang trang, và đặc biệt cây cối quanh vùng tươi xanh như một vùng du lịch sinh thái. Không còn những vạt “cỏ may khâu nặng ống quần” khách đến thăm, không còn đồi Trọ Voi trọc lóc, lở lói. Nhiều cảnh tôi nhắc đến trong bài thơ đã lạc hậu so với bây giờ.
10 Cô
Đồng chí giới thiệu khu di tích hướng dẫn đoàn chúng tôi đi thắp hương trên từng nấm mộ và đốt những quả bồ kết khô. Mấy năm nay, nhiều đoàn khách đến thăm khu di tích này thường đem theo những chùm quả bồ kết khô để đốt sau khi thắp nhang. Người đầu tiên đốt bồ kết ở đây là nhà văn Nguyễn Thế Tường, quê Quảng Bình, công tác tại Tuần báo Văn nghệ. Tháng 10 năm 2002, anh Tường gặp tôi ở Tuần báo Văn nghệ, khi anh sắp vào nghĩa trang Đồng Lộc, anh hỏi tôi có nhắn gì không. Tôi nói rằng, hai cây bồ kết mới ra hoa nhưng chưa có quả, tôi muốn nhờ anh mua hộ tôi một chùm bồ kết, vào đó đốt để viếng mười cô gái. Anh đã làm thế, và ngạc nhiên, khi vừa đốt mấy quả bồ kết thì bát hương lớn bỗng hoá, cháy bùng lên, làm mọi người ngạc nhiên và anh gọi điện cho tôi ngay. Ngẫu nhiên hay tâm linh? Anh bảo rằng mọi người có mặt hôm đó, kể cả những người quản lý khu di tích, không ai nghĩ là ngẫu nhiên.
Tôi tới bia đá khắc bài thơ của mình thì thấy có nhiều em sinh viên đang xúm xuýt mở sổ chép thơ. Biết tôi là tác giả, nhiều em xin chụp ảnh lưu niệm và hỏi chuyện quanh bài thơ. Bằng vi tính, nét chữ khắc đẹp, chỉ tiếc cắt khổ phần đầu không thật chính xác, vì bài thơ của tôi gồm bốn khổ, khổ đầu sáu câu chứ không phải bốn câu như đã khắc.
Tương đài Đồng Lộc, khi còn hoang vu, tháng 5 năm 1995, khi TĐH đến thăm