Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tập tính ở động vật SVIP
I. Khái niệm và vai trò của tập tính
1. Khái niệm
Tập tính là chuỗi các hoạt động của động vật trả lời các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho cơ thể động vật tồn tại và phát triển.
Ví dụ: vào mùa sinh sản (mùa xuân), chim công đực có tập tính xòe rộng bộ lông lộng lẫy và đi theo sau, nhảy múa, thu hút chim công cái. Ngoài ra, khi cần đe dọa kẻ thù, chim công cũng thể hiện phản xạ dựng lông đuôi.
Một trong những yếu tố thể dịch quan trọng ảnh hưởng đến tập tính là pheromone. Pheromone là những chất do cơ thể tiết ra ngoài môi trường, có thể gây ra những phản ứng chuyên biệt, được sử dụng như những tín hiệu hóa học cho những cá thể khác cùng loài. Pheromone phổ biến ở côn trùng và động vật có vú.
2. Vai trò
Làm tăng khả năng sinh tồn của động vật. Ví dụ: hươu nai chạy trốn để giữ mạng khi gặp hổ.
Đảm bảo cho sự thành công sinh sản. Ví dụ: hươu đực “giao đấu” để chọn ra con khỏe hơn sẽ được giao phối với con cái và sinh ra các con mạnh khỏe hơn, khả năng sống sót cao hơn.
Cơ chế cân bằng nội môi, duy trì môi trường trong ổn định. Ví dụ: thằn lằn phơi nắng để thu nhiệt khi thời tiết lạnh.
II. Phân loại tập tính
Tập tính là kết quả của di truyền và môi trường sống. Dựa vào đặc điểm di truyền của tập tính có thể chia tập tính thành ba loại: tập tính bẩm sinh, tập tính học được và tập tính hỗn hợp.
Tập tính bẩm sinh | Tập tính học được | Tập tính hỗn hợp | |
Tính di truyền | Có | Không | Có |
Tính cá thể | Không | Có | Có |
Tính ổn định | Ổn định | Không ổn định | Không ổn định |
Cơ chế phản xạ | Phản xạ không điều kiện | Phản xạ có điều kiện | Phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện |
Ví dụ | Gà con mới nở ra có tập tính đi theo vật chuyển động đầu tiên mà chúng nhìn thấy. | Gà có tập tính chạy lại chỗ người cho ăn khi người cho ăn gọi bằng âm thanh quen thuộc. | Gà có tập tính bẩm sinh là kiếm thức ăn. Tuy nhiên, hiệu quả tìm kiếm thức ăn của gà con chưa cao. Qua học tập, rèn luyện, gà con đã thành thục kĩ năng tìm kiếm thức ăn. |
Bên cạnh cách phân chia theo đặc điểm di truyền, tập tính còn được chia theo chức năng gồm: tập tính kiếm ăn, tập tính sinh sản, tập tính bảo vệ lãnh thổ, tập tính di cư và tập tính xã hội. Tập tính xã hội là tập tính có ở những loài sống bầy đàn.
III. Một số hình thức học tập ở động vật
1. Quen nhờn
Động vật phớt lờ, không đáp ứng kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần nếu không kèm theo sự nguy hiểm.
Ví dụ: chuột thường chạy khi thấy mèo, nhưng khi thấy nhiều lần mà mèo không bắt hay vồ lấy, chuột dần không sợ mèo nữa.
2. In vết
Hình thức học tập nhanh trong thời gian phát triển rất ngắn được gọi là giai đoạn then chốt (giai đoạn quyết định).
Con non có thể "in" vào não hình dạng bố mẹ hay hành vi cơ bản của loài.
Ví dụ: chim non mới nở có tính bám và đi theo các vật chuyển động mà chúng nhìn thấy lần đầu tiên - thường là chim mẹ.
3. Học cách nhận biết không gian
Động vật ghi nhớ về đặc điểm không gian của môi trường ở các vị trí mốc như tổ, thức ăn. Từ đó chúng xây dựng mối quan hệ giữa các vật thể trong không gian và giữa các vị trí mốc đó thành bản đồ nhận thức. Nhờ đó động vật định vị được vị trí một cách linh hoạt và hiệu quả.
Ví dụ: chim bồ câu có khả năng nhớ đường, được dùng để liên lạc đưa thư.
4. Học liên hệ
Điều kiện hóa đáp ứng | Điều kiện hóa hành động | |
Cách thức hình thành | Là kiểu học liên kết (liên kết thần kinh giữa một kích thích một tập tính/ hành vi) | |
Liên kết thần kinh giữa hành vi/ tập tính có sẵn với một kích thích bất kỳ đặc trưng (lặp lại). | Liên kết thần kinh giữa hành vi với kích thích là phần thưởng hoặc hình phạt (hay "thử" và "sai"). | |
Kết quả | Khi có kích thích đặc trưng, tập tính/hành vi đó liền xảy ra. | Động vật chủ động lặp lại hành vi đó để nhận thưởng/ né tránh hành vi để tránh hình phạt. |
Ví dụ | Thí nghiệm của I.P.Pavlov: Khi đói và nhìn thấy thức ăn, chó sẽ tiết nước bọt. Kết hợp đồng thời tiếng còi và hành động cho chó ăn cùng lúc, lặp lại nhiều lần. Sau nhiều lần như thế, khi có tiếng còi, mặc dù không cho con chó đó ăn nhưng nó vẫn tiết nước bọt. |
Thí nghiệm của B.F.Skinner: Cho chuột vào hộp, sàn hộp có lưới điện và trong hộp có một bàn đạp. Khi chuột di chuyển, vô tình đến 1 góc hộp thì bị điện giật, vô tình đạp vào bàn đạp thì có đồ ăn rơi ra. Sau vài lần như vậy, chuột không lại gần góc hộp đó và chủ động đạp vào bàn đạp. |
5. Học xã hội
Học bằng cách quan sát và bắt chước hành vi động vật khác.
Ví dụ: tinh tinh con bắt chước con trưởng thành chải lông, bắt rận cho nhau.
6. Học giải quyết vấn đề
Hình thức học phức tạp nhất, liên quan đến khả năng nhận biết và xử lí thông tin giải quyết những trở ngại gặp phải.
Ví dụ: quạ muốn uống nước trong lọ biết sử dụng vật nặng thả vào lọ để nước dâng lên.
IV. Ứng dụng những hiểu biết về tập tính vào đời sống
Chọn lọc, thuần dưỡng những động vật hoang dã thành những vật nuôi nhưng vẫn giữ được tập tính có lợi của loài ban đầu.
Chọn các loài thiên địch để tiêu diệt sâu hại cây trồng.
Sử dụng pheromone để dẫn dụ côn trùng.
Dạy động vật những phản xạ phục vụ đời sống.
Tăng hiệu quả học tập ở người bằng đa dạng hóa các phương pháp học tập để phù hợp với lứa tuổi, cá thể và nội dung học tập.
1. Tập tính là chuỗi các hoạt động của động vật trả lời các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho cơ thể động vật tồn tại và phát triển.
2. Tập tính giúp động vật tìm kiếm, bảo vệ và lấy thức ăn; tìm kiếm bạn tình, tăng cơ hội truyền gene cho thế hệ sau; báo động nguy hiểm; giao tiếp thông tin; duy trì cân bằng nội môi;...
3. Pheromone là những chất do cơ thể tiết ra ngoài môi trường, được sử dụng như những tín hiệu hóa học cho những cá thể khác cùng loài.
4. Dựa vào đặc điểm di truyền, tập tính chia thành ba loại: tập tính bẩm sinh, tập tính học được và tập tính hỗn hợp.
5. Những hình thức học tập phổ biến gồm: quen nhờn, in vết, học nhận biết không gian, học liên hệ, học giải quyết vần đề và học xã hội.
6. Cơ chế của quá trình học tập ở người là sự hình thành các phản xạ có điều kiện.
7. Hiểu biết về tập tính được ứng dụng trong cải tạo giống, bảo vệ mùa màng, dạy và học.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây