Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 0 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Sinh sản ở sinh vật SVIP
↵
I - Khái niệm sinh sản
Sinh sản là một trong những đặc trưng cơ bản của cơ thể sống nhằm tạo ra cá thể mới (con) đảm bảo sự phát triển liên tục của loài.
|
|
Thông qua sinh sản, số lượng cá thể của loài tăng lên, điều này tuỳ thuộc vào đặc điểm sinh sản của loài và hình thức sinh sản.
Trong tự nhiên có hai hình thức sinh sản ở sinh vật là sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.
II - Sinh sản vô tính ở sinh vật
1. Khái niệm sinh sản vô tính ở sinh vật
Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản mà cơ thể con được hình thành chỉ từ cơ thể mẹ, mang đặc điểm giống mẹ, không có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái.
Hình thức này thường có ở đa số sinh vật thuộc giới Khởi sinh và giới Nguyên sinh; một số động vật như sứa, san hô, giun.
|
|
2. Các hình thức sinh sản sinh dưỡng ở thực vật
Nhiều loài thực vật có khả năng tạo ra cơ thể mới từ một bộ phận như rễ, thân, lá. Cây con tạo thành có đặc điểm giống với cây ban đầu.
|
|
|
3. Các hình thức sinh sản vô tính ở động vật
Một số động vật có hình thức sinh sản vô tính như nảy chồi hoặc phân mảnh.
Ở ruột khoang, cơ thể mới được hình thành từ chồi con mọc lên ở cơ thể mẹ, chồi lớn lên có thể tách khỏi cơ thể mẹ (như thuỷ tức) hoặc chồi tiếp tục phát triển trên cơ thể mẹ (như san hô).
4. Tìm hiểu một số ứng dụng sinh sản vô tính trong thực tiễn
Trong sinh sản vô tính, con sinh ra với số lượng lớn và duy trì được những đặc điểm tốt của cơ thể mẹ. Do đó, trong thực tiễn, con người thường ứng dụng sinh sản vô tính để nhân giống cây trồng bằng các biện pháp như giâm cành (mía, sắn, hoa hồng, khoai lang, ...), chiết cành (cam, chanh, bưởi, ...), ghép cành (một số loại cây ăn quả, cây cảnh), nuôi cấy tế bào/ mô ở thực vật (hoa lan, cà rốt, ...).
III - Sinh sản hữu tính ở sinh vật
1. Khái niệm sinh sản hữu tính
Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản mà cơ thể con được sinh ra từ sự kết hợp của giao từ đực và giao tử cái. Hai loại giao tử này có thể được sinh ra từ một cơ thể (sinh vật lưỡng tính) hoặc từ hai cơ thể khác nhau (sinh vật đơn tính), cơ thể đực chứa giao tử đực và cơ thể cái chứa giao tử cái.
2. Sinh sản hữu tính ở thực vật
Ở nhóm thực vật hạt kín, hoa là cơ quan sinh sản, trong đó bộ phận sinh sản bao gồm nhị và nhuỵ. Nhị là cơ quan sinh sản đực (chứa giao tử đực - hạt phấn), nhuỵ là cơ quan sinh sản cái (chứa giao tử cái - noãn).
Hoa có cả nhị và nhuỵ gọi là hoa lưỡng tính (ví dụ: hoa bưởi, hoa cam).
Hoa chỉ có nhị hoặc nhuỵ gọi là hoa đơn tính (hoa bí ngô, hoa dưa chuột, hoa mướp, ...).
Khi nhị và nhuỵ chín đồng thời, sinh sản ở thực vật bắt đầu với các sự kiện liên tiếp xảy ra như thụ phấn, sự thụ tinh, sự hình thành và lớn lên của quả.
Sự thụ phấn xảy ra khi hạt phấn được chuyển từ nhị đến đầu nhuỵ. Khi hạt phấn bám lên đầu nhuỵ, hạt phấn nảy mầm tạo ống phấn, ống phấn xuyên qua đầu nhuỵ theo vòi nhuỵ đến bầu nhuỵ và noãn. Tại noãn, giao tử đực kết hợp với giao tử cái tạo thành hợp tử, hiện tượng đó gọi là sự thụ tinh.
Sau khi thụ tinh, hợp tử phát triển thành phôi, noãn biến đổi thành hạt chứa phôi, bầu nhuỵ biến đổi thành quả chứa hạt. Quả lớn lên nhờ sự phân chia của tế bào. Song song với sự tạo quả, cánh hoa, nhị hoa, vòi nhuỵ dần khô và rụng. Một số loại quả sau khi chín vẫn có lá đài và xuống hoa còn sót lại (quả cà, quả chuối).
Trong tự nhiên, sự thụ phấn của nhiều loài thực vật có hoa xảy ra nhờ động vật (côn trùng, chim), nhờ nước, nhờ gió hoặc nhờ con người. Mỗi loài hoa có đẵ điểm cấu tạo khác nhau thích nghi với các cách thụ phấn trong tự nhiên.
3. Sinh sản hữu tính ở động vật
Động vật sinh sản hữu tính có thể đẻ trứng hoặc đẻ con. Đối với động vật đẻ trứng, trứng được thụ tinh ngoài môi trường nước (cá, một số loài lưỡng cư, ...) hoặc trứng được thụ tinh trong cơ thể mẹ rồi mới được đẻ ra ngoài (chim, bò sát, ...). Ở động vật đẻ con, trứng thụ tinh ngay trong cơ quan sinh sản của cá thể cái tạo hợp tử, phôi. Phôi phát triển thành con non trong cơ thể mẹ.
4. Ứng dụng của sinh sản hữu tính ở động vật
Trong thực tiễn, tuỳ thuộc vào nhu cầu sản phẩm mà con người đã tác động vào từng giai đoạn khác nhau của sinh sản hữu tính. Qua đó, con người chủ động tạo ra được con giống vật nuôi, hạt giống cây trồng theo nhu cầu; tạo ra con lai có sức sống tốt, năng suất cao.
Trong sinh sản ở thực vật, phấn hoa không có khả năng di chuyển nên sự thụ phấn phải nhờ gió hay một số loài động vật như ong, bướm. Dựa trên cơ sở đó, con người đã thụ phấn cho hoa bằng cách lấy nhị của hoa này đưa vào đầu nhuỵ của hoa cùng loài nhằm đảm bảo sự tạo quả như hoa bí ngô, hoa dưa chuột.
1. Sinh sản ở sinh vật là quá trình tạo ra những cá thể mới, đảm bảo sự phát triển liên tục của loài.
2. Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái, con sinh ra giống nhau và giống cơ thể mẹ.
3. Sinh sản sinh dưỡng là hình thức sinh sản mà cơ thể mới được hình thành từ một bộ phận (rễ, thân, lá) của cơ thể mẹ.
4. Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái tạo thành hợp tử, hợp tử phát triển thành phôi.
5. Hoa là cơ quan sinh sản của thực vật Hạt kín. Các bộ phận của hoa gồm: cuống hoa, đế hoa, lá đài (đài hoa), cánh hoa (tràng hoa), nhị hoa (cơ quan sinh sản đực), nhuỵ hoa (cơ quan sinh sản cái). Hoa có cả nhị và nhuỵ gọi là hoa lưỡng tính; hoa chỉ có nhị hoặc nhuỵ là hoa đơn tính.
6. Quá trình sinh sản hữu tính ở động vật gồm ba giai đoạn: hình thành giao tử đực (tinh trùng) và giao tử cái (trứng); thụ tinh tạo thành hợp tử; phát triển phôi và hình thành cơ thể mới.
7. Ứng dụng sinh sản hữu tính trong thực tiễn nhằm tạo ra các giống vật nuôi và cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi tốt với điều kiện môi trường và đáp ứng nhu cầu của con người.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây