Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 2 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5:
(1) Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai kẻ khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống... Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng.
(2) Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình?
(Lắng nghe lời thì thầm của trái tim, Phạm Lữ Ân)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra 2 cặp từ, cặp cụm từ đối lập được sử dụng trong đoạn (1).
Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng?
Câu 4. Anh/Chị hiểu như thế nào về quan điểm của tác giả: Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó?
Câu 5. Anh/Chị rút ra thông điệp gì cho bản thân từ văn bản trên?
Hướng dẫn giải:
Câu 2. Cặp từ, cặp cụm từ đối lập được sử dụng trong đoạn (1):
- tằn tiện - phung phí.
- hào phóng - keo kiệt.
- thích ở nhà - bỏ bê gia đình.
- ưa bay nhảy - hưởng thụ cuộc sống.
- Mỗi người có một phong cách, sở thích, suy nghĩ, cá tính khác nhau.
- Việc phán xét người khác chỉ là dựa trên định kiến thì không hề có chuẩn mực đúng đắn nào.
Câu 4. Cách hiểu về quan điểm của tác giả: Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó:
Thí sinh nêu cách hiểu về quan điểm của tác giả. Gợi ý: Định kiến vốn là những thứ mang tính chất áp đặt và bắt ta phải tuân thủ theo. Chấp nhận đi theo, gò bản thân theo định kiến của người khác là điều vô cùng tồi tệ bởi khi ấy, chính ta đánh mất đi sự tự do và bản ngã riêng của mình.
Câu 5. Rút ra thông điệp gì cho bản thân từ văn bản trên:
Thí sinh rút ra thông điệp cho bản thân từ văn bản. Gợi ý: cần biết tôn trọng sự khác biệt của người khác và của chính mình.
II. PHẦN VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Câu 2. Viết bài văn phân tích, đánh giá bài thơ sau:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
- Yêu cầu về hình thức: đoạn văn.
- Yêu cầu về dung lượng: 200 chữ.
Học sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc tôn trọng sự khác biệt của người khác.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Gợi ý: Tôn trọng sự khác biệt của người khác có ý nghĩa sau:
+ Giúp mỗi cá nhân phát huy được thế mạnh của bản thân.
+ Tạo sự đa dạng, phong phú cho xã hội.
+ Góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu văn bản.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu về kiểu bài: nghị luận văn học.
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: phân tích, đánh giá bài thơ Nắng mới (Lưu Trọng Lư).
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Gợi ý:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.
- Phân tích, đánh giá bài thơ Nắng mới (Lưu Trọng Lư):
+ Khổ 1: bức tranh thiên nhiên nắng mới được thể hiện qua motip quen thuộc: từ hiện tại nhớ về dĩ vãng, những từ "đắt" như "hắt", "reo", những từ láy như "xao xác", "não nùng", "chập chờn",...
+ Khổ 2, 3: nỗi nhớ của nhà thơ đối với người mẹ được thể hiện qua những từ ngữ như "áo đỏ", "nét cười đen nhánh",...
=> Hình ảnh người mẹ đẹp, đôn hậu, ấm áp in sâu trong tâm trí của người con. Qua đó thấy được tình yêu, nỗi nhớ mẹ da diết của tác giả dành cho người mẹ đã khuất.
- Khái quát, tổng hợp lại vẻ đẹp hình thức và nội dung của bài thơ. Nêu suy nghĩ, đánh giá khái quát và cảm nhận của bản thân về bài thơ.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.