Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (thơ song thất lục bát) SVIP
1. Yêu cầu của kiểu bài
– Khái niệm:
– Yêu cầu:
+ Giới thiệu khái quát về tác phẩm thơ song thất lục bát (tên tác phẩm, tên tác giả), nêu được nhận định chung của người viết về tác phẩm.
+ Làm rõ được nội dung chủ đề của tác phẩm.
+ Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (vần, nhịp, từ ngữ, biện pháp tu từ,…) và hiệu quả thẩm mĩ của chúng; tập trung vào một số yếu tố nghệ thuật nổi bật của tác phẩm.
+ Triển khai được hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ, bằng chứng xác đáng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.
+ Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
2. Phân tích bài viết tham khảo
Đọc bài viết tham khảo sau và trả lời các câu hỏi.
HỒN TÔI VANG TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG
TRƯA VẮNG
Hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ,
Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non
Lâu rồi còn thoảng mùi thơm,
Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ
Sâu rộng quá những giờ vui trước!
Nhịp cười say trên nước chưa trôi.
Trưa hè thường thấy hai tôi
Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn
Đời đẹp quá, tôi buồn sao kịp?
Trang sách đầu chép hết giây mơ.
Ngả mình trên bóng nhung tơ,
Tôi nguyền: sau lớn làm thơ suốt đời!
Cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ,
Gió lùa thu trong lá bao lần...
Bạn trường những bóng phù vân,
Xót thương mái tóc nay dần hết xanh.
Hồn xưa dậy: chim cành động nắng,
Lá reo trên hồ lặng lờ trong
Trưa im, im đến não nùng,
Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang...
(Hồ Dzếnh, Quê ngoại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996, tr. 62 – 63)
Hồ Dzếnh (1916 – 1991) là tác giả đã khẳng định được tên tuổi từ phong trào Thơ mới. Các thi phẩm của ông gợi cho người đọc ấn tượng về một giọng thơ ấm áp, chân thật. Đọc thơ ông, ta có cảm giác như ông đang kể câu chuyện cuộc đời mình. Bài thơ Trưa vắng in trong tập thơ Quê ngoại (1942) là một sáng tác tiêu biểu cho giọng thơ, hồn thơ của thi sĩ.
Bài thơ mở đầu bằng lời chia sẻ:
Hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ,
Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non
Lâu rồi, còn thoảng mùi thơm
Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ.
Đó là câu chuyện của “hồn tôi” được nhà thơ kể lại, một thế giới ăm ắp những kỉ niệm, những xúc cảm thân thương. Nơi ấy có ngôi trường “nho nhỏ” tác giả từng gắn bó thời thơ ấu. Ngôi trường ấy được quét “nước vôi xanh”, cỏ “bờ cỏ tươi non” và “thoảng mùi thơm”, rộn vang tiếng “chân đi”,... Hình ảnh ngôi trường lưu lại trong tâm hồn tác giả rõ mồn một từng chi tiết, được cảm nhận qua cả thị giác, khứu giác và thính giác, như vẫn đang hiện hữu với vẻ đẹp xinh xắn, tinh khôi. Những câu thơ song thất lục bát giàu vần điệu (mỗi khổ thơ gồm một cặp câu thơ 7 chữ và một cặp lục bát luôn có tới 7 tiếng được gieo vần, điều không một thể thơ nào khác có được) dẫn dắt người đọc vào thế giới tâm hồn của thi sĩ, ở đó, những câu chuyện diễn ra từ thuở cắp sách đến trường mà có cảm giác như đang sống động trước mắt.
Trong thế giới của kí ức ấy, có bao kỉ niệm không thể nào quên, khiến tác giả kể một cách say sưa:
Sâu rộng quá những giờ vui trước!
Nhịp cười say trên nước chưa trôi.
Trưa hè thường thấy hai tôi
Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn.
Khi miêu tả “những giờ vui trước” là “sâu rộng” (biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, dùng cảm nhận không gian để miêu tả thời gian), thi nhân muốn thể hiện những xúc cảm đang ngập tràn tâm hồn mình. Đó là niềm vui một thời cùng anh trai (tác giả có hai người anh trai, nhân vật “hai tôi” chính là người anh cả) của mình đùa chơi trên sông, nghịch trò “ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn”. Câu thơ “Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn" miêu tả những trò chơi tuổi dại khờ năm xưa, đồng thời gợi ra biết bao trò tinh nghịch khác (nhờ hiệu quả của phép đối), giờ đã trở thành kỉ niệm vô giá của hai anh em.
Những năm tháng không thể nào quên ấy không chỉ luôn sống trong kí ức mà còn trở thành nguồn động lực để đi tới tương lai: trở thành nhà thơ vì thấy cuộc đời quá đẹp!
Đời đẹp quá, tôi buồn sao kịp?
Trang sách đầu chép hết giây mơ.
Ngả mình trên bóng nhung tơ,
Tôi nguyền: sau lớn làm thơ suốt đời!
Vẻ đẹp của cuộc đời và tình yêu tha thiết dành cho cuộc đời được thi sĩ thể hiện qua câu hỏi tu từ: “Đời đẹp quá, tôi buồn sau kịp?”. Vì muốn ghi lại những vẻ đẹp ấy, thể hiện tình yêu ấy, tác giả đã nguyện “làm thơ suốt đời”. Câu thơ “Tôi nguyền: sau lớn làm thơ suốt đời!” có thể sử dụng một trong hai cách ngắt nhịp 2/2/2/2 hoặc 2/6. Nếu cách ngắt đều đặn theo nhịp 2/2/2/2 tạo cảm nhận về một lời giãi bày, tâm sự, thì cách ngắt nhịp 2/6 lại tạo ra sự biến điệu: hai tiếng đầu là lời “tuyên thệ” dõng dạc, tự hứa với lòng mình; sáu tiếng còn lại là nội dung “tuyên thệ” đầy tâm huyết, thiết tha. Dù chọn cách ngắt nhịp nào thi hai tiếng “tôi nguyền” vẫn được ngắt riêng, thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ, dứt khoát, không gì lay chuyển được. Lời nguyện ước năm ấy của “tôi” đã trở thành hiện thực, và chúng ta nhận ra rằng mỗi phút giây mà con người trải qua không phải là một sự trôi đi, biến mất trong dĩ vãng, mà là một sự lắng lại, tiếp tục hiện hữu, như phù sa bồi đắp nên đôi bờ. Đời thơ ấy đã lắng đọng nên hồn thơ ấy.
Kể từ đó, thời gian thấm thoắt thoi đưa:
Cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ
Gió lùa thu trong lá bao lần...
Bạn trường: những bóng phù vân,
Xót thương mái tóc nay dần hết xanh.
Cuộc sống đã có biết bao biến đổi: cỏ cây đã bao lần héo úa rồi lại xanh tươi; trời đất đã bao độ thu đến rồi lặn, bạn học cùng mái trường năm ấy giờ như “bóng phù vân”, mỗi người mỗi ngả, bản thân thi sĩ cũng dần bạc mái đầu. Dấu chấm lửng nằm giữa những câu thơ miêu tả thiên nhiên và miêu tả con người không tạo sự ngăn cách giữa hai nhóm đối tượng này, mà như một khoảng lặng thẫn thờ của thi sĩ, chất chứa những ngậm ngùi trước dòng chảy của thời gian.
Tuy vậy, với Hồ Dzếnh, cuộc sống có thay đổi thế nào thì dấu ấn của những kỉ niệm xưa vẫn không phai mờ trong tâm trí:
Hồn xưa dậy: chim cành động nắng,
Lá reo trên hồ lặng lờ trong
Trưa im, im đến não nùng
Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang...
Người yêu thơ không khó để nhận ra sự đồng điệu về xúc cảm giữa khổ thơ này với những câu thơ “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!” và “Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh/ Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!” trong bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu. Buổi trưa ở xứ nhiệt đới là khoảng thời gian nghỉ ngơi, là quãng lặng giữa hai buổi làm việc trong ngày. Chính quãng lặng của trưa vắng ấy đã trở thành một khoảng thời gian đặc biệt, có thể khiến tâm hồn con người sống dậy những hồi tưởng, hoài niệm. Trong buổi trưa vắng hôm ấy, không rõ tiếng trống làm thức dậy kỉ niệm xưa hay kỉ niệm xưa làm dậy vang tiếng trống trong hồn thi nhân. Dấu chấm lửng cuối bài thơ thể hiện âm vang tiếng trống trường năm xưa còn chưa dứt. Với thi nhân, quá khứ không chỉ là những hoài niệm. Quá khứ vẫn đang hiện hữu trong hiện tại.
Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc và giàu biểu cảm như một tự truyện ngọt ngào, thể hiện những rung cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng của tâm hồn thi nhân. Thể thơ song thất lục bát xen kẽ từng cặp câu thơ bảy chữ và cặp câu thơ lục bát đầy biến tấu, giàu vần điệu, ngắt nhịp đa dạng, có khả năng chuyển tải những xúc cảm muôn màu, rất phù hợp để nhà thơ bộc bạch lòng mình. Bài thơ làm sống dậy trong ta những kỉ niệm của tuổi ấu thơ, thuở cắp sách tới trường, khiến ta thêm yêu quý, trân trọng những phút giây mình đã và đang sống.
(Nhóm biên soạn)
3. Thực hành viết theo các bước
a. Trước khi viết
* Lựa chọn đề tài:
Nhớ lại các tác phẩm song thất lục bát đã học hoặc đã đọc. Chọn trong số đó một tác phẩm em thấy thú vị, có nhiều xúc cảm để phân tích.
* Tìm ý:
– Tìm hiểu thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm (nếu có) và những thông tin khác có liên quan để viết phần Mở bài và liên hệ, mở rộng khi phân tích.
– Xác định bố cục của tác phẩm và nội dung chính của từng phần.
– Xác định những nỗi niềm tâm tư, xúc cảm chủ đạo trong tác phẩm.
– Tìm hiểu các yếu tố nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng để truyền tải nội dung chủ đề.
=> Bài viết nên kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật để làm rõ sự hô ứng, hòa quyện của hai phương diện này trong cùng một (hoặc một nhóm) câu thơ. Việc triển khai bài sẽ thuận lợi hơn khi lần lượt phân tích theo trình tự các phần của tác phẩm thơ.
* Lập dàn ý:
+ Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm thơ song thất lục bát (nhan đề, tên tác giả) và nêu ý kiến chung về tác phẩm.
+ Thân bài: Lần lượt phân tích các phần theo bố cục tác phẩm thơ:
- Phần 1 (từ câu… đến câu…): phân tích những tâm tư, nỗi niềm, khát vọng,… và một số nét đặc sắc về nghệ thuật.
- Phần 2 (từ câu… đến câu…): phân tích những tâm tư, nỗi niềm, khát vọng,… và một số nét đặc sắc về nghệ thuật.
- ...
Ngoài cách phân tích tác phẩm theo bố cục, có thể phân tích theo lần lượt đi từ nội dung đến hình thức nghệ thuật hoặc ngược lại.
+ Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ.
b. Viết bài
– Triển khai đầy đủ các ý đã có trong dàn ý. Mỗi ý trong phần Thân bài nên được viết thành một đoạn văn.
– Khi viết, lựa chọn những từ ngữ chính xác, phù hợp, thể hiện được quan điểm và tình cảm của người viết, tránh sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, cầu kì. Nên sử dụng hiệu quả các thông tin ngoài tác phẩm (nếu có), giúp cho việc phân tích các giá trị của tác phẩm được rõ ràng, nổi bật hơn.
Lưu ý: Với trường hợp tác phẩm thơ dài, có thể trích dẫn ở mỗi phần những câu thơ, đoạn thơ quan trọng và phân tích sâu. Tùy điều kiện, thời gian làm bài để có cách xử lí thích hợp.
c. Chỉnh sửa bài viết
Đọc lại bài viết, căn cứ vào yêu cầu đối với bài văn phân tích một tác phẩm thơ song thất lục bát và dàn ý đã lập, rà soát các phần chỉnh sửa. Việc chỉnh sửa có thể thực hiện theo gợi ý sau:
Yêu cầu | Gợi ý chỉnh sửa |
Kiểm tra việc triển khai dàn ý |
– Rà soát xem đã triển khai đầy đủ các ý chưa, nếu thiếu thì phải bổ sung. – Rà soát xem bài viết đã phân tích các giá trị nội dung và nghệ thuật (đặc biệt là đã khai thác những đặc điểm của thể thơ song thất lục bát) của tác phẩm chưa. Nếu thiếu thì phải bổ sung. – Đối chiếu quy mô và dung lượng thông tin giữa các ý. Nếu chưa cân đối thì cần điều chỉnh. |
Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt | Chỉnh sửa các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, tạo lập đoạn văn và văn bản (nếu có). |
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây