Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tự luận SVIP
(1,0 điểm) Thoại Khanh đã làm gì để bảo vệ hạnh phúc gia đình? Từ đó, em hãy nhận xét về cảm hứng nhân đạo của tác phẩm.
Bài đọc:Thoại Khanh - Châu Tuấn là một truyện thơ Nôm khuyết danh nổi tiếng với nhân dân Nam Bộ. Chuyện kể về nàng Thoại Khanh là con gái của quan thừa tướng nước Tống đẹp người, đẹp nết. Mồ côi cha mẹ sớm, nàng gặp chàng thư sinh Châu Tuấn và kết duyên cùng chàng (Gặp gỡ). Gia biến và lưu lạc: Châu Tuấn đi thi đỗ trạng nguyên, do từ chối hôn sự mà bị đi đày 17 năm. Thoại Khanh bị bạn chồng dụ dỗ và đuổi đi. Hai mẹ con dắt nhau đi tìm Châu Tuấn, trải qua nhiều kiếp nạn. Đói khát, nàng cắt thịt mình cho mẹ chồng ăn, lấy mắt mình nộp cho dâm thần để hắn khỏi giết mẹ. Đoàn tụ: Thoại Khanh gặp lại Châu Tuấn, nàng được Phật cho mắt sáng trở lại. Châu Tuấn làm vua hai nước, đầy đủ hạnh phúc, báo ân báo oán công bằng.
Này đoạn Thoại Khanh ở nhà,
Chồng đi ứng cử kể đà bảy năm.
Phận đành cần kiệm khó khăn,
Bữa no bữa đói, thiết thân cơ hàn.
Quần áo rách rưới lang thang,
Làm thuê nuôi mẹ, phần nàng ăn rau
Hai hàng nước mắt thấm bâu,
Tóc rối bù đầu, chẳng gỡ chẳng trâm.
Đêm đông gió lạnh căm căm,
Ôm mẹ vào lòng cho ấm mẹ ngơi.
Tóc dài lại đắp phía ngoài,
Giả làm mềm chiếu, chi làm tấm thân.
Nàng rằng muốn xuống âm cung,
Cho tròn đạo chồng, mất thảo mẹ cha.
Biết ai nuôi dưỡng mẹ già,
Hai hàng nước mắt nhỏ sa ròng ròng...
Tương Tử bạn học cùng chồng,
Đi thi chẳng đỗ, uổng công, về nhà.
Cửa hàng phú quý vinh hoa,
Vàng ròng mười nén mua mà chức sang.
Quyền đặng thái thú cao quan,
Mua cho chú chàng thái thú tại gia.
Tương Tử xem thấy mặt hoa phải lòng.
Muốn sao cho được một phòng,
Vàng ròng hai nén nói trong với nàng:
“Chồng nàng qua chốn Tề bang,
Thác bảy năm tràng còn chực làm chi?
Ta thì phú quý vinh quy,
Cửa nhà giàu có thiếu chi bạc vàng!
Tội chi rách rưới lang thang
Về ta cấp dưỡng cho an phận nàng.
Trời đã định chữ nhơn duyên,
Ta nay đã có vợ hiền tốt thay.
Qua cưới bậu đặng về rày:
Chia đôi sự nghiệp làm hai cửa nhà.”
Thoại Khanh thôi mới nói ra:
“Và người bạn học cũng là đồng song
Sử kinh người đã làu thông
Sao người lại dám ra lòng tà tây?
Dụ tôi làm chuyện chẳng ngay,
Thật là súc vật chẳng hay đạo người.
Của người đem dụ lòng tôi,
Tôi thà đói lạnh, của người chẳng ham.
Của chàng trả lại cho chàng,
Tôi thà dắt mẹ đi tìm bạn xưa”.
(Trích Kho tàng truyện Nôm khuyết danh, tập 2, Nhiều tác giả, NXB Văn học, 2000)
Chú thích:
- Ứng cử: ở đây có thể được hiểu là ứng thi, dự thi.
- Thấm bâu: thấm áo.
- Thái thú: chức quan tương đương tri huyện/ ở đây ý nói chức quan mua danh chứ không có thực tài.
- Qua: ta, tôi/ bậu: nàng (xưng hô thân thiết ở Nam Bộ xưa).
- Đồng song: cùng học với nhau một lớp, một thầy.
- Làu thông: hiểu sâu sắc.
- Tà tây: không chính đáng.
Hướng dẫn giải:
– Thoại Khanh đã vượt lên hoàn cảnh, giữ gìn hạnh phúc gia đình:
+ Hiếu thảo với mẹ chồng: Nàng làm thuê nuôi mẹ chồng, ủ ấm cho mẹ, dùng tóc làm chăn cho mẹ, giữ trọn bổn phận làm con.
+ Giữ trọn đạo làm vợ: Nàng từ chối lời dụ dỗ của Tương Tử, thể hiện thái độ quyết liệt (Tôi thà đói lạnh, của người chẳng ham; Tôi thà dắt mẹ đi tìm bạn xưa).
– Đoạn trích cho thấy tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả: Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của nhân vật, bênh vực người phụ nữ, lên án những kẻ xấu xa, lợi dụng như Tương Tử.
(1,0 điểm) Từ câu chuyện của nàng Thoại Khanh, câu chuyện Thuý Kiều bán mình chuộc cha và câu chuyện nàng Vũ Thị Thiết nuôi mẹ chồng khi chồng đi chinh chiến, em hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của nhân vật nữ trong văn học trung đại Việt Nam.
Hướng dẫn giải:
- Người phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam có tấm lòng hiếu thảo. Đó là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam ta từ xưa.
- Từ gợi ý trên, học sinh viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài.
(4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích truyện ngắn sau:
HƯƠNG ỔI
Tôi sực nhớ đến số báo đầu thu sắp tới – Cha viết một bài chăng – tôi bảo.
Ông già không nói. Đang nhấp ngụm trà thơm phức mùi ngâu. Hoa ngâu năm ngoái.
Buổi chiều, cô Ngân sang chơi. Cô hàng xóm vừa du học ở Australia về. Cho một đĩa ổi chín.
– Cây chặt từ lâu rồi mà. – Tôi ngạc nhiên hỏi.
Cây vườn bên ngày xưa, cứ thu về là hương ổi tỏa sang. Hương nhè nhẹ bâng khuâng. Nhưng tuổi thơ tôi chẳng bao giờ được ăn ổi vườn bên. Tiếng con bé Ngân ríu rít trèo hái quả. Tiếng mùa thu ríu rít. Nhưng cha tôi cấm, không cho sang. Hai nhà không giao thiệp. Chỉ có hương ổi là bay sang.
Tôi cũng chẳng mấy khi gặp mẹ Ngân. Bà đẹp lắm. Đẹp lạ lùng. Nghe nói ngày trẻ, cha tôi yêu bà. Tình yêu từ tuổi ấu thơ có mùi hương ổi. Nhưng mẹ cha không ưng thầy kí nhật trình nghèo, chẳng gả. Cha rủ bà trốn. Bà không dám. Rồi một hôm thấy pháo cưới treo trên nhành ổi tung toé, quả chín rơi lụp bụp. Cha bà nhận chàng trai đang là kĩ sư công chính về ở rể.
Bức tường ngăn được xây cao thêm và lên rêu năm tháng từ ấy. Nhưng hương ổi thu về vẫn cứ bay sang.
Mẹ tôi và cha Ngân cùng mất một độ, cách đây mấy năm. Bà mẹ chặt cây ổi quý nhưng đã cỗi. Tiếng dao chặt gỗ chan chát trong một buổi sớm đầu thu. Cha tôi ngồi bên cửa sổ run run lục tìm những trang viết ố vàng, nhưng vẫn còn thoảng mùi hương ổi tình đầu...
Vậy sao hôm nay lại có những trái ổi đào?
– Em ươm giống cũ trồng mới đấy. Năm nay ra trái bói. – Ngân nói.
Tôi cắn trái ổi mùa đầu. Và mời cha một trái. Răng ông đã yếu. Nhưng trái của ông chín mềm...
(Nguyễn Phan Hách, Những trang văn chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002, tr. 196 - 197)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định đúng yêu cầu của đề: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích truyện ngắn “Hương ổi”.
– Mở bài: Dẫn dắt, nêu tên tác giả và tác phẩm, cảm nhận khái quát về truyện ngắn "Hương ổi".
– Thân bài:
+ Giới thiệu chung về tác giả (nếu có thông tin) và tác phẩm (xuất xứ; thể loại truyện ngắn; kể chuyện ở ngôi thứ nhất số ít, người kể chuyện xưng “tôi”; điểm nhìn của người kể chuyện; hình tượng nghệ thuật - hương ổi, mang tính ẩn dụ, gắn với các nhân vật trong truyện; tình huống nghệ thuật độc đáo; có một số chi tiết nghệ thuật đặc sắc;...).
+ Phân tích truyện ngắn:
- Hương ổi: chứng nhân của tình yêu giữa người cha của nhân vật tôi và mẹ của Ngân - tình yêu từ thuở ấu thơ. Tình yêu cùa hai người bị ngăn cản nhưng không gì có thể ngăn nổi hương ổi nồng nàn, mồi độ thu về vẫn cứ bay sang.
- Người cha: có một tình yêu tha thiết nhưng không thành, vẫn giữ kỉ niệm về tình yêu và sống với hoài niệm.
- Nhân vật tôi (người con): thấu hiểu, bao dung, tràn đầy tình yêu thương dành cho cha mình; trân trọng và nâng niu kỉ niệm thời trai trẻ của cha.
- Nhân vật Ngân: hồn nhiên và trong sáng, vừa hiện đại vừa truyền thống.
+ Câu chuyện ngắn gọn, hàm súc, giàu chất thơ; nội dung nhẹ nhàng mà thấm thía, tinh tế. Truyện ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, sự thấu hiểu và trân trọng những tình cảm đẹp đẽ, vị tha, nhân hậu, trong sáng của con người.
– Kết bài: Nêu ấn tượng sâu đậm về truyện ngắn hoặc những suy nghĩ, cảm xúc được gợi ra từ tác phẩm.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Sử dụng hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ độc đáo; lời văn trau chuốt, sinh động, gợi cảm.