Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tự luận SVIP
Câu 9: (1,0 điểm) Em hiểu như thế nào về nội dung của đoạn thơ sau?
Thương ôi! Lời má lưỡi gươm cắt rồi!
Một dòng máu đỏ lên trời
Má ơi, con đã nghe lời má kêu!
Nước non muôn quý ngàn yêu
Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang.
Hướng dẫn giải:
Đoạn thơ khắc họa hình ảnh bà má Hậu Giang hi sinh anh dũng trước lưỡi dao ác độc của kẻ thù. Má không còn nữa nhưng hình ảnh của má còn sống mãi giữa đất trời Hậu Giang, in sâu trong lòng những người còn sống.
Câu 10: (1,0 điểm) Qua đoạn trích, em có nhận xét gì về hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thời chiến?
Bài đọc:Má già trong túp lều tranh
Ngồi bên bếp lửa, đun cành củi khô
Một mình má, một nồi to
Cơm vừa chín tới, vùi tro, má cười...
Chết! Có tiếng gì rơi sột soạt?
Má già run, trán toát mồ hôi
Chạy đâu? Thôi chết, chết rồi!
Gót giày đâu đã đạp rơi liếp mành.
Một thằng cướp, mắt xanh mũi lõ
Đốc gươm dài tuốt vỏ cầm tay
Rung rinh bậc cửa tre gầy
Nghênh ngang một ống chân đầy lối đi!
Hắn rướn cổ, giương mi, trợn mắt
Như hổ mang chợt bắt được mồi
Trừng trừng trông ngược trông xuôi
Trông vào bếp lửa: Một nồi cơm to.
Hắn rống hét: “Con bò cái chết!
Một mình mày ăn hết này sao?
Đừng hòng che được mắt tao
Khai mau, du kích ra vào nơi đâu?
Khai mau, tao chém mất đầu!”
Má già lẩy bẩy như tàu chuối khô
Má ngã xuống bên lò bếp đỏ
Thằng giặc kia đứng ngõ trừng trừng
Má già nhắm mắt, rưng rưng
“Các con ơi, ở trong rừng U Minh
Má có chết, một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây!”
Thằng kia bỗng giậm gót giày
Đạp lên đầu má: “Mẹ mày, nói không?”
Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
“Các con ơi! Má quyết không khai nào!”
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây
Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó!
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!
Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng chàm thơm!
Thân tao chết, dạ chẳng sờn!”
Thương ôi! Lời má lưỡi gươm cắt rồi!
Một dòng máu đỏ lên trời
Má ơi, con đã nghe lời má kêu!
Nước non muôn quý ngàn yêu
Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang.
(Trích Bà má Hậu Giang, Tố Hữu, 1941)
Hướng dẫn giải:
Học sinh trả lời dựa vào quan điểm, cảm nhận, suy nghĩ của mình.
- Những bà mẹ Việt Nam anh hùng vất vả chăm sóc, sẵn sàng hi sinh bảo vệ bộ đội, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.
- Họ kiên cường, bất khuất dù chịu đựng nhiều đau thương.
- …
Anh/ chị hãy viết bài văn phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích sau:
(Lược đoạn đầu: Ông Hai ở làng Chợ Dầu là một người thích khoe làng, hết mực yêu làng, tin tưởng vào dân làng Chợ Dầu một lòng yêu nước. Vì hoàn cảnh chiến tranh, ông phải đến nơi tản cư cùng với gia đình. Một ngày nọ, ông bàng hoàng nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.)
Ông lão rít một hơi thuốc lào nữa, gật gù cái đầu: “Hừ, đánh nhau cứ đánh nhau, cày cấy cứ cày cấy, tản cư cứ tản cư… Hay đáo để”.
– Này, bác có biết mấy hôm nay súng nó bắn ở đâu mà nghe rát thế không?
Một người đàn bà cho con bú mé bên kia nói xen vào:
– Nó rút ở Bắc Ninh về qua Chợ Dầu, nó khủng bố ông ạ.
Ông Hai quay phắt lại, lắp bắp hỏi:
– Nó… nó vào làng Chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng?
Người đàn bà ẵm con cong môi lên đỏng đảnh:
– Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa!
Cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:
– Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ tại…
– Thì chúng tôi vừa mới ở dưới ấy lên đây mà lại. Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông ạ. Tây vào làng, chúng nó bảo nhau vác cờ thần ra hoan hô. Thằng chánh Bệu thì khuân cả tủ chè, đỉnh đồng, vải vóc lên xe cam-nhông, đưa vợ con lên vị trí với giặc ở ngoài tỉnh mà lại.
Có người hỏi:
– Sao bảo làng Chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà?…
– Ấy thế mà bây giờ đổ đốn ra thế đấy!
Ông Hai trả tiền nước, đứng dậy, chèm chẹp miệng, cười nhạt một tiếng, vươn vai nói to:
– Hà, nắng gớm, về nào…
Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn dõi theo. Ông nghe rõ cái giọng chua lanh lảnh của người đàn bà cho con bú:
– Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!
Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà.
Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên:
– Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.
Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!…
Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?…
(Trích Làng, Kim Lân, Văn tuyển tập 1945 – 1956, NXB Văn nghệ, Hà Nội, 1956)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định đúng yêu cầu của đề: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của đoạn trích trong truyện ngắn Làng – Kim Lân.
c. Đề xuất được hệ thống ý làm rõ vấn đề bài viết:
- Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm; vấn đề nghị luận.
- Thân bài:
+ Nội dung:
- Đoạn trích kể lại việc ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ một người đàn bà.
- Tâm trạng đau khổ, thất vọng, nhục nhã của ông Hai khi nghe tin làng của mình theo giặc.
+ Nghệ thuật:
- Lối kể chuyện tự nhiên, tình huống độc đáo.
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật thông qua lời nói, hành động.
- Ngôn ngữ kể chuyện chân thực, tự nhiên.
- ...
- Kết bài:
+ Khẳng định lại một cách khái quát những đặc sắc về nghệ thuật.
+ Nêu tác động, thông điệp của đoạn trích đối với bản thân.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Sử dụng hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ độc đáo; lời văn trau chuốt, sinh động, gợi cảm.