Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tri thức về Nghị luận xã hội SVIP
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
1. Nghị luận xã hội và các kiểu văn bản nghị luận xã hội
- Các kiểu văn bản nghị luận xã hội:
+ Nghị luận xã hội trung đại: Ở Việt Nam, thời trung đại, văn bản nghị luận được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, được thể hiện bằng các thể loại như chiếu, cáo, hịch,…
- Chiếu, cáo thường được vua, chúa dùng để ban bố trước dân chúng về những công việc và sự kiện có tính chất quốc gia; hịch được vua, chúa, tướng lĩnh hoặc thủ lĩnh các phong trào viết ra để kêu gọi, thuyết phục dân chúng và những người dưới quyền cùng thực hiện những sự việc trong đại.
- Nghị luận xã hội trung đại thường được viết bằng văn biền ngẫu (biền là ngựa đi sóng đôi; ngẫu là theo từng cặp), các câu đối nhau về âm (thanh bằng, thanh trắc), về từ loại (danh từ với danh từ, động từ với động từ,…) và về nghĩa, tạo nên nhịp điệu và ý nghĩa của bài văn. Ví dụ: Câu 4 chữ đối với câu 4 chữ “ruột đau như cắt,// nước mắt đầm đìa”; câu 6 chữ đối với câu 6 chữ “sinh ra phải thời loạn lạc, // lớn lên gặp buổi gian nan” (Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn) hoặc câu 4/6 và 4/6 (“Đô đốc Thôi Tụ / lê gối dân tờ tạ tội // Thượng thư Hoàng Phúc / trói tay để tự xin hàng” (Đạo cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi); … Từ ngữ được sử dụng trong văn bản nghị luận xã hội trung đại thường trang trọng, uyên bác, giàu tính ước lệ, tượng trưng, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố lập luận và cảm xúc của người viết.
+ Nghị luận xã hội hiện đại: Khác với nghị luận xã hội trung đại, nghị luận xã hội hiện đại được viết bằng văn xuôi Quốc ngữ, câu văn tự do. Về nội dung, bên cạnh những vấn đề có tính chất quốc gia, quốc tế, các văn bản nghị luận xã hội hiện đại còn bàn bạc nhiều vấn đề của cuộc sống đời thường. Tác giả nghị luận xã hội hiện đại có thể là những nhân vật uy tín, có vị trí trong xã hội hoặc có thể là một người bình thường.
2. Một số thành tố của văn bản nghị luận
a. Luận đề
- Mỗi văn bản nghị luận thường chỉ có một luận đề. Luận đề thường được nêu ở nhan đề hoặc trong phần mở đầu của văn bản.
* Ví dụ:
+ Có những văn bản nghị luận, luận đề được hiển thị ngay ở nhan đề: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh); Sức sống của con người Việt Nam qua ca dao (Nguyễn Đình Thi);…
+ Có những văn bản nghị luận, luận đề chưa được bộc lộ ở nhan đề: Xem người ta kìa! (Lạc Thanh) là ý nghĩa của sự gần gũi và khác biệt giữa mọi người; Hãy cầm lấy và đọc (Huỳnh Như Phương) là sự cần thiết của việc đọc sách;…
b. Luận điểm
- Luận điểm nhằm triển khai làm rõ luận đề. Luận điểm nhiều hay ít tùy thuộc vào nội dung của vấn đề được triển khai trong bài nghị luận. Các luận điểm lại được làm rõ bởi lí lẽ và bằng chứng.
- Mỗi luận điểm thường được triển khai trong một đoạn văn. Muốn nhận diện được luận điểm cần chú ý đến câu chủ đề của đoạn.
* Ví dụ:
+ Trong Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), đoạn từ "Huống chi ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc" đến “sao cho khỏi để tai vạ về sau” triển khai một luận điểm. Có thể diễn đạt luận điểm đó là "Nguy cơ đất nước khi có giặc".
+ Trong Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh), câu “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.” là câu chủ đề của đoạn mở đầu, đồng thời đó cũng là luận điểm đầu tiên của bài.
c. Bằng chứng khách quan và ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết trong văn nghị luận
- Bằng chứng khách quan là những sự vật, số liệu có thật, có thể kiểm nghiệm được trong thực tế đời sống.
- Ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết là những phát biểu, nhận định, phán đoán theo góc nhìn chủ quan của người viết, thường ít cơ sở để kiểm chứng. Do vậy, để giảm tính chủ quan trong đánh giá, giúp ý kiến trở nên đáng tin cậy, người viết cần đưa ra được các bằng chứng khách quan.
- Có thể phân biệt hai khái niệm này dựa vào bảng sau:
+ Bằng chứng khách quan:
- Là các thông tin khách quan như: số liệu, thời gian, nơi chốn, con người, sự kiện,…
- Dựa trên những thí nghiệm, nghiên cứu, có nguồn đáng tin cậy; có thể xác định tính đúng/ sai dựa vào thực tế.
+ Ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết
- Là các ý kiến chủ quan như: quan điểm cá nhân về một vấn đề đang tranh cãi, dự đoán về tương lai, đánh giá chủ quan về sự việc, hiện tượng; có thể được diễn đạt bằng các cụm từ như: tôi cho rằng, tôi thấy,… hoặc các tính từ thể hiện sự đánh giá chủ quan.
- Dựa trên cảm nhận, cách nhìn, diễn giải của cá nhân; không có cơ sở để kiểm chứng.
3. Mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận
- Luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng là những yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong văn bản nghị luận. Mối liên hệ này có tính tầng bậc. Bậc 1 là luận đề, bậc 2 là luận điểm, bậc 3 là lí lẽ và bằng chứng. Có thể hình dung mối liên hệ này qua sơ đồ sau:
- Mối quan hệ này có tính hai chiều, quy định lẫn nhau. Ở chiều thứ nhất, từ luận đề, người viết triển khai thành các luận điểm. Mỗi luận điểm muốn có sức thuyết phục, cần được làm rõ bằng các lí lẽ và mỗi lí lẽ cần được chứng minh bằng các bằng chứng cụ thể. Ở chiều ngược lại, lí lẽ và bằng chứng có tác dụng làm rõ luận điểm, các luận điểm cùng góp phần làm sáng tỏ luận đề của bài.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây