Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tri thức Ngữ văn SVIP
TRI THỨC NGỮ VĂN
1. Lập luận trong văn bản nghị luận
– Giá trị của văn bản nghị luận được quyết định bởi ý nghĩa của vấn đề đặt ra (luận đề) và nghệ thuật lập luận (cách dùng lí lẽ và bằng chứng) của người viết.
– Lập luận bao giờ cũng có tính mục đích, nhằm khẳng định hoặc bác bỏ một quan điểm, ý kiến nào đó. Như vậy, lập luận phải gắn với một luận đề hoặc luận điểm cụ thể mà người viết đã xác định trước một cách rõ ràng.
– Cơ sở của lập luận là lí lẽ và bằng chứng. Việc lựa chọn, sắp xếp lí lẽ và bằng chứng theo một hệ thống chặt chẽ để đi đến kết luận về một vấn đề chính là bản chất của lập luận.
– Lập luận vừa được thể hiện ở phạm vi từng đoạn văn, vừa thể hiện ở quy mô toàn bộ văn bản.
2. Các thao tác được sử dụng trong văn bản nghị luận
– Văn bản nghị luận thường dùng các thao tác như chứng minh, bình luận, bác bỏ để phục vụ trực tiếp cho mục đích thuyết phục.
+ Chứng minh là dùng lí lẽ và bằng chứng giúp người đọc thấy rằng ý kiến được nêu là hoàn toàn có cơ sở, đáng tin cậy. Tùy đề tài cụ thể, người viết chọn bằng chứng từ thực tế cuộc sống hoặc từ tài liệu khoa học, báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật,...
+ Bình luận là đánh giá về sự đúng – sai, hay – dở, tốt – xấu, tích cực – tiêu cực của một quan điểm, ý kiến, sự việc, hành động, nhằm thể hiện rõ chủ kiến của người viết. Sử dụng thao tác bình luận, người viết phải có cái nhìn tổng thể, hiểu được bản chất của đối tượng, thấy được tầm ảnh hưởng của đối tượng đó trong một lĩnh vực cụ thể, và rộng ra, đối với đời sống.
+ Bác bỏ là chỉ ra sự sai lầm, phiến diện hoặc thiếu chính xác của một quan điểm, ý kiến, từ đó củng cố điều được người viết xem là lẽ phải, chân lí. Sử dụng thao tác bác bỏ, người viết phải xem xét quan điểm cần bác bỏ trong nhiều tương quan; tránh cực đoan, hẹp hòi, phiến diện; khi bác bỏ, phải hướng tới khẳng định cái hợp lí, cái đúng đắn có tính phổ quát.
– Bên cạnh đó, văn bản nghị luận cũng có thể dùng những thao tác như giải thích, phân tích, so sánh giúp làm rõ các khía cạnh của vấn đề nghị luận.
+ Giải thích là cắt nghĩa về đối tượng (sự vật, hiện tượng, khái niệm,...) một cách chi tiết, tỉ mỉ, tạo điều kiện cho người đọc hiểu rõ vấn đề được bàn luận trong văn bản. Khi bàn luận, người viết thường đặt câu hỏi: Bản chất của vấn đề (hiện tượng) là gì?/ Cần hiểu như thế nào về vấn đề (hiện tượng) đó?
+ Phân tích là chia tách đối tượng thành nhiều bộ phận, giúp người đọc nhìn thấy rõ hơn các yếu tố và mối quan hệ giữa các yếu tố tạo nên nó. Trong văn nghị luận, phân tích bao giờ cũng phải tiến hành song song với tổng hợp. Phân tích là để quan sát từng bộ phận, từng yếu tố và mối quan hệ giữa chúng, đồng thời phải tổng hợp lại để thấy được tính chỉnh thể, toàn vẹn của đối tượng.
+ So sánh là đặt đối tượng này bên cạnh đối tượng khác để nhận ra điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng, qua đó, làm nổi bật nét đặc thù của đối tượng được bàn luận.
--> Trong bài văn nghị luận, các thao tác trên đây thường được phối hợp với nhau một cách linh hoạt nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây