Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tri thức Ngữ văn SVIP
TRI THỨC NGỮ VĂN
1. Biểu tượng
– Biểu tượng là hình ảnh mang tính ngụ ý, vượt lên chức năng miêu tả, tạo hình đơn giản; chứa đựng nhiều tầng nghĩa phong phú; gợi cảm nhận, suy tư về những điều mang tính phổ quát.
– Biểu tượng thường được hình thành trong khoảng thời gian dài nên ý nghĩa không ngừng được bổ sung và có thể “sống” bên ngoài văn bản.
Ví dụ, các biểu tượng thuyền, bến trong ca dao (“Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”) và trong thơ Xuân Quỳnh (“Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu”); biểu tượng trầu, cau trong ca dao (“Đôi ta như trầu với cau/ Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng”) và trong thơ Nguyễn Bính (“Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”);...
– Ngoài khả năng khái quát bản chất của một hiện tượng, biểu tượng còn thể hiện được những quan niệm, triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống. Do đó, quá trình hình thành biểu tượng luôn chịu sự chi phối của các yếu tố tâm lí, văn hoá,... của dân tộc và thời đại. Trong sáng tác văn học, bên cạnh việc vận dụng những biểu tượng sẵn có, các nhà văn, nhà thơ thường sáng tạo nên những biểu tượng mới mang đậm dấu ấn cá nhân.
– Ví dụ, biểu tượng bùn trong ca dao (“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”) và trong thơ Lưu Quang Vũ (“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”).
2. Yếu tố siêu thực trong thơ
– Để khám phá được một hiện thực khác ẩn đằng sau những hiện tượng thông thường dễ thấy, các nhà thơ siêu thực theo đuổi “lối viết tự động”, để ngòi bút “buông” theo sự dẫn dắt của tiềm thức, vô thức, từ đó, xây dựng một thế giới thơ có sự pha trộn giữa chiêm bao và tỉnh thức, giữa ảo giác và thực tế.
– Yếu tố siêu thực đã xuất hiện thấp thoáng trong một số tác phẩm thơ thời trung đại hoặc thơ dân gian, nhưng chỉ trở thành hiện tượng thẩm mĩ đặc thù trong sáng tác của các nhà thơ theo chủ nghĩa siêu thực hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa này ở thời hiện đại.
Ví dụ:
Xua tan đi một ngày
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
(Nguyễn Xuân Sanh)
Các dòng thơ trên có những kết hợp từ ngữ, hình ảnh khác lạ, dị thường, tạo ra những hình tượng thơ không dễ cảm nhận: nhạc trầm mi, hồn xanh ngát, cung ướp hương,...
3. Phong cách cổ điển
– Phong cách cổ điển là loại phong cách sáng tác được hình thành từ thời trung đại, chịu sự chi phối của một quan niệm về thế giới có tính đặc thù. Theo phong cách này, cuộc sống con người và vũ trụ được hình dung như một mô hình ổn định, có tôn ti trật tự chặt chẽ, vận động theo quy luật tuần hoàn,...
– Từ quan niệm về thế giới như vậy, phong cách cổ điển định hình với các đặc trưng cơ bản: nghiêng về thể hiện những đề tài cao nhã; có cảm hứng đặc biệt với cái vĩnh hằng, bất biến; luôn hướng về những mẫu hình lí tưởng, tôn trọng tính quy phạm của cách tổ chức các yếu tố nghệ thuật thành một cấu trúc hoàn mĩ;...
– Tính quy phạm được thể hiện trong quan niệm sáng tác “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” và qua những quy định chặt chẽ của từng thể loại; tính ước lệ, công thức được thể hiện qua hệ thống thi liệu có tần suất sử dụng cao;... Thể loại cáo phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về người viết, đối tượng, mục đích hướng đến và về bố cục, lời văn, giọng điệu. Một bài thơ được làm theo thể thơ Đường luật không thể bỏ qua những đòi hỏi riêng về bố cục, vần, đối, luật bằng trắc, niêm,...
4. Phong cách lãng mạn
– Xét theo nghĩa rộng, phong cách lãng mạn thường được đặt trong tương quan so sánh với phong cách hiện thực (cả hai phong cách nghệ thuật đã từng xuất hiện trong sáng tác văn học từ thời cổ đại). Xét theo nghĩa hẹp, phong cách lãng mạn gắn với sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn, một trào lưu văn học – nghệ thuật hình thành ở phương Tây vào khoảng nửa cuối thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX.
– Tuỳ theo cảm hứng, thái độ của người cầm bút, chủ nghĩa lãng mạn được chia thành hai khuynh hướng:
+ Khuynh hướng bi quan (hoài nghi thực tại, hoài niệm quá khứ).
+ Khuynh hướng lạc quan (tin tưởng, hướng tới một thế giới tốt đẹp, lí tưởng).
– Trong sáng tác văn học, phong cách lãng mạn có các đặc điểm cơ bản: khẳng định cái cao cả, phi thường và phủ định thực tại tầm thường, tù túng; đề cao cá tính sáng tạo, trí tưởng tượng, sự phóng khoáng; chú trọng thế giới nội tâm với những cảm xúc mạnh mẽ, khoáng đạt, tinh tế và ưa dùng các yếu tố tương phản.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây