Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tri thức Ngữ văn SVIP
TRI THỨC NGỮ VĂN
1. Tiểu thuyết hiện đại
a. Tiểu thuyết
– Tiểu thuyết là loại tác phẩm tự sự quy mô lớn, có khả năng thể hiện các nội dung đa dạng và bao quát một phạm vi hiện thực rất rộng, trải ra trên nhiều không gian, thời gian khác nhau nhưng thường dành sự chú ý đặc biệt cho đời tư hay số phận của con người cá nhân.
– Từ những hình thái đầu tiên xuất hiện ở thời cổ đại, tiểu thuyết phát triển theo nhiều hướng riêng biệt, tuỳ thuộc vào những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hoá, thẩm mĩ nhất định. Đến thời cận đại, hiện đại, tiểu thuyết đạt được bước tiến lớn, trở thành một thể loại chính của đời sống văn học và tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi, phát triển của nhiều thể loại khác.
– Tiểu thuyết có thể được viết bằng văn xuôi hoặc văn vần. Tuy nhiên, không phải tác phẩm truyện thơ nào cũng có thể được nhìn nhận là tiểu thuyết, nếu trong đó, câu chuyện về con người cá nhân và một số vấn đề cơ bản khác thuộc về kết cấu, ngôn ngữ, sự phối hợp các điểm nhìn,... không được thể hiện nổi bật. Trên vấn đề này, có cơ sở để xem Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin (Yevgeny Onegin) của Pu-skin (Pushkin), Truyện Kiều của Nguyễn Du,... là tiểu thuyết – thơ.
b. Tiểu thuyết hiện đại
– Tiểu thuyết hiện đại là loại tiểu thuyết thể hiện một cách tư duy mới, mang tính hiện đại về đời sống, phân biệt với tiểu thuyết cổ điển ra đời trước thời đại tư bản chủ nghĩa. Trong tiểu thuyết hiện đại, giữa các xu hướng tìm tòi có khoảng cách rất lớn. Điều này làm cho việc xác định diện mạo chung của nó trở nên phức tạp. Tuy nhiên, nếu tạm bỏ qua những nét quá đặc biệt của từng xu hướng, có thể nói đến các đặc điểm nổi bật sau của tiểu thuyết hiện đại:
– Nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư; quan tâm đến cái thường ngày, cái đang diễn biến với cách tiếp cận gần gũi; không lí tưởng hoá hiện thực.
– Nhân vật là “con người nếm trải”, không bất biến, có quá trình phát triển nhiều khi quanh co, phức tạp về tính cách, tâm lí.
– Có kết cấu nhiều tầng lớp, tuyến tính hoặc phi tuyến tính; có sự đan xen của nhiều “bè” ngôn ngữ, phản ánh sự tồn tại, xung đột thường xuyên giữa các ý thức xã hội.
– Có khả năng tổng hợp cao mọi thành tựu hay kinh nghiệm nghệ thuật của các thể loại văn học khác để hình thức luôn ở trong trạng thái biến đổi không ngừng.
c. Khả năng lớn lao của tiểu thuyết
– Tiểu thuyết có thể bao quát được bức tranh đời sống rộng lớn với đủ thành phần xã hội và các sự kiện chằng chéo, phức tạp.
– Tiểu thuyết có thể đi sâu khám phá những bí mật của tâm hồn con người, soi tỏ cả những điều có thể xem là dị thường, tưởng chừng không thể giải thích.
– Tiểu thuyết giúp người đọc hiểu rõ tính toàn vẹn của đời sống và khơi dậy ý thức tôn trọng những cách diễn giải, đánh giá khác nhau đối với những gì đã hoặc sẽ diễn ra trong đời sống nhân loại.
2. Phong cách hiện thực
– Phong cách hiện thực là phong cách nghệ thuật chú trọng thể hiện mối quan hệ giữa hoàn cảnh xã hội với sự hình thành tính cách con người, quan tâm miêu tả một cách chi tiết, “như thật” những hình ảnh phong phú, phức tạp của hiện thực cuộc sống, thường loại trừ sự “tô vẽ” hay lí tưởng hoá. Phong cách này có lịch sử phát triển lâu dài, tồn tại trong các sáng tác thuộc nhiều thể loại khác nhau của văn học, nghệ thuật như: thơ, truyện (bao gồm tiểu thuyết), kí, kịch, tác phẩm tạo hình,..
– Trong văn học, phong cách hiện thực đạt đến đỉnh cao với những sáng tác thuộc trường phái hiện thực mà các đại diện tiêu biểu là S. Đích-ken (Ch. Dickens – Anh), H. đờ Ban-dắc (H. de Balzac – Pháp), L. Tôn-xtôi (L. Tolstoy – Nga), Ph. Đốt-xtôi-ép-xki (F. Dostoyevsky – Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc),...
– Trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, phong cách hiện thực gắn với tên tuổi và sáng tác của các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,...
– Phong cách hiện thực thường được đặt trong tương quan so sánh, đối lập với phong cách lãng mạn – một phong cách ưu tiên việc thể hiện cảm nhận chủ quan, đôi khi lí tưởng hoá đối tượng được đề cập và coi trọng sự tưởng tượng, liên tưởng phóng túng.
– Ví dụ: Chiến tranh và hoà bình của Lép Tôn-xtôi (Lev Tolstoy), Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là những tiểu thuyết viết theo phong cách hiện thực.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây