Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Thực hành tiếng Việt SVIP
Đảo ngữ và câu hỏi tu từ
I. Tri thức Ngữ văn
1. Đảo ngữ
- Khái niệm:
Đảo ngữ là biện pháp tu từ thay đổi vị trí thành phần trong cụm từ, trong câu để nhấn mạnh ý nghĩa, làm cho sự diễn đạt thêm sinh động, gợi cảm và giàu âm hưởng.
Ví dụ: Củi một cành khô lạc mấy dòng
(Huy Cận, Tràng Giang)
Thay vì diễn tả thông thường một cành củi khô thì tác giả đã đảo vị trí từ củi lên đầu cụm từ, với mục đích nhấn mạnh hình ảnh sự vật, làm cho cách diễn đạt thêm gợi cảm và giàu âm hưởng.
- Phân loại đảo ngữ:
Hình thức của biện pháp đảo ngữ khá đa dạng, chúng ta có thể phân loại đảo ngữ thành hai loại như sau:
+ Đảo ngữ các thành phần trong câu:
Ví dụ: Đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ Lác đác bên sông rợ mấy nhà thay vì Mấy rợ, mấy nhà lác đác bên sông.
+ Đảo ngữ các thành tố cụm từ:
Ví dụ: Đảo ngữ các thành tố thành Biếc đồi nương thay vì Đồi nương biếc.
- Tác dụng:
Tác dụng chính của biện pháp tu từ đảo ngữ là giúp nhấn mạnh các hình ảnh, sự vật, con người để gây sự chú ý cho người đọc; thể hiện được những cảm xúc, tâm tư giấu kín của người viết, người nói. Ngoài ra đảo ngữ cũng là một biện pháp tu từ cho nên còn có tác dụng tăng sức gợi cảm, gợi hình và sinh động cho câu thơ, câu văn. Thay đổi trật tự câu từ để tạo ra dụng ý nghệ thuật, tạo ra sắc thái tu từ.
2. Câu hỏi tu từ
- Khái niệm:
Câu hỏi tu từ có hình thức giống như một câu hỏi thông thường (kết thúc bằng dấu chấm hỏi), tuy nhiên, mục đích của câu hỏi tu từ không phải để hỏi, không phải để tìm kiếm câu trả lời mà để nhấn mạnh nội dung mà người nói, người viết muốn gửi gắm.
Ví dụ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ)
Câu thơ Sao anh không về chơi thôn Vĩ? là một câu hỏi tu từ. Lời thơ khơi dòng thi tứ tương tự sự biến tấu tình cảm trong lời thơ của người thôn Vĩ, như muốn khẳng định việc thăm hỏi ân cần ấy không phải trong mơ mà có thật
- Phân loại: Câu hỏi tu từ có hai loại:
+ Câu hỏi tu từ mang giá trị khẳng định: Dạng câu hỏi này được sử dụng nhằm mục đích khẳng định lại mệnh đề được nhắc đến trong câu. Đồng thời, nhấn mạnh lại nội dung, ý nghĩa mà người nói, người viết muốn truyền đạt.
+ Câu hỏi tu từ mang giá trị phủ định: Dạng câu hỏi này có thể không chứa các từ ngữ phủ định (không, chưa,…). Tuy nhiên, nó vẫn mang ý nghĩa đối lập, tương phản, phủ định lại mệnh đề được nhắc đến trong câu văn.
- Tác dụng: được dùng nhiều trong các văn bản nghệ thuật, có tác dụng làm cho lời văn trở nên sinh động, đem lại cho người đọc những tưởng tượng lý thú. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta bắt gặp câu hỏi tu từ được mọi người dùng trong giao tiếp với nhau.
II. Luyện tập
Câu 1: Xác định biện pháp tu từ đảo ngữ được sử dụng trong các trường hợp sau và nêu tác dụng của chúng.
a, Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
(Hồ Chí Minh, Lòng yêu nước của nhân dân ta)
Trả lời:
Biện pháp tu từ đảo ngữ lòng nồng nàn yêu nước. Cơ sở xác định: có sự thay đổi vị trí của từ nồng nàn trong cụm từ lòng nồng nàn yêu nước (cách nói thông thường là lòng yêu nước nồng nàn).
b,
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám.
(Tố Hữu, Ta đi tới)
Trả lời:
Cả hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ. Cơ sở xác định: có sự thay đổi vị trí thành phần câu: vị ngữ (đã tan tác, đã sáng lại) đứng trước chủ ngữ những bóng thù hắc ám, trời thu tháng Tám.
Câu 2: Bài thơ Nam quốc sơn hà
Sông núi nước Nam vua Nam trị
Rõ rành định phận tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Các ngươi sẽ thất bại tơi bời.
a, Câu hỏi tu từ trong bài thơ: Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
b, Nhận xét hiệu quả tu từ ấy trong việc thể hiện nội dung của bài thơ: Nhấn mạnh hành động ngang tàng, bạo ngược của giặc ngoại xâm và thể hiện thái độ phản đối, mạnh mẽ của người viết.
Câu 3: Câu hỏi dưới đây có phải là câu hỏi tu từ không? Dựa vào đâu em khẳng định như vậy?
Có ai, một buổi sáng mùa thu, ngồi nhìn ra đường phố, thấy những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán mà không nghe thấy lòng rộn rã yêu đương?
(Vũ Bằng, Cốm Vòng)
Gợi ý trả lời:
- Đây là câu hỏi tu từ.
- Cơ sở xác định: Câu hỏi này không nhằm tìm kiếm câu trả lời mà để bộc lộ tình cảm thiết tha của người viết dành cho cốm làng Vòng.
Câu 4: Viết một đoạn văn (khoảng bốn đến năm câu) có sử dụng ít nhất một câu hỏi tu từ, nêu cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang. Sau đó, cho biết tác dụng của biện pháp ấy trong việc thể hiện nội dung của đoạn văn.
Gợi ý bài làm:
Qua Đèo Ngang là một bài thơ đặc sắc của bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ đã vẽ nên một bức tranh Đèo Ngang hùng vĩ, hoang sơ và rợn ngợp với sức sống le lói, yếu ớt. Qua đó, bài thơ thể hiện một nỗi buồn thời thế, hoài niệm và nỗi nhớ nhà da diết, sự cô đơn trong trái tim của người thi sĩ. Một tấm tình cô đơn có ai chia sẻ,có ai thấu hiểu và tình cảm tác giả gửi vào cảnh thiên nhiên, trời đất?
Câu hỏi tu từ: Một tấm tình cô đơn có ai chia sẻ, có ai thấu hiểu và tình cảm tác giả gửi vào cảnh thiên nhiên, trời đất? giúp thể hiện tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình trong cảnh nước mất nhà tan.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây