Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Lý thuyết Bài 28. Phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ (phần 2) SVIP
III. CÁC NGÀNH KINH TẾ BIỂN
1. Khai thác tài nguyên sinh vật biển
* Khai thác hải sản
- Sản lượng hải sản khai thác tăng nhanh, chiếm hơn 90% tổng sản lượng hải sản của Duyên hải Nam Trung Bộ, chủ yếu là khai thác cá biển (năm 2021, sản lượng khai thác cá biển của Duyên hải Nam Trung Bộ là 996 nghìn tấn).
- Khai thác cá ngừ đại dương đã tạo nên sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho một số địa phương.
- Các tỉnh có hoạt động khai thác hải sản phát triển nhất là Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận,...
- Duyên hải Nam Trung Bộ đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư tàu khai thác công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để tàu đi được dài ngày và đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt. Năm 2021, số tàu khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên đạt 14 750 tàu.
* Nuôi trồng hải sản
- Diện tích và sản lượng hải sản nuôi trồng chiếm tỉ trọng không nhiều, nhưng tập trung vào những loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, đồi mồi, trai lấy ngọc, rong biển,...
- Các địa phương nuôi trồng hải sản nhiều nhất là Khánh Hòa, Phú Yên,...
- Hoạt động nuôi trồng hải sản đang được đẩy mạnh theo hướng áp dụng công nghệ cao, nuôi trồng bền vững góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
2. Giao thông vận tải biển
- Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển, nơi đây đã hình thành nhiều cảng biển loại I, II, III và các bến cảng nước sâu.
+ Các cảng biển loại I là Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa.
+ Các bến cảng nước sâu gồm Dung Quất (Quảng Ngãi), Kỳ Hà (Quảng Nam), Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hoà),...
+ Cảng Đà Nẵng trong tương lai sẽ trở thành cảng cửa ngõ quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây.
+ Cảng Vân Phong được quy hoạch thành cảng trung chuyển quốc tế lớn trong khu vực.
3. Du lịch biển, đảo
- Du lịch biển, đảo là thế mạnh nổi trội của Duyên hải Nam Trung Bộ.
- Các loại hình du lịch biển, đảo được chú trọng phát triển là du lịch nghỉ dưỡng biển, khám phá tự nhiên (rạn san hô, cảnh quan biển, đảo,...), lễ hội biển,...
- Các cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí ngày càng hiện đại.
- Hướng phát triển: Xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
- Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định),... là những trung tâm du lịch biển lớn của cả nước, hằng năm thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.
4. Khai thác khoáng sản biển
- Việc khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên được tiến hành ở thềm lục địa Bình Thuận.
- Duyên hải Nam Trung Bộ đã xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên ở nước ta là nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi với công suất 6,5 triệu tấn/năm, đã đáp ứng 30% nhu cầu xăng, dầu của cả nước.
- Khai thác khoáng sản ti-tan, cát thuỷ tinh được phát triển ở một số khu vực ven biển các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa,... cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
- Phát triển nghề làm muối: Duyên hải Nam Trung Bộ có những cánh đồng muối lớn nhất nước ta như: Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận).
- Phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi. Hiện nay có nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Ninh Thuận), nhà máy điện gió Phong Điện 1 (Bình Thuận),...
IV. HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
Phát triển kinh tế biển của Duyên hải Nam Trung Bộ tập trung vào các hướng sau đây:
- Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển.
- Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi.
- Phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các đường quốc lộ kết nối với Tây Nguyên.
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển.
- Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng an ninh.
- Phát triển Duyên hải Nam Trung Bộ trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế.
- Đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển,...
- Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng và biển; chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây